Nhiều tín hiệu tích cực
Sau thời gian giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp bất động sản đã lên kế hoạch phát triển dự án mới.
Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển DKRA Vietnam cho biết, trong giai đoạn giãn cách xã hội, thị trường bất động sản gần như đứng im. Tuy nhiên, ngay khi hết lệnh giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội đã từng bước quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường.
“Có thể nói, đến giữa tháng 5/2020, mọi hoạt động gần như đã trở lại như trước Tết Nguyên đán, trong đó nổi bật là hoạt động của thị trường bất động sản TP.HCM”, ông Hoàng nói và cho biết thêm, nguồn cung bất động sản mới trong tháng 5 đã tăng nhiều hơn so với tháng 4 và quý I/2020. Sức mua cũng được ghi nhận tốt hơn và dự kiến, thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM sẽ phục hồi sôi động trở lại từ cuối quý II/2020. Sang đến quý III và đến cuối năm, tình hình có thể sẽ tiếp tục tích cực hơn.
Không chỉ tại thị trường TP.HCM, các thị trường lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An cũng có nhiều động thái tích cực.
Cụ thể, ngày 18/6, Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt và Tập đoàn Danh Khôi đã ký kết hợp tác đầu tư và phát triển dự án Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại TP. Thuận An (Bình Dương). Hay trước đó, Tập đoàn Pi Group đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Hòa Bình và Công ty Unicons để triển khai xây dựng tòa tháp Park 3, 4, 5 tại dự án Picity High Park (quận 12, TP.HCM)…
Bên cạnh các dự án bất động sản, khoảng đầu tháng 5, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM đã đồng loạt khởi công xây dựng 13 dự án hạ tầng giao thông lớn với tổng vốn hơn 3.500 tỷ đồng, gồm dự án cầu vượt trước Bến xe miền Đông mới trên xa lộ Hà Nội, cầu Mỹ Thủy 3…
Những tín hiệu tích cực từ thị trường bất động sản và các dự án hạ tầng giao thông đã tạo ra cú huých cho thị trường vật liệu xây dựng.
Kỳ vọng tăng trưởng
Báo cáo tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2020 vừa diễn ra, ông Võ Hoàng Vũ, Tổng giám đốc Công ty Thép Nam Kim (NKG) cho biết, ngành thép trong và ngoài nước, đặc biệt là sản phẩm tôn mạ bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19.
Ngoài ra, thị trường thép bị ảnh hưởng bởi nguồn cung lớn từ Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, Công ty vẫn đặt ra kế hoạch 2020 với sản lượng tiêu thụ tăng 36%, đạt 700.000 tấn; doanh thu 12.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần thực hiện 2019.
Tương tự, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 25/6, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) chia sẻ, trong quý II/2020, Công ty đạt gần 2.700 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, luỹ kế 6 tháng đạt 5.000 tỷ lợi nhuận sau thuế, tương đương tăng gần 30% cùng kỳ năm trước.
Theo ông Long, HPG may mắn không chịu ảnh hưởng lớn bởi Covid-19 so với các ngành khác khi trong thời gian vừa qua, Chính phủ ủng hộ đầu tư công, nên kinh doanh sắt thép cũng được hưởng lợi.
Đối với doanh nghiệp sản xuất gạch không nung, các doanh nghiệp cũng “xắn tay” vào sản xuất và tiếp tục mở rộng thị trường để “bù” cho khoảng thời gian đầu năm 2020.
Trao đổi với phóng viên, ông Trịnh Nhiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xanh Đại Dũng cho biết, ngay sau khi hết giãn cách xã hội, Công ty đã tăng tốc sản xuất, làm thêm cả vào ngày Chủ nhật để đáp ứng các đơn hàng.
“Định hướng phát triển lâu dài của chúng tôi trong thời gian tới là tăng năng lực sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng ứng dụng của gạch không nung vào cuộc sống”, ông Nhiên nói và cho biết, trong thời gian tới, Công ty sẽ đưa ra thị trường dòng sản phẩm gạch tự chèn công nghiệp, cường độ cao đạt mác đến 600 và cao hơn, nguyên khối chuyên dùng để lát sân bãi, kho container, bến cảng siêu trọng.
Đối với ngành xi măng, ông Baptiste Legeret, Giám đốc thương mại của Xi măng INSEE Việt Nam cho biết, trong trung và dài hạn, doanh nghiệp vẫn tin tưởng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Các dự án cơ sở hạ tầng lớn vẫn đóng vai trò rất quan trọng để kích thích nền kinh tế, qua đó ngành vật liệu xây dựng cũng được hưởng lợi theo.
Tuy nhiên, hiện có nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM đang trong thời gian triển khai nhưng bị hoãn lại bởi thiếu giấy phép xây dựng. Những dự án này rất quan trọng để thúc đẩy sự tăng trưởng của đất nước nói chung và phát triển của ngành xây dựng nói riêng. Không có các dự án bất động sản này, các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị của ngành xây dựng sẽ gặp khó khăn nghiêm trọng.
“Chúng tôi hy vọng rằng vấn đề cấp giấy phép xây dựng có thể được giải quyết nhanh chóng với giải pháp thực tế và bền vững”, ông Baptiste Legeret nhấn mạnh.