"Đói vốn" xây nhà cho người thu nhập thấp
Dù nhu cầu nhà ở của người thu nhập thấp ở các đô thị đang rất lớn, với dự báo khoảng 1 triệu căn vào năm 2020, nhưng nguồn cung phân khúc này lại khan hiếm bởi một lý do không mới là… thiếu tiền.
Theo ghi nhận thực tế của phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, nguồn cung nhà thu nhập thấp (có giá dưới 1 tỷ đồng/căn) hoàn toàn thiếu vắng trên cả 2 thị trường là Hà Nội và TP.HCM.
Tại Hà Nội, mặc dù liên tục công bố sắp có thêm dự án nhà ở xã hội ở Kim Chung (Đông Anh) và ở La Tinh - Đông La (khu vực giáp ranh quận Hà Đông và huyện Hoài Đức), nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chỉ dừng ở mức công bố và chưa có sản phẩm ra thị trường.
Hiện thị trường chỉ có lác đác một vài dự án của một số chủ đầu tư đã triển khai trước đó đang chào bán như của Hải Phát Invest, C.E.O Group và một số dự án nhà ở thương mại diện tích nhỏ dưới 50 m2 ở xa trung tâm thành phố.
Gần 1 thập kỷ, dự án BT của Bitexco trên đất vàng lại đội vốn, ngổn ngang dang dở
Tháng 4/2011 UBND TP Hà Nội đã phê duyệt dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An dài 2,5km do Công ty CP Bitexco làm chủ đầu tư. Đây là dự án theo hình thức BT đổi đất lấy hạ tầng, nhưng sau gần 7 năm triển khai đến nay dự án lại đội vốn, tuyến đường vẫn ngổn ngang dang dở.
Dự án tuyến đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An (Thanh Trì) nối Vành đai 3 với khu Xa La (Hà Đông) và nút giao với đường Cầu Bươu đã nhiều năm trôi qua, lại đội vốn hàng tỉ đồng nhưng hiện tại vẫn còn rất ngổn ngang.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 4.2011, UBND TP.Hà Nội phê duyệt Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An, với tuyến đường chính (tuyến số 1) dài 2,5 km và một tuyến đường phụ dài hơn 1,1 km (tuyến số 5). TP.Hà Nội phải đổi hơn 50 ha đất vàng để huy động theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao), nhà đầu tư là Cty CP Bitexco.
Tuy vậy, phải đến 3 năm sau, tháng 5/2014, dự án mới được khởi công. Mức đầu tư dự kiến là gần 1.500 tỷ đồng và thời gian dự kiến ban đầu hoàn thành trong 36 tháng.
Tính đến thời điểm tháng 7.2018, các tuyến đường, hạng mục được phê duyệt ban đầu cũng như được điều chỉnh, bổ sung của dự án đường giao thông bao quanh khu tưởng niệm doanh nhân Chu Văn An, nhiều đoạn vẫn còn dang dở.
Nhà đầu tư không còn ngại giao dịch vì tháng… “cô hồn”?
Với các quốc gia Á Đông, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc thì tháng 7 Âm lịch hàng năm được gọi là tháng "cô hồn". Theo quan niệm dân gian, đây là thời điểm mà các hoạt động làm ăn, kinh doanh, buôn bán… nhìn chung không thuận lợi nên mọi người thường có xu hướng hạn chế giao dịch trong khoảng thời gian này. Đặc biệt là ở thị trường chứng khoán, nhà đầu tư thường rất ngại giao dịch trong tháng “cô hồn”.
Tuy nhiên, theo thống kê trong 5 năm trở lại đây, có tới 3 năm thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến sự tăng điểm của Vn-index, Vn30-index, Hnx-index và UpCom-index vào tháng 7 Âm lịch, với tỷ lệ tăng trung bình là 1,58%. Năm 2017, chỉ số này tăng từ 768,79 điểm lên 805,86 điểm tương ứng với tỷ lệ tăng 4,82%. Tháng 7 âm lịch năm 2016, Vn-index cũng tăng 5,21% từ 619,8 điểm lên 659,09 điểm.
Tháng “cô hồn” của thị trường chứng khoán năm 2018 mới giao dịch được vài phiên. Tuy nhiên, theo diễn biến 2 phiên đầu tiên của tháng cho thấy thị trường chứng khoán vẫn đang bật tăng mạnh mẽ, Vn-index áp sát mốc 980 điểm, thanh khoản đột ngột lên cao đã giúp các sàn đều giữ được sắc xanh…
Giật mình với 135 chung cư ở quận 1 chưa an toàn về PCCC
Theo báo cáo vừa gửi UBND TP HCM của UBND quận 1, hiện quận có 142 chung cư. Tuy nhiên, chỉ có 7 chung cư an toàn về PCCC, còn lại là chưa an toàn.
Qua kiểm tra, quận 1 nhận thấy tất cả các chung cư đều trang bị bình chữa cháy xách tay và phân bố đều tại các khu vực theo quy định. Có niêm yết bảng nội quy, tiêu lệnh về PCCC theo quy định. Hầu hết đã lắp đặt đèn chiếu sáng sự cố tại khu vực hành lang và cầu thang đảm bảo chiếu sáng theo quy định…
Tuy nhiên, nhiều chung cư trang bị phương tiện PCCC không đầy đủ hoặc không đồng bộ; tháo, gỡ hoặc làm hỏng các thiết bị chiếu sáng trên lối thoát nạn. Rất nhiều hộ dân đã cơi nới hàn khung sắt, mái che, lưới B40 tại khu vực ban công, gây mất an toàn về thoát nạn khi có sự cố cháy, nổ xảy ra.
Đà Nẵng ban hành Đề án ngăn chặn trốn thuế bất động sản
Tại Đề án “Chống thất thu thuế đối với một số lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế trên địa bàn TP. Đà Nẵng”, UBND TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo Sở Tư pháp có phương án giám sát, ngăn chặn trốn thuế trong giao dịch bất động sản. Đây là Đề án chặn trốn thuế đầu tiên được ban hành trên cả nước.
Theo Đề án, các cơ quan chuyên ngành phải thường xuyên cập nhật, tham mưu điều chỉnh bảng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất đảm bảo phù hợp, tiệm cận với giá thị trường.
Tiến hành thu thập thông tin về dự án đầu tư được cấp phép; xây dựng cơ sở hạ tầng chuyển nhượng bất động sản; tiến độ triển khai dự án, tình hình kê khai, nộp thuế của các chủ đầu tư; tiến hành giám sát, kiểm tra hồ sơ khai quyết toán thuế của từ 10 đến 15 dự án lớn được cấp phép.
Trong đó, các cơ quan chức năng phải kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm sau: Thứ nhất, các hình thức liên danh với chủ đầu tư để ủy quyền chuyển nhượng bất động sản, người được ủy quyền làm trung gian khai giá chuyển nhượng bất động sản không phù hợp với thị trường, số tiền chênh lệch do khâu trung gian thu theo thỏa thuận, không được phản ánh trên sổ sách kế toán làm sai lệch kết quả kinh doanh, gây thất thu cho Ngân sách Nhà nước. Thứ hai, chuyển nhượng dự án kèm chuyển nhượng quyền sử dụng đất và các trường hợp chuyển nhượng vốn dẫn đến thay đổi chủ sở hữu quyền sử dụng đất.