Tại Diễn đàn "Xác lập mô hình tăng trưởng cho Việt Nam giai đoạn 2026 - 2030 và định hướng đến năm 2045, ngày 15/7, do Viện Kinh tế Việt Nam và Thế giới tổ chức, các chuyên gia kinh tế chỉ ra, nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước một ngưỡng quan trọng: hoặc bước vào quỹ đạo tăng trưởng nhanh, bền vững, có chiều sâu, hoặc tiếp tục mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình.
Để có bước tăng trưởng đột phá, Việt Nam không thể tiếp tục dựa vào mô hình tăng trưởng cũ, mà cần sự chuyển mình toàn diện cả về tư duy, thể chế lẫn hành động. Trong đó, việc học hỏi và rút ra bài học từ các mô hình tăng trưởng của các nước đi trước là điều cần thiết.
Những điểm nghẽn cản bước mô hình tăng trưởng chất lượng cao
Tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương nhận định, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, vị thế quốc gia không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.
Đặc biệt, từ sau Đại hội XI và nhất là sau khi ban hành Nghị quyết 05-NQ/TW năm 2016, công cuộc đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng. Việt Nam đã từng bước cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn, kiểm soát tốt nợ công, cải thiện môi trường kinh doanh và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế số.

PGS. TS Nguyễn Hồng Sơn - Phó trưởng ban, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.
Tuy vậy, ông Sơn cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế đang cản trở quá trình chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng chất lượng cao.
Đó là, tốc độ đổi mới mô hình tăng trưởng vẫn chậm và chưa mang tính đột phá như kỳ vọng. Nền kinh tế chưa thực sự bền vững, năng suất lao động còn thấp so với mặt bằng khu vực; mức đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng chưa cao. Đặc biệt, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt Nam còn khiêm tốn.
Một trong những thách thức là năng lực công nghệ nội sinh còn yếu. Hệ thống doanh nghiệp nội địa chưa đủ sức làm chủ công nghệ lõi, trong khi chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI vẫn mờ nhạt. Cùng với đó, chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực công nghệ cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của các ngành kinh tế mới.
“Những thách thức này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đẩy nhanh cải cách thể chế và đầu tư mạnh mẽ cho khoa học - công nghệ, nếu muốn tạo bước đột phá thực chất cho tăng trưởng trong giai đoạn tới”, PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn nhận định.
Tại Hội thảo, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cũng cho rằng mô hình tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đang mang tính pha trộn, trong đó nổi bật là ba trụ cột: Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; mô hình xuất khẩu dẫn dắt với độ mở thương mại thuộc nhóm cao nhất thế giới; và mô hình tăng trưởng dựa vào vốn đầu tư, nhân công giá rẻ, cùng chi phí mặt bằng thấp.
Trong khi đó, các quốc gia Đông Á từng đi theo mô hình tương tự đang đối mặt với giới hạn phát triển, thì Việt Nam cũng bắt đầu cho thấy các dấu hiệu hụt hơi: hiệu quả đầu tư suy giảm, năng suất lao động cải thiện chậm, công nghiệp phụ trợ yếu, và khả năng lan tỏa từ khu vực FDI sang doanh nghiệp nội địa còn thấp. Vì vậy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng cho nền kinh tế là tất yếu, để bước vào giai đoạn tăng trưởng cao 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam.
Bài học tăng trưởng từ các nền kinh tế
Kinh nghiệm tăng trưởng của các quốc gia Đông Á cho thấy không có mô hình chung nào phù hợp tuyệt đối, nhưng có thể rút ra những bài học đáng giá, đặc biệt từ Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc.
Từ thực tiễn tăng trưởng của các nước, TS. Lê Xuân Sang cho biết, trong các nước trên thế giới, chỉ có 5 nước và vùng lãnh thổ có giai đoạn bùng nổ có trên dưới 5 năm tăng trưởng trên 10%, bao gồm: Nhật Bản (1955 - 1972), Hàn Quốc (thập niên 1960 - 1970), Đài Loan, Trung Quốc, Singapore.
Đáng chú ý, chỉ có Đài Loan là tăng trưởng khá bền vững, sức chống chịu cao, các cuộc khủng hoảng toàn cầu, khu vực ít tác động lên tăng trưởng; ổn định vĩ mô, doanh nghiệp, xã hội khá tốt, dù gần đây có suy giảm.
Theo TS. Lê Xuân Sang, Việt Nam và Đài Loan có nhiều điểm tương đồng và lợi ích chiến lược chung trong mối quan hệ với các cường quốc cũng như trong quá trình hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Hai nền kinh tế có quy mô vừa, độ mở cao, cùng chia sẻ nhiều nét tương đồng về văn hóa, xã hội và cấu trúc phát triển kinh tế.
Dù vẫn tồn tại những khác biệt nhất định về trình độ phát triển, cơ cấu doanh nghiệp hay cách tiếp cận chính sách, nhưng chính sự khác biệt đó lại tạo ra tiềm năng để hai bên bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau. Đặc biệt, mô hình tăng trưởng của Đài Loan được đánh giá là ít khiếm khuyết nhất, hài hòa nhất, với sự kết hợp linh hoạt giữa đổi mới sáng tạo, ổn định vĩ mô và năng lực điều hành hiệu quả.
“Đây là mô hình rất đáng tham khảo, học hỏi và điều chỉnh phù hợp trong quá trình cải cách mô hình tăng trưởng. Không chỉ về mặt kỹ thuật chính sách, kinh nghiệm Đài Loan còn hữu ích trong tư duy phát triển cân bằng và cách tổ chức thể chế hỗ trợ doanh nghiệp một cách thực chất, minh bạch và bền vững”, ông Sang nói, đồng thời cho rằng, Việt Nam cũng có thể chắt lọc bài học từ Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, nhưng cần tránh những sai lầm từng khiến nhiều nước rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".
Trong bối cảnh hiện tại, TS. Lê Xuân Sang nhận định, Việt Nam đang bước vào giai đoạn cải cách mạnh mẽ. Đó là các "cuộc đại phẫu" có tính chất "liệu pháp sốc" nhằm phá vỡ mô hình cũ. Tuy nhiên, để thành công, cải cách cần được thực hiện có kiểm soát, có lộ trình và năng lực tổ chức cao, nhất là ở cấp địa phương.
"5 năm tới là giai đoạn then chốt để Việt Nam chuyển từ mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu. Trọng tâm là nâng cao chất lượng đầu tư, đặc biệt ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời hoàn thiện hệ thống chính sách khuyến khích đổi mới, sáng tạo và tăng năng suất", ông Sang chia sẻ.
TS. Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Văn phòng ADB tại Việt Nam cũng đồng tình, Đài Loan là hình mẫu tăng trưởng “thần kỳ” nhưng bền vững, với mức tăng trưởng GNP trung bình 8,8% từ 1953 đến 1986. Giai đoạn này, thu nhập bình quân đầu người của Đài Loan từ mức bằng 8% của Mỹ đã tăng lên 39% chỉ sau 20 năm.

TS. Nguyễn Bá Hùng - Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).
Điểm nổi bật của mô hình Đài Loan là không ưu ái các doanh nghiệp lớn, mà tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) thông qua thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh cả trong nước và trên thị trường quốc tế. Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, phổ cập khoa học công nghệ qua hệ thống doanh nghiệp nhà nước có sức cạnh tranh cao, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân dựa trên kết quả thực tế. Mô hình hành chính của Đài Loan cũng được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp, hiệu quả và ít bị ảnh hưởng từ khu vực doanh nghiệp.
Còn với Hàn Quốc, ông Hùng cho hay, đây là ví dụ điển hình về mô hình phát triển theo hướng “xuất khẩu dẫn dắt” với sự điều phối mạnh mẽ từ Nhà nước. Chính phủ nước này sở hữu năng lực hoạch định và thực thi chính sách rất tốt, chọn lọc đầu tư và phân bổ nguồn lực ưu tiên cho các tập đoàn tư nhân lớn (chaebols) nhằm đẩy mạnh xuất khẩu.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa chủ yếu đóng vai trò phụ trợ, ít có cơ hội tiếp cận chính sách ưu đãi. Mô hình này giúp Hàn Quốc cất cánh nhanh, tiếp cận mặt bằng công nghệ chung của thế giới và từng bước dịch chuyển từ cạnh tranh bằng chi phí sang cạnh tranh bằng hiệu quả.
Tuy nhiên, tiến bộ công nghệ chủ yếu diễn ra trong phạm vi chaebols, không lan tỏa rộng ra toàn nền kinh tế, tạo ra độc quyền và hạn chế đổi mới sáng tạo. Đây cũng là nguyên nhân khiến chính sách công dễ bị chi phối bởi lợi ích nhóm.
“Nếu Hàn Quốc phù hợp trong giai đoạn đầu tích lũy và tạo cú hích xuất khẩu, thì Đài Loan lại là hình mẫu thích hợp hơn để đảm bảo tăng trưởng bao trùm, bền vững và tránh sự lũng đoạn chính sách bởi nhóm doanh nghiệp lớn. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới mô hình tăng trưởng dựa trên đổi mới sáng tạo và khu vực tư nhân năng động, các bài học từ Đài Loan càng có ý nghĩa với nền kinh tế Việt Nam”, ông Hùng nói.