Aa

Dòng kiều hối đổ về Việt Nam "tìm" BĐS

Thứ Hai, 02/01/2017 - 15:00

Lượng kiều hối từ các lao động Việt Nam sống ở nước ngoài chảy về đã làm dày hơn “ví tiền” của khu vực BĐS, đồng thời tạo thêm động lực cho khu vực này tăng trưởng sau một thời gian dài “ngủ đông”.

Xưa nay, nhắc đến dòng vốn từ nước ngoài chảy vào thị trường BĐS, suy nghĩ hiện lên trong đầu nhiều người là FDI, ít ai nghĩ rằng còn có một lượng vốn khác đang chảy rất mạnh vào khu vực này, đó là kiều hối. Kiều hối hiểu nôm na là số tiền "di chuyển" từ những người cư trú hay là lao động tại nước ngoài về đất nước, nơi là quê hương cũ của họ.

Vì sao nói kiều hối đang ngày càng thể hiện tầm ảnh hưởng của mình? 

Trang Vietnam Finance dẫn số liệu thống kê của Vụ Liên hiệp quốc về vấn đề kinh tế và xã hội (UN DESA) cho biết từ năm 1990 đến năm 2015 có 2.558.678 người Việt Nam di cư ra nước ngoài. Như vậy tính trung bình trong 26 năm, mỗi năm có khoảng gần 100 nghìn người Việt di cư ra nước ngoài, hầu hết là các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125,7 nghìn người), Đức (gần 113 nghìn người), Canada (182,8 nghìn người), Úc (227,3 nghìn người), Hàn Quốc (114 nghìn người)...

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc kinh tế thế giới có những bước phục hồi sau khủng hoảng, tình hình kinh tế ổn định ở một số nước như Mỹ và các nước Châu Âu, nơi có nhiều người Việt sinh sống, cùng với việc nền kinh tế Việt Nam đang được cải thiện đã và đang khuyến khích lượng kiều hối chảy mạnh hơn nữa.

Lượng kiều hối đang có xu hướng chảy mạnh, cơ hội cho thị trường BĐS

Lượng kiều hối đang có xu hướng chảy mạnh, cơ hội cho thị trường BĐS

Điều đáng nói đó là, trước đây, các Việt Kiều chủ yếu gửi tiền cho các thân nhân trong gia đình, số tiền này không có khả năng sinh lời bởi tâm lý “tiết kiệm là quốc sách” của người Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, số tiền được coi là một trong những trụ cột của nền kinh tế Việt Nam (tương đương với khoảng 8 – 10% GDP) này đã được đem đầu tư chứ không còn “nằm yên dưới gối” theo cách nói vui của người Việt nữa. Phần lớn lượng kiều hối về Việt Nam được đầu tư vào 2 lĩnh vực chính đó là sản xuất kinh doanh và BĐS, trong đó khu vực BĐS ngày càng được giới Việt Kiều nhòm ngó.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HOREA), trong năm 2015, hơn 1/5 (tức là khoảng 21,6%) lượng kiều hối chảy vào thị trường BĐS Việt Nam, 70,8% đổ vào các doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ, sản xuất khác, và chỉ có 7% là gửi cho người thân.

Năm nay, theo dự kiến của Ngân Hàng Nhà nước, tại TP. HCM, lượng kiều hối đổ vào thị trường này ước đạt 2,5 tỷ USD trong quý IV, vì vậy cả năm dòng tiền từ giới Việt Kiều mà TP. HCM nhận được ít nhất sẽ ở mức 5,2 tỷ USD, trong đó lượng kiều hối chủ yếu về từ các nước Châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, theo thống kê, đến thời điểm này, chỉ tính riêng tại TP. HCM, khu vực sản xuất kinh doanh đã "để túi" được 72% số tiền gửi về từ các lao động nước ngoài, trong ngành công nghiệp BĐS lại được hưởng lợi 22% từ dòng tiền “miễn phí” này, chỉ khoảng 6% mang danh nghĩa đem về “viện trợ” cho gia đình.

Dòng kiều hối đổ vào kinh doanh và BĐS tăng mạnh nhờ đâu?

Tâm lý “giữ tiền dưới gối” đã lạc hậu. Đó là ý kiến của chị Trang, một Việt Kiều tại Ma Cao. Chị Trang sống và làm việc tại nước ngoài đã lâu, hàng năm chị gửi tiền về cho gia đình tại quê hương để tiết kiệm nhưng những năm gần đây, chị có nói với anh trai của mình rằng số tiền chị gửi về Việt Nam, chị muốn nó được đầu tư vào kinh doanh và BĐS đúng cách. “Cái tâm lý cất tiền dưới gối xưa rồi, thế hệ trẻ chúng tôi sẽ không làm như thế nữa”.

Cùng với quan điểm đó, chị Vũ Ngọc Mai, một Việt Kiều lâu năm hiện đang sinh sống và làm việc cho một công ty tại Bỉ sau 18 năm học tập tại Hà Lan, cho biết hàng ngày chị thường lang thang trên khắp các trang web để tìm kiếm các khoản đầu tư BĐS có tiềm năng. Năm 2012, chị Mai đã xây dựng một chung cư nhỏ tại Hà Nôi, hiện gia đình chị đang sử dụng tòa chung cư này để cho thuê lấy thu nhập hàng tháng. Hiện nay, chị đang có ý định mua một chung cư nhỏ ở Việt Nam để cho người nước ngoài thuê.

“Mình sẽ tiết kiệm để đầu tư vào BĐS mà mình đã dự định, chắc chỉ một thời gian nữa thôi”, chị Mai nói.

Chính sách thông thoáng và sự ấm lên của thị trường địa ốc. Dẫn lời trang Rever cho biết với hơn 4 triệu kiều bào ở nước ngoài, lượng kiều hối Việt Nam đang tăng nhanh. Chính sách nhà nước rất thông thoáng, tạo điều kiện dễ dàng cho người thụ hưởng kiều hối trong những năm gần đây, như: Người nhận không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, không phải trả phí.

Lượng kiều hối chuyển về được xem là nguồn lực vàng xây dựng, phát triển đất nước vì nguồn tiền này không phải đi vay hay trả lãi. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong cải cách cơ chế, chính sách, thúc đẩy tự do hoá tài chính, hội nhập là điều kiện quan trọng để kiều hối “chảy” vào thị trường BĐS trong nước. Kể từ khi Luật Nhà ở sửa đôi về việc cho phép kiều bào ở nước ngoài được phép mua và sở hữu nhà ở trong nước được thông qua vào cuối năm 2014, đã có hơn 7000 Việt Kiều sở hữu nhà ở tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kinh tế nhận định, kiều hối về Việt Nam hầu hết đều tăng qua mỗi năm. Trong năm vừa qua, lượng tiền này chuyển về Việt Nam càng sôi động hơn nhất là ở thị trường BĐS. Sự ấm lên của thị trường địa ốc là nguyên nhân chính thu hút kiều hối chảy về lĩnh vực này ngày càng tăng cao.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top