Aa

Dốc tuổi già

Chủ Nhật, 02/10/2022 - 07:30

Sống vui khỏe, có ích đang là những liều thuốc quý giúp cho người có tuổi sống có ý nghĩa hơn trong tư duy lành mạnh và cách nhìn đời sống an yên, bình thản. Đó cũng là cái dốc có phanh khó trơn trượt của tuổi già.

Con người khi sinh ra đã cất tiếng khóc, chứ không cười, để rồi nơi cõi tạm quên lãng, lãng quên, ai cũng đi tiếp và trượt tới cái dốc này - dốc tuổi già. Khi trẻ, quỹ thời gian, ngân lượng thời gian còn nhiều, mọi người hồn nhiên sống mà ít để ý tới. Ở thời 4.0, cái dốc tuổi già mới nhiều bi kịch khác, cô độc và hiu vắng ở chặng cuối đường. Ngay cả khi nhìn thẳng vào sự thật chua xót về những ngày dịch bệnh ở bên nước Ý hay Tây Ban Nha, các bác sỹ phải chọn lựa sự sống cho những người trẻ hơn, mà bỏ qua người già do không đủ thuốc cấp cứu. Tuổi già bị loại, dù văn minh châu Âu rất trân trọng người cao tuổi.

Ở nước ta, không ít minh tinh màn bạc tài năng, những người con hiếu thảo đều chọn sống ở nước ngoài; người mẹ yêu dấu có khi cũng ra đi trong cô độc, để rồi sau đó là tang lễ rất hoành tráng. Tôi hay tự hỏi thầm, không rõ trái tim quá đát của người mẹ kia nghĩ gì nhỉ? Không sao lý giải được khi trái tim quá đát. Những người mẹ ở những vùng quê nghèo nước Việt, họ vẫn sống trong sự đùm bọc của cháu con, gia đình, xóm giềng. Nhưng ngày nay không ít vùng quê chỉ còn đa số người già và trẻ nhỏ. Thềm hè cũng nhạt nhòa mà người mẹ già, cha già không biết kêu ai ngoài bóng tre và hiên dại. Đó là những cái dốc trượt không có trong thư mục nào của thư viện đời người. Dốc trượt mà ai cũng trượt tới ga cuối cùng. Không nơi nào có vé ưu tiên cho bất kỳ ai ở bến cuối, hơi thở cuối.

Ảnh minh họa: Internet

Ở một chung cư cũ Hà Nội, gần nhà máy rượu xưa, tôi có biết một đôi vợ chồng già, ông tên là Ước và bà tên Lễ, hai người cùng sinh ra ở làng giò chả Ước Lễ mà không làm giò chả gia truyền. Họ thông minh, tài giỏi, từng đi học ở Đức rồi về nước làm việc. Ông có học vị tiến sỹ, có chức sắc hẳn hoi, mà về già lủi thủi với vợ. Hai cái tàu lá chuối dặt dẹo bên nhau. Ông bà có một đứa con trai duy nhất, dựng vở gả chồng cho con rồi con cũng sang nước ngoài sinh sống, có vợ con đề huề, đời sống hạnh phúc.

Nhưng mấy năm cuối đời của người cha bị tai biến, đứa con sống nhiều năm ở châu Âu không thấy về thăm nhà và cũng không gửi tiền chăm sóc cha, đỡ đần mẹ. Người mẹ từng quá kỳ vọng ở con trai, rồi lại quá thất vọng khi lần đầu tiên chồng bị tai biến, tim có vấn đề và ông từng chết lâm sàng. Khi gọi điện cho con, nó thông báo “con bận lắm không về được”, sau dịch giã cũng không về được. Khi hồi tỉnh lại, ông Ước nói với vợ: "Nếu tôi đi rồi bà nhớ thả tôi xuống sông Hồng, bởi nếu có chôn cất, điệu này nó cũng không về hương khói đâu, bà không có lo chôn cất cho tôi làm gì! Tôi đã chết lâm sàng nó cũng không về, và chết thật sự cũng vậy. Bà phải sống khác đi".

Thời hiện đại cùng với hội nhập đã đánh mất đi biết bao giá trị sống, và tình người Việt giữ gìn truyền thống xưa cũng thay đổi rồi. "Sau này bà phải tự chăm sóc cho mình, rồi bán cái nhà chung cư tìm vào trại dưỡng lão mà sống nốt thời gian còn lại". Dặn dò vợ được ít ngày, vị tiến sỹ già mất. Giỗ chồng xong, người vợ bán nhà chọn vào khu dưỡng lão bình dân để sống nốt với đoạn kết của cuộc đời ở trung tâm chăm sóc người cao tuổi. Phận đàn bà từng có học vị, đỗ đạt, có con như bà Lễ mà đoạn kết như không có con. Nào có ai kêu giời xanh, giời thấu cho phận đàn bà cho được.

Ảnh minh họa: Internet

Cách chung cư cũ mấy nhà nữa, chiều chiều có hai ông bà già gầy gò luôn dắt nhau đi dạo bộ ở cái sân chơi mini, cứ mấy vòng họ lại ngồi nghỉ ở một cái ghế đá cũ như con người họ. Rồi lâu lâu không thấy hai người nữa. Nghe láng giềng kể lại, đó là đôi vợ chồng sống hạnh phúc nhất dãy nhà tập thể. Họ không có con nhưng yêu thương nhau hết mực. Họ đều đi cùng một ngày vì bệnh tim và đồng thuận ký hiến xác cho công trình nghiên cứu khoa học. Đời người đơn giản chỉ có vậy. Ông bà tên là XS đó trước khi ra đi, người trông coi xe khu tập thể từng kể lại rằng: "Ông bà thật hiền lành phúc hậu, họ đã làm từ thiện rất nhiều, tiền bạc, đồ đạc trong nhà cứ cho đi hết, cuối cùng trong nhà không có gì ngoài hai chiếc giường cá nhân và một cái nồi xinh xinh để nấu cháo súp". Bà XS đi sau ông có ba tiếng đồng hồ. Họ cùng rủ nhau về giời đó.

Về giời. Nghe cứ như chuyện bịa ấy, mà thật sự... Bà Tuyển thuê một căn hộ hẹp lắm ở chung cư mini mới gần hồ Bảy Mẫu. Có một thời làm công nhân cơ khí, thợ nguội ở nhà máy Trần Hưng Đạo, bà Tuyển đi đông đi tây rồi sống với chồng tên là Tụ ở trời Âu, sau về nước một mình. Người chồng tên Tụ vẫn sống ở Hungary có lương bảo trợ, như là công dân hạng hai, không có việc làm và cứ bám hai chữ Việt kiều định cư ở nước ngoài để sống. Hỏi có sung sướng gì ở công dân hạng hai, hỏi có sung sướng gì hai vợ chồng ở hai nơi. Họ có chung cậu con trai quý tử ăn chơi lêu lổng khiến bà Tuyển phải bán căn hộ trả nợ cho con, rồi con vẫn chết trong tù vì tiêm chích, nghiện hút. Bà luôn khao khát được về giời mà chưa về được. Chết với một người như bà Tuyển đâu có dễ? Có những bi kịch đời người mà viết mãi không hết nước mắt kiểu như số phận của nhân vật bà Tuyển.

Tuổi già có một cái dốc trơn trượt, dễ ngã nhất và khó đứng dậy nhất. (Ảnh minh họa: Internet)

Ở chung cư mới này lại có một bà già đơn thân, nhưng có một cô con nuôi làm nghề trông trẻ mẫu giáo bé, thi thoảng về thăm mẹ nuôi. Bà mẹ tên Thầm, từng khá nổi tiếng vì bài thơ tình véo von ở phường khi sinh hoạt văn nghệ, bà hay chơi "phây búc" khoe đủ thứ hàng ngày. Bà ngoài tám mươi xuân nhưng luôn luôn son phấn và dùng tóc giả, răng giả nom cứ như trẻ ra năm chục tuổi. Bà Thầm chả biết làm gì, ngày thay áo ba lần và nhờ người trong công viên Thống Nhất chụp ảnh cho, rồi phơi lên phây cho nó trẻ và thật là xinh. Nhưng buổi tối khi xóa son phấn kẻ vẽ lông mày, để mặt mộc thì hiện nguyên hình cụ U80, nom nhọc lòng lắm. Đã bảo tuổi già sống ảo cho thanh xuân, tội gì. Đằng nào mình chả về giời mai kia. Tại sao lại không sống cho vui và cho đẹp. Bà Thầm lý luận thế.

Nhưng nhiều lần đi du lịch, mấy bạn họa sỹ trẻ phải né tránh bà Thầm vì bà cứ bắt họ chụp ảnh. Chụp rồi, chụp nữa, chụp mãi, hàng trăm kiểu giống nhau không rõ để làm gì. Và bà Thầm không buông tha cho bạn trẻ cùng đồng hành. Có lần ở vùng núi đá rét ngăn ngắt, bà mặc chiếc váy hoa ngắn đến đầu gối đọc thơ tình và nhảy rất máu lửa cùng bọn trẻ. Cứ tưởng thế là xong, nhưng bọn trẻ cứ lắc đầu cười rồi lảng tránh dần. Vì bà Thầm không tỉnh, cứ nghĩ mình sống thế là hay, hồn nhiên trong mọi cách giao tiếp. Có đợt đi du lịch hội hè của đoàn văn nghệ thành phố, thấy có tên bà là bọn trẻ tránh xa hoặc lỉnh đi chỗ khác. Không phải cái dốc trơn trượt mà hơn cả trơn trượt, là vì bà Thầm yêu mình quá, đề cao mình quá, vì sống đã để tuột đi niềm ấm áp của con người, và vì bà hay làm phiền đến người xung quanh. Rồi cũng biết đoạn kết của bà Thầm ra sao, nhưng họ ngại khi gặp bà, kể cả việc tám chuyện ở hành lang hẹp chung cư mini. Không rõ lúc đơn độc, bà biết nói chuyện với ai. Có bà bán bánh rán mật, bánh rán vừng ở đầu ngõ bảo: “Hay bà Thầm nuôi lấy một con chó Nhật mà nói chuyện cho nó vui, sao cứ làm phiền người khác thế. Có phải ai cũng thích nghe bà nói chuyện đâu, bà ấy chưa tỉnh ra, khổ”.

Lại một ví dụ khác, một người già khác trong chung cư mở quán chè chén bên góc đường chỉ để bán lấy vài đồng bạc hoặc hơn chục bạc lẻ trong ngày, không phải vì thiếu tiền mà vì gặp người qua đường kêu bà cho cốc nước hay điếu thuốc. Con cháu đi làm, đi học cả ngày, khiến bà ngồi buồn nên bà vẽ ra cái bàn chè chén cho nó vui góc nhà. Cũng là cái cách tiêu thời gian sống mòn mỏi của tuổi già đấy. Chân cẳng lúc về già không đi xa được thì tính ngồi một chỗ gặp người qua đường là vui hơn. Con cháu bà cũng chiều, miễn là bà chè chén thấy vui.

Tuổi già có một cái dốc trơn trượt, dễ ngã nhất và khó đứng dậy nhất. Bao nhiêu câu chuyện buồn trong mỗi phận người già; ai thức tỉnh ra sớm thì đỡ bi quan, ai không ngộ ra sớm thì sống trong buồn bã và tiêu cực, rồi sống mòn và chết mòn. Trong đời sống vẫn có người già không ngừng học hỏi và không ngừng lạc quan để sống đẹp. Nếu đi được thì họ vẫn cứ đi tiếp. Sống vui sống khỏe, sống có ích đang là những liều thuốc quý giúp cho người có tuổi sống có ý nghĩa hơn trong tư duy lành mạnh và cách nhìn đời sống an yên, bình thản. Đó cũng là cái dốc có phanh khó trơn trượt của tuổi già./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top