Aa

Đón làn sóng FDI thứ ba vào Việt Nam

Chủ Nhật, 29/11/2020 - 08:52

Việt Nam đang là một điểm đến tiềm năng của nhà đầu tư nước ngoài với nhiều ưu thế. Song Việt Nam cần chủ động chọn dòng vốn phù hợp, thay vì ngồi đợi vốn đến.

Các nhà đầu tư đang hướng đến mở rộng sản xuất ra khu vực, trong khi Việt Nam thúc đẩy đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đồng thời thực hiện các bước cải cách khác để thu hút các hoạt động thiết kế và sản xuất cao cấp.

Lắp ráp linh kiện điện tử tại Công ty Panasonic Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Đ.T

Cơ hội từ sự chuyển dịch đầu tư

Hoya, hãng sản xuất của Nhật Bản, có thể sẽ rời Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam, nơi doanh nghiệp đã đầu tư 2 nhà máy vào năm 2004 và năm 2012.

Động thái trên được coi là một phần trong kế hoạch tái cấu trúc toàn cầu của Hãng theo hướng rời khỏi các thị trường có doanh số và lợi nhuận khó kiểm soát. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã công bố, Hoya có tên trong danh sách 87 công ty sẽ được nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ để thực hiện kế hoạch di chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc.

Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản cho biết, do thiếu hụt nguồn linh kiện, phụ tùng sản xuất ở Trung Quốc vì Covid-19, nhiều nhà máy sản xuất ô tô của Nhật Bản như Toyota, Nissan… đã buộc phải ngừng sản xuất và đóng cửa. Tuy nhiên, việc dịch chuyển cơ sở sản xuất sang nơi khác, đặc biệt vào thời điểm hiện tại, là rất đắt đỏ, bởi ngoài chi phí đầu tư xây dựng nhà xưởng mới ở nước khác, còn phải thêm chi phí bồi thường người lao động và đối tác tại Trung Quốc.

Đặc biệt, theo ông Minh, tình hình hiện tại thực sự đáng quan ngại bởi Trung Quốc có thể can thiệp, nên việc rút khỏi quốc gia này trở nên phức tạp hơn.

Bản chất của chuỗi cung ứng là sự phân công lao động dựa trên lợi thế của mỗi nước.

“Tôi tin rằng, các biện pháp để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài - cả chính sách công khai và biện pháp ngầm - đều đã được Trung Quốc thực hiện”, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc (MCSS) cho biết.

Việc sử dụng các “biện pháp hành chính” để giữ chân nhà đầu tư nước ngoài, theo ông Thành, “không chỉ liên quan đến uy tín chính trị của Trung Quốc, mà còn liên quan đến sự dịch chuyển luồng vốn quy mô lớn, ảnh hưởng đến dự trữ ngoại tệ và tỷ giá của nước này”.

Trên thực tế, các doanh nghiệp Nhật Bản là những chủ thể khơi mào cho làn sóng “Trung Quốc + 1”. TS. Phạm Sỹ Thành cho biết: “Họ hiểu hơn ai hết những rủi ro mà các bất trắc chính trị đem lại cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình”.

Một cuộc chuyển dịch lớn có thể không diễn ra, khi các nền kinh tế trong khu vực chưa sẵn sàng đáp ứng các đơn hàng có số lượng lớn, giao hàng trong thời gian ngắn với chi phí thấp. “Sự điều chỉnh của các tập đoàn lớn sẽ diễn ra bởi các cân nhắc kinh doanh nhiều hơn các thúc ép chính trị, còn các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ đi theo chuỗi của doanh nghiệp lớn”, ông Thành phân tích.

Hiện nay, các tập đoàn lớn trên thế giới đã có bước chuyển khá rõ nét trong quan điểm về sắp xếp chuỗi cung ứng, theo hướng từ ưu tiên tối ưu hóa chi phí sang đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Với tư duy mới này, Việt Nam cũng đang tận dụng lợi thế của khoa học công nghệ và cách thức tổ chức mới của các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, trong đó có Nhật Bản và Hàn Quốc, khi họ muốn chuyển nguồn cung về nơi gần thị trường tiêu thụ, hơn là gần nguồn đầu vào giá rẻ.

Việt Nam đang là một điểm đến tiềm năng với nhiều ưu thế, đặc biệt là thành tựu chống dịch. Việt Nam cũng đảm bảo 4 yếu tố mà doanh nghiệp FDI mong muốn khi đầu tư vào một quốc gia. Đó là nguồn lao động có tay nghề, hệ thống logistics thuận tiện, môi trường pháp lý linh hoạt và triển vọng kinh tế vĩ mô ổn định.

Chủ động đón sóng đầu tư

Với các tập đoàn đa quốc gia đang cân nhắc dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, họ cần đảm bảo việc tìm được nguồn cung tiềm năng từ nhiều nhà cung ứng khác nhau.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc điều hành Quỹ đầu tư VinaCapital cho biết, các nhà đầu tư thích giảm thuế, nhưng ưu đãi thuế không phải là yếu tố quá cần thiết để thu hút FDI. “Việt Nam cần chủ động chọn dòng vốn phù hợp, thay vì ngồi đợi vốn đến”, ông Don Lam nói.

Để tăng vị thế trong thu hút đầu tư trong ngắn hạn, Chính phủ nên tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phát triển, cải thiện kết cấu hạ tầng. Theo ông Don Lam, việc xây dựng cảng nước sâu bên cạnh các khu công nghiệp sẽ giúp giải bài toán về nhập khẩu nguyên vật liệu và xuất khẩu thành phẩm cho doanh nghiệp.

Ông Don Lam cũng đưa ra giải pháp thành lập mô hình cụm ngành công nghiệp quanh khu vực tiềm năng. Ông khẳng định, cụm ngành công nghiệp sẽ tạo ra lợi ích kép, vừa tối đa hóa giá trị FDI, vừa củng cố niềm tin của doanh nghiệp để sản xuất giá trị gia tăng cao hơn ngay tại quốc gia đó.

Về lâu dài, ông Don Lam tin rằng, cần thiết lập một trung tâm xúc tiến đầu tư độc lập, phụ trách quảng bá Việt Nam như điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI trên phạm vi toàn thế giới. Các cơ quan chức năng nên tập trung cải thiện thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập công ty, cấp giấy phép, chi trả thuế. Việt Nam cũng cần nâng cao chất lượng đào tạo nghề để đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất cao hơn và đầu tư vào hoạt động nghiên cứu, phát triển đang nở rộ hiện nay.

Chính sách ưu đãi của các nước trong khu vực nhằm thu hút FDI từ Nhật Bản

- Thuế: Indonesia có kế hoạch giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 23% trong năm 2021; Ấn Độ miễn thuế 4 - 10 năm cho các dự án đầu tư trong một số lĩnh vực ưu tiên; Malaysia miễn thuế 15 năm cho các nhà đầu tư nước ngoài mới nếu đầu tư trên 500 triệu ringgit (khoảng 117 triệu USD)…

- Đất đai: Indonesia cam kết dành 400 ha cho các nhà đầu tư; Ấn Độ cam kết dành quỹ đất 461 ha nhằm thu hút doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc và chuyển sang đầu tư tại Ấn Độ trong 10 ngành chủ chốt;

- Cam kết của lãnh đạo cấp cao về cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh: Indonesia

- Cung cấp gói hỗ trợ đào tạo công nhân lành nghề: Thái Lan…


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top