Cú sốc 2020 và thách thức chữ V
Tiềm năng đầu tư trên thị trường tài chính phụ thuộc rất lớn vào bức tranh vĩ mô chung của nền kinh tế, vốn đang xáo trộn đáng kể vì ảnh hưởng của Covid-19. Theo đó, thách thức chung của nền kinh tế toàn cầu chính là khả năng tăng trưởng yếu sau đại dịch, đặc biệt là ở trong trạng thái “bình thường mới”.
Lo ngại lớn nhất về Covid-19 là nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, theo Tiến sĩ kinh tế Chen-Hui Yen, Giám đốc Chiến lược, Yuanta Investment Consulting (Tập đoàn Tài chính Yuanta - Đài Loan), về cơ bản thì cú sốc Covid-19 là một “thảm họa tự nhiên” trong khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (GFC) năm 2008 là sự “mất cân bằng trong ngành tài chính”.
“Cuộc khủng hoảng năm 2020 có thể dự báo được, đây không phải là suy thoái bảng cân đối kế toán như năm 2008 mà là khủng hoảng thanh khoản kéo dài cuối cùng gây áp lực lên bảng cân đối kế toán. Vì thế, trong cuộc khủng hoảng năm 2020 các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị ảnh hưởng nặng hơn các doanh nghiệp lớn”, ông Yen nhận định.
Dù vậy, Covid-19 cũng đã mang đến nhiều khó khăn trên thị trường tài chính. Trong đợt bán tháo Covid-19 vừa qua, các thị trường mới nổi đã chứng kiến dòng vốn bị rút nghiêm trọng nhất kể từ năm 2008. Tuy nhiên, dữ liệu cũng cho thấy dòng vốn chảy ra khỏi thị trường mới nổi đã ổn định hơn ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù đã được cải thiện đáng kể, tuy nhiên rủi ro thanh khoản của các nền kinh tế phát triển vẫn chưa trở lại bình thường. Theo đó, chênh lệch lợi suất của trái phiếu lãi suất cao và trái phiếu thị trường mới nổi chỉ hồi phục một phần, do tín dụng suy yếu vì kinh tế đình trệ.
Theo ông Yen, hiện nay, nền kinh tế thế giới đang ở trong giai đoạn 3, khi các quốc gia dần gỡ bỏ phong tỏa. Giai đoạn 1 trước đó là các hoạt động kinh tế dừng đột ngột, giai đoạn 2 là chất lượng tài sản giảm và khủng hoảng thanh khoản. Còn giai đoạn 4 là thời điểm tăng đầu tư và toàn cầu hóa như tái cấu trúc chuỗi cung ứng (tích hợp theo chiều dọc, đa dạng hóa hoạt động sản xuất), tăng cường kiểm soát nhập cư và du lịch.
Nhìn ở góc độ này, tiềm năng thị trường vẫn còn đang ở phía trước. Dòng tiền dự kiến có thể tiếp tục chảy vào quý IV năm nay, tất nhiên sẽ còn phụ thuộc vào những quan sát về khả năng làn sóng Covid-19 quay trở lại lần 2.
Còn nhìn trong dài hạn, TS. Yen cho rằng Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến nền các nền kinh tế Đông Á thông qua các kênh “tài chính” và kênh “thực”. Một số quốc gia Đông Á có mối liên kết phía trước cao hơn chuỗi giá trị toàn cầu, tức là xuất khẩu phụ thuộc đầu vào nhập khẩu, các quốc gia này dễ bị “sốc cung”.
Trong khi đó, những quốc gia có liên kết phía sau cao hơn chuỗi giá trị toàn cầu thì xuất khẩu của họ là đầu vào cho sản xuất của các quốc gia khác, các quốc gia này dễ bị “sốc cầu”. “Nợ cao, nợ nước ngoài và nợ ngoại tệ có thể gây lo ngại cho một số quốc gia Đông Á và Việt Nam cũng khá đáng ngại”, TS. Yen bình luận.
Sẽ có nhiều kịch bản phục hồi kinh tế, từ hình chữ V (đi lên ngay) hoặc chữ U, hoặc thậm chí chữ L. Điều này sẽ phụ thuộc vào chính sách hỗ trợ của chính phủ từng quốc gia.
“Việt Nam có thể hồi phục nhanh chóng nhờ các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn tương tự như Đài Loan. Việc hỗ trợ các doanh nghiệp sống sót sẽ giảm số vụ phá sản và tác hại từ việc đóng cửa doanh nghiệp. Điều này đảm bảo sự hồi phục nhanh chóng của các hoạt động kinh tế hậu đại dịch”, ông Yen nhận định.
Nhiều doanh nghiệp trên sàn hưởng lợi hậu dịch
Nền kinh tế Việt Nam liệu có phục hồi theo hình chữ V hay không thì còn phải chờ đợi các gói giải cứu cụ thể hơn. Tuy nhiên, bên cạnh những nguy cơ thì cơ hội trên thị trường trở nên “sáng” hơn khi có nhiều chính sách mới.
Phân tích về thị trường và cơ hội đầu tư hậu Covid-19, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường Việt Nam đang được định giá thấp nhất và có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực.
Đáng chú ý là việc Trung Quốc sẽ đóng vị trí trọng yếu trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng xu hướng dịch chuyển sang các nước Đông Nam Á sẽ được đẩy nhanh nhằm giảm thiểu rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc. "Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng dịch chuyển này, tuy nhiên sự dịch chuyển vẫn chủ yếu là những ngành có giá trị gia tăng thấp như dệt may, da giày hay lắp ráp linh kiện điện tử", ông Minh nhận định.
Trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn nắm giữ nhiều lợi thế nhờ chuỗi cung ứng hoàn thiện, cơ sở hạ tầng mạnh mẽ và trình độ quản trị tốt trong khi các quốc gia Đông Nam Á và Nam Á sẽ phải tiếp tục đầu tư mạnh về hạ tầng và nguồn nhân lực có trình độ nhằm thu hẹp khoảng cách với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, nhiều chính sách khác cũng giúp doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán hưởng lợi, chẳng hạn như Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EU) - EVFTA.
Ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong số này, lĩnh vực dệt may sẽ được hưởng lợi đáng kể.
Hay như cổ phiếu khu công nghiệp tiếp tục hấp dẫn nhà đầu tư khi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (cả đăng ký mới và điều chỉnh) tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm. Bất động sản khu công nghiệp cũng thiết lập mặt bằng giá thuê mới. Một điểm cộng đáng kể đến từ khả năng kiểm soát tốt dịch Covid-19 của Việt Nam.
Trong khi đó, Chính phủ đang đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng. Với mức dự chi hơn 700.000 tỷ đồng (tương ứng hơn 30 tỷ đô la Mỹ) cho đầu tư công, gấp 2,2 lần số vốn giải ngân trong năm nay, chính sách này được nhiều chuyên gia đánh giá là biện pháp hữu hiện để kích thích kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, theo ông Trương Quang Bình, Phó Giám đốc phân tích Yuanta Việt Nam, ngành điện dự kiến cũng được hưởng lợi kép từ dịch chuyển sản xuất và nguyên liệu đầu vào giảm. Lượng điện tiêu thụ dự kiến sẽ thiếu hụt khoảng 48 tỷ kWh vào năm 2025, với mức tăng trưởng bình quân 11% mỗi năm, chưa tính đến việc nhu cầu điện sản xuất gia tăng khi làn sóng chuyển dịch nhà máy ra khỏi Trung Quốc và nhiều quốc gia tăng cường đầu tư vào Việt Nam.
“Ngành điện cũng ghi nhận nhiều chính sách ưu đãi cho năng lượng sạch, chi phí đầu tư năng lượng tái tạo ngày càng rẻ, tiệm cận năng lượng truyền thống và nhiều doanh nghiệp có định giá hấp dẫn”, ông Bình nói.