Aa

Doanh nhân Lưu Văn Kiên: Khát vọng đổi thay mảnh đất quê hương

Thứ Năm, 10/03/2022 - 12:40

Bắt đầu kể về câu chuyện của chính mình, giọng hào sảng, chất phác của một người đàn ông đến từ vùng đất Lục Nam (Bắc Giang) vang lên, đôi lúc xen lẫn với chút trầm tư, chiêm nghiệm về cuộc đời.

 

Khi chúng tôi ngỏ lời muốn phỏng vấn hành trình khởi nghiệp của một doanh nhân , ông Kiên xua tay cười nói: “Tôi không phải là doanh nhân. Tôi chỉ làm những công việc rất bình thường”. Bắt đầu kể về câu chuyện của chính mình, giọng hào sảng, chất phác của một người đàn ông đến từ  vùng đất Lục Nam (Bắc Giang) vang lên, đôi lúc xen lẫn với chút trầm tư, chiêm nghiệm về cuộc đời.

Với ông, nhìn lại một chặng đường đã qua, đều có những gian khổ, những vất vả, những cay đắng, ngọt bùi. Dẫu vậy, con đường phía trước vẫn chưa dừng lại, dù đã sắp bước tới tuổi 60 nhưng ông tự nhủ vẫn còn rất nhiều việc phải làm, phải tiếp tục lao động bằng hai bàn tay, bằng khối óc để làm gương cho con, để góp phần vào đổi thay mảnh đất quê hương.

Anh Kiên
Ông Lưu Văn Kiên bên những món cổ vật của mình.

Những tháng năm cơ hàn

Dù đã ngoài 50 tuổi, nhưng ông Lưu Văn Kiên luôn tất bật công việc từ sáng đến tối. Với ông, ngày nào cũng là ngày làm việc. Kể lại về tháng ngày “khởi nghiệp” trên chính mảnh đất quê hương, ông không giấu nổi những cảm xúc. Dù đã trải qua hàng chục năm, nhưng có lẽ với người đàn ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê từng nghèo nàn này, tháng năm cơ hàn của một thời thanh xuân nhiệt huyết và đầy bươn chải khiến ông “khắc cốt ghi tâm” và coi đó là động lực để vượt lên.

20 năm trước, ông mang vợ và hai đứa con chuyển nhà ra sát bến sông Lục Nam. Ông làm nghề sửa chữa tàu thuyền trên bến sông. Cha mẹ nghèo nên vợ chồng ông phải tự túc, nỗ lực từ bàn tay trắng. 

Ngày ấy, ông kể: “Vất vả lắm. Vì tiền công sửa tàu trên sông không cao”. Những đồng tiền công còm cõi từ nghề sửa chữa tàu thuyền trên bến sông với ông đều phải chắt chiu lo những bữa cơm gia đình. “Người ta chỉ nghĩ tới chăm chỉ làm nghề, có ít tiền ra tiền vào, đủ để trang trải cho bữa ăn gia đình”. 

Cũng nhờ nghề sửa chữa thuyền trên sông, ông có thêm cơ duyên gặp gỡ những chủ khai thác khoáng sán. Tình cờ, thấy họ vớt những cổ vật dưới đáy sông. Ông quyết định mua lại sưu tập. Có ngày áp lực nỗi lo cơm áo gạo tiền, ông đành phải bán món cổ vật mà ông từng nhịn ăn mua lại từ dưới lòng sông. Ông trầm ngâm bảo, cũng nhờ có nó mà gia đình ông có thể vượt qua tháng ngày gian khổ nhất. 

Nhiều năm theo đuổi nghề sửa chữa phương tiện vận tải thuỷ, ông hiểu thêm về công việc khai thác mỏ thông qua những người bạn, người anh em trên sông. Với khoản tích cóp, ông Kiên quyết định cùng góp vốn với một số bạn bè thân thiết thành lập công ty Lục Nam Sơn, khai thác mỏ đất.

Ông Lưu Văn Kiên
Ông Lưu Văn Kiên - người con của vùng sông Lục, núi Huyền.

Khởi nghiệp với khai thác mỏ

Với ông, công việc khai thác mỏ chẳng hề dễ dàng bởi mỗi ngày là một thử thách. Thời tiết, khí hậu, nhân công, nguồn đầu ra… luôn là bài toán khó.

Ông Kiên thừa nhận, công việc đó không dễ một chút nào nhưng tôi dần quen. Vì không làm, không vượt qua thì không giải quyết được công việc. Từ lo nhân công đến triển khai thi công, mỗi ngày là những áp lực mà người đứng đầu như ông phải lo. Có nhiều đêm ông mất ngủ . Nhưng nếu thiếu việc, ông Kiên bảo: “Lại cảm thấy vắng”. 

Trước câu hỏi: “Có bao giờ ông rơi vào tình cảnh không giải quyết được vướng mắc trong công việc”, ông Kiên cười: “Cứ làm là ra hết. Vì thực tế có bao giờ có việc dễ dàng nào. Mọi thứ đều có cách giải quyết nếu như ta chăm chỉ lao động. Cứ làm là sẽ có công. Cứ làm dần dần thì mọi thứ sẽ ổn”. 

Cũng nhờ công việc này mà công ty ông đã giải quyết được việc làm cho hàng chục người dân địa phương. Điều ông mừng hơn đó là những khoản thuế mà doanh nghiệp ông có thể đóng góp được cho Nhà nước. Và cũng chính ông, gia đình ông có thêm khoản thu nhập để tham gia vào việc kiến tạo cho quê hương đất nước. Ông bảo, quê ông còn nghèo lắm. Thế hệ của ông chẳng mong gì cao sang, chỉ mong khoẻ mạnh, lao động để tiếp tục cống hiến, tham gia vào đóng góp, giúp quê hương phát triển giàu mạnh. 

Nhắc về triết lý làm việc, người đàn ông chân chất ở vùng quê Lục Nam cười bảo rằng, công ty ông chẳng có triết lý, phương châm nào. Ông chỉ làm, cứ làm thì chắc chắn sẽ ra kết quả. Khi chính bản thân nỗ lực hết mình cho một công việc nào đó, khi dành trọn tâm huyết thì "trời không phụ lòng người". 

Khi được hỏi về những định hướng mà ông dành cho thế hệ sau. Ông cười bảo: “Tôi chỉ lo đời tôi thật tốt mà thôi”. Quan điểm của ông Kiên đó là, khi những thế hệ ông làm gương, tiếp tục làm việc, cống hiến, đó chính là cách để giáo dục cho thế hệ sau. Ông không quan điểm việc “cha truyền con nối”, ông chỉ động viên con chăm chỉ lao động. 

Với ông, khi những đứa con trưởng thành là khi chúng đã tự lập, tự đi bằng đôi chân của mình. 

Khát vọng đổi thay trên mảnh đất quê hương

Giọng hào sảng của người đàn ông vùng đất Lục Nam bất chợt trầm ngâm, đầy suy tư. Đối với ông Kiên, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất bên bờ sông Lục, chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông không khỏi niềm tự hào xúc động. Những con đường trải nhựa ven sông đem đến cho người dân sự thuận tiện đi lại. Những ngôi nhà khang trang dần dần mọc lên, thay thế cho những căn nhà xưa cũ lụp xụp. Cuộc sống của người dân quê đã dần được cải thiện. 

Tự hào, xúc động là vậy nhưng ông Kiên vẫn còn nhiều trăn trở lắm! Đi lên từ hai bàn tay trắng, quyết định bám đất, bám làng với mảnh đất này, để có được ngày hôm nay, ông cảm thấy chặng đường đã qua chẳng hề dễ dàng. Nhưng hơn tất cả, đó là một bàn tay đã góp phần vào sự phát triển quê hương. Ông quan điểm là khi khởi nghiệp ở chính quê hương mình, cứ làm, cứ phấn đấu thì chắc chắn mảnh đất này sẽ đổi thay. Ông có phần tiếc nuối  khi những thế hệ trẻ đều tìm con đường khởi nghiệp ở trung tâm thành phố. Trong khi mảnh đất bên bờ sông Lục còn quá nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển. 

Điều ông mong muốn quê hương sẽ còn đổi thay nữa, khang trang hơn, giàu mạnh hơn. Mảnh đất mà đã giúp ông từ đôi bàn tay trắng, đổi đời khiến ông càng cảm thấy: “Nếu chính bản thân mình dành trọn tâm huyết cho nơi này thì chắc chắn cũng sẽ nhận được những trái ngọt từ chính quê hương ta”. 

Dòng sông Lục Nam
Dưới đáy dòng sông Lục Nam đang cất giữ rất nhiều những cổ vật có giá trị.

Dù bước đến độ tuổi ngoài 50, nhưng ông Kiên bảo, ông còn rất nhiều việc để làm và phải làm nhiều việc hơn nữa cho quê hương. “Tôi sẽ làm cho đến khi không thể còn sức để làm. Tôi muốn cống hiến, tiếp tục làm giàu cho quê hương mình. Tôi không nghĩ đến tuổi tác mà chỉ quan tâm tới mình đã làm được những gì, đã cố gắng ra sao”, vị doanh nhân tự thân khởi nghiệp ở vùng quê Lục Nam khẳng khái nói. 

Giấc mơ trưng bày cổ vật của người đàn ông sông Lục 

Kết thúc câu chuyện về khởi nghiệp, ông Kiên bắt đầu hồ hởi kể về những đồ vật cổ mà ông sưu tập được. Với ông, đam mê sưu tầm đồ vật cổ là câu chuyện dài đầy hứng khởi. Trước đó, cũng bởi bộ sưu tập hàng trăm đồ vật cổ mua từ dòng sông Lục Nam đã khiến ông được mệnh danh là “người giữ kho cổ vật hàng nghìn năm dưới lòng sông Lục Nam”. 

Ông bảo rằng, nhờ nghề đóng thuyền nhiều năm mà ông có duyên biết đến những con tàu khai thác khoáng sản dưới lòng sông. Không hiểu sao, khi nhìn những món đồ cổ vớt lên từ đáy dòng sông Lục, ông lại muốn mua lại chúng để thỏa nỗi đam mê. Hàng chục năm qua, căn nhà ông chất đầy lên những món đổ cổ. Có những đồ cách đây hàng nghìn năm, hay những món có giá trị  từ thời Lý, Trần đều được ông sưu tập, cất giữ.

Trong căn nhà mới xây nằm bên bờ sông, có hàng trăm món đồ quý khác như bình vôi, chén, lưỡi rìu, vật dụng đánh lửa, bình gốm, những chiếc bát vỡ... được ông lựa chọn để trưng bày như một thú vui tao nhã, như một sự biết ơn dòng sông quê hương đã trở thành nơi để gia đình ông mưu sinh. 

Chỉ vào mảnh đất ven sông Lục, người đàn ông này chia sẻ về ước mơ của chính mình, ông sẽ d xây một nơi trưng bày tại chính nơi mà ông đã từng sửa chữa thuyền bè ven bờ sông Lục Nam để trưng bày những món cổ vật sau 20 năm tâm huyết lưu giữ. Và hơn hết, là để có chỗ trưng bày cho đúng với “tầm vóc” giá trị của những đồ vật cổ. 

Với ông, những món đồ được vớt lên từ dưới dòng sông Lục Nam, ông chẳng muốn mang đi mà chỉ muốn để nó ở ven dòng sông. Ông muốn những ai ghé qua, những ai muốn tìm hiểu lịch sử, văn hoá lâu đời sẽ có thể nhận được từ những đồ vật cổ. Hơn hết, là thế hệ trẻ biết được người Việt từng sống như thế nào trên mảnh đất Lục Nam. 

 

 

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top