Aa

Tiếng quê gọi nôn nao

Thứ Ba, 04/02/2020 - 06:30

Tiếng quê thăm thẳm đời người, tiếng quê ôm oam lệnh vỡ đã theo tôi suốt cả chặng đường đời. Từ tiếng quê chịu nỗi buồn câu bấc tiếng chì cứ đeo đẳng trong nỗi nhớ khôn nguôi.

Quê tôi vùng đồng bằng Bắc bộ, nơi nắng cũng nhiều, gió cũng lắm mà bão cũng to. Bốn mùa mưa nắng thất thường. Nắng thì cháy da xẻ thịt, mưa thì ngập lụt thắt lưng, rét kim châm nhức buốt. Tính khí thời tiết đỏng đảnh như gái già không chồng dựa cột véo von, chỏng lỏn với người qua kẻ lại. Khi phát âm những từ có âm tiết đầu tiên vần “rờ”, đầu lưỡi cong tít lên tận vòm miệng rồi mới bật ra. Có lẽ vì phải sống trong vùng đất như thế mà tiếng người dân quê tôi, không cất tiếng thì thôi, khi đã cất lên, nghe nặng như chì, chả khác gì người ta mang mảnh sành mảnh chai sát vào nhau sàn sạt, sàn sạt. Nhìn miệng người nói, âm phát ra như lệnh vỡ, như tiếng chũm chọe đập vào nhau loảng xoảng. Trong cái âm lượng ấy có mùi chua phèn những chân ruộng bao năm con người cải hoá mà vẫn chưa hết màu vàng của bàn chân mỗi khi lội ruộng cùng mùi sa của mỗi mùa mưa lũ. Người dân quê tôi nhiều khi thấy tủi phận vì đất quê nghèo mà còn mang tiếng bấc tiếng chì của người đời rỉa rói.

Có nhiều người xa quê, sợ tiếng quê làm ảnh hưởng đến con đường thăng tiến mà học theo thói đời, dù âm tiết đầu tiên có là vần gì đi chăng nữa cũng đưa ra đầu lưỡi, không uốn lên tận vòm miệng, không còn dám phát âm theo cái âm điệu như lệnh vỡ, tiếng sàn sạt của mảnh sành mảnh chai hay tiếng chũm chọe va nhau chí cha chí chát. Tiếng quê từ đó cứ xa, cứ xa, xa mãi.

Sáng nay, ngồi nhâm nhi ly cà phê, nghe ngoài hiên tiếng gọi nằng nặng: “Ai mua rốc không?”. Tiếng rao bán cái tôm cái tép, quả bí quả bầu, con cua con cáy của giọng quê mộc mạc chân thành. Tôi nghe trong gió, có tiếng ai như tiếng quê tha thiết một thời, như tiếng mẹ ru nôi một thuở, như tiếng cha ngâm khúc Kim Trọng, Thúy Kiều, như tiếng bà hàng xén chao chát bán mua, như tiếng mắng gọi con mỗi sáng của nhà hàng xóm. Lòng bỗng nhớ tiếng quê đến nôn nao.

Tôi nghe trong gió, có tiếng ai như tiếng quê tha thiết một thời, như tiếng mẹ ru nôi một thuở... (Ảnh: Internet)

Những chiều hè, mẹ đi đồng về, đưa tay kéo cái cạp quần diềm bâu, nhuộm bùn. Mớ rốc mẹ bắt vội ngoài đồng lẳn trong lần cạp quần bò lổm ngổm trên sân. Nghe tiếng mẹ gọi, cả lũ anh em nhào ra vồ, chộp bỏ vào chiếc chậu sành méo miệng để mẹ nấu bát canh rau đay. Có nhiều lần, mải chơi vừa vồ vừa nghịch, bị rốc cắp. Miệng mắng sàn sạt lũ chúng tôi vì tội mải chơi để cho rốc cắp, mẹ giơ tay đập mạnh vào chiếc càng to bổ chảng. Bị đập, chiếc càng rụng ra, rơi xuống. Mẹ kéo tay tôi, đút luôn ngón bị rốc cắp vào miệng hút cho hết nọc. Đến bữa, cầm bát đưa mẹ lấy cơm. Trên các ngón tay của mẹ, chi chít các vết sẹo. Những vết rốc cắp bị nhiễm nước đồng đất có màu đen đen của bùn, của đất, thành chai sần sùi, nổi u nổi cục. Nghe tiếng rao giật mình. Những con rốc một thuở quê xưa bây giờ có mấy ai còn gọi. Nó được đổi thành con cua đồng nghe mỹ miều và đầy dáng vẻ thị thành.

Trong cái tiếng quê nặng trình trịch ấy, mẹ đã ru tôi trong chiếc rổ tre có nắm rơm tám khô lót bên dưới mỗi chiều đông gió bấc gào bên rào tre ràn rạt. Chiếc khăn vuông đen mẹ chít mỏ quạ để giữ cho mớ tóc dài mà mỗi khi gội đầu mẹ phải đứng trên chiếc ghế quay, không cho chạm đất khi ra đồng, ra ao, vào bếp, phủ trên người. Từ chiếc khăn mỏ quạ, hơi ấm của mẹ, hơi mồ hôi phơi nắng phơi mưa, hơi đồng chua chua mằn mặn và có cả hương lúa thơm thơm vảng vất trong giấc ngủ. 

Trong giấc ngủ, trong giấc mơ, tiếng ru nằng nặng ngôn ngữ váng phèn có cô tiên làm phúc, có chị Tấm dịu hiền mẹ chắt ra thành từng giọt sữa để cho tôi lớn lên. Con rốc, con cáy, cái cò, cái vạc lam lũ tảo tần được mẹ gọi tên trong mỗi lời ru khi trầm lúc bổng, cho ước mơ tôi cất cánh bay xa. Tất cả, từ con rốc tháng năm đến con cáy ngày đông, từ con vạc ăn đêm đến con cò lầm lũi cứ lặng lẽ cùng chúng tôi lớn lên với cái tiếng quê ôm oam lệnh vỡ.

Chính cái tiếng quê ôm oam lệnh vỡ làm ngọn lửa ủ ấm cho tôi từ lời ru của mẹ... (Ảnh: Đồng Văn Hùng)

Rồi tôi xa quê. Những ngày huấn luyện trên thao trường, những khi hành quân mồ hôi ướt đầm lưng áo, những chiều tuần tra trên biên giới vượt núi băng rừng, những đêm cùng anh em đi phục kích ngoài đường biên, cột mốc. Mỗi khi xong nhiệm vụ trở về, cầm bát cơm trên tay, lại nhớ bàn tay của mẹ sần sùi, nổi u nổi cục vì con rốc cắp. Lòng lại nhớ hương bát canh rốc nấu rau đay có đắng, có cay, có bùi ngậy phận người. Nhớ sao tiếng mẹ giục giã mấy anh em ra nhặt cua trên sân mỗi chiều mẹ từ ngoài đồng về, bàn chân còn bám bùn, bám váng phèn chua mặn.

Tiếng quê thăm thẳm đời người, tiếng quê ôm oam lệnh vỡ đã theo tôi suốt cả chặng đường đời. Từ tiếng quê chịu nỗi buồn câu bấc tiếng chì cứ đeo đẳng trong nỗi nhớ khôn nguôi. Nghe tiếng rao nặng trình trịch ngữ điệu của người quê lòng lại chạnh buồn vì những âm lượng quê xưa giờ đã vơi vợi theo tháng năm đi kiếm miếng cơm manh áo cùng đời.

Giật mình nghe tiếng quê xưa, lòng lại nhủ lòng. Bao giờ trở lại quê xa, liệu những ngôn ngữ của tháng năm xa quê có làm mất đi âm điệu tiếng quê có mùi bùn, mùi váng phèn, mùi con cua, cái cáy.

Nâng ly cà phê, tôi nhận ra trong đắng đót phận người, trong ngọt bùi được hưởng, có tiếng quê một thuở đa mang. Chính cái tiếng quê ôm oam lệnh vỡ, chính cái tiếng quê nằng nặng như chì có con cua, con cáy, có cái cò, cái vạc lầm lũi tảo tần làm ngọn lửa ủ ấm cho tôi từ lời ru của mẹ, là điểm tựa cho tôi vượt qua mọi trắc trở đường đời. Tiếng quê từ bầu sữa ngọt bùi của mẹ, từ giọt mồ hôi mằn mặn của cha giấu trong bát cơm, củ khoai, củ sắn, vại cà nuôi tôi ngày thơ bé.

Tiếng quê xưa một thuở. Tiếng quê xưa lệnh vỡ của tôi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top