Càng làm, càng lỗ
Chia sẻ về những khó khăn đối với doanh nghiệp trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hiện nay, ông Nguyễn Văn Lành, Tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng Việt Tiến cho biết: “Chúng tôi hiện có mấy dự án chưa thể khởi công do vật liệu xây dựng tăng giá. Khó khăn lắm mới giải phóng được mặt bằng, nhưng sắt thép tăng giá, nếu cố làm thì lỗ nặng. Dịch dã đã khó rồi, giờ giá cả vật liệu tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp xây dựng càng thêm điêu đứng”.
Trong các loại hàng hóa vật liệu xây dựng, sắt thép là mặt hàng có giá tăng nhanh và cao nhất hiện nay. “Trước Tết, giá sắt thép ở mức 12.000 đồng/kg, đến nay đã lên đến gần 20.000 đồng/kg. Không chỉ sắt thép, các loại vật liệu xây dựng khác như xi măng, gạch, cát sỏi, ống nhựa cũng đồng loạt tăng giá với mức tăng thấp nhất là 20%. Vừa rồi, chúng tôi trúng một gói thầu xây dựng trụ sở làm việc với giá 15 tỷ đồng, mà giờ bóc tách dự toán ra thì lỗ mất khoảng 1 tỷ đồng tiền sắt thép”, ông Lành cho biết thêm.
Giá vật liệu xây dựng tăng đã khiến giá trị các gói thầu bị đẩy lên cao hơn so với thời điểm dự án được cơ quan chức năng phê duyệt tổng mức đầu tư, cũng như khi đấu thầu lựa chọn nhà thầu thi công dự án. Tuy vậy, vì đã lỡ ký hợp đồng nên doanh nghiệp buộc phải “cắn răng” làm, nếu không sẽ bị phạt vi phạm hợp đồng.
Tương tự, ông Trần Ngọc Triển, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương Mại 36 cho biết, công ty ông đang thực hiện một số dự án xây dựng cơ bản do Nhà nước đầu tư, nhưng việc giá vật liệu xây dựng tăng cao hiện nay đã khiến các gói thầu đang thi công cầm chắc lỗ.
“Bây giờ làm cũng chết, không làm cũng chết vì giá vật liệu xây dựng, sắt thép không biết tăng lên đến mức nào nữa. Giá cả leo thang từng ngày, trong khi giá ban hành của Sở Xây dựng không theo kịp giá thị trường”, ông Triển than thở.
Nguy cơ vỡ tiến độ dự án
Các doanh nghiệp nhận định, trừ mặt hàng sắt thép tăng giá có nguyên nhân do nguyên liệu đầu vào như phôi, quặng nhập khẩu tăng giá, thì đa số vật liệu xây dựng khác như xi măng, gạch, ống nhựa, cát… giá tăng phần lớn là do các đại lý “té nước theo mưa”.
“Tình hình chưa đến nỗi khan hiếm, nhưng giá các loại vật liệu thi nhau tăng thì rất đáng lo ngại. Nếu Nhà nước không có chính sách kiểm soát giá hay xem xét thay đổi việc điều chỉnh tổng mức đầu tư với một số dự án hợp đồng trọn gói thì nhà thầu cầm chắc thua lỗ, thậm chí phá sản”, ông Nguyễn Văn Lành nói.
Ông Lê Văn Quân, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng T&Q cho biết, theo các quy định của Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và một số nghị định về quản lý dự án, quản lý chi phí đầu tư xây dựng… thì các dự án hợp đồng trọn gói (quy mô đầu tư dưới 20 tỷ đồng) không thể điều chỉnh tổng mức đầu tư trong quá trình triển khai, nên khi thay đổi mức giá vật liệu xây dựng khiến dự án đội giá thì doanh nghiệp cũng buộc phải chịu lỗ mà làm.
“Hợp đồng trọn gói là phải thực hiện thi công trong suốt thời gian thực hiện dự án với một đơn giá cố định. Điều này đã được quy định tại các điều luật liên quan nên việc điều chỉnh tổng mức đầu tư công trình khi đơn giá tăng lên là không thể thực hiện được”, ông Quân nói.
Cũng theo ông Quân, với việc giá cả các loại vật liệu xây dựng tăng một cách không kiểm soát hiện nay, nếu cơ quan chức năng không có giải pháp xử lý căn cơ, lâu dài, sẽ ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng và giải ngân các dự án đầu tư công như: vỡ tiến độ, chậm tiến độ, tỷ lệ giải ngân thấp, chất lượng công trình không đảm bảo. Bên cạnh đó, các nhà thầu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn, rủi ro như đối diện với các hình thức bị xử phạt hợp đồng, chấm dứt hợp đồng hoặc cấm đấu thầu.
Theo ông Hoàng Minh Thái, Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Bình, Sở được UBND tỉnh ủy quyền thông báo giá của các loạt vật liệu xây dựng trên địa bàn. Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng thay đổi liên tục, Sở đã khẩn trương cập nhật bảng giá mới phù hợp với giá cả trên thị trường hiện nay để các dự án làm căn cứ đưa ra mức giá mời thầu.
“Mới đây, trong tháng 4, Sở cũng đã công bố bảng giá mới bám sát với giá do các đơn vị kinh doanh vật liệu xây dựng cung cấp. Trong vài ngày tới, Sở sẽ tiếp tục cập nhật bảng giá mới của tháng 5. Trước đây, việc cập nhật bảng giá được thực hiện mỗi quý một lần, thì hiện nay mỗi tháng một lần”, ông Thái thông tin.
Còn tại Quảng Trị, ông Lê Công Định, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh này cho biết, Sở đã triển khai thu thập, đánh giá lại tình hình thực tế và phân ra các nhóm vật liệu để tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi các bộ, ngành liên quan điều chỉnh giá, nhất là đối với các nhóm vật liệu xây dựng tăng cao, khi có thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan, Sở sẽ triển khai ngay.