Chẳng biết từ bao giờ, tất cả mấy anh em tôi mỗi khi đi đâu xa nhà, bao giờ cũng thấy bố tôi đứng chờ sẵn ngoài cổng để tiễn các con với mấy câu dặn dò muôn thuở: “Đi cẩn thận con nhé!”, “Đi may mắn con nhé!”, “Tiền nong có mấy đồng giữ cẩn thận con nhé!”, “Lên tàu đừng ngủ gật ngộ nhỡ bị nó móc túi thì khổ con nhé!”… Nói rồi, bố chìa bàn tay ra, nửa như bắt tay, nửa như cầm tay níu lại. Tôi nhớ mãi, lần nào cũng vậy, tôi đi xa khỏi ngõ một quãng, ngoái lại vẫn thấy bố tôi đứng đó trông theo…
Mà đối với các con, con nào cũng thế. Mỗi lần anh tôi, em tôi từ trường học, từ cơ quan, từ đơn vị trở về, khi rời khỏi nhà, lần nào cũng thấy bố tôi đứng cạnh chiếc cổng cũ kỹ tiễn chúng tôi đi, cứ thế, trong nhiều năm trời ròng rã, không hề suy suyển.
Những ngày tôi đi học đại học, mỗi lần hết hè, hết Tết, trở lại trường, khi ra đến cổng, đã thấy bố tôi đứng đó. Bố cười tươi, dặn dò mấy câu muôn thuở. Tôi là đứa con đoảng nhất nhà, có tính hay quên. Rồi lại hay say xe. Mỗi lần lên xe là say bê bết. Có bận đi xe đường dài, chưa đến chỗ cần xuống đã van nài bác lái xe cho xuống trước. Lúc đó chỉ có một nhu cầu khẩn thiết là được dừng lại, nếu không dừng lại, nghĩ dại, ruột gan đứt ra thì chắc chết trên đường.
Nghe thấy tôi than van thảm quá, bác lái cho dừng xe, tôi lao ào xuống xe, lăn ra vệ cỏ ven đường nằm thẳng cẳng, không biết trời đất là gì nữa. Nằm một lúc lâu, khi tỉnh lại, hé mắt tìm cái ba lô, sực nhớ ra, ôi thôi, quên ở trên xe. Thời ấy làm gì có điện thoại mà gọi mà tìm. Thế là một mình thất thểu, trở về cơ quan trong nỗi buồn khổ, lòng tan hoang như kẻ bị cướp đường… Bố tôi, cả nhà tôi, ai cũng biết là tôi say xe bê bết. Thế nên, mỗi khi trở lại trường hoặc đi đâu bằng ô tô khách là cả nhà dặn dò, cả nhà lo lắng. Bố tiễn con, mặt thì vui thế mà mắt thì chẳng thấy vui, chỉ toàn một nỗi thương lo.
Bố tôi gọi việc mỗi lần ra ngõ tiễn các con đi xa là “đón ngõ”. Từ bấy trở đi, cả nhà tôi đều gọi theo là đón ngõ.
Nếu trước khi ai đó trong anh em chúng tôi phải rời nhà đi xa, bố tôi bận gì đó nhỡ không kịp về đón ngõ là ông lo lắm. Ông hỏi đi hỏi lại giờ giấc, rồi dặn cố chờ bố về bố còn đón ngõ để đi cho may mắn con nhé!
Bố tôi đinh ninh rằng, các con đi đâu xa, nếu được bố đón ngõ chắc chắn là sẽ gặp may.
Mà hình như thế thật. Hàng chục, hàng trăm lần tôi rời nhà đi xa, gần như cả trăm, cả chục lần, bố tôi đều đón ngõ, hầu như không sót lần nào. Thế là tôi đều đi đến nơi về đến chốn, chẳng bị rạch túi mất cắp, muộn tàu muộn xe, sẩy chân vấp ngã bao giờ. Chỉ trừ cái lần quên ba lô ở trên xe năm ấy. Nghĩ lại, hình như hôm ấy bố tôi bận đi đâu đó không về kịp để đón ngõ cho tôi…
Nhà tôi có hai anh trai, hai em trai đều đi bộ đội. Anh cả đi thời chiến tranh chống Mỹ. Anh hai và hai em đi thời đánh Tàu. Lần nào đi cũng được bố tôi đón ngõ, không sót lần nào. Thần kỳ thay, cả bốn anh em không bị hòn tên mũi đạn nào, không mẻ đầu sứt trán nào. Tất cả, lần lượt trở về trong sự kiêu hãnh của bố tôi. Bố tôi khi vui chuyện, bảo ấy là do hồng phúc của tổ tiên để lại và cũng là do bố đón ngõ, nên các con mới may mắn thế. Nói xong bố cười hà hà mãn nguyện.
Những năm bố về già, mỗi lần tôi về thăm các cụ, khi rời nhà, lần nào bố tôi cũng lật đật chạy ra đón ngõ.
Khi bố quá già, lại bệnh tật, không đi được nữa, lúc tôi vén màn chào bố, bố lật người vùng dậy, dặn: “Con đi cẩn thận, may mắn nhé”.
Một hôm, hình như là lần cuối, tôi vén màn, ngó vào giường chào bố, bố tôi theo quán tính vùng dậy, nhưng người không dậy nổi. Người vội gọi anh cả: “Bố Cả đâu, ra đón ngõ cho em!”.
Lần ấy đúng là lần cuối…
Sau này, tất cả mấy anh em tôi, thật tự nhiên, ai cũng làm theo bố. Mỗi khi các con mình rời nhà đi xa, chúng tôi lại chạy ra cổng đón ngõ cho các con đi may mắn.
Bây giờ, lần nào cũng vậy, mỗi khi hai chúng tôi cùng các con về thăm quê, lúc rời nhà, bác cả lại đứng đúng vào chỗ bố tôi trước đây mỗi lần đón ngõ, bắt tay chúng tôi, dặn dò đôi ba câu, rồi chờ cho bóng chúng tôi khuất hẳn.
Phía trước mặt chúng tôi là bờ đê ào ạt gió.
Nước sông mùa này đang duềnh đỏ…