Aa

Đổi đất vàng lấy cầu Thủ Thiêm 4: Phải đấu thầu mới tránh thất thoát, trục lợi

Thứ Sáu, 13/10/2017 - 01:01

Mặc dù ủng hộ việc thành phố xây cầu Thủ Thiêm 4, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện dự án theo hình thức BT gây nhiều lo ngại về tính minh bạch và nguy cơ thất thoát.

Cầu Thủ Thiêm 4 nối quận 2 với quận 7 có giá trị đầu tư hơn 5.200 tỷ sẽ được thực hiện theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (BT).

Theo đó, TP.HCM sẽ dùng 16 lô đất có diện tích gần 12ha để thanh toán cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Đặc biệt, trong 16 lô đất có 11 lô đất vàng nằm ngay khu đô thị Thủ Thiêm với diện tích gần 100.000m2.

Mặc dù ủng hộ việc thành phố xây cầu Thủ Thiêm 4, tuy nhiên theo nhiều chuyên gia, việc thực hiện dự án theo hình thức BT gây nhiều lo ngại về tính minh bạch và nguy cơ thất thoát.

1 lô đất vàng nằm trong khu đô thị Thủ Thiêm sẽ được dùng để đổi cho nhà đầu tư xây cầu Thủ Thiêm 4.

1 lô đất vàng nằm trong khu đô thị Thủ Thiêm sẽ được dùng để đổi cho nhà đầu tư xây cầu Thủ Thiêm 4.

BT là trục lợi chính sách

Ông Nguyễn Văn Đực, phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng, hình thức BT là một cách trục lợi chính sách. Hình thức này tiềm ẩn nguy cơ gây thất thoát hàng chục nghìn, thậm chí hàng trăm nghìn tỷ đồng của nhà nước.

“Chuyện xây dựng cầu đường cần phải được đấu thầu công khai để chọn ra những công ty thi công xây dựng có năng lực, đủ tư cách pháp nhân, kinh nghiệm. Còn 16 lô đất cũng phải đấu giá công khai để những nhà đầu tư phát triển bất động sản quan tâm tham gia. Hai cái này cần phải tách thành hai gói thầu khác nhau”, ông Đực nói.

Theo ông Đực, không nên gom tất cả 16 lô đất này thành một gói mà nên tách thành 16 gói đấu thầu khác nhau. Có thể sẽ có 16 nhà đầu tư trúng thầu hoặc 3 hay 4 nhà đầu tư trúng tùy vào họ thấy phù hợp với các khu đất.

“Tách thành 16 gói thầu bán đấu giá chắc chắn nguồn thu lại là lớn hơn rất nhiều so với việc gộp chung 16 lô này thành một gói. Giống như mua tôm cá, mua một mớ lúc nào cũng rẻ hơn mua từng con”, ông Đực nói.

Cũng theo ông Đực, nếu gộp chung lại thì xảy ra tình trạng người này không đủ chức năng làm cầu thì lại được làm cầu, hoặc không đủ chức năng làm bất động sản lại làm bất động sản là vô lý. Do đó, cần phải tách biệt hai chuyện này để tránh thất thoát.

“Ví dụ cây cầu xây 10 ngàn tỷ nhưng thực tế xây có khi lại chỉ khoảng 5 ngàn tỷ thôi, còn 16 lô đất trị giá 10.000 tỷ nhưng thực sự có khi lên đến 20 – 30.000 tỷ. Sau khi trừ đi thì nhà đầu tư rõ ràng bỏ túi hàng chục nghìn tỷ đồng”, ông Đực nói.

Mầm móng thất thoát và nguy cơ tham nhũng

Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, hình thức đầu tư BT tiềm ẩn những nguy cơ gây thất thoát và tham nhũng rất lớn.

Các dự án BT lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai đã làm suy giảm tính cạnh tranh, minh bạch thông tin. Trong khi đó, quỹ đất đối ứng trả cho doanh nghiệp thường lớn hơn thực tế dẫn đến thất thoát tài sản nhà nước hàng nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, việc xác định giá trị của khu đất tại thời điểm giao đất luôn tiềm ẩn những nguy cơ thất thoát, vì mỗi loại đất lại được định giá giá trị khác nhau.

“Nếu chủ đầu tư xây dựng một con đường, rồi lấy quỹ đất đối ứng hai bên đường thì giá đất phải được xét duyệt sau khi hình thành con đường mới đảm bảo được tối đa giá trị, nhưng nguyên tắc này rất ít khi được thực hiện”, ông Võ nói.

Mặt khác, nếu để doanh nghiệp tự đề xuất - tự triển khai dự án BT, nhà đầu tư có thể ăn theo nhiều lần: Lần đầu là đẩy tổng mức đầu tư dự án lên cao để nâng chi phí đầu tư; Lần hai là phần trăm từ các nhà thầu do chủ đầu tư BT tự chỉ định; Lần ba là đẩy chi phí đầu tư hạ tầng khu đất dự kiến đổi lấy hạ tầng để được giảm trừ vào Tiền sử dụng đất; Lần bốn là giá đất được tính khi chưa có hạ tầng, nên giá đất thường được tính ở mức rất thấp.

Hình thức BT đã lỗi thời

Theo tiến sĩ Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) chỉ phù hợp trong giai đoạn thập niên 90. Khi đó, thị trường bất động sản chưa định hình, nhiều khu đất muốn phát triển đòi hỏi nhiều sức lực đầu tư, nguồn vốn lớn nên chủ trương đổi đất lấy hạ tầng phát triển.

Tuy nhiên, hình thức này hiện đã không còn phù hợp, hiện tại thị trường bất động sản đã trưởng thành, giá trị của từng khu đất đã được xác định, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng tham gia để thực hiện dự án.

Mặt khác, hạ tầng giao thông, cầu đường luôn có những kế hoạch xây dựng rõ ràng và đòi hỏi đơn vị thi công phải có năng lực thực sự, có kinh nghiệm chứ không phải ai cũng làm được.

Do đó, cần phải tách biệt hai việc này. Đấu thầu giao thông riêng và đấu giá đất riêng. Như vậy sẽ tránh được trường hợp, các nhà kinh doanh bất động sản không có kinh nghiệm làm cầu đường nhưng vì muốn có lô đất nên tham gia và ngược lại những đơn vị có kinh nghiệm làm cầu đường nhưng không thể phát huy được hiệu quả trong đầu tư dự án bất động sản.

“Tách riêng như vậy, thành phố sẽ lựa chọn được những nhà đầu tư bất động sản tốt nhất cho các lô đất và đơn vị thi công tốt nhất để thực hiện dự án cầu đường. Còn nếu chúng ta gộp chung cả hai cái này thì sẽ đi ngược tiến trình minh bạch hóa đầu tư và sử dụng nguồn vốn”, Tiến sĩ Hiển nói.

Cầu Thủ Thiêm 4 dài hơn 2,1 km, tĩnh không 10 m, thiết kế dạng dây văng gồm phần cầu chính nối quận 2 và 7 với 6 làn xe; phần cầu dẫn trên đường Nguyễn Văn Linh bố trí từ trước nút giao Nguyễn Văn Linh - cầu Tân Thuận 2; hai nhánh cầu dẫn N1, N2 từ cầu chính phía quận 7 xuống đường Huỳnh Tấn Phát.

Trước đó, lãnh đạo TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định nhà đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4.

Thành phố cũng đã chấp thuận chủ trương cho Liên danh Công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt - Công ty CP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 - Công ty CP Đầu tư phát triển xây dựng 168 tự cân đối chi phí, nghiên cứu lập đề xuất dự án theo hình thức PPP (hợp đồng BT).

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top