Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Biết cho đi là hiểu về giá trị của hạnh phúc
Lời tòa soạn:
Lịch sử đất nước dù thăng trầm, biến đổi không ngừng nhưng thời nào, giai đoạn nào dân tộc Việt Nam cũng sản sinh ra những doanh nhân vươn lên làm sự nghiệp lớn. Qua thời gian, đội ngũ doanh nhân có những bước phát triển đáng ghi nhận, hình thành những tên tuổi lớn, kiến tạo những thương hiệu quốc gia. Trong hành trình phát triển, từ những thăng - trầm, cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã bộc lộ bản lĩnh và khát vọng, cống hiến và đồng hành cùng vận nước.
Khi đất nước phải căng mình ứng phó với hệ quả của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vẫn kiên cường ở mặt trận kinh tế; đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn. Họ cũng là những người tiên phong đang giải bài toán hậu Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam - những người truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất về câu chuyện vượt khó, làm giàu và sống có trách nhiệm - đã có nhiều đóng góp tích cực vào công tác an sinh xã hội và tạo nên những thay đổi tích cực cho cộng đồng.
Báo cáo Chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: "Nguồn lực phát triển cho giai đoạn tới là kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất". Để hiện thực hoá khát vọng Việt Nam sẽ trở thành quốc gia hùng cường vào năm 2045, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt chính là rường cột cho công cuộc kiến tạo tương lai thịnh vượng, với vai trò dẫn dắt và truyền cảm hứng trên hành trình thực hiện sứ mệnh và trách nhiệm xã hội của mình.
Trân trọng và tự hào trước tinh thần phụng sự đất nước của cộng đồng doanh nghiệp - doanh nhân Việt, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam (Reatimes.vn) thực hiện chuyên đề: Doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm xã hội.
Trân trọng giới thiệu cùng độc giả!
Trong cuốn sách “Một ý niệm khác về hạnh phúc”, tiểu thuyết gia Pháp Marc Levy đã tạo ra cuộc gặp gỡ của Agatha và Milly, hai người phụ nữ, hai thế hệ cách biệt nhau đến ba mươi tuổi đã trải qua hành trình “cùng nhau chia sẻ quá khứ và khơi lại ngọn lửa tình yêu vốn đã tắt lụi". Hành trình của họ, những câu chuyện, những người bạn của họ đã giúp người đọc đến cuối cùng tìm được câu trả lời cho câu hỏi: “Hạnh phúc là gì?” và rằng “Vì sao không bao giờ được từ bỏ mơ ước?”.
Cuộc gặp gỡ giữa hai nhân vật ấy khiến tôi tự hỏi, điều gì sẽ gắn kết ta, một phiên bản của những năm tháng tuổi trẻ, nhiều hoài bão, thậm chí đôi khi có thể là mơ mộng với ta của những năm tháng trưởng thành, nhiều chiêm nghiệm. Điều này làm tôi nhớ đến một nữ doanh nhân đặc biệt, Bông hồng vàng trẻ nhất năm 2021 và là doanh nhân trẻ nhất của Giải thưởng Sao Đỏ năm 2022: Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch HĐQT Alphanam.
Tuổi trẻ, Ngọc Mỹ cũng từng có nhiều ước mơ như người vận hành tổ chức thiện nguyện hay vận động chính sách cân bằng giới… Số phận chọn cô là doanh nhân; và cô đang dùng sứ mệnh đó để hiện thực hóa những dự định, hoài bão tuổi trẻ. Từ cô gái năm xưa muốn theo đuổi giấc mơ của mình đến một nữ doanh nhân tìm ra lối đi riêng của ngày hôm nay, hành trình “gặp gỡ” của 2 phiên bản ấy đã diễn ra như thế nào?
PV: Chào Ngọc Mỹ, cuộc gặp gỡ ngày hôm nay làm tôi nhớ đến cuộc trò chuyện của tôi và chị vào 2 năm trước. Cũng trong những ngày đầu hạ nắng bỏng rát. Chỉ có điều, khi đó chúng ta chào nhau qua lớp khẩu trang. Ngày hôm nay, tôi nhìn thấy một nữ doanh nhân Ngọc Mỹ với nụ cười rạng rỡ và tràn đầy năng lượng. Chị đã “nhập cuộc” với phiên bản sau tuổi 30 của mình như thế nào?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Có lẽ mỗi chúng ta, khi sinh ra ai cũng có ước mơ trở thành một nhân vật hay cảm thấy mình có một sứ mệnh lớn lao nào đó. Khi lớn lên và trưởng thành, cuộc sống sắp đặt chúng ta vào những vai trò, vị trí khác có lúc không ngờ tới. Đến độ tuổi sau 30, tôi nhận ra rằng dù mình có làm công việc gì đi chăng nữa thì sứ mệnh của mình cũng không thay đổi. Công việc mình làm, nơi mình công tác hay cả những chức danh…, cuối cùng quan trọng nhất vẫn là ta đã học được những gì trên đường đời, ta tích luỹ được bao nhiêu trải nghiệm và những giá trị mà ta lan toả. Những ước mơ trong ta vẫn có thể trở thành hiện thực khi biết thắp lửa vào chính công việc mình làm. Nếu dung hoà được điều đó, có thể chúng ta sẽ trở thành người xuất sắc trong lĩnh vực mình làm với tất cả tình yêu và sự nhiệt tâm. Với vai trò là một doanh nhân, tôi có thể thực hiện được những mong ước khác của mình dựa trên chính công cụ và trải nghiệm mà mình có.
À, còn về sự khác biệt nhìn thấy rõ nhất so với 2 năm trước là giai đoạn năm 2021, tôi đã sút gần 5kg (cười).
PV: Ấn tượng về hình ảnh nữ doanh nhân Ngọc Mỹ trong tôi khi đó là cô gái mặc chiếc áo xanh, lấm tấm mồ hôi, chạy từ đầu này sang đầu kia Hà Nội giữa tâm dịch để xây dựng chuỗi Siêu thị mini 0 đồng. Và quả thật, chị gầy hơn bây giờ rất nhiều?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Thời điểm đó tôi giảm 5kg và ăn chay. Không phải vì lúc đó tôi cực đoan, mà có lẽ cơ thể không tiếp nhận những thực phẩm khác. Và tôi quyết định ăn chay trường suốt một giai đoạn. Đúng là ở thời điểm, khi tất cả mọi người ở trong nhà vì lockdown thì tôi chạy từ đầu này sang đầu kia Hà Nội, nghe điện thoại từ 6 giờ sáng đến 12 giờ đêm để xây dựng những chuỗi Siêu thị mini 0 đồng và những hoạt động kêu gọi khác. Đó là giai đoạn rất căng thẳng khi cùng một lúc tôi phải lo lắng nhiều việc khác nhau. Và chính tôi cũng không hiểu, hàng ngày chỉ ăn bún chan, mình đã lấy năng lượng ở đâu để có thể rong ruổi trên các con đường, lan toả, động viên đến những người xung quanh nhiều như thế.
Khi đó không chỉ tôi mà các bạn trong CLB Doanh nhân F2, các doanh nhân trong Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Doanh nhân Sao Đỏ và cán bộ nhân viên của các doanh nghiệp góp sức vào chiến dịch… đều rất tận tâm, nhiệt tình thực hiện các công tác thiện nguyện với cộng đồng. Tôi nghĩ, động lực lớn lao nhất đến từ việc, chúng ta trân trọng sự may mắn mà mình đang có được, khi vẫn đang khoẻ mạnh, có mái ấm làm nơi trú ẩn an toàn, có điều kiện để chi trả cho các sinh hoạt hằng ngày. Là người bình thường hay là doanh nhân, trân trọng sự may mắn mà mình được hưởng thì chắc chắc sẽ luôn muốn làm điều gì có ích cho xã hội. Với chúng tôi, càng trân trọng và tự hào với giá trị của danh từ “doanh nhân” mang trong mình thì càng nhận thấy trách nhiệm xã hội của mình nhiều hơn.
Giai đoạn đó có ảnh hưởng đến mỗi doanh nhân không? Phải khẳng định là “Có”. Thực sự là một giai đoạn đầy áp lực với cộng đồng doanh nghiệp khi thực hiện mục tiêu vừa phát triển kinh tế, vừa chống dịch. Nhưng tôi nghĩ, chính việc các doanh nghiệp cùng nhau tạo thành những phong trào thiện nguyện đã thể hiện một điều: Càng trong khó khăn, cộng đồng doanh nghiệp Việt lại càng đoàn kết và hun đúc ý chí, khát vọng làm điều gì đó có ích đối với những người xung quanh.
PV: Vậy sự “cho đi” của một doanh nhân khác gì với những người bình thường?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Mỗi người trong chúng ta đều có quyền lựa chọn cách kể câu chuyện cuộc đời mình. Tôi nghĩ, với doanh nhân, chính công việc của họ đã là câu chuyện truyền cảm hứng. Đầu tiên, nguồn cảm hứng đến từ cách chúng ta tạo ra sản phẩm tốt đến tay người tiêu dùng. Khi tạo ra được một sản phẩm có giá trị, mỗi doanh nhân, doanh nghiệp có thể lan toả những điều tích cực đến với khách hàng, đối tác, với nhân viên trong chính doanh nghiệp mình và với cộng đồng doanh nghiệp.
Với các công tác xã hội, doanh nhân có rất nhiều công cụ trong tay để “cho đi” một cách hiệu quả và chuyên nghiệp hơn. Đầu tiên, chúng tôi có hàng trăm, hàng ngàn nhân sự trong doanh nghiệp đồng hành cùng mình trong các chiến dịch. Thứ hai, chúng tôi có trí tuệ, có cách thức tổ chức và thậm chí cả công cụ truyền thông để lan toả các hoạt động ý nghĩa. Và tôi nghĩ, một trong những điều không thể thiếu đó chính là công cụ kinh tế. Đó là doanh thu, là lợi nhuận, là giá trị kinh tế doanh nghiệp có được từ những sản phẩm chất lượng mà mình làm ra, mình sẽ đem điều đó lan toả trở lại đóng góp cho cộng đồng. Bởi suy cho cùng, chúng ta muốn phủ xanh một vùng đất, chúng ta cũng phải có tiền mua cây, muốn xây dựng những ngôi nhà chống lũ, chúng ta phải có kinh phí…
Mỗi doanh nhân càng tích luỹ nhiều tri thức, trí tuệ, tài chính cùng với sự chân thành thì sẽ càng có nhiều giá trị để “cho đi”. Đã có nhiều doanh nhân lớn trên thế giới và cả Việt Nam chứng minh họ là những người giỏi kiếm tiền và giỏi cả trong cách sẻ chia đến xã hội. Họ chính là những người khơi nguồn cảm hứng và định hình phong cách sống cho thế hệ tương lai. Mỗi doanh nhân gieo một hạt mầm tử tế xuống mảnh đất được tưới tắm bằng tình yêu thương và sự nhiệt tâm chính là cách tốt nhất để chạm vào tâm thức, hành động của mỗi người trong xã hội, cùng nhau lan toả cả một cánh đồng thuận ích đến cộng đồng.
PV: Vâng, mỗi doanh nhân, bằng những giá trị mà họ tích luỹ được sẽ biết cách “cho đi” được nhiều hơn đến cộng đồng. Tôi nhớ đến hình ảnh một Ngọc Mỹ sôi nổi của những năm tuổi 24. Vì sao khi đó, một trong những việc đầu tiên chị thực hiện khi trở về Việt Nam là bắt tay vào “startup” Alphanam Green Foundation? Chị đã ươm mầm cho Alphanam Green Foundation như thế nào?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Có lẽ, cái duyên đầu tiên đến từ một sự kiện của Forbes. Khi đó tôi được chứng kiến Hoàng Đức Minh - người sáng lập Wake it up và những chương trình bảo vệ môi trường - chia sẻ trên sân khấu. Tôi cảm nhận được những người trẻ như Minh, tràn đầy nhiệt huyết, có thể dành toàn bộ thời gian và tâm trí để “giải cứu thế giới”. Khi đó tôi 24 tuổi, vừa về nước, mới đi làm và hừng hực khí thế là làm thế nào để hiện thực hóa được những mong mỏi tuổi trẻ, suy nghĩ về tương lai vào một chương trình cụ thể. Tôi cùng Minh đã có cuộc trò chuyện về trách nhiệm xã hội của những người trẻ.
Sau cuộc trò chuyện đó, tôi đã soi chiếu lại chính mình và tìm công thức cho lời giải: Làm gì để mỗi dự án lan toả được thật nhiều giá trị đến cộng đồng. Rõ ràng nếu các NGO (non-governmental organization - Tổ chức phi chính phủ), doanh nghiệp và cả chính quyền cùng ngồi lại với nhau thì sẽ kết nối được sức mạnh của từng nguồn lực, tạo ra những chiến dịch thiện nguyện hiệu quả hơn so với từng đơn vị đơn lẻ. Đó là khởi nguồn cho quyết định thành lập Alphanam Green Foundation để vận hành một cách chuyên nghiệp và bài bản hơn.
Dự án đầu tay của Alphanam Green Foundation được thực hiện tại An Giang
Dự án đầu tay của Alphanam Green Foundation được thực hiện tại An Giang. Do đặc thù khí hậu địa phương nên những người trẻ ở đây luôn đau đáu làm thế nào để lọc và tái tạo được nguồn nguyên liệu tự nhiên, duy trì sự bền vững, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của các bạn trẻ, chính quyền địa phương và nhiều KOLs, những người nổi tiếng lan toả đến cộng đồng. Thực ra, muốn thay đổi hay giúp đỡ một vùng đất, một địa phương, tôi nghĩ quan trọng nhất chính là khơi thông tư duy sáng tạo của những “thủ lĩnh trẻ” bản địa và mình đóng vai trò như người châm ngọn lửa, nuôi khát vọng và ý chí giúp họ hiện thực hoá bằng những hoạt động cụ thể. Bởi một chiến dịch, khi mình rời đi, những người trẻ của địa phương mới chính là người quyết định sẽ theo đuổi và vận hành dự án như thế nào.
Chúng tôi châm ngọn lửa, trao phương pháp, tạo ra những kết nối để chính những người trẻ ở địa phương có thể duy trì và sáng tạo tiếp các hoạt động của mình.
Sau khi tính toán cụ thể các bài toán về kinh tế, tôi quyết định hạn chế những chi phí không cần thiết như marketing, tổ chức event đình đám… mà tập trung nguồn lực vào chính hoạt động của dự án. “Màu cờ sắc áo” cũng chưa bao giờ là điểm quan trọng với Alphanam Green Foundation. Trong nhiều dự án, chúng tôi quyết định đặt logo của mình xuống thấp hơn, lùi lại một bước để kêu gọi được sự ủng hộ của nhiều đơn vị cùng tham gia hơn.
PV: 7 năm qua, theo chị điều gì là khó nhất để vận hành một quỹ từ thiện chuyên nghiệp trong bối cảnh có những hoạt động thiện nguyện ở Việt Nam gây ra những xôn xao dư luận?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Ở vai trò của tôi, tôi luôn suy nghĩ về công thức làm thế nào để vận hành các hoạt động xã hội một cách hiệu quả và thực chất nhất. Nếu đưa ra được công thức tốt từ những trải nghiệm thực tế của chính mình, tôi có thể sẽ dễ dàng chia sẻ với các doanh nghiệp khác và lan toả trách nhiệm xã hội đến tất cả mọi người.
Đối với Alphanam Green Foundation và các hoạt động thiện nguyện của Alphanam, tôi nghĩ người giữ lửa chính là toàn bộ cán bộ, nhân viên của Alphanam chứ không phải riêng tôi. Những lời chia sẻ trước đây của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải dường như đã thấm nhuần vào suy nghĩ và hành động của mỗi người. “Người Alphanam là người thế nào? - Là người tử tế và sống đam mê”. Có lẽ chính điều đó đã đánh thức thành hành động trong mỗi người, từ công việc đến ứng xử hằng ngày.
Có những giai đoạn khi cùng lúc phải giải quyết rất nhiều công việc khác nhau, tôi bỏ quên các hoạt động thì chính các CBNV lại là người thắp lên những ý tưởng mới để phát triển hoạt động của Alphanam Green Foundation. Tôi cảm nhận được tình cảm của từng nhân sự Alphanam dành cho Alphanam Green Foundation, dù ở An Giang, Đà Nẵng, Quy Nhơn… các nhân sự đều mong muốn đóng góp công sức để tạo nên giá trị cho Alphanam và cho cộng đồng. Và vì thế giống như từng viên gạch nối, các hoạt động của Quỹ cứ được tiếp sức, duy trì một cách bền bỉ, với sự đồng sức, đồng lòng của người Alphanam.
Tuy nhiên, còn một điều quan trọng nhất, cần và đủ để duy trì bất cứ hoạt động thiện nguyện nào, theo tôi đó chính là dòng tiền.
PV: Trong mọi thời điểm thì dòng tiền vẫn là điều quan trọng nhất?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Trong tâm dịch, khi cả nước căng mình đối phó với Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng nhau đoàn kết thực hiện trách nhiệm xã hội đến cộng đồng bằng rất nhiều hoạt động thiết thực. Trong bối cảnh hiện nay, nền kinh tế đang gặp khó khăn, một trong những nút thắt lớn nhất có lẽ chính là dòng tiền. Và lúc này, để tháo gỡ những khó khăn cho nền kinh tế, không ai khác, doanh nghiệp, doanh nhân cũng chính là người gánh trên vai trọng trách này.
Thời gian gần đây, chúng ta nghe nhiều thông tin về chuyện doanh nghiệp này sa thải nhân viên, doanh nghiệp kia cắt giảm hàng nghìn nhân sự. Đó là điều không ai muốn, nhưng doanh nghiệp luôn phải đứng trước việc giải những bài toán khó, và họ cần tìm ra đáp án thay vì bỏ cả cuộc thi. Điều đó cũng cho thấy, thời điểm các doanh nghiệp đang kinh doanh tốt, họ đã tạo ra công ăn việc làm ổn định cho hàng nghìn nhân sự, đóng thuế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Lúc thịnh hay lúc suy, họ cũng vẫn có những yếu tố thể hiện trách nhiệm xã hội. Ví dụ, một doanh nghiệp dù chỉ tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, không có nhiều hoạt động mang tính xã hội thì bản chất họ vẫn góp phần tạo ra những giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nhân viên và cho khách hàng.
Nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng được nhìn nhận một cách đúng đắn và công tâm về những việc họ làm. Chúng ta cần nhìn nhận vai trò và sứ mệnh của doanh nghiệp một cách đầy đủ hơn. Khi chúng ta bao dung, cởi mở với vai trò của một ai đó, chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận được tất cả những giá trị và điều tốt đẹp từ họ. Doanh nghiệp cũng cần được gieo niềm tin để vững tâm thực hiện sứ mệnh của mình.
Suốt 7 năm hoạt động, Alphanam Green Foundation đã tài trợ cho nhiều dự án xã hội, thúc đẩy, tổ chức và thực hiện các hoạt động vì môi trường
PV: Vậy theo chị, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp nên hiểu là gì trong bối cảnh hiện nay. Có công thức nào để đo lường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp không?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Trước đây, chúng ta có CSR để đo lường trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Nhưng chỉ số này mới chỉ dừng ở việc doanh nghiệp có lợi nhuận sẽ mang ra ngoài bao nhiêu để thực hiện các hoạt động xã hội. Đây là cách đánh giá truyền thống. Hiện nay, chúng ta có chỉ số đo lường mới, đầy đủ và đúng ý nghĩa hơn - đó là ESG. Tôi nghĩ rằng đây là bộ tiêu chí đánh giá tương đối hoàn chỉnh và có thể áp dụng để đánh giá trong hàng chục năm nữa. Trong ESG có 3 trụ cột chính: Environment (môi trường), Social (xã hội) và Governance (quản trị doanh nghiệp). Đây là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Trước đây ông cha ta hay nói: “Tề gia - trị quốc - bình thiên hạ”, theo tôi, nhận định này của tiền nhân vẫn có giá trị đến ngày hôm nay.
Đầu tiên, chúng ta phải có trách nhiệm với chính người lao động trong doanh nghiệp của mình. Họ phải là những người có thu nhập, có môi trường làm việc tốt. Trong quy chuẩn đánh giá của ESG, môi trường làm việc sạch sẽ cũng là một tiêu chí để tăng điểm số. Điều đó cho thấy, không phải chúng ta cứ đi hô hào bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp bên ngoài nhưng nhân viên của mình thì đang phải sử dụng nhà vệ sinh hay không gian làm việc chưa đủ tiêu chuẩn. Chúng ta phải làm sạch, đẹp và xanh chính không gian làm việc để mỗi nhân viên đang tham gia lao động sản xuất hằng ngày được thụ hưởng. Trách nhiệm xã hội được thể hiện chính bằng việc chúng ta tạo ra một nơi làm việc tốt.
Thứ hai, trách nhiệm xã hội thể hiện ở cách ứng xử của doanh nghiệp với đối tác, với khách hàng đã thực sự tốt hay chưa để góp phần tạo ra một môi trường doanh nghiệp văn hoá, văn minh và chuyên nghiệp. Và khi chúng ta làm tốt 2 điều trên, sẽ là câu chuyện doanh nghiệp sẻ chia với xã hội như thế nào.
Tôi nghĩ, để đo lường tốt nhất những gì doanh nghiệp làm thì cần soi chiếu vào các bộ tiêu chí, từ đó có thể đánh giá dựa trên thang điểm, ít ra chúng ta biết được doanh nghiệp của mình đang đứng ở thang điểm nào và cần làm gì để tốt hơn.
PV: Tôi nhớ người đứng đầu Alphanam, Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải đã từng chia sẻ về triết lý trong kinh doanh: “Là người tử tế, sống tốt cho bản thân mình, sống tốt cho gia đình, sống tốt trong xã hội”. Triết lý ấy đã được thế hệ kế nghiệp phát triển ra sao để đưa cụm từ “trách nhiệm xã hội” tiệm cận với những tiêu chuẩn đo lường quốc tế?
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Mỹ: Từ 20 năm trước, sứ mệnh của Alphanam được treo trên bảng vàng doanh nghiệp là "Làm những điều tốt nhất mang lại lợi ích cao nhất cho Alphamnam và cho cộng đồng". Từ khi còn bé, tôi và anh Nhật (Phó Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Alphanam Group Nguyễn Minh Nhật) đã quen với việc được cùng bố và các nhân sự trong tập đoàn đi trao sơn, trao quà từ thiện đến nhiều vùng đất trên khắp cả nước. Từ đó, chúng tôi hiểu một bài học sâu sắc, khi mình tạo ra được giá trị lợi nhuận nào từ sản phẩm kinh doanh thì mình cần chia sẻ lại với xã hội, với chính người lao động và với địa phương nơi mà mình công tác. Nhưng đến thế hệ chúng tôi, những người được gọi là F2, nhiệm vụ là phải “đóng gói” lại theo một cách chuyên nghiệp hơn.
Cách đây khoảng 4, 5 năm tôi hay được mời tham gia các sự kiện và chia sẻ, truyền cảm hứng. Nhưng đến một lúc tôi chợt nhận ra nếu mình cứ “đi nhiều quá”, mình không còn đủ thời gian dành cho chính nội bộ doanh nghiệp mình. Từ đó, tôi bắt đầu điều chỉnh khung thời gian. Trước khi mình nói đến giá trị nhân văn thì mình phải ứng xử nhân văn với người lao động, với tổ chức. Mình phải dành đủ thời gian để chia sẻ với những cộng sự, những người đang hằng ngày sát cánh cùng mình tạo ra giá trị cho doanh nghiệp.
Điều thứ hai, mình luôn đau đáu về việc ứng xử với khách hàng, đối tác thế nào để tốt hơn thì mình phải tìm cách tạo ra những sản phẩm tốt nhất trong khả năng và lĩnh vực mình kinh doanh. Ví dụ như trong lĩnh vực khách sạn, Alphanam xây dựng khách sạn 5 sao tiêu chuẩn quốc tế và chúng tôi ký kết với đơn vị vận hành là các đối tác nước ngoài hàng đầu thế giới. Có những tiêu chuẩn Việt Nam có thể chưa yêu cầu đến mức khắt khe như thế, nhưng khi mình đã thấy quốc tế áp dụng, mình sẽ cố gắng hết mức có thể để đem lại chất lượng và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Và vì thế, cho đến thời điểm này, tôi tự hào khi Four Points by Sheraton hay Altara Suites luôn đứng đầu thị trường Đà Nẵng về tỷ lệ lấp đầy.
Chúng ta mong muốn có sự tử tế trong dịch vụ, chúng ta phải thể hiện cái tâm trong hoạt động cụ thể chứ không chỉ là lời nói.
Ở vai trò một nữ doanh nhân, tôi vinh dự được đại diện cho nữ doanh nhân Việt Nam tham gia và phát biểu trước nhiều sự kiện quốc tế về câu chuyện bình đẳng giới. Nhưng tôi nghĩ, quan trọng nhất là những nữ nhân viên trong doanh nghiệp mình đang được đối xử như thế nào? Bình đẳng giới không có nghĩa là chúng ta đang đánh mất trật tự trong gia đình. Bình đẳng giới có nghĩa là chúng ta tôn trọng phụ nữ, tôn trọng vai trò của phụ nữ và tôn trọng, thấu hiểu cả những khó khăn người phụ nữ gặp phải khi cùng một lúc phải đóng tròn vai gia đình, công việc và xã hội. Ngược lại, những người đàn ông cũng cần dành thời gian cho gia đình, chia sẻ gánh nặng với người vợ để chăm lo con cái. Vậy ở vai trò doanh nghiệp, chúng ta làm thế nào để các nhân sự cân bằng được điều đó? Cần làm gì để tạo ra một môi trường làm việc hạnh phúc, xuất phát từ những gia đình hạnh phúc.
PV: Trân trọng cảm ơn chị về những chia sẻ rất chân thành, cởi mở này.
*****
Kết thúc cuộc trò chuyện, nữ doanh nhân còn gợi mở cho tôi nhiều điều. Ngọc Mỹ băn khoăn về bài toán rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo, về cách ứng xử với các nữ nhân viên trong môi trường làm việc và xa hơn là những công thức, con số cần minh định rõ trên lộ trình đến mục tiêu năm 2045 thực hiện khát vọng Việt Nam hùng cường.
Và điều quan trọng hơn, qua cuộc trò chuyện với nữ doanh nhân, tôi nhận ra rằng, Ngọc Mỹ, vẫn với những ước mơ ấy, vẫn những khát vọng ấy, vẫn những nhiệt huyết ấy, nhưng đã được nhân lên nhiều lần trong một “phiên bản tam thập”, như một lẽ tự thân. Sự lan tỏa, bằng cả chiều rộng và chiều sâu, như những con sóng được cộng hưởng bởi những trái tim biết yêu thương và sẻ chia cùng nhịp đập...
NHỮNG DẤU ẤN CỦA ALPHANAM GREEN FOUNDATION
Sứ mệnh: Thúc đẩy những sáng kiến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, giúp xây dựng những địa phương trở nên xanh, sạch đẹp hơn.
NĂM 2016
- Chiến dịch vì một An Giang xanh - sạch - đẹp: Chuỗi các hoạt động bảo vệ môi trường và thúc đẩy các sáng kiến phát triển bền vững tại An Giang.
NĂM 2017
- Golden City An Giang Cam kết tài trợ 3 tỷ đồng trong 3 năm (2017 - 2019) cho các chiến dịch "Vì 1 An Giang xanh, sạch, đẹp".
- Khởi động Quỹ sáng kiến "An Giang xanh, sạch, đẹp".
- Alphanam Green Foundation được trao giải thưởng Én Xanh 2017 - Giải thưởng tôn vinh các sáng kiến kinh doanh vì mục tiêu phát triển bền vững.
NĂM 2018
- Chiến dịch "Chuyến xe tái chế" đi qua 10 điểm trên các thành phố Long Xuyên thu gom được 150kg các loại rác thải điện tử.
- Chiến dịch "Hướng về Yên Bái" đã huy động được gần 1,42 tỷ đồng từ 32 nhà hảo tâm; trao tặng 1 tỷ đồng hỗ trợ nhân dân tỉnh Yên Bái để kịp thời khắc phục hậu quả do bão gây ra; sử dụng 420 triệu đồng xây dựng nhà cho 5 gia đình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn lũ.
NĂM 2019
- Tài trợ 350 triệu đồng cho các hoạt động vì cộng đồng và môi trường tại 4 tỉnh thành: Sóc Trăng; Yên Bái; An Giang; Đà Nẵng.
NĂM 2020
- Alphanam Green Foundation góp 1 tỷ đồng cho Dự án “Nhà chống lũ”.
- "Chung tay cùng bệnh viện chống dịch Covid-19" với những hành động thiết thực và hiệu quả cao cùng ngành Y tế đẩy lùi dịch bệnh, giảm truyền nhiễm tại những nơi nguy cơ cao như thang máy bệnh viện.
- Chương trình “Painting a better tomorrow” với thông điệp "Tô màu cuộc sống – Thắp sáng tương lai", đã triển khai các hoạt động sơn trường mới và tặng vở Kansai - Alphanam tại các tỉnh thành trên cả nước.
NĂM 2021
- Tháng 8/2021 Alphanam Green Foundation ủng hộ 305 triệu đồng vào chương trình ATM gạo, hỗ trợ xe cứu thương, vật tư y tế do Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phát động.
- Siêu thị Mini 0 đồng: Trong "cơn bão" Covid-19, Alphanam Green Foundation đã đồng hành cùng Thành đoàn - Hội Sinh viên Việt Nam TP. Hà Nội, CLB Doanh nhân Sao Đỏ và Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) mở cửa 22 địa điểm "Siêu thị mini 0 đồng" để phục vụ người lao động nghèo và sinh viên.
Đặc biệt, từ 24 - 29/8/2021, Siêu thị mini 0 đồng do Alphanam Green Foundation trực tiếp vận hành đã mở cửa đón người dân đến mua hàng tại hai huyện Thanh Oai và Phú Xuyên - Hà Nội. - Hơn 2.000 phiếu quà tặng được trao, với tổng trị giá hơn 800.000.000 đồng là món quà gói trọn yêu thương dành tặng người dân.
NĂM 2022
- Tháng 6/2022: Trao tặng 100 triệu đồng cho dự án nâng cao nhận thức về tự kỷ ở trẻ em Việt Nam.
- Tháng 7/2022: Phát động phong trào quyên góp sách, truyện mang tên "Tủ sách yêu thương - Cùng em tới trường".
- Tháng 8/2022: Trao tặng cây xanh cho Công viên Yên Sở.
- Tháng 8/2022: Kansai Alphanam tài trợ cho toàn bộ sơn cho dự án của tổ chức phi Chính phủ "Bring them back" gửi gắm thông điệp bảo vệ thế giới hoang dã.
- "Sóng và máy tính cho em": Alphanam Green Foundation đã trao tặng 300 triệu đồng cho tỉnh Lào Cai để tiến hành mua 100 bộ máy vi tính cho học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh.
- Tháng 10/20222 Alphanam Group và các thành viên Câu lạc bộ Doanh nhân Sao Đỏ cùng chị Nguyễn Thị Vân thống nhất thành lập Trung tâm Nghị Lực Sống - Doanh nghiệp xã hội với triết lý hoạt động “Lợi nhuận có được là giá trị cho đi”.
NĂM 2023 - Những câu chuyện viết tiếp...
- Tháng 4/2023: Triển khai thực hiện hàng tuần với những hành động làm đẹp cảnh quan đô thị, dọn rác tại các khu vực xung quanh dự án Golden City An Giang để mang đến một nơi an cư có không gian trong lành và xanh mát cho người dân.
- Tháng 6/2023: Alphanam Green Foundation phối hợp cùng Tập đoàn Điện Quang tổ chức chương trình thiện nguyện “Thắp sáng ước mơ” tại Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ, huyện Xuyên Mộc, Vũng Tàu. Dành tặng cặp, sách, bánh kẹo cho 250 em học sinh tại trường và 50 suất học bổng dành cho các em có hoàn cảnh khó khăn. Chương trình đã trao tặng cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi em một chiếc xe đạp nhằm giúp cho các em đến trường một cách dễ dàng hơn.
Chặng đường của Alphanam Green Foundation sẽ còn nối dài và không ngừng phát triển hơn nữa để màu xanh của Alphanam Green Foundation ngày một “xanh” trên hành trình đóng góp cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.