Hè đến không hiểu có gì gọi mà vẫn hay nhớ về những con đường sinh viên đạp xe đi học. Như một không gian trong lắm mà những tiếng cười bật vang lên rất nhanh từ ý nghĩ, lanh lảnh. Bâng khuâng ngẫm ngợi cũng vụt đến. Viển vông thì có đấy, liên tưởng mai sau xa xôi này nọ. Không riêng những nghĩ làm nghề gì, đi đâu, những muốn là rong ruổi đi thật xa vào miền gian khổ cơ ấy, mà ngay trong những việc nhỏ gọn ngày thường cũng trở nên nung nấu gớm ghê.
Ví như việc bàn nhau tổ chức một cuộc sinh hoạt thơ sinh viên của lớp thôi, cũng thật là xăng xái. Tôi có được nhiều lần tham gia vào cùng tổ chức sân thơ Trẻ của Ban Nhà văn trẻ - Hội Nhà văn Việt Nam ở Văn Miếu Quốc Tử Giám dịp Ngày thơ Việt Nam trước mấy năm Covid-19 vừa rồi, thì cái cảm xúc khi đã “thanh niên hẳn” với thời “chớm thanh niên” nó cũng khác nhau lắm!
Như về sau này thì mình đã có một số năm viết lách rồi, đã đọc, đã quen một số anh chị em sáng tác và học tập được những tác giả đi trước, nên dù sân thơ có nhiều việc, có phải tốn thời gian, có rất đông người đến Văn miếu xem chương trình, thì vẫn thấy cách mình làm việc, phối hợp có gì đằm hơn, thong thả và tuần tự hơn.
Còn như trước kia, thì một cuộc đọc thơ, bình bán trong lớp với nhau thôi, khi mới say mê mà ngấp nghé giấy bút, thì náo nức hết biết! Rồi lớp Văn chúng tôi còn mời đón nhóm bạn làm thơ bên lớp Ngôn ngữ sang giao lưu, cùng là khóa 43 của trường Nhân văn cả, thì ngầm thấy trong lòng có một sự trịnh trọng! Trịnh trọng hồn nhiên tuổi mười chín, đôi mươi. Và nữa là còn có một số thầy, cô trong khoa tham dự, chứng kiến, khích lệ thì thấy cái sự tập sáng tác mới chớm của mình có gì cứng cáp hơn hẳn!
Hè đến không hiểu có gì gọi mà vẫn hay nhớ về những con đường sinh viên đạp xe đi học. (Ảnh minh họa)
Tôi bỗng ngạc nhiên vì lớp mình ngày xưa khá nhiều bạn sáng tác. Thậm chí đã thấy có bạn có thơ hoặc tản văn đăng báo từ trước hoặc ngay trong cái năm thứ nhất 1998 - 1999 nhiều bỡ ngỡ ấy. Thế đã là một sự gì rất đáng nể! Và nữa là, sau này lùi thời gian hơn, nghĩ lại, thì có chút so sánh với thời Văn khoa trước nữa, thấy rằng đến lứa sinh viên chúng tôi ở thời cuối những năm 90, đầu những năm 2000 và sau nữa, thì cái sự mông lung, lãng đãng trong những tâm hồn trẻ đã có chiều loãng đi hơn, nhường chỗ cho những ý nghĩ mang màu sắc thực tế của tuổi mới lớn trước đời sống đang mở ra bộn bề, đang có nhiều cái vẫy gọi, lôi kéo. Bản thân sinh viên cũng có nhiều mối quan tâm, toan lo khác nữa ngoài giảng đường, sách vở và những sáng tác văn thơ trong cái không khí mà không khí văn chương trên một số ấn phẩm dành cho học sinh, sinh viên đang có chiều suy giảm. Nhưng, cái lớp tôi ấy, lại có kha khá những bạn viết một cách… có nung nấu! Còn thì, sau này thơ không nấn ná với người nữa khi bước vào ngưỡng cửa chọn nghề, tìm việc, và rồi bươn bả dăm bảy năm, chục năm với đời sống vật chất, cũng là lẽ thường. Giờ cũng không mấy bạn viết thật. Nhưng thôi hẵng nhớ lại một chút bút giấy hoa niên đã, vì ngẫm ra có những điều khá thú vị!
Dạo đó, Bùi Việt Phương bạn tôi, giờ ở Hội Văn học nghệ thuật Hòa Bình, vừa từ cấp ba chuyên văn Trường Hoàng Văn Thụ Hòa Bình xuống, đọc mấy câu thơ của “hắn” làm tôi hơi hoang mang vì còn “bé” mà đã viết khéo thế:
“Em như cô gái láng giềng
Dậu mùng tơi đổ còn kiêng kỵ gì”.
Hoặc:
“Sao hồi ấy chúng mình vô tư thế
Đôi con nai ngơ ngác giữa rừng
Mình dàn dựng để cuộc đời đóng kịch
Cứ như là hai đứa biết hy sinh”…
Nghe thế thì cảm thấy rằng một học sinh hay sinh viên cũng chưa dễ luận ra cái ý tứ nó chẳng mấy ngây thơ như vậy. Rồi có Hải Yến người Thái Bình, giờ đang làm ở lưu trữ quốc gia, đăng hẳn trên một tờ nguyệt san một cái tản văn tình yêu tình đương về đôi bạn trẻ nhớ nhung, tiếc nuối, cái ký ức bên nhau đó gắn với hoa cỏ may và những cơn gió, con đê, với cỏ, rất mượt mà. Quả là ngưỡng mộ và mong mình cũng có dịp được lên báo như thế, đến mức tôi chép lại cả bài tản văn của Yến vào quyển vở mà tôi lấy làm sổ sáng tác của mình.
Nhà trường có tổ chức in cuốn “Hành trang thơ” tại Nhà xuất bản Đại học Quốc gia nhân một dịp kỷ niệm trường với những bài thơ chọn của các thầy cô và sinh viên. Lớp tôi nhiều bạn được góp mặt, “cơn hồi hộp” khi được cầm sách trên tay chắc chắn còn thấp thoáng đến bây giờ. Bài thơ “Lưng chừng” của bạn Trần Thị Hằng, cũng quê Thái Bình, đang công tác ở VTV phía Nam, hóa ra không riêng tôi nhớ ý, mà gần đây có những bạn vẫn nhắc lại, cả bài là một trạng thái lưng chừng, một câu trong nhiều câu thể hiện cái chênh vênh, lửng lơ đó: “Lưng chừng trăng lặn dưới lưng chừng sâu”.
Những tháng ngày rất trẻ đó, cứ như có những vệt sáng mới vừa bùng lên, rồi sau này không thấy lại nữa. Hay có thể đã chuyển dịch, chuyển sắc dần. Tôi nhớ vẻ nao nức mà bồng bột trong những câu chữ được các tác giả hoa niên co kéo, gò gẫm, nâng lên đặt xuống, vừa tha thiết, rất nghiêm túc, vừa trẻ trung, vừa có gì hơi bỡ ngỡ, vụng dại. Vào lớp học với nhau một thời gian, trước khi tổ chức cuộc sinh hoạt thơ trong kỳ học đầu tiên, nhiều bạn đã thích bài thơ “Tháng tư cho em” của Dương Thanh Luyến, cô bạn người Tày giờ đang công tác ở huyện Đại Từ, Thái Nguyên.
Nghĩ đến đây cũng thấy là lạ, nhiều bạn như Luyến, bây giờ có thể đã “khóa bút”, tâm hồn văn chương, chất văn hóa, nhân văn được khởi lên trong những năm tháng học đường đã hòa vào công việc, lối sống, lời lẽ, ứng xử với quanh mình. Nhưng những câu thơ cũ của tuổi mười tám tôi nhớ không đầy đủ ấy, giờ ngẫm lại, vẫn cảm thấy như có một điều gì đáng để chờ đợi, dù chỉ là le lói:
“Tháng tư gọi một vầng trăng
Đã lạc ở nơi nào xa lắm
Tìm về trong đêm nay cho thời gian bớt ngắn
Cho nỗi lòng kẻ đa mang chút hơi ấm thanh tao
…
Tháng tư gọi một vì sao
Đã rụng xuống làm duyên con gái
Tay gần tim hơn vẫn là tay trái
Ta không nắm hờ bàn tay phải kiêu sa
Tháng sáu trở về hát cho trọn câu ca…”.
Luyến có một bài thơ “Vô đề”, hình như viết vào năm cuối đại học - 2002, vẫn một bảng lảng, một mơ mộng, một ước ao nào đấy có thể mà vẫn như dự cảm khó lòng diễn ra. Nghĩ điều ấy và diễn tả ra được một cách thành thật, tình cảm, với người viết trẻ, không phải dễ dàng:
“Ngày về mang theo giấc mơ
Trọn đêm mùa thu hoa đăng dạt bến
Lời nguyện lên môi hẹn rồi không đến
Vui buồn đã lén hanh hao
Ngày về mang theo giọt nhớ xanh xao
Thuyền níu thời gian chòng chành ngóng đợi
Bàn tay vo tròn cả mùa gió xới
Mặn mà đem trải dòng sông
Ngày về mang theo đàn nguyệt buông chùng
Có kẻ ghé thăm thì thầm câu hát
Đàn tỉnh, người say hồn hoa se sắt
Mong manh đi lạc tháng ngày
Bình yên về chạm dấu giày
Người về chạm khúc đàn gầy đa đoan”.
Trong những ngày mùa thu năm ấy, đám nam sinh viên vừa ra trường đi huấn luyện sĩ quan dự bị ở Trường Quân sự Quân khu 3, Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương. Nằm trên giường bộ đội nói chuyện chơi, tôi đọc cho Lê Xuân Đức học khoa Triết bài thơ này. Đức thích thú, thêm nể cô bạn đồng hương Thái Nguyên. Nhiều năm sau khi đã về công tác ở báo Quân đội nhân dân, Đức vẫn nhớ buổi tối tôi đọc cho nghe bài thơ của Luyến.
Hồi đó thật say sưa, viết và đọc cho nhau nghe với một sự thoải mái, vô tư hết sức. Hẳn rằng cũng vừa do “rơi” vào một môi trường đúng nghĩa văn chương, chữ nghĩa, vừa từ bài học, vừa có một số thầy khích lệ bởi các thầy cũng hay sáng tác, mà lại sáng tác hay nữa. Và còn bởi bỗng nhiên, biết là trong lớp có bạn này, bạn kia cũng “động bút”, thấy ai đó “thập thò” trang bản thảo dưới quyển vở ghi bài, nên thấy nao nức, muốn biết người ta viết thế nào, và mình thì muốn nói, kể ra cho những người khác về đôi điều mình viết được.
Mấy đứa chúng tôi còn hiểu rất mơ hồ về việc in một tập thơ, nhưng thế nào lại rủ nhau tập hợp các bài mà mình ưng ý lại. Bốn đứa, mỗi đứa mươi, mười lăm bài, rồi sàng lọc, thêm bớt dần. Những tập giấy vở chép tay cứ mang theo, giở đi giở lại, chỉnh sửa, chép lại, nhàu cả ra, vơi đi, dày lên, suốt hàng nửa năm lúc thì xuống sân trường, khi ở khu ký túc xá ngồi cùng đọc, rồi lại hẹn nhau qua nhà đứa này đứa kia, vừa học, vừa ăn uống, vừa bàn đi bàn lại. Cho đến khi tập thơ “Để tình yêu đánh lưới” của bốn chú sinh viên năm thứ ba Văn khoa được in ở Nhà xuất bản Thanh Niên năm 2001, thì người nó cứ lâng lâng, bâng khuâng thế nào.
Trong tập thơ, Nguyễn Quốc Khánh có bài thơ lục bát, trước đấy đã được in ở báo Người Hà Nội:
“Em đi gánh nước giữa chiều
Để anh gánh cả những điều viển vông
Em đi cắt cỏ ngoài đồng
Để anh làm gió ngủ trong tóc thề
Dáng em dần khuất ngõ quê
Thế là dần khuất lối về trong nhau
Có cô thôn nữ hái dâu
Tóc xanh xanh đã nhuộm màu mắt ai
Con đê sao khéo là dài
Có bằng cái khoảng giữa hai đứa mình
Ngóng em từ thuở bình minh
Đến nay sực tỉnh đầy mình hoàng hôn”.
Bài này bị mỗi cái “sạn” ở câu cuối, vần “inh” trong hai chữ chẵn “tỉnh” và “mình”. Còn với một chú sinh viên khoảng năm thứ hai, viết thế đã là có những liên tưởng, so sánh khá nhuyễn. Với Bùi Việt Phương, thì có những câu thơ sinh viên “khó chê”:
“Ta về lửa trại một đêm
Cái người dưng ấy đốt mềm lòng ta
Giá như bữa ấy mặn mà
Thì tim hai đứa chảy ra vàng mười
Ta cười, ngọn lửa cũng cười
Bập bùng ngọn khói xô người vào nhau
Bập bùng cháy hết đêm thâu
Cái không cháy hết là màu áo em…”.
Còn tôi với Trần Trọng Dương, giờ đang ở Viện Hán Nôm có bài thơ “Trăn trở” ghép chung, mỗi đứa hai khổ. Dương lấy hai khổ của tôi ở một bài thơ khác, viết xen vào. Bây giờ đã qua những năm viết nhiều nội dung, đề tài, triển khai nhiều ý tưởng, suy tư trước đời sống đủ những cung bậc, bao nỗi nọ niềm kia thế sự, phận người, hay những hứng khởi trước văn hóa, lịch sử…, nhưng cái không khí trong trẻo và hồn hậu của bạn, của chính mình viết ra khi ấy, vẫn là điều không phải khi nào tôi cũng làm lại được:
“Chờ mây về ngang qua ngõ
Giăng mưa trên những lối vàng
Ta chờ một thời nhung nhớ
Mắt nai thả màu thu lam
Chờ người nghệ sĩ chuyển gam
Tóc bạc dần theo tiếng nhạc
Chiếc lá chìm trong xao xác
Khô trên một phím đàn
Cô gái tóc đen ngồi hát
Tiếng trong như tiếng hài đồng
Mau nắm tay em và chạy
Lên đỉnh đồi đón mùa đông
Câu hát gọi thời mưa giông
Bay trong nốt đàn nhung nhớ
Nghệ sĩ buông nhành lá úa
Xanh xao trên những ngón chờ”.
Bây giờ thì Dương vẫn chưa dừng hẳn làm thơ đâu. Nhưng sẽ chỉ còn là vài đốm hoa nhỏ lấp ló bên con đường đất đã được đầm thật kỹ Dương dành cho nghiên cứu văn hóa, lịch sử, văn học Trung đại, văn hóa và kiến trúc Phật giáo… Khi hai bạn Văn K43 của chúng tôi được “lên” Phó giáo sư, gồm Dương và Nguyễn Thu Hiền, bây giờ là Phó trưởng khoa Văn học – Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - bạn bè hay gọi đùa là ở lại nhà “canh miếu”, tôi có “ngậm ngùi vui” về việc có hai nhà nghiên cứu thì cũng đành phải thôi đi hai “người thơ”.
Chưa chắc không nghiên cứu thì có thể thành nhà thơ hay không, nhưng cũng có thể những “người thơ” ấy sẽ còn viết lách vơ vẩn nọ kia! Thu Hiền những năm sinh viên, có mấy bài thơ, mà giờ tôi muốn nhớ đến như thể thấy nó cũng trùng với niềm mong đợi cho một chuyến trở về thơ ca trong các bạn bè mình, như một điều cần, như một tương lai hoàn toàn có thể:
“Niềm ngỏ
Làng Dâu mùa hội chưa anh nhỉ
Tranh Đông Hồ có kịp đợi ta sang
Sông Đuống chảy bao lần trong đục nữa
Thì tháng năm xa cách sẽ tàn
Về mạn Bắc lời ngỏ vương đâu mất
Yếm lụa đào quay quắt thắm hội Lim
Câu hát đánh lơi cuối chiều em nhặt được
Hoang mang thêu dệt tự nỗi niềm
Mạn ấy dập dìu mùa duyên mới
Sông Thương xa lắc những hẹn hò”.
Ở những tháng năm đầu trung niên này, tôi đang ngóng đợi bạn bè những hoang mang, những dệt thêu, những đốm lửa bừng lên mới, cho một hoa niên lần nữa của tâm hồn khi cảm nhận rõ mình sẽ đang trẻ lại. Bởi, dường như có một dòng chảy vẫn dào dạt trong tâm niệm và quan niệm về cuộc đời, là những niềm yêu mê văn chương, văn hóa vẫn chưa bao giờ nguôi cạn. Để lứa sinh viên ra trường, làm văn, làm báo, làm thầy cô, vào quân đội, làm cán bộ tổ chức, làm công tác văn hóa, lao động xã hội, hay làm truyền thông và doanh nghiệp nữa, thì dường như làm gì vẫn ít nhiều có sự làm văn ở trong ấy. Và không quên học trong văn chương cách để sống giữa mọi người.
Đó là bút giấy hoa niên của chúng tôi./.