Aa

Quê Cha Đất Tổ

Thứ Bảy, 30/06/2018 - 06:01

Chúng tôi lớn lên, nhận ra quê hương không còn như trong trí trẻ thơ đầy tưởng tượng, như câu chuyện kỳ dị nữa, mà hiện thực hơn. Và thật lạ, lại lung linh hơn, chứa đầy sự kỳ bí linh nhiệm đáng yêu gấp ngàn vạn lần hơn.

Ở quê tôi, có một vùng đất, người dân goi là Rú. Rú là nơi đất cát, nhưng nhiều cây. Người miền Trung có câu rừng rú. Rú không rộng và nhiều cây như rừng. Rú, có thể nói là rừng của làng, che chắn bảo vệ cho làng vì là nơi đủ loại cây cối um tùm xanh tốt mà không ai được chặt phá.

Đặc biệt, rú là nơi chôn mồ mả bao đời nay của người làng khi mất. Lần tôi biết đến Rú quê tôi sâu sắc nhất, có lẽ từ lúc ông nội tôi mất. Ở quê tôi, người chết được đưa lên Rú chôn. Nhưng, để thật sự thích thú với vùng đất gọi là Rú này là từ lúc tôi lớn hẳn.

Năm tôi theo chân mọi người lên Rú để đám tang Ông, lúc đó tôi 11 tuổi. Trước đó, lên mấy tuổi tôi thỉnh thoảng được đi ngang qua Rú. Đó là những lúc theo mẹ đi chợ Diên Sanh. Rú trong trí nhớ tuổi thơ của tôi là hình ảnh của những câu chuyện hãi hùng về chết chóc và ma quỷ.

Lúc vừa giải phóng, quê tôi có một phụ nữ bị giết chết khi đi lên chợ Diên Sanh. Mấy tháng sau người ta mới phát hiện xác và báo tin người nhà ở Thi Ông lên nhận.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trong trí óc tò mò và nhiều tưởng tượng lúc đó của tuổi thơ, tôi nghe nói ở Diên Sanh có một cái hồ, một năm người ta phải quẳng xuống đó một cái xác để nộp mạng. Nên người dân dưới này đi chợ lên đó, lỡ đúng dịp lễ, họ sẽ bắt làm vật tế thần.

Tôi sinh ra trong một vùng quê bao phủ bởi toàn cây cối cổ thụ xanh um tùm và sông nước chằng chịt mênh mông…

Ở quê, đi đâu cũng thấy những ngôi miếu cổ kính và cây cổ thụ bao quanh um tùm đầy bí ẩn, gợi trí tò mò tưởng tượng với bao sự kỳ bí... Mỗi ngôi miếu, mỗi gốc cây, mỗi khúc sông, con hói hay đoạn đường đều mang trong nó một câu chuyện đầy kỳ bí khó hiểu về thế giới thần linh và sự linh dị không giải thích được.

Dần già rồi mọi chuyện như từ trong bóng tối, đang dần hiện rõ dưới ánh sáng ban ngày tràn về. Chúng tôi lớn lên, nhận ra quê hương không còn như trong trí trẻ thơ đầy tưởng tượng, như câu chuyện kỳ dị nữa, mà hiện thực hơn. Và thật lạ, lại lung linh hơn, chứa đầy sự kỳ bí linh nhiệm đáng yêu gấp ngàn vạn lần hơn.

Cũng gốc cây đó, cũng con sông đó, đoạn đường đó, ngôi miếu cổ và khu mộ Rú đó, tôi nhận ra hình bóng tiền nhân tiên tổ nơi đó rõ hơn và gần gũi quý trọng nâng niu hơn.

Mỗi lần lên Rú hay đi ngang Rú, tôi nhận ra ở đó một vẻ đẹp kỳ lạ đến huyền hoặc của Rú, của cát và mộ địa…

Tôi nhận ra ở đó thấp thoáng ẩn hiện bóng dáng cha ông đầy linh nhiệm đang đứng trông, canh chừng cho quê hương làng mạc. Một quê hương là nhà của con cháu đang sống, một quê hương song song là “nhà” của cha ông đang tồn tại sinh động nơi đất Rú.

Mọi người ở quê tôi ai cũng biết làm đẹp cho Rú. Làm đẹp cho Rú chính là làm đẹp nơi ở của cha ông. Vì vậy mà mỗi ngày, theo nhịp đời sống, Rú càng hiện lên sinh động và đáng yêu vô cùng. Nơi dân cư sinh sống còn ít cây hơn nơi Rú mộ.

Cây với các loài hoa ở đây thật đẹp. Giữa trưa hè đứng bóng gần 40 độ của vùng đất Quảng Trị, nhưng vào Rú này tôi luôn thấy mát lạnh vì cây cối um tùm che phủ. Đây là một vùng đất đáng được bảo tồn. Tôi hay giới thiệu với nhiều người về khu Rú mộ này của quê tôi.

Về Am, nếu có thời gian là tôi thích được đi vào giữa khu Rú để thưởng thức cái đẹp ở đây. Cách người dân ở đây ghi tên người mất người sống ở tấm bia cũng nói lên được sự gìn giữ lịch sử của họ.

Đáng buồn thay cho những tấm bia được dựng nơi bia mộ người chết trên đất Bắc. Không biết từ lúc nào, mà người miền Bắc duy trì một nỗi sợ rất phi lý. Đó là sợ khắc tên người sống vào trên bia mộ người thân đã khuất khi họ dựng bia. Một nỗi sợ phi thực tế và phi truyền thống văn hóa dân tộc.

Nhìn các tấm bia la liệt khắp trên tất cả các nghĩa trang toàn miền Bắc, không nơi đâu ghi tên người dựng bia, lập mộ. Nhìn tấm bia đầy đủ, kẻ bàng quan cũng phần nào biết được lai lịch người nằm dưới mộ kia.

Tôi thích nhất là đến thăm khu mộ Ngài Bát Thế và Ngài Lục. Đọc dòng văn trên bia mà lòng xúc động. Khu mộ Ngài khai canh thì cây cối không được um tùm xanh tốt như ở nơi khu mộ hai Ngài trên. Lý do là khi tu sửa lại lăng Ngài Khai canh, họ đã chặt phát bớt cây cối. Tôi khuyên nên để cây, vì các ngài thích cây, và các ngài ngụ nơi cây. 

Mong làm sao con cháu ý thức được sự thiêng liêng nơi vùng đất Rú mộ để gìn giữ cho cây cối xanh tươi hơn, đẹp hơn mỗi ngày.

Quê Cha Đất Tổ là nơi lưu dấu những giá trị của tiền nhân nuôi dưỡng chúng ta lớn lên. Chúng ta phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo vệ và ý thức trách nhiệm bồi đắp gốc rễ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top