Đây có lẽ là mức thuế thương mại khủng nhất trong lịch sử một ngành công nghiệp nặng ở Việt Nam.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa có thông báo kết luận cuối cùng vụ việc điều tra lẩn tránh, biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp với thép cán nguội (CRS) và thép chống ăn mòn (CORE) của Việt Nam có nguyên liệu đầu vào từ Hàn Quốc và Đài Loan - Trung Quốc.
Với kết luận này, cơ quan Hải quan Hoa Kỳ tiếp tục thu thuế đối với các mặt hàng thép của Việt Nam với cơ chế cụ thể như sau: Những lô hàng thép CR và CORE xuất khẩu từ Việt Nam không chứng minh được xuất xứ của nguyên liệu thép cán nóng bị áp mức thuế lên đến 456% (mức thuế Hoa Kỳ đang áp dụng với thép Trung Quốc).
Tuy nhiên, các doanh nghiệp không coi đây là thông tin gây sốc. Trả lời báo chí, một ông lớn ngành thép có thị phần xuất khẩu khá tốt vào Mỹ nói rằng họ không bị ảnh hưởng.
Do sản phẩm của họ xuất đi không phải là thép không gỉ và thép cán nguội được sản xuất trên nền chất xuất xứ từ 2 quốc gia, vùng lãnh thổ trong diện DOC điều tra và ra quyết định áp thuế chống bán phá giá.
Hơn nữa, vị chủ doanh nghiệp này cũng nói thêm là thực tế từ 2018, Việt Nam đã bắt đầu giảm lượng nhập khẩu thép cán nóng từ Trung quốc, về gia công chế biến lại.
Thép cán nóng HRC được thay thế, một phần từ nguồn Formosa Hà Tĩnh, nên không bị áp thuế.
Nhưng có điều vị này nhấn mạnh rằng, trong quá trình làm việc với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin khi các bên phối hợp điều tra, họ không có cơ hội chủ động được cung cấp thông tin, chủ động chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu.
Có thể nói, chủ động về thông tin, chủ động chứng minh nguồn gốc xuất xứ đã và đang là một trong những yếu tố mà các doanh nghiệp cần chú trọng, đặc biệt khi đứng trước làn sóng bảo hộ thương mại ngày càng lan rộng - các thị trường xuất khẩu sẽ càng khó khăn hơn.
Tuy nhiên, việc chủ động chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu mới chỉ là một phía của vấn đề để đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi từ các thị trường.
Điều quan trọng là chủ động cả phần nguyên liệu có hàm lượng xuất xứ từ quốc gia đáp ứng các yêu cầu, theo các chuẩn mực hợp tác thương mại.
Ví dụ trong ngành gỗ, nhiều doanh nghiệp trước đây cũng từng rất hoang mang lo lắng với yêu cầu chứng minh truy xuất nguồn gốc gỗ hợp pháp theo quy định tại Hiệp định VPA/FLEGT giữa Việt Nam - EU. Song sau gần 11 tháng kể từ khi Hiệp định hiệu lực, EU vẫn đang là 1 trong 5 năm thị trường nhập khẩu đồ gỗ với giá trị kim ngạch lớn của Việt Nam.