Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức: “Ngã ở đâu đứng dậy ở đó!”

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức: “Ngã ở đâu đứng dậy ở đó!”

Thứ Sáu, 15/04/2022 - 06:09

Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai: "Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”.

LTS: Ngày 13/10/1945, trong bức thư động viên, đặt niềm tin và khẳng định vai trò, sứ mệnh của các doanh nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân cùng chung sức phát triển nền kinh tế đất nước, từ đó tạo được lòng tin và những làn sóng tích cực cho phong trào thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Gần 8 thập kỷ đã trôi qua, những khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân là người làm giàu cho đất nước vẫn còn nguyên giá trị. Ngày nay, Đảng, Nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân vẫn đang tiếp tục nỗ lực thực hiện lời căn dặn này của Người.

Sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế, nòng cốt là doanh nghiệp và doanh nhân. Doanh nghiệp là tài sản quốc gia, doanh nhân là hiền tài của đất nước. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có lực lượng doanh nhân hùng hậu, trong đó có nhiều doanh nhân đã trở thành niềm kiêu hãnh, phát triển bền vững, kinh doanh sáng tạo và có trách nhiệm với dân tộc. Đó là nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Trên tinh thần đồng hành cùng các doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào hành trình xây dựng đất nước, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Doanh nhân và khát vọng Việt Nam khởi nghiệp".

Bài 19: Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức: “Ngã ở đâu đứng dậy ở đó!”

Trân trọng gửi tới quý độc giả!

Có một câu nói nổi tiếng của Nelson Mandela - người từng được coi là biểu tượng của dân chủ và công bằng xã hội, đã nhận hơn 250 giải thưởng trong bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa Bình vào năm 1993: “Đừng đánh giá tôi bằng thành tựu của tôi, mà hãy đánh giá tôi bằng số lần tôi vấp ngã và có thể đứng dậy lần nữa".

Với doanh nhân Đoàn Nguyên Đức sau 60 năm tuổi đời và 30 năm bước chân vào thương trường, số lần “vấp ngã và có thể đứng dậy” của ông nhiều đến nỗi khiến không ít người khâm phục và ngưỡng mộ.

Cho đến giờ này, nếu hỏi trong các doanh nhân thành danh của Việt Nam hiện nay, những ai chiếm được tình cảm của nhiều người dân nhất, đặc biệt là những người yêu mến môn thể thao bóng đá thì có thể chắc chắn một điều, một trong số đó có tên “Bầu Đức”.

Và nếu hỏi, trong những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam hiện nay, có thương hiệu nào để lại nhiều bài học thăng trầm nhất, gây nên những bước đi táo bạo, mạo hiểm khiến cho thị trường nhiều khi phải nín thở, hồi hộp, lo lắng trong suốt sự nghiệp tồn tại và phát triển thì cũng gần như chắc chắn trong đó có Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).

Lại hỏi, trong những người giàu có hàng đầu ở Việt Nam liệu bao nhiêu người có tính cách cởi mở, trượng nghĩa; thẳng thắn nhận thất bại và hoan hỉ ra mặt khi thành công; sẵn sàng chia sẻ với bất cứ ai, về bất cứ vấn đề gì mà mình quan tâm và “nổ” đến nơi đến chốn thì cũng chắc chắn có tên doanh nhân Đoàn Nguyên Đức…

Nói như vậy để thấy rằng, Đoàn Nguyên Đức có thể liệt vào dạng “doanh nhân cá biệt” mà nhiều người muốn tìm hiểu và học hỏi điều gì đó ở ông.

TỪ LẬN ĐẬN VÀO ĐỜI ĐẾN... ĐỈNH VINH QUANG

Doanh nhân Đoàn Nguyên Đức cũng như hàng triệu thanh niên khác ở một đất nước thuần nông Việt Nam, sinh ra từ một gia đình nông dân đông con, có đến 9 anh chị em và ông là con thứ 3 trong gia đình, sinh năm 1962, Nhâm Dần.

Theo phong thủy, những người sinh năm 1962 thuộc mệnh Kim Bạch Kim (tức là vàng pha bạc). Đa phần những người thuộc cung hoàng đạo này là người kiên trì và can đảm, luôn sẵn sàng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống.

Họ thường là những người có tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, thích mạo hiểm, khá thông minh và khéo léo trong cách ứng xử hàng ngày. Do đó, họ thường được yêu mến trong công việc, có danh tiếng và sự giàu có. Đặc biệt còn là người có nhân phẩm và địa vị lớn trong xã hội…

Với ai cùng tuổi Nhâm Dần thì không biết nhưng với Đoàn Nguyên Đức, những lời “thánh phán” ấy tựa như bức tranh ký họa phác thảo sẵn tính cách, sự nghiệp và cuộc sống của ông cho đến tận bây giờ.

Thử thách đầu tiên của ông là vào năm 1982, sau khi tốt nghiệp phổ thông, từ Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức lần mò về TP.HCM thi đại học và thi đến 4 lần mà vẫn không đậu. Với một thanh niên nông thôn mới lớn, kiên trì thi đại học đến lần thứ ba thì đã là người có ý chí đáng nể rồi nhưng đến lần thứ tư (có lẽ chỉ thua cụ Tú Xương, thi đến 8 lần) mà không đạt được mục tiêu đầu đời của mình thì quả là lận đận.

Đối mặt với bức tường thi cử ấy, ông không nản với tâm niệm “học thầy không tày học bạn” nên quay trở lại Gia Lai để làm lao động chân tay, tiếp tục phụ giúp gia đình nuôi các em.

Ông từng tâm sự: “Sau những cú sốc ấy, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó. Con đường học vấn không mỉm cười với mình thì nên chọn con đường khác. Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng”.

Sau một thời gian làm thuê ở Gia Lai, ông tích góp được một khoản tiền đủ để mở một phân xưởng mộc nhỏ. Đó là vào năm 1990, ông tự tay cưa, bào, đục đẽo để làm ra sản phẩm đầu tiên là chiếc bàn cho học sinh.

Hồi ấy, công cuộc đổi mới của đất nước đã hé mở cánh cửa cho các doanh nhân nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam, đặc biệt là các doanh nhân Châu Á và vùng Đông Nam Á. Thật may mắn, khoảng năm 1991, tình cờ Đoàn Nguyên Đức gặp một chuyên gia người Đài Loan đi tìm hiểu thị trường đầu tư kinh doanh mặt hàng gỗ ở Gia Lai và người đó muốn hợp tác đầu tư liên doanh. Phía Đài Loan sẽ cung cấp máy móc, thiết bị và hướng dẫn kỹ thuật, còn xưởng mộc của Đoàn Nguyên Đức chịu trách nhiệm làm ra sản phẩm gỗ, quản lý sản xuất. Năm 1992, xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku ra đời với hoạt động kinh doanh chế biến xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ.

Nói là may mắn bởi lẽ, nếu không gặp cái “ông Đài Loan” ấy thì với những chiếc bàn ghế học sinh kia, Đoàn Nguyên Đức bao giờ mới có thể bước vào danh sách những người giàu nhất Việt Nam? Nhưng ngược lại, cái “ông Đài Loan” ấy cũng không thể bỏ tiền hợp tác đầu tư với một thanh niên chưa đầy 30 tuổi mà không nhìn ra những tố chất, những khát vọng cháy bỏng với tính cách trung thực, thẳng thắn đến hoang dã… của Đoàn Nguyên Đức.

Sau 4 năm hợp tác làm ăn với Đài Loan, Đoàn Nguyên Đức đã trả lại hết nợ và toàn quyền quản lý khối tài sản máy móc thiết bị nhà máy. Trên nền tảng đó, ông mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua việc tham gia các hội chợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài. Đến năm 1995, sản phẩm gỗ của Hoàng Anh Pleiku đã được xuất khẩu sang nhiều nước lớn trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc, Đức, Pháp…

Ý chí lập nghiệp mãnh liệt, chăm chỉ và sáng tạo, có một chút thiên phú kinh doanh, rồi kèm theo là một chút may mắn… đã tạo nên nguồn lực không thể cưỡng nổi đưa Đoàn Nguyên Đức hình thành vinh quang trong sự nghiệp.

Từ năm 2000, Đoàn Nguyên Đức mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh sang các lĩnh vực khác, như: Đá granit, chế biến mủ cao su, sản xuất bao bì, đầu tư kinh doanh khách sạn - khu du lịch, bất động sản... Ông chính thức đổi tên doanh nghiệp thành Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Và cũng từ đây, thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai đã được định vị không chỉ trên thị trường trong nước mà còn lan tỏa ra nhiều nước ở Đông Nam Á. Hoàng Anh Gia Lai đã đạt được giải thưởng Sao Đỏ năm 1999, hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2003, Sao Vàng Đất Việt năm 2004…

Lĩnh vực bất động sản cũng đã đem lại nguồn doanh thu và lợi nhuận quan trọng trong sự nghiệp của ông. Một trong những dự án lớn đầu tiên được HAGL triển khai là Khu căn hộ cao cấp Hoàng Anh Đầm Sinh Thái tại TP. Quy Nhơn (Bình Định) năm 2006 và hoàn thành 2 năm sau đó. Cùng với đó là khởi công nhiều dự án căn hộ trung và cao cấp lớn, như: Căn hộ cao cấp & TTTM Hoàng Anh - Hoàng Văn Thụ (TP. Pleiku); Khu căn hộ cao cấp New Saigon (TP.HCM); Khu căn hộ cao cấp & TTTM DV Golden House (TP.HCM); Khu căn hộ & TTTM Tây Nguyên Plaza (TP. Cần Thơ)…  

Đến năm 2008, vinh quang tột đỉnh đã đến với ông. Vượt qua khoảng 4.000 ứng viên trong bảng xếp hạng, Chủ tịch Tập đoàn HAGL Đoàn Nguyên Đức đã giành vị trí quán quân với 6.160 tỷ đồng cổ phiếu HAG. Tại thời điểm cổ phần hóa năm 2006, HAGL có số vốn điều lệ gần 296 tỷ đồng. Hơn hai năm sau, số vốn này tăng gấp 6 lần, lên mức 1.798 tỷ đồng.

Năm 2009, Đoàn Nguyên Đức tiếp tục dẫn đầu Top 100 người giàu trên sàn chứng khoán với tài sản tăng gần gấp đôi năm trước. Khi đó, 100 thành viên trong danh sách ấy cũng chỉ nắm khoảng 75.000 tỷ đồng, tương đương gần 4 tỷ USD.

CÂY CAO SU VÀ "CƠN SÓNG THẦN" CỦA THỊ TRƯỜNG

Lớn lên từ vùng đất cao nguyên bazan rộng lớn nên hơn ai hết Đoàn Nguyên Đức hiểu thế mạnh kinh tế của cây cao su. Cao su là cây công nghiệp dài ngày, sau từ 5 - 7 năm chăm sóc mới cho thu hoạch mủ, sản phẩm đã từng được mệnh danh là “vàng trắng”. Tuy nhiên bù lại, nó có thể cho thu hoạch liên tục 8 - 10 tháng trong một năm và kéo dài từ 28 - 30 năm.

Thời kỳ đó, sức hấp dẫn của thị trường cao su trên thế giới thật khó cưỡng nổi đối với bất cứ doanh nhân nào. Năm 2008, Việt Nam xuất khẩu cao su khối SVR3L đạt trên 332 ngàn tấn với trị giá 884,37 triệu USD, tăng 7,63% về lượng và tăng 37,91% về trị giá. Giá xuất khẩu trung bình đạt 2.663 USD/tấn, tăng 28,15% so với giá xuất khẩu trung bình năm 2007. Giá xuất khẩu chủng loại cao su này sang thị trường Nhật Bản và CH Séc đạt cao nhất, trung bình gần 3.000 USD/tấn. Ngoài ra, giá xuất khẩu trung bình sang một số thị trường khác cũng đạt khá như Đức đạt 2.894 USD/tấn; Đài Loan đạt 2.785 USD/tấn; Trung Quốc đạt 2.650 USD/tấn…

Đoàn Nguyên Đức đã mê mẩn với loại cây công nghiệp này từ lâu nên ông từng tuyên bố đanh thép: “Dù bán nhà cũng phải trồng cây cao su”.

Vì thế, khi quỹ đất trồng loại “vàng trắng” ở Gia Lai dần khan hiếm, ông liền tìm kiếm sang nước bạn Lào, cách đại bản doanh của ông có “nửa bước chân”.

Đoàn Nguyên Đức cho biết, hồi ban đầu đi tìm quỹ đất trồng cao su, ông chỉ tìm những vùng đất đỏ bazan. Nhưng khi sang Thái Lan, thấy không phải đất đỏ mà họ vẫn trồng cao su. Hỏi ra mới biết, đất trồng được cao su phải đáp ứng đủ 4 yếu tố thổ nhưỡng là nhiệt độ từ 26 độ C, lượng mưa 1.800mm trở lên, độ ẩm từ 80%, tầng đất sâu 1m và độ cao so với mực nước biển từ 300 m trở xuống.

Mảnh đất ở Attapeu (Lào) hội đủ các yếu tố này, lại sát với Gia Lai và từ đây qua Thái Lan, xứ sở của cao su chỉ mất 240km. Thấy không còn điểm nào thuận lợi hơn, ông quyết tâm gây dựng đại bản doanh thứ 2 của tập đoàn ở vùng đất có vườn cao su rộng khoảng 3.000ha này.

HAGL trồng cao su trên nền tảng khoa học kỹ thuật cao được chuyển giao từ Viện Nghiên cứu cao su của Thái Lan - nước xuất khẩu cao su đứng đầu thế giới. Và đây cũng doanh nghiệp Việt Nam duy nhất đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt cho cây cao su. Hệ thống này gồm các bể chứa nước, van điều áp và hệ thống đường ống dẫn nước đến từng gốc cao su. Nhờ van điều áp mà nước bơm nhỏ giọt qua các van đặc biệt, được nhập khẩu từ Isarel, vào từng gốc cao su đều một lượng nước là 2 lít mỗi giờ…

Nhưng thương trường vốn khắc nghiệt, người tính không bằng trời tính, thị trường cao su thế giới đã xảy ra những biến động chưa từng có. Từ chỗ giá cao su xấp xỉ 6.000USD/ tấn vào năm 2011 thì sau đó tụt dốc thảm hại xuống còn trên 1.000USD/tấn. Cuộc tụt giá lịch sử này tựa như cơn sóng thần ập vào sự nghiệp của Đoàn Nguyên Đức khiến vết thương mà nó gây ra còn âm ỉ đến cả chục năm sau. Cho đến nay, giá cao su trên thị trường thế giới cũng chỉ ở mức 1.600 - 1.700USD/ tấn mà người trồng cao su đã coi là may mắn.

Để cứu cây cao su, năm 2013, Đoàn Nguyên Đức tuyên bố sẽ rút khỏi thị trường bất động sản Việt Nam, với lý do để tập trung vực dậy doanh nghiệp. Những năm tiếp theo, HAGL tiếp tục thu hẹp sản xuất hoặc bán các mảng kinh doanh không tạo nhiều lợi nhuận như thủy điện, mía đường, dự án bất động sản… 

Đến năm 2018, HAGL vẫn nuôi chí lớn, duy trì ổn định và chăm sóc được 47.122ha cao su, trong đó 20.361ha tại Lào, 4.972ha tại Việt Nam và 21.789ha tại Campuchia với hy vọng thị trường cao su lại thăng hoa như năm 2011…

Có thể nói, cuộc khởi nghiệp qua cây cao su đã để lại dấu ấn sâu sắc trong sự nghiệp của Đoàn Nguyên Đức, như ông đã từng chấp nhận, “dù có bán nhà cũng phải trồng cây cao su” vậy!

ĐÀN BÒ VÀ CÂY MÍA - BÀI HỌC VỀ "LẤY NGẮN NUÔI DÀI"

Trong những “đứa con khởi nghiệp” trong công cuộc chinh phục lĩnh vực nông nghiệp của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức không phải dự án nào cũng thất bại.

Năm 2012, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức gây chú ý dư luận khi quyết định đầu tư 100 triệu USD khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu (Lào). Cụm khu công nghiệp khép kín này đặt ngay tại nông trường mía bao gồm một máy tinh luyện đường công suất 120 ngàn tấn/năm, một nhà máy nhiệt điện 30 megawatt và một nhà máy sản xuất ethanol.

Để có nguyên liệu cho nhà máy đường, HAGL dự kiến phát triển vùng nguyên liệu rộng 6.000ha trong năm đầu tiên và nâng dần lên trong những năm tiếp theo.

Trước đó, HAGL đã đầu tư trồng thử nghiệm và trồng đại trà một diện tích mía đường lớn. Riêng trong vụ mùa năm 2012, HAGL trồng được 5.530ha mía. Đồng thời, tập đoàn đã xây dựng xong nhà máy sản xuất đường với công xuất 7.000 tấn mía/ngày và nhà máy nhiệt điện chạy bằng bã mía với công suất 30 MW. Lứa mía đầu tiên đã được thu hoạch và nhà máy bắt đầu vận hành trong tháng 1/2013.

Theo tư duy hàng giá rẻ, chất lượng cao, tiết kiệm chi phí, HAGL đã đồng thời phát triển chăn nuôi bò. Bởi lẽ, trong chăn nuôi bò, thức ăn chiếm tới 80% giá thành. Một khi HAGL mở rộng hoạt động sản xuất cọ dầu, mía đường, bắp... sẽ tận dụng được bã cọ dầu, mật rỉ mía đường, lõi bắp và diện tích đất ven sông suối nhiều cỏ... làm nguồn thức ăn cho bò. Như thế, việc đầu tư chăn nuôi sẽ giúp HAGL phân hóa rủi ro, hạn chế được các ảnh hưởng tiêu cực gây ra bởi những biến động trên thị trường, hỗ trợ mạnh mẽ cho các lĩnh vực kinh doanh dài hạn khác của tập đoàn..

Vì vậy, giữa năm 2014, HAGL công bố dự án nuôi bò công nghệ cao với tổng vốn khoảng 6.300 tỷ đồng. Dự kiến tổng số lượng đàn bò "khủng" lên đến hàng trăm nghìn con khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng bởi quy mô quá lớn. Đây là giai đoạn bò Úc được một số doanh nghiệp nhập về vỗ béo bán ra thị trường như một lĩnh vực kinh doanh mới đầy tiềm năng. 

Chỉ 2 năm sau, kết quả kinh doanh năm 2015 cho thấy, doanh thu bán bò đạt 2.542 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 743 tỷ đồng và tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 29%. Năm 2016, HAGL xuất bán được nhiều bò nhất, với số lượng 122.740 con, mang lại doanh thu 3.465 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 440 tỷ đồng và tỷ lệ lợi nhuận gộp đạt 13%.

Mảng mía đường cũng đã dần chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu của tập đoàn, đạt tới 871 tỷ đồng vào năm 2015 (chiếm tỷ trọng 14%), chỉ sau ngành nuôi bò (chiếm 41%) và xây dựng (chiếm 17%) trong cơ cấu doanh thu…

Thế nhưng, tất cả những đồng tiền ấy đều là vốn vay ngân hàng. Nói là lãi đấy nhưng muốn thu hồi vốn đầu tư và có lãi thật sự thì lại phải đầu tư đến nơi đến chốn và không chỉ ngắn hạn. Cùng với đó, những sai lầm về quản trị dòng tiền chiến lược, lấy nguồn vốn ngắn hạn để đầu tư dài hạn đã khiến Đoàn Nguyên Đức chìm trong những khoản nợ nần khổng lồ dường như không lối thoát. Các cụ xưa nói “buôn tài không bằng dài vốn” là vậy!

Theo ghi nhận, tính đến 30/6/2016, HAGL có khoản nợ phải trả lên tới 32.995 tỷ đồng, trong đó nợ vay là 26.683 tỷ đồng, mặc dù đã giảm được 416 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Vì thế, những khoản lợi nhuận mấy trăm tỷ đồng mỗi năm từ kinh doanh mía đường và bò thịt kia đối với HAGL tựa như muối bỏ biển, không đủ trả tiền lãi vay chứ chưa nói đến hoàn vốn và tái sản xuất mở rộng.

Không có tiền tiếp tục đầu tư theo mong muốn, trước sức ép trả nợ, HAGL bắt buộc phải bán dự án mía đường cho Tập đoàn TTC. Còn việc nuôi bò cũng giảm dần và đến năm 2018 thì không còn được nhắc trong kế hoạch hằng năm của HAGL…

“TÔI CÓ THỂ NGỦ NGON RỒI!"

Đến đây, hẳn sẽ có người đặt câu hỏi: Nợ nần khủng như thế, vậy liệu có thể nói, doanh nhân Đoàn Nguyên Đức đã thất bại trong quá trình xây dựng sự nghiệp của mình?

Xin đưa một thông tin để bạn đọc tự tìm câu trả lời. Ngay đầu năm 2022 này, trong một lần chia sẻ với giới báo chí, ông cho biết, sau khi chuyển Công ty nông nghiệp HAGL Agrico (HNG) cho Tập đoàn Thaco Trường Hải quản lý, HAGL đã giảm nợ từ 36.000 tỷ xuống còn khoảng 10.000 tỷ đồng. Ông thừa nhận: “Chính anh Trần Bá Dương là người đã cứu HAGL, nhờ anh ấy ôm khối nợ mà Hoàng Anh Gia Lai mới có thể thoát khỏi khó khăn. HAGL giờ chỉ còn 4 - 5 công ty con nên rất gọn gàng và có thể đi rất nhanh”.

Với khoản nợ 10.000 tỷ đồng trên vai mà ông vẫn cười tươi và đầy hy vọng: “Giờ tôi đã có những giấc ngủ ngon. Niềm vui mỗi ngày không phải là đi đánh golf, chơi thể thao cùng bạn bè, hoặc sở hữu bất động sản mà là chứng kiến những con heo phát triển khoẻ mạnh, chuối xuất đi liên tục, tạo uy tín”.

Như vậy đấy! Chắc là cái tuổi Nhâm Dần khiến ông luôn luôn phải là “người kiên trì và can đảm, sẵn sàng đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách trong cuộc sống”. 

Đến nay, tài sản của ông vẫn là “khổng lồ” so với nhiều người. Chẳng thế mà các chủ nợ vẫn tin vào một doanh nhân “ba chìm bảy nổi” như ông. Trồng chuối và nuôi heo hiện đang là hai trụ cột chính của HAGL. Tổng diện tích trồng cây ăn trái của HAGL còn khoảng 10.000ha với một nửa là diện tích trồng chuối, còn lại là mít, bơ, sầu riêng, xoài... tại cả Việt Nam, Lào và Campuchia.

Với heo, HAGL đã xây được 7 cụm chuồng với công suất nuôi khoảng 300.000 con heo thịt mỗi năm. Năm 2022, ông sẽ cải tạo thêm 10.000ha để trồng chuối và xây dựng thêm 9 cụm chuồng nuôi heo với công suất lên tới 1 triệu con…

Theo Đoàn Nguyên Đức đánh giá, chỉ sau 1 - 2 năm nữa, HAGL sẽ hoàn toàn trả hết nợ, không chỉ nhờ cây chuối và con heo, mà là cấu trúc lại một lần nữa toàn bộ tài sản của mình.

Từ năm 2022 trở đi, Đoàn Nguyên Đức khẳng định, lợi thế cạnh tranh của HAGL là có được quỹ đất rộng lớn xa khu dân cư, khí hậu và thổ nhưỡng thích hợp, khoảng cách địa lý và điều kiện vận chuyển đến cảng biển và thị trường tiêu thụ thuận lợi. Sản phẩm chuối và thịt heo là hai loại thực phẩm cơ bản và thiết yếu đối với cuộc sống, thị trường tiêu thụ rộng lớn.

HAGL sẽ khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh của mình trong ngành chăn nuôi heo, đó là dùng nguồn nguyên liệu giàu dinh dưỡng làm thức ăn từ chuối thải loại của ngành trồng trọt (khoảng 200.000 tấn/năm), giúp hạ giá thành sản phẩm. Hơn nữa, theo ông Đức, sản phẩm “thịt heo ăn chuối” rất độc đáo, vừa thơm ngon lại đáp ứng tiêu chí sản phẩm hữu cơ, được người tiêu dùng đánh giá cao và tiếp nhận nồng nhiệt.

Sau một thời gian dài gặp nhiều khó khăn, HAGL đã tái cơ cấu thành công và đạt được kết quả kinh doanh tốt, triển vọng trong những năm tới.

Có lẽ ít người biết, năm 2021 kết thúc, Đoàn Nguyên Đức đã thành công trong việc tái cơ cấu tài chính cho sự nghiệp của mình. HAGL đã hoàn thành cơ bản việc thoái vốn đầu tư vào Nhóm Công ty cổ phần nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (nhóm công ty HNG), giảm mạnh số dư nợ ngân hàng, giảm chi phí lãi vay, cải thiện hiệu quả sản xuất kinh doanh... Từ đó, sau một thời gian dài bị lỗ, HAGL có được tổng doanh thu 2.097 tỷ đồng và có lãi sau thuế 128 tỷ đồng. Đó là một kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh điều kiện sản xuất kinh doanh của một năm đầy rủi ro và thách thức.

Còn một tài sản vô giá nữa của ông mà ai cũng biết đang nằm trong cái tên “Bầu Đức”. Vị Chủ tịch của HAGL cuồng nhiệt này đã chi khoảng 2.000 tỷ đồng cho bóng đá kể cả vào những lúc kinh doanh khó khăn nhất. Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai do Bầu Đức lập ra đã đào tạo được nhiều thế hệ cầu thủ tài năng cho bóng đá Việt Nam. Ông cũng là người có vai trò quyết định trong việc đưa HLV Park Hang-seo đến Việt Nam và tạo nên những thành công mang tính lịch sử của nền bóng đá…

Và đến giờ này, mỗi lần cờ đỏ sao vàng rợp trời, tràn ngập đường phố để đón chào thắng lợi của những “chiến binh sao vàng” trên sân cỏ trong nước và trên thế giới, chắc hẳn nhiều người sẽ khẳng định, đầu tư vào bóng đá là một trong những cuộc khởi nghiệp hạnh phúc nhất trong cuộc đời của ông, khởi nghiệp cho công cuộc khơi dậy niềm kiêu hãnh của một quốc gia!

 

15/04/2022 06:09
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top