Aa

Dọc ngang miền gốm Bát Tràng

Nhà thơ Đoàn Văn Mật
Nhà thơ Đoàn Văn Mật doanvanmat@gmail.com
Chủ Nhật, 12/06/2022 - 06:09

Vẫn tin gốm mang hồn cốt con người. Gốm đong đầy nhịp thở một miền quê từng thanh vắng, yên bình, thắm thiết.

Lâu lâu mới lại chạy xe về bên kia sông, hai tiếng Bát Tràng vang lên loáng thoáng. Vẫn bờ đê ấy, con đường ấy, những khúc quanh này, ngã ba ngã bảy kia… So với mươi năm trước thật khác lắm. Khác từng ngày chứ chẳng đùa. Nhà cửa đua nhau mọc lên san sát, các công trình rực rỡ, quy mô. Nhưng gió đường đê vẫn lan man, tươi trẻ như xưa khiến lòng người dịu lắng. Chẳng cần đi đâu xa, mỗi lúc muốn rời lòng phố, chỉ cần ngoặt hướng Bát Tràng sẽ luôn được vỗ về bởi gió. Dầu sao, gió vẫn gió trăm năm nghìn năm. Gió vẫn gió như mươi, mười lăm năm trước…

Thực tế thì Bát Tràng cũng khác lắm rồi. Đông đúc, sầm uất và nóng hổi như những lò nung. Tôi thường về làng nghề đận cuối thu, se sắt gió, phơ phất những cơn mưa bóng mây chưa kịp ướt vai người. Người quen chờ bên mâm cỗ “bát trân” và đương nhiên không thể thiếu bát canh măng mực, khoanh giò lụa, rau hái từ khoảnh vườn rộng rãi nay thu hẹp bằng đôi manh chiếu. Không khí làng nghề nhiều phần rơi rớt, nhưng chung quanh món canh măng mực vẫn thoang thoảng, căng đầy. Đâu đó, ở góc chợ, góc cửa hàng cửa hiệu, vẫn thấy vài bà vài chị xúm xít vừa vui chuyện vừa tước măng. Cứ nhẩn nha, kỹ lưỡng như chắc chắn rằng món ấy thư thả cho nhiều ngày sau, tháng sau, thậm chí phơi khô để qua cả Tết.

Món canh măng mực nổi tiếng của Bát Tràng nấu không hề khó nhưng để chuẩn vị thì phần nhiều thuộc về cảm giác. (Ảnh minh họa)

Nghệ nhân Nguyễn Thị Lâm lần nào trò chuyện cũng khẳng định món canh này nấu không hề khó nhưng để chuẩn vị thì phần nhiều thuộc về cảm giác. Măng thì mua măng Yên Bái, mực thì mực cái miền Trung có đuôi tròn, thịt mềm, đầm đẫm mặn ngọt. Kể cho hết khâu chế biến nghe cũng thực cầu kỳ. Rượu gừng tẩy mùi tanh của mực, mực cần nướng vàng đều bằng than hoa, sau đó đem giã sơ và xé cho tơi bông, xào cùng gia vị sao cho đậm đà, giòn thơm. Măng tước sợi đều như tăm hương. Rồi thì kết hợp nên món canh trứ danh xứ Bát Tràng. Khó cũng thật khó. Dễ cũng thật dễ. Khó là bởi khi về bên kia sông, chẳng mấy ai nấu được đậm đà tròn vị. Dễ khi bách bộ qua từng góc chợ, góc làng ngắm người làng thong thả tước măng hoặc vừa nấu canh vừa góp chuyện với khách chẳng thiếu câu nào. “Cái phần nước dùng cũng phải chú tâm, phải là nước luộc gà ninh cùng tôm he, nước hầm xương lợn mới làm dậy độ ngọt thơm, mà vẫn phải lọc cho trong đấy nhé!”, bà Lâm dặn khách. Thỉnh thoảng lại thêm một lưu ý. Măng phải chọn măng vầu khô, vàng óng, dày mình, dài gióng, ngâm lâu trong nước trước khi cọ sạch, hong khô rồi tiếp tục ngâm vài ngày trong nước cho mềm dẻo để có thể tước thành những sợi nhỏ, đều tắp như sợi tăm hương. Xong xuôi ngâm tiếp trong nước lạnh khoảng vài giờ, vớt ra luộc nước sôi. Hết các công đoạn mới được đem ướp gia vị, đợi cho ngấm rồi phi hành mỡ xào săn. Món ngon nhớ lâu. Bát canh măng mực hôi hổi đậm đà trải qua bao thăng trầm vẫn không đổi vị.

Có một thời, sang Bát Tràng tìm tách chén cho quán trà sắp mở, chúng tôi cứ lang thang hết con ngõ này tới góc chợ kia, xót lòng lại ghé hàng quà kẹo lạc, bánh tẻ. Thuở ấy, cách đây đã mươi năm, làng nghề chưa đông đúc như giờ, vẫn thấy tiếc nhớ nỗi niềm, không gian xưa cũ. Thuở ấy, những mặt hàng đã có phần nhộn nhạo, pha trộn, hào nhoáng và lạ lẫm. Biết vậy nên cứ kiên nhẫn đi tìm từng màu men, hoa văn, họa tiết. Những tre những trúc, những cây đa mái đình, bao dáng nét thuần Việt trở nên xa xôi, thưa vắng. Đâu rồi nét thuần nhị, tươi trong, thênh thang của ngôi làng ven đê nổi tiếng xưa nay. Từ tốn, kiên trì một chút, sẽ nhận thấy sự tĩnh lặng ở những ngôi nhà nhỏ, những mái ngói cổ xưa, những mảng tường rêu phong sót lại. Đôi khi, đi qua quán nhỏ ven đường, trong ánh chiều chạng vạng, gặp nụ cười móm mém tiễn khách xa. Tôi đã qua bao nhiêu ngôi làng như thế. Bần thần nhớ, thương về ngôi làng nhỏ của mình. Cũng nụ cười móm mém, cũng những mái rêu nhỏ bé cạnh nhà cao cửa rộng, những con ngõ bê tông mà như vẫn hồn nhiên tươi mát cơn gió ngày xưa.

Làng nghề khi có con mắt, bàn tay, trí óc và tâm hồn nghệ sĩ sẽ mang lại một luồng gió mới, thanh tân, phóng khoáng, lạ lùng. (Ảnh minh họa)

Làng nghề thời Lý từng quy tụ năm dòng họ làm gốm nổi tiếng nhất phủ Trường Yên. Ngày nay, hơn mười dòng họ tiếp nhịp gốm xưa, và còn thêm nhiều nghệ nhân, doanh nhân hội tụ từ bao miền đất khác, nổi bật là người từ đất cảng Hải Phòng. Dầu vậy, làng nghề không đơn thuần là những lò gốm nữa mà rộng hơn là buôn bán, giao thương, trao đổi. Cách đây chưa lâu, trong câu chuyện thư thả bên quán cà phê cạnh đường Phan Đình Phùng mùa lá đổ, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích đã bày tỏ sự quan sát thật thú vị. Những làng nghề ven đô giữa giai đoạn gặp nhiều xao nhãng, nhộn nhạo, hoặc lãng quên, lại được phục hồi bởi chính những nghệ nhân tâm huyết, và đáng kể phải tính đến cả những con người từ miền đất khác. Những nghệ sĩ thực thụ, có tài, có tâm. Làng nghề khi có con mắt, bàn tay, trí óc và tâm hồn nghệ sĩ sẽ mang lại một luồng gió mới, thanh tân, phóng khoáng, lạ lùng. Vẫn không gian ấy, nhân công ấy, người ta biết chấp nhận cái mới, làm ra cái mới, khai phá những con đường mới. Riêng mình nghệ sĩ thì không làm nổi. Giữa phố xá chộn rộn cũng không làm nổi. Hễ về tới làng nghề, trông cậy vào những đôi bàn tay cần mẫn, thuần thục thì mọi điều hay, ý đẹp được hòa quyện lại. Bát Tràng hay làng nghề nào khác luôn cần sự đổi thay, góp nhịp để gốm hay lụa là gấm vóc mây tre vừa bắt nhịp cũ xưa, vừa hòa vào hơi thở thời đại mới.

Nâng niu, ngắm nghía mãi những bát, đĩa, lộc bình, ấm chén… cho tới tranh sứ, đồ trang trí, tượng, phù điêu... Nhận thấy rõ dấu ấn kỹ thuật trên màu men, hoa văn, vóc dáng… ấy vậy mà vẫn pha trộn chút gì đó hụt hẫng, vắng xa, mong mỏi. Nhớ nét vẽ mộc mạc ngày xưa. Nhớ họa tiết đình chùa, tre trúc… nét thanh nét đậm toát lên sự tài hoa, tâm trạng con người. Vẫn tin gốm mang hồn cốt con người. Gốm đong đầy nhịp thở một miền quê từng thanh vắng, yên bình, thắm thiết. Vẫn phảng phất trong từng món ăn hương vị đậm đà như thể tất cả giá trị đẹp đẽ vẫn chìm khuất đâu đây, vẫn chờ được nồng nàn trỗi dậy.

Lại về bên kia thành phố. Phố xá lại ùa vào lòng người bao chộn rộn, đa mang. Làng nghề khuất sau lưng, bao hò hẹn mong chờ bỏ lửng. Mai kia ở một góc phòng, vẫn không thể nào thiếu gốm, không thể rời xa những trúc những tre. Người ta có thể lãng quên nhiều điều, nhưng cái mạch sống âm thầm của làng quê qua từng nụ cười móm mém, từng món ăn, từng nét mưu sinh lam lũ… vẫn ngấm vào ta bằng đủ cung bậc vui buồn. Tận cùng, là nhớ, là thương, là gặp quê hương mình ở đó. Ta đã dọc ngang với bao nhiêu nỗi niềm bỏ ngỏ./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top