Aa

TS. Nguyễn Minh Phong: "Xem xét tình hình tổng thể để khơi dòng kiều hối"

Thứ Ba, 20/12/2016 - 03:01

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan chức năng cần xem xét toàn diện và tổng thể tình hình trong nước và quốc tế để tìm giải pháp khơi dòng kiều hối.

TS. Nguyễn Minh Phong

TS. Nguyễn Minh Phong

Theo lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. HCM, khoảng 50% lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tập trung vào thành phố này, với mức tăng trung bình liên tục những năm gần đây là 10 đến 15%/năm.

Thông thường, lượng kiều hối dồn về nhiều nhất vào quý cuối năm, chiếm hơn 40% tổng lượng kiều hối cả năm. Tuy nhiên, đến hết tháng 11/2016, lượng kiều hối chuyển về thành phố chỉ đạt khoảng 4,3 tỷ USD, thấp hơn dự kiến khoảng 10%. Vì vậy, lượng kiều hối năm 2016 của cả nước chỉ vào khoảng 9 tỷ USD, thấp hơn tới 25% so với dự báo là khoảng 12 tỷ USD.

Hơn 23 năm qua, dòng kiều hối về nước đã tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 10 tỷ USD năm 2012; 11 tỷ USD năm 2013; 12 tỷ USD năm 2014 và hơn 13,2 tỷ USD năm 2015, đưa Việt Nam đứng thứ ba tại châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Giai đoạn 2002-2015, kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP, trong khi vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP.

Sau nhiều năm tăng liên tục, năm 2016, lần đầu dòng kiều hối bị khựng lại, suy giảm và có thể đảo chiều. Thực tế cần nhiều thời gian và cứ liệu minh chứng để có sự phân tích đầy đủ và sâu hơn, song có thể thấy, dù muốn hay không, sự sụt giảm dòng kiều hối cả về ngắn hạn hay dài hạn, ít nhiều, trực tiếp hay gián tiếp có gắn với những nguyên nhân như chính sách lãi suất đồng USD; chính sách tỷ giá và các cơ hội đầu tư kinh doanh trên thị trường…

Nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ chiếm khoảng 60% tổng kiều hối từ hơn bốn triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên thế giới, khi kiều hối từ thị trường này giảm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tổng lượng kiều hối về Việt Nam. Những tháng gần đây, động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong tháng 12-2016 và cả việc bỏ ngỏ khả năng sẽ tăng liên tiếp lãi suất USD ba lần tới trong năm 2017 đã, đang và sẽ tạo động lực giữ chân đồng USD kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam.

Hơn nữa, động lực này còn được cộng hưởng bởi tác động mặt trái của cả hai chính sách hạ lãi tiền gửi USD tại các ngân hàng về 0% và cơ chế tỷ giá trung tâm mà lần đầu Việt Nam cùng thực hiện từ đầu năm 2016. Thực tế cho thấy, năm 2016, lãi suất tiền gửi USD ở Mỹ tăng, còn ở Việt Nam bằng 0; đồng thời, tỷ giá đồng USD so với VND biến động hằng ngày theo thị trường, không còn được ổn định - cố định theo biên độ khung cả năm do NHNN bảo đảm nữa.

Điều này đồng nghĩa với cơ hội khai thác chênh lệch lãi suất đồng USD giữa thị trường trong nước với nước ngoài đã mất đi, thậm chí đảo ngược, khiến thu hẹp lượng ngoại tệ - kiều hối về Việt Nam, đồng thời có sự gia tăng dòng tiền gửi hàng tỷ USD từ Việt Nam ra nước ngoài.

Ngoài ra, dòng kiều hối khai thác lợi ích cơ hội tiền gửi giảm; còn dòng kiều hối về nước đổ vào sản xuất, kinh doanh ít nhiều cũng ngập ngừng, bị chi phối do cơ hội kinh doanh tăng lên từ sự tăng trưởng kinh tế tích cực của Mỹ, trong khi có sự giảm sút tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam năm 2016 và cả tin đồn về triển vọng TPP trong năm 2017...

Kiều hối sụt giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường BĐS.

Kiều hối sụt giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến thị trường BĐS.

Với trung bình hơn 70% lượng kiều hối “đi” vào sản xuất, kinh doanh và khoảng 20% “đổ” vào thị trường BĐS, nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối lâu nay trở thành một trong những nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, hỗ trợ dự trữ ngoại hối, tăng nguồn vốn đầu tư xã hội và giúp giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp của Việt Nam.

Nguồn cung ngoại tệ từ kiều hối của Việt Nam năm 2016 giảm, dù được bù lại phần nào bằng sự gia tăng vốn FDI thực hiện, xuất siêu và tăng mạnh du lịch…, nhưng nguồn vốn giá rẻ giảm sẽ làm tăng chi phí sản xuất, tăng giá thành sản phẩm và có ảnh hưởng nhất định tới tạo công ăn việc làm, cải thiện nhà ở, y tế, giáo dục, ổn định đời sống người dân và động lực tăng trưởng kinh tế. Sự sụt giảm kiều hối cùng với dòng chảy ngược USD ra nước ngoài khá lớn còn tạo áp lực kép về giảm tổng cung ngoại tệ của Việt Nam, gây áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới.

Bởi vậy, để không làm giảm lượng kiều hối về nước và nhất quán chủ trương coi trọng, tạo mọi thuận lợi và cơ hội thu hút kiều hối của Đảng và Nhà nước, thời gian tới, NHNN và các cơ quan chức năng cần xem xét toàn diện và tổng thể tình hình trong nước và quốc tế, tính tới sự đồng bộ và tác động hai mặt của chính sách, tiếp tục hoàn thiện quản lý ngoại hối nói riêng, môi trường đầu tư nói chung, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền khơi thông dòng kiều hối về nước và khuyến khích kiều bào đầu tư, kinh doanh “ích nước, lợi nhà”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top