Aa

Đội vốn Dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1: “Đau” ở khâu chọn thầu

Thứ Hai, 04/06/2018 - 03:00

Sau nhiều tháng kiểm tra, Thanh tra Bộ Xây dựng khẳng định Dự án Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu 1 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đội vốn đầu tư xây dựng thêm 10.457 tỷ đồng. Trong đó công tác lựa chọn nhà thầu có nhiều vấn đề.

Như Reatimes đã phản ánh, Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều bất cập trong việc quản lý dự án đầu tư xây dựng của PVN tại dự án đầu tư xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 (dự án Sông Hậu 1) huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang.

PVN không những chỉ “tự ý” lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán xây dựng công trình; Thanh tra Bộ Xây dựng còn chỉ rõ, do thực hiện dự án đầu tư chậm, sai công tác lựa chọn nhà thầu khiến PVN phải điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư 10.457 tỷ đồng.

Cụ thể, Kết luận số 558 nêu rõ, công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp dự án cơ sở hạ tầng trung tâm điện lực sông Hậu: Hồ sơ mời thầu không yêu cầu về cán bộ phụ trách an toàn lao động, không có yêu cầu chi tiết về số lượng máy móc tham gia xây dựng.

Hồ sơ dự thầu không có bản vẽ biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và đường bộ; hồ sơ cũng không có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình lân cận trong quá trình thi công, không có bản vẽ biện pháp thi công các hạng mục; hồ sơ dự thầu lập đề xuất tài chính không đúng theo mẫu của hồ sơ mời thầu, không có báo cáo tài chính đã được kiểm toán để chứng minh năng lực tài chính của đơn vị dự thầu.

Ngoài ra, Thanh tra Bộ Xây dựng còn chỉ rõ, giá trị hợp đồng thuê tư vấn thẩm tra thiết kế kỹ thuật – tổng dự toán, hồ sơ yêu cầu và tư vấn quản lý dự án nhà máy nhiệt điện sông Hậu 1 cao hơn giá trị được duyệt là 43,479 tỷ đồng theo quyết định số 5966/QĐ-DKVN ngày 29/8/2014 của PVN.

Chi phí khảo sát, thiết kế xây dựng ngoài khu vực nhà máy chính hợp đồng ký trọn gói là 79,835 tỷ đồng, không phù hợp với quy định tại điểm a, khoản 6, điều 4, quyết định số 2414/QĐ-TTg ngày 11/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ là điều chỉnh giá.

Nhiệt điện

Thanh tra Bộ Xây dựng chỉ rõ, do thực hiện dự án đầu tư chậm, sai công tác lựa chọn nhà thầu,... khiến PVN phải điều chỉnh tăng thêm tổng mức đầu tư 10.457 tỷ đồng.

Kết luận Thanh tra của Thanh tra Bộ Xây dựng cũng nêu rõ, không phê duyệt dự toán các hạng mục, hệ thống cung cấp than; hệ thống thải tro; hệ thống lọc vụi tĩnh điện; hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống nước làm mát tuần hoàn; hệ thống cung cấp dầu; hệ thống ống khói; nhà máy xử lý nước và hệ thống xử lý nước thải; trạm phân phối và máy biến áp chính; hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Phần kết cấu thép của nhà máy nên không có cơ sở để so sánh giá trị các hạng mục này trong hợp đồng EPC thấp hơn 5% giá trị dự toán hạng mục được phê duyệt.

Hồ sơ đề xuất nhà thầu chào và ký hợp đồng EPC phần thiết bị sản xuất trong nước là 59,4 triệu USD và vận chuyển nội địa 12,8 triệu USD không phù hợp với điểm c, khoản 2, điều 10, Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 quy định đối với chi phí trong nước liên quan đến việc thực hiện gói thầu, nhà thầu phải chào thầu bằng đồng Việt Nam.

Về công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng còn tồn tại, nhật lý thi công không đánh số trang, tư vấn giám sát không ghi ý kiến cho công việc tiếp theo, không có biên bản kiểm tra an toàn lao động, vệ sinh môi trường bên trong và bên ngoài công trường, không có kết quả thí nghiệm nước cho cấp phối vữa hỗn hợp M100 và M75. Hồ sơ thầu cũng không có văn bản chấp thuận của chủ đầu tư về các loại vật liệu xây dựng chính phục vụ thi công tại công trường như thép, xi măng, cát, đá.

PVN phải giảm dự toán

Thanh tra Bộ Xây dựng cũng yêu cầu PVN điều chỉnh giảm dự toán 230,1 tỷ đồng. Tính lại chi phí thiết kế bản vẽ thi công xây dựng ngoài khu vực nhà máy chính của gói thầu EPC và tính theo đơn giá điều chỉnh do đang tính trọn gói 79,835 tỷ đồng.

Đồng thời, PVN cần báo cáo cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn làm cơ sở thực hiện và thanh toán đối với các chi phí: Thu nhập chịu thuế tính trước của Tổng thầu EPC cho phần thiết bị và dịch vụ nhập khẩu là 174,809 tỷ đồng; chi phí tư vấn tổng thầu 17,8 triệu USD; chi phí giám sát xây dựng, lắp đặt của nhà thầu cung cấp thiết bị chính turbine, lò hơi, máy phát là 25,678 triệu USD. Đơn vị cần thu hồi 15,7 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Xây dựng do thanh toán sai.

Thanh tra Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Công thương ban hành khung giá bán điện trong giai đoạn chạy thử để có cơ sở tính toán giá trị thu hồi trong tổng mức đầu tư của các dự án; nghiên cứu ban hành văn bản hướng dẫn cách tính chi phí thu xếp vốn vay cho các dự án thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cần chỉ đạo PVN nghiêm túc thực hiện kết luận, tổ chức kiểm điểm, xác định và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân do đã có những vi phạm, sai sót được nêu trong kết luận thanh tra, báo cáo kết quả thanh tra, có biện pháp khắc phục.

Phía PVN cần chỉ đạo ban quản lý dự án điện lực dầu khí sông Hậu 1 và các đơn vị có liên quan có biện pháp đẩy nhanh thi công, đáp ứng đúng tiến độ. Đồng thời xử lý nhà thầu có vi phạm, sai sót được nêu trong kết luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top