Dự án "Cải tạo hệ thống thoát nước lưu vực kênh Hàng Bàng thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP. HCM" qua hai quận 5 và 6. Dự án được phe duyệt từ năm 2016 do Khu Quản lý giao thông đô thị số 1 làm chủ đầu tư.
Dự án chia làm 3 giai đoạn với chiều dài 1.452m, kinh phí dự kiến bồi thường khoảng 2.897 tỷ đồng. Hiện tại giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Giai đoạn 2 trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng bị nghẽn do nhà của các hộ dân nằm sau chợ Bình Tây đang kinh doanh, hoặc cho thuê kinh doanh nên chưa đồng ý di dời, trả mặt bằng.
Các trường hợp chưa đồng ý di dời vì cho rằng giá bồi thường thấp, chưa bằng giá các đường khác trong khu vực hoặc giá bồi thường, hỗ trợ không đủ tiền mua nhà có vị trí tương ứng.
Việc này dẫn đến nhiều hộ dân vẫn cố gắng bám trụ bên dòng kênh ô nhiễm đầy rác thải, sống trong những căn nhà đã cũ kỹ, xuống cấp trầm trọng, có thể sập bất cứ lúc nào. Nhiều hộ dân chưa di dời vẫn buôn bán và sinh hoạt. Hằng ngày, lượng lớn rác thải và nước sinh hoạt vẫn chảy xuống kênh đen ngòm, đặc quánh, bốc mùi hôi thối.
Theo thông tin từ Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. HCM (Ban Giao thông), một đoạn công trình nâng cấp, cải tạo kênh Hàng Bàng (từ đường Ngô Nhân Tịnh đến kênh Vạn Tượng) sẽ chính thức khánh thành vào ngày 17/1.
Đại diện Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 5 cho biết, tại khu vực thi công dự án có 126 căn nhà thuộc diện phải thu hồi đất dọc kênh theo đường Phan Văn Khỏe và Bãi Sậy. Người dân được hỗ trợ tái định cư tại chung cư 243 Tân Hòa Đông (quận 6) cùng với các khoản hỗ trợ khác và tiền thưởng chấp hành tốt việc di dời.
Hiện tại, công nhân đang gấp rút thi công hạng mục trong dự án như hệ thống đèn điện, vỉa hè, cây xanh.
Để khôi phục, đơn vị thi công đã đào xúc hàng ngàn mét khối đất từ những nền nhà, mặt đường đã san lấp kênh Hàng Bàng cách đây hơn 15 năm. Đây là con kênh đầu tiên ở TP. HCM được khôi phục sau khi bị san lấp thành khu dân cư.
Việc khôi phục dòng kênh Hàng Bàng ngay giữa khu trung tâm sầm uất quận 5, quận 6 sầm uất như chợ Kim Biên, chợ Bình Tây sẽ trả lại cho khu vực này cảnh quan "trên bến dưới thuyền", tạo nét đẹp sinh thái trong lòng đô thị.