Chương trình phát triển vật liệu xây không nung tại Việt Nam đến năm 2030 đặt mục tiêu hướng tới sự phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế mà thế giới đang thực hiện; trong đó, chú trọng đến phát triển công trình xanh và sử dụng các loại vật liệu thân thiện với môi trường.
Tiến sỹ Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), chia sẻ xu hướng phát triển vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng của thế giới hiện ngày càng tiệm cận với quan điểm phát triển bền vững của Liên hợp quốc về hài hòa cả ba nhân tố chính là kinh tế, xã hội và môi trường.
Do đó, việc nghiên cứu phát triển vật liệu xây dựng không sử dụng hoặc chỉ sử dụng một phần nguyên liệu khai thác trực tiếp từ tài nguyên thiên nhiên; đồng thời tăng cao hàm lượng nguyên liệu tái chế từ phế thải các ngành công nghiệp, phế thải sinh hoạt đang ngày càng được triển khai mạnh mẽ.
Theo ông Thành, hiện trên thế giới có khoảng 465 nhãn xanh tại 199 quốc gia và bao trùm 25 ngành công nghiệp; trong đó có vật liệu xây dựng.
Tại Việt Nam, Chương trình Nhãn xanh Việt Nam đã xây dựng được 17 bộ tiêu chí cho các nhóm sản phẩm khác nhau. Hiện nhóm sản phẩm vật liệu xây dựng đã xây dựng được 2 bộ tiêu chuẩn gồm: sơn phủ dùng cho xây dựng - NXVN 11:2014 và vật liệu ốp lát gốm sứ xây dựng - NSVN 05:2014.
Gần đây, Viện Vật liệu xây dựng đã hoàn thành xây dựng 2 bộ tiêu chuẩn vật liệu xây dựng xanh cho sản phẩm ximăng và sứ vệ sinh.
Phát triển vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam tạo ra áp lực nhất định cho ngành xây dựng về việc phải đảm bảo nhân lực để có thể làm chủ công nghệ, vận hành dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng có áp dụng các giải pháp của cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản thiên nhiên; tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
Việc am hiểu đầy đủ kiến thức về các tính năng vật liệu xây dựng để có thể vận dụng nhuần nhuyễn vào thiết kế, thi công công trình xanh và tiết kiệm năng lượng cũng là thách thức đối với giới chuyên môn xây dựng - ông Thành nhấn mạnh.
Để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hơn các loại vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng cũng như công trình xanh, tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam, ngành chức năng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, có ưu đãi trong sản xuất, khai thác và sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng trong công trình xây dựng.
Tiến sỹ Lê Trung Thành đề xuất, nên xem xét việc tăng thuế môi trường đối với các hoạt động sản xuất và sử dụng các loại vật liệu xây dựng gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất và ứng dụng các loại vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng vào công trình xây dựng; nâng cao chất lượng, trình độ chuyên môn nguồn nhân lực tham gia nghiên cứu, sản xuất, thiết kế, thi công công trình sử dụng vật liệu xây dựng xanh và tiết kiệm năng lượng./.