Aa

Dồn dập tranh chấp chung cư, nguyên cớ bắt đầu từ đâu?

Thứ Ba, 25/04/2017 - 06:28

Nói về những tranh chấp chung cư trong thời gian gian gần đây, các chuyên gia cho rằng đó là điều dễ hiểu bởi hiện nay đang là thời kỳ quá độ khi hàng trăm tòa chung cư đi vào bàn giao ồ ạt. Quá trình quá độ này sẽ đi đến điểm cuối cùng là tìm được tiếng nói chung giữa cư dân và chủ đầu tư.

Các tòa nhà chung cư cao tầng được xây dựng với những lời quảng cáo về một môi trường sống hiện đại, một không gian sống kiểu mẫu, thế nhưng thực tế tại Việt Nam hiện tại, nhắc tới chung cư, có lẽ nhiều người sẽ liên tưởng ngay tới các vụ tranh chấp không có hồi kết. Từ tranh chấp diện tích chung riêng cho tới những sự việc mà người dân tố cáo các sai phạm của chủ đầu tư.

Cần một quá trình quá độ

Tính sơ sơ chỉ trong chưa đầy 3 tháng đầu năm, thị trường BĐS đã có hơn chục vụ tranh chấp lớn nhỏ. Trong đó, đa phần tập trung ở những dự án đã bàn giao và đưa vào sử dụng như Home City (177 Trung Kính, Cầu Giấy), CT1 Trung Văn (Cương Kiên, Nam Từ Liêm), Gamuda Gardens (Tam Trinh, Hoàng Mai), Hồ Gươm Plaza (Mộ Lao, Hà Đông)…

Thời gian gần đây dồn dập xảy ra các vụ tranh chấp chung cư

Thời gian gần đây dồn dập xảy ra các vụ tranh chấp chung cư. Nguồn ảnh: Internet

Phân tích về những sự việc này, ông Nguyễn Bích Sơn - Giám đốc khối phát triển kinh doanh - Công ty CP Khai thác & Quản lý tòa nhà PMC -  cho rằng, nguồn cơn xuất phát từ một quá trình gọi là quá độ:

"Chúng ta phải thừa nhận 1 điều, đối với chung cư, khi là môi trường sống chung, có sự đa dạng về nghề nghiệp, văn hóa, lối sống. Trong quá trình này, chúng ta cần một quá trình quá độ.

Khi chọn mua chung cư, chúng ta mới chỉ chú ý tới riêng căn hộ, chứ chưa chú ý tới cả môi trường sống. Quá trình quá độ này có sự khác nhau giữa cư dân với ban quản trị, giữa ban quản trị với ban quản lý, hay sự khác biệt giữa cả các bên liên quan. Đó mới chỉ là chung cư nhà ở, còn có cả những tổ hợp chung cư bao gồm nhà ở, trung tâm thương mại, thì độ phức tạp còn cao hơn nhiều.

Khi chủ đầu tư bắt đầu một dự án thì chưa xác định nhắm đến đối tượng khách hàng nào, mua để ở hay mua để làm văn phòng, có nhiều đối tượng mua với nhiều mục đích khác nhau, dẫn đến sự đa dạng. Chính sự đa dạng này tạo nên những tranh chấp, nhiều chủ đầu tư mới chỉ xây lên để bán chứ chưa nghĩ đến những người ở sau này" - ông Sơn nói

Quá trình quá độ được hiểu là quá trình chuyển đổi, lai giữa sự sơ khai đầu tiên. Quá trình qua độ là các cá nhân, chính quyền, chủ đầu tư cùng thay đổi để tạo thành 1 điểm chung. Khi nói về các nhà lập pháp, liên quan đến vấn đề luật nhà ở, đã có nhiều thay đổi. Trong tương lai, sẽ có nhiều thay đổi nữa.

Có những người đã biết khu vực nào chung, khu vực nào riêng, phải ứng xử ở khu vực chung như thế nào. Quá trình quá độ này sẽ đi đến điểm cuối cùng là tìm được tiếng nói chung giữa cư dân và chủ đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Quản lý và bảo trì tòa nhà (VBMA) - cho rằng, các vụ tranh chấp ngày càng gay gắt trên thị trường là điều dễ hiểu bởi hiện nay thời kỳ quá độ khi hàng trăm tòa chung cư đi vào bàn giao ồ ạt. Trong khi đó luật của chúng ta hiện nay còn nhiều thiếu sót, chưa thực sự chi tiết và bám sát các vấn đề tồn tại. Chính vì vậy gây ra tình trạng tranh cãi của cư dân và chủ đầu tư.

"Hiện nay, các vụ tranh chấp cư dân xảy ra, hầu hết cư dân chỉ để ý đến quyền lợi của mình mà chưa để xem xét hết những trách nhiệm của mình. Chủ đầu tư cũng cần xem xét trách nhiệm của mình đối với cư dân và cần thực hiện cam kết của mình.

Các vụ tranh chấp gay gắt thường bởi chủ đầu tư và cư dân không thể thương lượng được và không thể tìm được tiếng nói chung. Trong những trường hợp này, cần có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng" - ông Hiệp nêu quan điểm.

Làm gì để khoảng cách chủ đầu tư và cư dân ngắn lại?

Theo ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico - việc có thể rút ngắn khoảng cách giữa cư dân và chủ đầu tư hay không phụ thuộc vào văn hóa kinh doanh. Nếu chủ đầu tư làm ăn lâu dài, uy tín thì không có lý do gì làm khó cư dân.

Ông Trương Thanh Đức

Ông Trương Thanh Đức - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico. Nguồn ảnh: Internet

"Chẳng qua hiện nay chủ đầu tư tại VN vẫn chưa chuyên nghiệp, thiếu uy tín chính vì vậy có thể giá rất rẻ, đã xây dựng xong nhưng vẫn không bán được hàng. Những người kiếm tiền chuyên nghiệp cần chú trọng chất lượng phục vụ từ việc cam kết đến thực hiện. Sau đó những dự án tiếp theo người dân truyền tai nhau để mua. Về phía người dân, thì hầu như người dân cũng không đòi hỏi có gì là quá" - ông Đức cho biết. 

Ông Đức cũng cho rằng, Luật Nhà ở cần xem xét, bảo vệ người dân từ quá trình mua đến lúc ở.

"Bản thân nhà ở liên quan đến dân chúng, an sinh xã hội thế nhưng cơ chế của Nhà nước không được chặt chẽ, còn chút tiền đặt cọc không đáng bao nhiêu, chủ đầu tư không có uy tín vẫn được cấp phép.

Không có gì ràng buộc khi xảy ra tranh chấp, người dân thường chỉ gây sức ép bằng báo chí, căng băng rôn khẩu hiệu làm chủ đầu tư sốt ruột, đẩy nhanh tiến độ. Có cư dân còn dọa kiện chủ đầu tư đi tù, cầm tiền mà xây chưa đâu vào đâu nhưng cơ quan công an không khởi tố. Trường hợp này tốt nhất nên đề nghị thanh lý, tự bán cắt lỗ được đồng nào hay đồng ấy" - Chủ tịch HĐTV Công ty luật Basico nói.

Ông Nguyễn Bích Sơn chia sẻ, có một số quốc gia giống chúng ta tương đối về văn hóa chung cư: Singapore, Hong Kong...

Để giải quyết vẫn đề tranh chấp chung cư, ở Hong Kong, mỗi căn hộ hoạt động như 1 công ty với các chức năng để tham gia như 1 hội đồng, có các tổ chức hỗ trợ về chuyên môn, công bố thông tin trên ủy ban và cần thông tin gì thì giải pháp cho tất cả các bên là công khai, minh bạch. Sợi chỉ kết nối duy nhất là công khai, minh bạch.

Với cơ quan quản lý thì vai trò là công tâm, để giảm thiểu khác biệt.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top