Aa

Quảng Nam - Những đô thị cận giang, hướng hải

Thứ Tư, 10/02/2021 - 11:30

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay: Quảng Nam hướng đến phát triển nhanh, bền vững, bởi tiềm năng phát triển đô thị ven sông, ven biển của tỉnh còn rất lớn.

Ông bà ta thường ví von lợi thế của bất động sản là “nhất cận thị, nhị cận giang”! Nằm cận biển và được nuôi dưỡng, bao bọc bởi những dòng sông như Thu Bồn, Vu Gia, Trường Giang, Cổ Cò, Sông Hoài, Tam Kỳ… nên các đô thị, khu nghỉ dưỡng ở Quảng Nam đều phát huy tối đa lợi thế cận giang, hướng hải này.

Trao đổi với Reatimes xung quanh những định hướng chiến lược của tỉnh trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng các đô thị gắn với sông - biển từ năm 2021 về sau, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho hay: Quảng Nam hướng đến phát triển nhanh, bền vững, bởi tiềm năng phát triển đô thị ven sông, ven biển của tỉnh còn rất lớn.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam

Với chiều dài bờ biển 125km, lưu vực của hệ thống các con sông dày đặc và chảy theo các hướng từ Tây sang Đông, chảy dọc ven biển từ Nam ra Bắc (sông Cổ Cò, nối TP. Hội An với TP. Đà Nẵng trong cự ly hơn 20km), từ Bắc vào Nam (sông Trường Giang)… Các khu vực có quỹ đất hết sức thuận lợi, nhất là từ huyện Duy Xuyên kéo dài đến huyện Núi Thành chạy dọc theo tuyến sông biển này hiện quỹ đất còn rất lớn. 

Cũng theo ông Lê Trí Thanh, Quảng Nam đối mặt với thiên tai, mưa, bão, lũ nên tính tổn thương của khu vực ven sông, ven biển cũng không phải là nhỏ. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh phải tính toán, hướng đến phát triển bền vững, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng, kể cả hạ tầng đô thị phải thích ứng được với các điều kiện thời tiết, thiên tai, biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng phức tạp.

“Nếu xét về các điều kiện cơ sở hạ tầng đầu mối quan trọng phục vụ cho phát triển đô thị, hiếm có nơi nào thuận lợi như Quảng Nam, vì có cả hệ thống đường bộ, đường sắt, và đường hàng không, cảng biển.

Trong đó, phải kể đến sân bay nằm ở hai đầu Bắc, Nam: Sân bay Đà Nẵng và sân bay Chu Lai, cách nhau chưa đến 100km; rồi hệ thống cảng biển ở hai đầu (cảng Đà Nẵng và cảng Chu Lai) đã kích thích sự phát triển của các chuỗi đô thị ven sông, ven biển”, ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh về những lợi thế của Quảng Nam và chia sẻ thêm: “Năm 2021, Quảng Nam phối hợp với Bộ Giao thông - Vận tải đầu tư xây dựng nhà ga hành khách ở sân bay Chu Lai công suất 5 triệu khách/năm thay thế cho nhà ga hiện hữu (công suất 2 triệu khách/năm) và chuyển nhà ga này thành ga hàng hóa. Còn cảng Chu Lai (nguyên là cảng Tam Hiệp) được đầu tư hệ thống luồng, bến đảm bảo tàu 50.000 tấn ra vào, nâng công suất hàng qua cảng 20 triệu tấn/năm, phát triển các dịch vụ logistic, cảng cá, cảng cho tàu du lịch trọng tải lớn…”.

Quy hoạch hạ tầng nổi, hạ tầng ngầm

Về định hướng quy hoạch, theo ông Lê Trí Thanh, Quảng Nam đã cho lập quy hoạch phát triển đô thị ở vùng Đông Nam (từ phía Nam sông Thu Bồn đến giáp tỉnh Quảng Ngãi, phía Tây giáp đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi). Trong khi đó, đô thị phía Bắc là TP. Hội An và TX. Điện Bàn cũng đã được quy hoạch phát triển, bao gồm: Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch rộng 2.700ha và Đô thị di sản Hội An đang được mở rộng vành đai bên ngoài… tạo thành chuỗi đô thị ven biển từ Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An…

Cảng Chu Lai được đầu tư để đón tàu 50.000 tấn.

“Sau khi triển khai một thời gian, nhận thấy quy hoạch vùng Đông Nam vẫn còn một số bất cập. Do đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai lập quy hoạch phát triển đô thị liên vùng huyện, bao gồm 9 huyện ở khu vực đồng bằng để quy hoạch lại, có sự tham gia của tư vấn nước ngoài và các tổ chức tư vấn uy tín trong nước, nhằm giải quyết vấn đề mấu chốt, sống còn: Kết nối hạ tầng đồng bộ, bao gồm hạ tầng nổi và hạ tầng ngầm!”, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tâm sự và cho hay: UBND tỉnh lưu ý đối với các đồ án quy hoạch phải mang tính động lực phát triển cho khu vực, trong đó hạ tầng giao thông kết nối từ TP. Đà Nẵng đến huyện Núi Thành; kết nối trục ven biển lên miền núi qua cửa khẩu quốc tế với Lào (Cửa khẩu quốc tế Nam Giang - Đắc Tà Ọoc); và hạ tầng giao thông kết nối Tây Nguyên… 

Quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc sông - biển

Đối với các tuyến giao thông đường sông, đường biển, ông Lê Trí Thanh cho rằng cần phải thực hiện đầu tư, nạo vét, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng, đảm bảo lưu thông đường thủy phục vụ du lịch, đầu tư phát triển đô thị.

Về quản lý không gian kiến trúc, theo ông Lê Trí Thanh, tỉnh Quảng Nam đang triển khai quy hoạch kiến trúc đô thị dọc theo sông Cổ Cò (đang lập đồ án), tiếp đó là quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc theo dòng sông Thu Bồn từ Cửa Đại (TP. Hội An) lên đến cầu Giao Thủy (đi qua TX. Điện Bàn, huyện Duy Xuyên và huyện Đại Lộc), quy hoạch kiến trúc cảnh quan dọc sông Trường Giang (từ huyện Duy Xuyên đến Thăng Bình, TP. Tam Kỳ, huyện Núi Thành).

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, Quảng Nam sẽ đầu tư, xây dựng đô thị sông biển thích ứng. Trong ảnh: Ông Lê Trí Thanh - ngoài cùng bên trái, làm việc với chuyên gia Hà Lan tại Cửa Đại – Hội An.

Các dự án đầu tư dọc sông Cổ Cò và tuyến ven biển từ TX. Điện Bàn đến TP. Hội An cần phải lập thiết kế kiến trúc cảnh quan để điều chỉnh lại một số điểm bất hợp lý, chưa đồng bộ. Trong đó, sông Cổ Cò vừa có chức năng giao thông thủy vừa có chức năng phát triển du lịch và đô thị mang một màu sắc đặc trưng văn hóa, lịch sử của dòng sông này. Còn khu vực ven biển TX. Điện Bàn sẽ tổ chức lại một trục vành đai ven biển để biến khu vực tại phường Điện Dương, Điện Ngọc thành trung tâm du lịch sôi động có thể phát triển các loại hình dịch vụ kinh tế đêm.

“Mục đích của tỉnh Quảng Nam là tất cả các dự án phát triển đô thị, phát triển du lịch và các loại hình phát triển du lịch khác dọc theo các tuyến sông này phải đảm bảo tính thống nhất trong kiến trúc, bố trí mật độ xây dựng, tầng cao, hệ số sử dụng đất…, phải đảm bảo phát triền bền vững các dòng sông và khai thác tối đa lợi thế của các vùng đất ven sông, ven biển”, ông Lê Trí Thanh khẳng định. 

Chào đón nhà đầu tư vào đô thị

Quảng Nam cũng đã quy hoạch hệ thống các công trình công cộng dọc biển, dọc sông, trong đó ưu tiên các tuyến giao thông kết nối các khu dân cư mới và khu dân cư hiện hữu được quyền tiếp cận đến sông, đến biển và dành nhiều quỹ đất đầu tư các khu công viên, quảng trường, bãi tắm công cộng cho người dân theo đúng chức năng năng, để đảm bảo có không gian rộng thoáng tổ chức các sự kiện du lịch lớn…

Đối với các nhà đầu tư, theo ông Lê Trí Thanh, quan điểm của tỉnh Quảng Nam là ưu tiên xem xét lựa chọn nhà đầu tư vào những dự án đầu tư hạ tầng đô thị phù hợp với quy hoạch vùng Đông Nam, vùng ven sông, ven biển.

“Tỉnh Quảng Nam yêu cầu mỗi dự án như thế phải có bản sắc riêng, không đơn điệu, không trùng lắp ý tưởng và phải có tính đồng bộ, kết nối liên thông với nhau, không được cát cứ…”, ông Lê Trí Thanh, nói và chia sẻ thêm rằng, hiện có nhiều nhà đầu tư lớn đang nghiên cứu quy hoạch chung này và tỉnh cũng khuyến khích các nhà đầu tư có tiềm lực mạnh đầu tư những khu đô thị có diện tích từ 100ha trở lên.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top