Doanh nghiệp tư nhân cần trở thành động lực chính giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ
Tận dụng cơ hội từ cách mạng công nghiệp 4.0 và các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới với sự chuyển mình mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng. Trong kỷ nguyên này, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng vai trò quan trọng.
Với sự sáng tạo và tự chủ, khu vực này cần trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân đang đối mặt với nhiều thách thức như môi trường kinh doanh chưa thuận lợi, thiếu kết nối với chuỗi giá trị toàn cầu, và sự cạnh tranh từ doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Do đó, cải cách chính sách để phát huy tối đa vai trò của khu vực tư nhân là nhiệm vụ cấp bách, giúp Việt Nam vươn xa trên trường quốc tế.
Xác định vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới
Mục tiêu của mỗi nền kinh tế là thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, từ đó tạo ra công ăn việc làm, nâng cao phúc lợi xã hội cho người lao động, thúc đẩy công nghệ và đóng góp vào ngân sách quốc gia. Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp tư nhân trong nước cần được xem là trung tâm phát triển kinh tế, với sự hỗ trợ và thúc đẩy từ doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, việc phát triển doanh nghiệp FDI theo hướng kết nối với doanh nghiệp tư nhân trong nước sẽ giúp cả hai cùng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò then chốt trong việc tạo ra giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Họ không chỉ tham gia vào các ngành thâm dụng lao động mà còn có tiềm năng lớn trong các lĩnh vực sáng tạo, công nghệ cao và sản xuất tinh vi. Bằng việc tập trung vào đổi mới sáng tạo và nâng cao năng suất, doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp vào phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, giúp đất nước bắt kịp các xu hướng công nghệ và cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia. Những doanh nghiệp này, với khả năng ra quyết định nhanh chóng và sáng tạo, là nền tảng quan trọng để chuyển đổi nền kinh tế từ thâm dụng lao động sang nền kinh tế tri thức, gia tăng giá trị trong các sản phẩm và dịch vụ.
Doanh nghiệp tư nhân còn đóng góp quan trọng trong việc tạo ra việc làm và nâng cao chất lượng lao động. Khi doanh nghiệp phát triển, không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho hàng triệu lao động mà còn mở ra cơ hội đào tạo, phát triển kỹ năng cho người lao động. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn giúp gia tăng thu nhập cho người dân, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững và phúc lợi xã hội. Đồng thời, doanh nghiệp tư nhân đóng góp vào ngân sách quốc gia thông qua thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng, giúp Chính phủ đầu tư vào các lĩnh vực công cộng quan trọng như giáo dục, y tế và cơ sở hạ tầng.
Để cụ thể hóa quan điểm này, cần định hướng doanh nghiệp tư nhân trở thành thành phần kinh tế trung tâm, vì họ hội tụ đủ các yếu tố cần thiết để phát triển bền vững. Doanh nghiệp tư nhân sở hữu tài sản riêng, tạo động lực mạnh mẽ để đổi mới sáng tạo trong sản phẩm và công nghệ, từ đó đóng góp vào việc xây dựng văn minh xã hội. Khi doanh nghiệp phát triển, họ sẽ tập trung vào tuyển dụng, đào tạo và phát triển nhân lực, qua đó nâng cao trình độ lao động, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Sự thành công trong kinh doanh cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp nộp thuế, đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Với sự linh hoạt, sáng tạo và khả năng ứng phó nhanh chóng với thay đổi của thị trường, doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò to lớn trong việc khai thác và phát huy nguồn lực của đất nước, góp phần đưa quốc gia vươn lên mạnh mẽ trên trường quốc tế.
Thúc đẩy sự cộng hưởng giữa các khu vực doanh nghiệp
Bên cạnh xác định rõ vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới, cũng cần thúc đẩy sự cộng hưởng giữa các khu vực kinh tế nhà nước, tư nhân và FDI. Theo đó, cần điều chỉnh chính sách để ưu tiên doanh nghiệp tư nhân, không chỉ tập trung vào khu vực nhà nước và FDI. Chính sách tài khóa nên hỗ trợ mạnh mẽ khu vực tư nhân, song cũng cần tránh tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp trong nước nói chung. Chính sách tiền tệ cần tạo cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp tư nhân, đồng thời cải cách hành chính để giảm chi phí và nâng cao khả năng tiếp cận thông tin.
Môi trường chính sách pháp luật có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy thành lập, phát triển doanh nghiệp. Các hoạt động của doanh nghiệp từ khâu thành lập đến thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh như xuất nhập khẩu, sử dụng lao động, vận hành sản xuất, quản lý tài chính, phân phối hàng hoá, đầu tư,… đều chịu sự quản lý của Nhà nước. Đến khi kết thúc doanh nghiệp như giải thể, phá sản... doanh nghiệp cũng thực hiện rất nhiều thủ tục pháp lý để chấm dứt hoạt động. Chính sách pháp luật và tính nghiêm minh của chúng tác động đến sự cạnh tranh lành mạnh hay không lành mạnh, thúc đẩy hoặc cản trở tinh thần làm ăn chân chính kiến tạo giá trị, văn minh xã hội.
Để phát triển nền kinh tế tư nhân, các cơ chế chính sách cần tập trung vào xây dựng các cụm ngành công nghiệp mở, kết nối các FDI và doanh nghiệp trong nước, thúc đẩy hợp tác giữa các tỉnh và quốc gia, cải thiện hạ tầng sản xuất, phát triển liên kết doanh nghiệp - nhà trường, và xây dựng chính phủ thông minh. Ngoài ra, xã hội hóa các dịch vụ công và tạo cơ chế thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào các dự án công tư là những yếu tố quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế tư nhân bền vững.
Để giúp doanh nghiệp tư nhân tiếp cận thị trường, cần triển khai các chương trình kết nối cung - cầu, tạo cơ hội cho doanh nghiệp lớn gặp gỡ các doanh nghiệp khởi nghiệp và cho doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp xúc với các đối tác toàn cầu. Một trong những rào cản lớn nhất trong hợp tác là sự khác biệt về tiêu chuẩn và yêu cầu giữa các doanh nghiệp lớn và nhỏ, vì vậy các chương trình kết nối cần tập trung vào việc giúp các doanh nghiệp nhỏ nắm bắt và đáp ứng các yêu cầu này.
Bên cạnh đó, các chương trình mua sắm công nên ưu tiên sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp khởi nghiệp, đặc biệt là những đặc sản địa phương, trong các đợt mua sắm công. Đồng thời, các chương trình hợp tác giữa các địa phương trong và ngoài nước cần tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng cơ hội làm ăn quốc tế. Chính quyền đóng vai trò là người khởi xướng, còn doanh nghiệp là chủ thể tham gia chính. Vì vậy, các chương trình hợp tác cần được thiết kế linh hoạt, dựa trên nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp khởi nghiệp ở mỗi địa phương.
Doanh nghiệp tư nhân đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập và chuyển đổi mạnh mẽ. Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, khu vực này vẫn đối mặt với nhiều thách thức từ môi trường kinh doanh và sự cạnh tranh từ doanh nghiệp nhà nước và FDI. Để phát huy tối đa tiềm năng, cần cải cách chính sách sâu rộng, tạo ra môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tiếp cận tài nguyên, công nghệ và các cơ hội phát triển.
Doanh nghiệp Nhà nước cần xác định rõ vai trò là hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Doanh nghiệp Nhà nước nên chỉ tham gia vào các lĩnh vực mà tư nhân khó khai thác hoặc hoạt động như một công cụ điều tiết vĩ mô của Nhà nước, nhằm đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa các vùng miền, bảo vệ an ninh quốc gia và bảo vệ bí mật quốc gia. Đối với doanh nghiệp FDI, cần được xem là thành phần huy động nguồn lực từ bên ngoài, kết nối với doanh nghiệp tư nhân trong nước để nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.
Doanh nghiệp tư nhân cần được xác định là trung tâm của sự phát triển, kết nối với doanh nghiệp nhà nước và FDI để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Việc điều chỉnh các cơ chế tài chính và tín dụng, khuyến khích đầu tư thực sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo và tăng trưởng bền vững. Cùng với sự hỗ trợ từ các thành phần kinh tế khác, doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực chính giúp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ, khẳng định vị thế trên trường quốc tế và đạt mục tiêu phát triển vào năm 2045./.