Aa

Doanh nhân truyền cảm hứng cho lớp trẻ

An Vũ (ghi)
An Vũ (ghi) pvhongvu@gmail.com
Chủ Nhật, 13/10/2019 - 08:03

Hơn 30 năm qua, giới doanh nhân là lực lượng cống hiến to lớn cho công cuộc đổi mới của đất nước. Và đến nay, vị thế của họ đã được xác định, hình ảnh có ý nghĩa trở thành niềm cảm hứng cho lớp trẻ.

Nhằm nhìn lại hành trình hình thành và phát triển giới doanh nhân Việt Nam và sự đồng hành của họ với sự phát triển của đất nước, sáng 10/10, Tạp chí Bất động sản (Reatimes.vn), Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã tổ chức Tọa đàm “Doanh nhân Việt Nam đồng hành cùng dân tộc”.

Phát biểu tại Toạ đàm, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) đã có bài phát biểu về xây dựng và phát triển thương hiệu doanh nghiệp, doanh nhân dân tộc.

Hình ảnh doanh nhân đã có những thay đổi rất ý nghĩa

Chúng ta đã trải qua 32 năm đổi mới và cải cách, 32 năm va đập, thành công có, sai lầm có, thất bại có. Doanh nhân Việt cũng đã trải qua 3 - 4 thế hệ bươn chải và trong 5 năm trở lại đây, hình ảnh doanh nhân đã có những thay đổi rất ý nghĩa.

Ý nghĩa không phải chỉ ở chỗ ra được Nghị quyết chính thống thừa nhận chính thống vai trò quan trọng của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, của doanh nhân Việt. Cũng không phải là việc chúng ta đã có 750 nghìn doanh nhân Việt, hàng triệu hộ gia đình kinh doanh, những đóng góp lớn vào ngân sách, tạo công ăn việc làm cho dân Việt…

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh (BCSI) 

Với tôi ý nghĩa thứ nhất là doanh nhân Việt Nam, đặc biệt là khu vực tư nhân đã làm những công trình rất lớn, rất có ý nghĩa, có chất lượng trong thời gian khá nhanh. Thứ hai, rất nhiều doanh nghiệp Việt sau thời gian tích lũy cơ bản đã bắt nhịp với thế giới, đi vào nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới. Đã có những doanh nghiệp lập các viện nghiên cứu về AI, Big Data… kết quả như thế nào thì còn phải chờ nhưng đó là những chuyển biến đáng kể cực kỳ ý nghĩa. Thứ ba là chưa có bao giờ Việt Nam nói về người giàu, người siêu giàu với thái độ bên cạnh lăn tăn, nghi hoặc là những trân trọng. Thứ tư, doanh nghiệp Việt đã có giá rất cao.

Ví như, năm 2018 BrandFinance đánh giá thương hiệu Việt tổng thể của các doanh nhân Việt bằng GDP Việt Nam vào khoảng hơn 240 tỷ USD. Năm nay, có những doanh nghiệp giá thương hiệu đc trả tới 4 tỷ USD. Giá trị doanh nghiệp Việt cũng đã tăng lên, đó là cái giá mà thị trường và công chúng sẵn sàng trả thêm cho sản phẩm, cho doanh nghiệp.

Giá trị này được đánh giá dựa vào 2 tiêu chí quan trọng: sáng tạo và mức độ bao phủ thị trường, trong đó bao gồm cả thị trường quốc tế. Chưa kể hàng chục doanh nghiệp xã hội có giá trị hàng chục, hàng trăm triệu đô. Bên cạnh những điều còn lăn tăn nghi hoặc thì doanh nghiệp Việt, kể cả khu vực doanh nghiệp tư nhân thực sự có ý nghĩa về truyền cảm hứng cho lớp trẻ.

Toàn cảnh toạ đàm

Xây dựng thương hiệu là một câu chuyện dài

Vì sao doanh nghiệp Việt đã lớn nhưng chưa lớn mạnh? Bởi doanh nghiệp lớn mạnh phải có 4 điều: Thứ nhất là sáng tạo; thứ hai là chi phối được mạng phân phối; thứ ba là thương hiệu toàn cầu; thứ tư là có sức lan tỏa rất lớn. Để đạt được 4 yếu tố trên thì có rất ít doanh nghiệp đạt được.

Nói riêng về câu chuyện thương hiệu, tôi chỉ xin nhắc rằng: Thương hiệu gồm nhận biết cho đến tín dụng và truyền tải, lan tỏa. Đó là cả 1 quá trình dài và phức tạp.

Việc xây dựng thương hiệu với doanh nghiệp Việt là cả một quá trình, câu chuyện dài. Thứ nhất là quá trình câu chuyện quá khứ hiện tại tương lai, thương hiệu. Một thương hiệu phải có một cái tích hay.

Thứ hai, thương hiệu là sáng tạo, tôi dẫn câu CEO của Nokia, “mọi thứ chúng ta đang làm đều đúng cả, thế mà chúng ta vẫn có thể thua cuộc”. Trong thế giới đầy biến động, thay đổi nhanh chóng, chúng ta có thể vẫn đang làm đúng nhưng lại là chưa đúng. Chúng ta có thể lụi tàn, cần sáng tạo. Sáng tạo cần thỏa mãn nhu cầu của cuộc cách mạng tiêu dùng hiện nay: xanh, thông minh, nhân văn và cá tính.

Thứ ba là vấn đề con người. Thương hiệu quan trọng nhất là thương hiệu con người, chúng ta phải xây dựng thương hiệu từ người bảo vệ ở cửa đến lãnh đạo doanh nghiệp.

Cuối cùng tôi nói về thương hiệu là truyền thông. Vấn đề là ở cách truyền thông, tự tin nhưng đừng khuếch trương quá đáng. Thứ hai là ấn tượng nhưng đừng quá lòe loẹt, thứ ba tâm linh nhưng đừng bị mê hoặc. Sau 3 cụm từ ấy, quan trọng nhất vẫn là chân thành.

Nhân dịp 13/10 tôi xin chúc cho từ "Doanh nhân" sẽ trở thành từ viết hoa đẹp nhất và kinh doanh trở thành ngành được viết hoa đẹp nhất!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top