Vòng tròn lặp lại
Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính, Công ty cổ phần Xây dựng và Kỹ thuật Việt Nam – Vinaenco, Công ty TNHH Đầu tư toàn cầu Tràng An (công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí toàn cầu) là chủ đầu tư của 3 dự án chung cư vừa vận hành từ cuối năm 2016 liên tục bị khách hàng “tố” vi phạm hợp đồng. Đây không phải là những tên tuổi lần đầu xuất hiện trên thị trường bất động sản, bởi hầu hết các dự án đều bị khách hàng “tố” chủ đầu tư xây dựng không đúng thiết kế, ăn bớt diện tích sử dụng chung, thiết bị căn hộ…
Trong quá khứ, 2/3 chủ đầu tư này đều đã từng đầu tư xây dựng các dự án nhà ở chung cư cao tầng tại Hà Nội. Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú - Trung Kính, chủ đầu tư Dự án Home City (số 177 - Trung Kính, quận Cầu Giấy), từng là chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông). Công ty TNHH Đầu tư toàn cầu Tràng An, chủ đầu tư Dự án Tràng An Complex (số 1 - Phùng Chí Kiên, quận Cầu Giấy) từng là chủ đầu tư Dự án Nam Đô Complex (số 609 - Trương Định, quận Hoàng Mai)…
Có một thực tế, các dự án khi đi vào vận hành, đều bị người mua “tố” làm sai so với thiết kế xây dựng, dịch vụ bị cắt xén… Vụ việc sau đó được dàn xếp “êm đẹp”, thời gian khiến thị trường quên lãng. Chủ đầu tư làm dự án mới và người mua lại “tố” chủ đầu tư sai phạm. Vòng tròn xây dựng – bán nhà – vận hành – tố cáo giữa khách hàng và chủ đầu tư cứ thế lặp lại. Rõ ràng có điều gì đó không bình thường quanh vòng luẩn quẩn này.
Trong các vụ tranh chấp chung cư, người mua thường tìm đến các chủ đầu tư để “đổ lỗi”, trong khi đối tượng thứ 3 là các sàn giao dịch, đội ngũ môi giới bất động sản, thường bị bỏ qua.
Theo luật sư Bùi Đình Ứng, Trưởng phòng Luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), tình tiết các vụ tranh chấp khác nhau, nhưng điểm chung là cả người bán lẫn người mua đều không minh bạch từ đầu. Chủ đầu tư muốn bán hàng thường bỏ qua những thông tin bất lợi của dự án, người mua muốn mua sớm để có giá ưu đãi, khuyến mãi nhiều… nên không đọc kỹ hợp đồng, thậm chí đóng tiền trước khi ký hợp đồng. Khi ra tòa, căn cứ trên hợp đồng mua – bán, phần thiệt thường nghiêng về phía người mua.
“Bài học là trước khi quyết định mua căn hộ, người mua hãy tìm hiểu kỹ “lịch sử” của chủ đầu tư, cũng như đọc kỹ hợp đồng mua – bán. Nếu chưa đọc hợp đồng thì kiên quyết không đóng tiền cho chủ đầu tư, đừng mua nhà vì những lời quảng cáo hào nhoáng”, luật sư Ứng chia sẻ.
Thủ phạm giấu mặt
Dưới góc nhìn của nhà môi giới bất động sản nhiều năm kinh nghiệm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, trong các vụ tranh chấp chung cư, người mua thường tìm đến các chủ đầu tư để “đổ lỗi”, trong khi đối tượng thứ 3 có liên quan mật thiết đến các giao dịch bất động sản là các sàn giao dịch, đội ngũ môi giới bất động sản, thường bị bỏ qua.
Theo ông Đính, Bộ Xây dựng đã có quy định về xử phạt các hành vi làm trái quy định trong hoạt động xây dựng, trong đó có hoạt động môi giới bất động sản. Người môi giới bất động sản phải có chứng chỉ hành nghề mới được phép hoạt động. Các đơn vị chủ đầu tư dự án bất động sản sẽ gặp nhiều rủi ro khi sử dụng, thuê các sàn giao dịch bất động sản, môi giới bất động sản không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật. Ngoài việc bị xử phạt hành chính, hủy bỏ các kết quả môi giới bất động sản sai quy định.
“Người mua có thể bị lóa mắt bởi những lời quảng cáo quá đà của người môi giới bất động sản, muốn bán hàng bằng mọi giá. Việc tư vấn không đúng bản chất về dự án bất động sản, sản phẩm bất động sản, một mặt gây hậu quả nghiêm trọng cho chủ đầu tư, một mặt gây hậu quả và thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng”, ông Đính khuyến cáo./.