Cụ thể, tại văn bản số 30/HHNĐ gửi tới VCCI, UBND tỉnh Nam Định mới đây, ông Trần Xuân Ngữ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định thông tin đối với các công trình xây dựng dân dụng và hạ tầng có giá trị từ 10 tỷ đồng trở xuống hiện giá trị bù lỗ cho vật liệu xây dựng (VLXD) đầu vào lên đến khoảng 600 - 700 triệu đồng.
Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cho biết, qua khảo sát mặt bằng giá cả thị trường trong tỉnh thời gian qua cho thấy giá các loại vật liệu đầu vào của các công trình xây dựng trên thị trường tăng cao, đặc biệt là mặt hàng thép các loại, thậm chí có những loại VLXD xảy ra tình trạng khan hiếm bất thường như cát xây dựng.
Cũng theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định thì khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay là do tác động kép của dịch bệnh COVID-19 và giá VLXD tăng cao.
Ở khía cạnh giá VLXD theo ông Trần Xuân Ngữ, tính trong tổng giá trị công trình thì chi phí VLXD đầu vào chiếm 60%, chi phí nhân công chiếm 20%. Do đó, đối với các công trình thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, hợp đồng trọn gói, đơn giá cố định, giá cả thị trường của các loại VLXD tăng cao khiến cho các doanh nghiệp xây dựng thực sự gặp rất nhiều khó khăn, rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡn nan, làm thì lỗ, không làm thì vi phạm hợp đồng đã ký với chủ đầu tư, nhiều doanh nghiệp phải tạm giãn tiến độ thi công để nghe ngóng thị trường.
Bên cạnh đó, việc bùng phát dịch bệnh COVID-19 cũng khiến một số doanh nghiệp xây dựng phải dừng thì công cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình phát triển kinh tế chung, nhất là các doanh nghiệp thương mại kinh doanh VLXD, xăng dầu không có đầu ra dẫn đến một lượng lớn nhân công không có việc làm và thu nhập.
Trước tình hình khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Nam Định đang gặp phải, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định đã đưa ra một số kiến nghị, đề xuất các cơ quan có thẩm quyền liên quan nghiên cứu đưa ra các giải pháp hữu hiệu kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xây dựng, cụ thể.
Đối với các dự án, công trình đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước, đề xuất UBND tỉnh Nam Định và các ngành có liên quan xem xét hỗ trợ doanh nghiệp được điều chỉnh giá (cả đối với HĐ trọn gói), cho phép kéo dài thời gian thực hiện HĐ hoặc cho tạm dừng thi công chờ bình ổn giá.
Chỉ đạo các ngành chức năng điều tra, cập nhật kịp thời thông báo các loại vật tư xây dựng cho sát với giá thị trường. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét, rà soát lại các quy hoạch khai thác VLXD, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác hiệu quả đảm bảo nguồn cung VLXD.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Nam Định cũng kêu gọi các nhà đầu tư xem xét, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp vì trách nhiệm xã hội chung và trách nhiệm cộng đồng, các chủ đầu tư có thể chia sẻ, hỗ trợ với các doanh nghiệp xây dựng trong lúc này.
Liên quan đến vấn đề các doanh nghiệp nhà thầu gặp phải nhiều khó khăn do giá VLXD, nhất là giá thép tăng cao thời gian qua, báo chí đã có loạt bài phản ánh, phân tích về thực trạng cũng như chuyển tải những ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp liên quan.
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) dù có sự chưa thống nhất trong số liệu giữa Tổng Cục thống kê và số liệu ghi nhận thực tế của VACC nhưng sự khó khăn của các doanh nghiệp nhà thầu là có thật, nếu không sớm có những giải pháp tháo gỡ thì rất có thể sẽ dẫn đến tình trạng phá sản của một số doanh nghiệp không chịu đựng được.
Ở góc độ pháp lý, trong bối cảnh phát sinh nguy cơ tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây lắp giữa doanh nghiệp nhà thầu và chủ đầu tư theo chia sẻ của một Luật sư có kinh nghiệm nhiều năm trong việc hòa giải tranh chấp giữa các doanh nghiệp với thì Trường hợp giá VLXD tăng quá cao khiến doanh nghiệp nhà thầu nếu thực hiện hợp đồng có thể thua lỗ nặng được xem là trường hợp "hoàn cảnh thay đổi cơ bản" để đàm phán lại hợp đồng như quy định đã có trong Bộ luật Dân sự năm 2015./.