Lời tòa soạn:
Tiên Phước là huyện trung du miền núi ở phía Tây của tỉnh Quảng Nam, nằm cách TP. Tam Kỳ 25km. Đây là vùng đất có nhiều đồi núi, sông suối chia cắt, có diện tích tự nhiên hơn 45.322ha. Tiên Phước là một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, là quê hương của nhiều nhà yêu nước nổi tiếng như Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Lê Cơ, Trần Huỳnh,…
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo, nhân dân Tiên Phước bắt tay vào công cuộc xây dựng, kiến thiết quê hương. Đặc biệt, từ giai đoạn 2010, khi Tiên Phước triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, vùng đất này ngày càng phát triển.
Thay da đổi thịt từng ngày
Ông Trầm Quế Hương, Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước chia sẻ: “Khi bước vào thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới (năm 2010), Tiên Phước gặp muôn vàn khó khăn, thách thức. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 7,2 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đạt ngưỡng 26,7%; kết cấu hạ tầng thiết yếu chưa được đầu tư, điện - đường - trường - trạm còn thiếu thốn, chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Bình quân số tiêu chí Nông thôn mới chỉ đạt 2,2 tiêu chí/xã”.
Vượt lên những khó khăn ban đầu, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tiên Phước đã đồng lòng, phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường và tranh thủ các yếu tố bên ngoài để nắm lấy cơ hội, từng bước xây dựng quê hương ngày một phát triển.
Đến nay, bình quân số tiêu chí Nông thôn mới đạt 17,79 tiêu chí/xã. Toàn huyện có 10/14 xã được công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới, hiện có xã Tiên Hiệp đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí và được thẩm định trình UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020.
Nếu như hơn 10 năm trước, giao thông kết nối giữa các địa phương trong huyện và kết nối huyện với các khu vực khác còn hạn chế, mùa nắng thì bụi bay mù mịt, mùa mưa thì đường toàn sình lầy, chi chít ổ gà, ổ voi, thậm chí nhiều khu vực bị cô lập, chia cắt với bên ngoài khi nước lũ đổ về; thì nay, nhựa hóa, bê tông hóa đã trải về đến từng thôn, cơ bản đi đến sát cổng từng nhà. Toàn huyện có 15 tuyến đường liên xã với tổng chiều dài 150km, trong đó đã bê tông, nhựa hóa được 84,4%. Tỷ lệ bê tông hóa tuyến đường liên thôn đạt trên 75%. Mức độ kết nối giao thông giữa các tuyến đường liên thôn, liên xã, đường huyện, đường tỉnh lộ và đường Quốc lộ ngày càng nâng cao. Nhiều tuyến đường, nhiều cầu, cống qua sông, qua suối được xây mới, chấm dứt được tình trạng bị chia cắt của một số địa phương vào mùa lũ.
Khi thực hiện việc mở rộng đường liên thôn, ngõ xóm thì hầu hết sẽ phải dịch chuyển các trụ điện. Ngành điện đang tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống điện và phối hợp với các xã di dời các trụ điện nằm trên đường giao thông nông thôn, vận động người dân tu sửa đường dây sau công tơ để đảm bảo đạt chuẩn theo quy định. Toàn huyện hiện có 48 trạm biến áp với công suất đường dây 26.640 KVA, 270km đường dây trung thế, 339km đường dây hạ thế.
Nhờ việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (Đề án 548) mà tổng diện tích vườn tăng 140% so với năm 2010. Giá trị thu nhập kinh tế vườn đạt 120 triệu/ha, thu nhập từ kinh tế vườn bình quân đạt 50 triệu đồng/hộ (năm 2019). Tỷ trọng kinh tế vườn chiếm 37% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình trồng cây ăn quả, cây đặc sản chiến lược như mô hình trồng tiêu Tiên Phước đạt 1 tỷ đồng/ha/năm; mô hình trồng sầu riêng 500 triệu đồng/ha/năm; mô hình trồng măng cụt 450 triệu đồng/ha/năm.
Những chương trình, dự án và những kết quả đạt được trên đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất phát triển, nâng cao thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, giá trị công nghiệp, xây dựng năm 2020 của huyện ước đạt hơn 1.785 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,52%, hộ cận nghèo còn 2,66%, thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Song hành với nhiều chính sách, chủ trương, dự án để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp thì hệ thống thủy lợi cũng được chú trọng đầu tư. Xác định thủy lợi là giải pháp hàng đầu để tăng diện tích sản xuất, đến nay toàn huyện đã xây dựng được 144 công trình thủy lợi (gồm 7 hồ chứa nước, 4 trạm bơm điện, 5 kênh dẫn nước, 128 đập dâng), diện tích chủ động nước 1.876,4ha/4.000ha, đáp ứng được nhu cầu nước sinh hoạt và tưới tiêu trên địa bàn.
Một điểm sáng khác của Tiên Phước là công tác giáo dục ngày càng được nâng cao. Toàn huyện có 36/46 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó 2/2 trường THPT đều đạt được tiêu chí này. Trường học được đầu tư nâng cấp đảm bảo được nhu cầu dạy và học. Đời sống tinh thần của người dân ngày càng cao, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức, các công trình Nhà thể dục thể thao đa năng cấp huyện, thư việc huyện đang được triển khai xây dựng. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, công tác xây dựng gia đình văn hóa, tộc họ văn hóa, thôn xóm văn hóa có đi lên đáng kể.
Tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế đạt 96,2%, bệnh viện đa khoa huyện đang được xây dựng thêm cơ sở hạ tầng, trung tâm y tế huyện được tỉnh xếp hạng III, đảm bảo được công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn được đảm bảo.
Những chính sách đột phá
Trong tất cả các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, nhóm tiêu chí về kinh tế được xem là quan trọng hàng đầu. Trong 10 năm qua, xây dựng và phát triển kinh tế được huyện Tiên Phước thực hiện rất tốt nhờ có nhiều chính sách, chủ trương đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Điều này chứng tỏ sự nhạy bén, sáng tạo của Đảng bộ và Chính quyền huyện Tiên Phước.
Năm 2017, huyện Tiên Phước xây dựng Đề án phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, du lịch sinh thái mang tính đặc trưng vùng trung du xứ Quảng giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 548) và được UBND tỉnh đồng ý cho triển khai thực hiện với mức hỗ trợ 10 tỷ đồng/năm. Đề án 548 gồm 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Bảo tồn và phát huy giá trị không gian văn hóa làng truyền thống; Bảo tồn, phát huy giá trị không gian văn hóa đá, văn hóa nhà - vườn; Xây dựng mô hình kinh tế vườn và kinh tế trang trại bền vững; Bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống và giá trị di tích, danh thắng; Xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại và du lịch sinh thái làng quê; Xây dựng hệ thống dịch vụ, giới thiệu quảng bá các giá trị kinh tế, văn hóa, sinh thái làng mang đặc trưng vùng trung du Quảng Nam.
Theo ông Trầm Quế Hương, qua 3 năm Đề án 548 đi vào thực tiễn, tổng diện tích vườn toàn huyện hiện nay đạt 5.882ha, tăng hơn 3.400ha so với năm 2010, trong đó vườn được cải tạo chỉnh trang cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả đạt 3.984ha. Toàn huyện có 549 mô hình trồng cây ăn quả, 110 mô hình trồng tiêu Tiên Phước từ 100 choái đến 1.000 choái.
Điểm nhấn trong việc phát triển du lịch của sinh thái theo Đề án 548 này là khu du lịch sinh thái tại thôn Lộc Yên thuộc xã Tiên Cảnh. Đây là một trong 3 thôn được huyện Tiên Phước chọn xây dựng vườn mẫu, khu dân cư nông thôn kiểu mẫu giai đoạn 2018 - 2020. Tại thôn Lộc Yên có nhiều ngôi nhà cổ làm bằng gỗ mít kiên cố, nhiều bờ đá được đắp kỳ công hai bên đường làng ngõ xóm, xen trước là những hàng hoa đủ màu sắc, bên trong là những khu vườn trồng cây đặc sản vừa mang lại hiệu quả kinh tế, vừa tạo cảnh quan đẹp cho làng quê. Chính những yếu tố trên đã giúp cho Lộc Yên dần trở thành một địa điểm du lịch sinh thái đặc trưng của huyện Tiên Phước, ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan và trải nghiệm.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động các chủ thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được huyện Tiên Phước thực hiện rất tốt. Nhiều chủ thể là các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh luôn chủ động sáng tạo, mạnh dạn mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh, đầu tư trang thiết bị mới… làm cho “phong trào OCOP” huyện Tiên Phước ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Tiên Phước có 28 sản phẩm được xếp hạng OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 10 sản phẩm đạt 4 sao. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Tiên Phước đến với đông đảo khách hàng như: Tiêu Tiên Phước, rượu lòn bon Tiên Phước, tinh dầu quế, tinh dầu sả Tiên Phước, trầm hương Tiên Phước,…
Thách thức và khát vọng vươn lên
Theo ông Trầm Quế Hương, nếu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và Mỹ, Tiên Phước vừa là căn cứ địa vững chắc, vừa là hậu phương lớn, hàng ngàn người dân đã đi dân công hỏa tuyến, hàng ngàn thanh niên trai tráng tình nguyện lên đường nhập ngũ vì sự nghiệp chung, thì khi bước vào giai đoạn xây dựng, kiến thiết quê hương, tinh thần ấy lại được phát huy hơn nữa.
“Hưởng ứng phong trào xây dựng Nông thôn mới, nhiều gia đình đã tình nguyện hiến đất, cây trồng có giá trị để phục vụ công tác mở rộng đường giao thông, xây dựng và hoàn thiện hệ thống lưới điện, xây trường học, trạm y tế,… góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng Nông thôn mới”, ông Trầm Quế Hương chia sẻ.
Đơn cử như ở xã Tiên Châu, tổng giá trị tài sản, tiền mặt nhân dân đóng góp trong 5 năm (2016 - 2020) hơn 14,6 tỷ đồng, chiếm hơn 14% tổng nguồn lực huy động cho xây dựng Nông thôn mới của địa phương.
Bên cạnh đó, nhân dân Tiên Phước hưởng ứng các chính sách, đề án phát triển kinh tế và áp dụng vào thực tế rất hiệu quả. Đề án 548 của huyện ra đời cùng với việc xúc tiến, đầu tư các hạng mục hạ tầng giao thông, công trình phụ trợ phục vụ du lịch giúp người dân mạnh dạn đầu tư chỉnh trang vườn nhà, cải tạo mở mới vườn đồi, góp phần hoàn chỉnh bộ mặt nông thôn.
Cũng theo ông Trầm Quế Hương, xuất phát điểm xây dựng Nông thôn mới của huyện thấp, trong thời gian ngắn phải thực hiện đồng thời hai mục tiêu xây dựng xã đạt chuẩn Nông thôn mới và huyện đạt chuẩn Nông thôn mới, trong khi định mức hỗ trợ thực hiện chương trình Nông thôn mới của Trung ương, của tỉnh chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, nguồn thu trên địa bàn hạn chế dẫn đến khó khăn về huy động nguồn lực xây dựng Nông thôn mới.
Đến thời điểm hiện tại, Tiên Phước đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng kể trong công cuộc xây dựng Nông thôn mới sau hơn 10 năm, nhưng với niềm khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn nữa, theo ông Trầm Quế Hương, H. Tiên Phước tiếp tục động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng Nông thôn mới. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư vàphát triển nông nghiệp toàn diện. Tiếp tục đẩy mạnh chương trình OCOP, Đề án 548. Hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Đặc biệt sẽ xử lý dứt điểm nợ xây dựng cơ bản, tuyệt đối không phát sinh nợ đọng, nợ không có khả năng thanh toán.
“Giai đoạn 2021 - 2022, xác định xây dựng Nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trung tâm của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong huyện, mục tiêu đưa Tiên Phước trở thành huyện đạt chuẩn Nông thôn mới vào năm 2022.
Những thành tựu đạt được sẽ là động lực để tiếp tục phấn đấu; những hạn chế trong thời gian qua sẽ là những bài học kinh nghiệm quý báu; những khó khăn, thách thức trước mắt sẽ biến thành sức mạnh để Tiên Phước quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng quê hương ngày một khang trang hơn, giàu đẹp hơn”, ông Trần Quế Hương, nhấn mạnh về các mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2020 - 2025.
Khai thác hợp lý giá trị lịch sử, văn hóa và tự nhiên
Trao đổi với Reatimes về những thành tựu mà H. Tiên Phước đạt được sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Tiên Phước là huyện miền núi đầu tiên phấn đấu xây dựng huyện Nông thôn mới hoàn thành vào năm 2022 - 2023, với mục tiêu rõ ràng là huyện đặc trưng vùng trung du xứ Quảng. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân rất rõ nét, xuyên suốt và có tính thống nhất, đồng thuận cao. Bên cạnh đó, huyện cũng đã tranh thủ được ý kiến tâm huyết của các cấp lãnh đạo, các chuyên gia, các doanh nghiệp và bà con xa quê trong định hướng và quá trình tổ chức thực hiện”.
Ông Lê Trí Thanh cũng nhấn mạnh rằng, Nông thôn mới ở Tiên Phước được xây dựng dựa trên khai thác hợp lý các giá trị của lịch sử, văn hóa và tự nhiên, là địa phương dẫn đầu của tỉnh trong phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với du lịch sinh thái. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được đi lên.