Aa

Đôi điều về hiếu hạnh

Thứ Bảy, 21/09/2019 - 06:30

Trong đạo Phật, ta cũng thường nghe ba chữ: “Tín, nguyện, hạnh”. Điều cốt yếu chính là tâm biết nhớ nghĩ, là mang tâm hiếu để sống trong cuộc đời dài rộng này.


"Đạo Hiếu là một đức hạnh chung, bao gồm mọi đức hạnh, chi phối mọi hành động của con người”. (L. Cacdiere)

Nhờ có nền tảng từ tâm thức trọng nếp sống hiếu hạnh, tục thờ tổ bách nghệ cũng như sự thờ cúng ở mỗi làng xã, mỗi gia đình hay ở các nhóm cộng đồng người Việt đã trở thành một sợi dây liên kết mọi người lại với nhau.

Có câu: Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ.

Chúng ta nếu có dịp tham dự một ngày hội làng, một ngày lễ hội nghề thì đều có thể nhận thấy lòng kính ngưỡng, trọng hiếu đạo và ân nghĩa luôn hòa chung một nhịp trong trái tim mỗi người con Việt.

Trong tác phẩm Văn Minh Việt Nam, tác giả Nguyễn Văn Huyên từng khẳng định: “Yếu tố vững chắc nhất gắn bó các thành viên của đại gia tộc là việc thờ cúng tổ tiên”. Vậy thì, yếu tố vững chắc gắn bó các thành viên của một dân tộc chính là nếp sống về “Hạnh” của dân tộc đó.

Ông cha ta thuở xa xưa cũng từng quan niệm: “Hiếu là đứng đầu muôn hạnh” và “Thà mất nước chứ không mất hạnh”. Chính bởi lẽ đó, nước còn, nghĩa là “Hạnh” ấy vẫn còn. Đương nhiên, dấu ấn của nó sẽ in đậm trong mọi hoạt động của mỗi người con dân nước ấy.

Trong đạo Phật, ta cũng thường nghe ba chữ: “Tín, nguyện, hạnh”. Điều cốt yếu chính là tâm biết nhớ nghĩ, là mang tâm hiếu để sống trong cuộc đời dài rộng này. Trong tín, nguyện và hạnh thì hạnh là quan trọng nhất. Hạnh không đủ tiêu chuẩn thì có tín và nguyện cũng như không.

Ở ngay trên mảnh đất Thăng Long ngàn năm, chúng ta cũng thấy còn lại dấu tích rất nhiều những ngôi đình làng xưa, nhưng mái chùa xưa như những dấu lặng giữa bản nhạc chốn đô thị nhiều thanh âm và sắc thái.

Ngay trên con phố trung tâm của Hà Nội, có một ngôi đình gọi tên là Đình Kim Ngân. Ngôi đình trang nghiêm nằm trên con phố cổ, mang đậm dấu tích một thời của nếp sống hiếu hạnh mà cha ông đã vun bồi. Mỗi lần ngang qua hay ghé vào thắp nén nhang bằng tất cả tâm thành kính, tôi đều cảm thấy bồi hồi.

Đình Kim Ngân nằm ở hàng Bạc và thờ ông tổ nghề Chạm bạc Họ Lưu. Nhưng, nhân dân ở đây không chỉ thờ ông tổ nghề chạm bạc. Họ thờ kính và gửi lòng thương tưởng biết ơn đến các vị tiền nhân: Tổ Bách nghệ - vị tổ của trăm nghề.

Tục thờ tổ Bách nghệ, cùng với tín ngưỡng thờ tổ tiên, thờ thành hoàng chính là hiện thân của niềm kính ngưỡng và các chân giá trị về luân lý, đạo đức cũng như ước vọng của dân tộc. Đó chính là biểu hiện của tâm thức luôn quy hướng về nguồn cội của dân tộc mình. Đẹp đẽ và văn minh vô cùng!

Đình Kim Ngân

Mỗi năm, tại các làng nghề đều có ngày hội hay giỗ tổ nghề để tôn vinh vị tổ sư đã truyền dạy lại nghề cho làng. Tất nhiên không bao giờ thiếu những nén nhang thơm kính ngưỡng đến vị tổ Bách nghệ của cả dân tộc. Khi vui sướng hay lúc khó khăn, những lễ hội luôn tràn đầy lòng kính ngưỡng biểu thị cho một sức sống bền bỉ.

Tục thờ tổ Bách nghệ, các vị tổ nghề nói riêng và thờ thành hoàng làng đều thuộc phạm trù của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, không tách rời với nhân sinh quan của người Việt về Hiếu đạo.

Người Việt trải qua 5.000 năm nay đã vun bồi cho nếp sống và tín ngưỡng ấy trở nên vững vàng, bền bỉ trước mọi biến cố thăng trầm của lịch sử.

Tôi thường chia sẻ, người Việt trọng nghĩa trọng tình, đi đâu cũng nhớ mình là “người trong một nước”, là “bầu bí chung giàn”.

Truyền thống tôn sư trọng đạo chính là một cách gọi khác đi của nếp sống hiếu hạnh.

Có “trọng đạo” nên ông cha ta luôn muốn nhắc nhở để cháu con mình không “lỗi đạo”. Gặp người lớn, đáng tuổi cha chú thì xưng cháu, xưng con, đáng tuổi anh chị thì xưng em. Bởi cả dân tộc là một đại gia đình, là con Lạc cháu Hồng, là nòi giống Rồng Tiên chung một bào thai (đồng bào).

Gặp người làm Thầy phải kính trọng, bởi đó là Đạo. Đạo lý của một dân tộc mà cha ông luôn gửi gắm trong ca dao, lục bát, trong từng phong tục tập quán còn truyền lại đến ngày nay.

Đạo ấy còn biểu hiện nơi từng ý ăn, ý ở để nhắc nhở và thắp sáng lòng biết ơn cho các thế hệ con cháu.

Thực là:

Thờ cha kính mẹ hết lòng

Ấy là chữ Hiếu dạy trong luân thường”.

...

Vua, Thầy, Cha ấy ba ngôi

Kính thờ như một trẻ ơi ghi lòng”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top