Aa

Dòng tiền bắt đáy chảy mạnh vào nhóm bất động sản trong tuần từ 25 - 29/4

Chủ Nhật, 01/05/2022 - 06:09

Sau nhiều tuần giao dịch tiêu cực, nhóm bất động sản trong tuần từ 25 - 29/4 nhận được lực cầu bắt đáy mạnh. Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này có sự bứt phá trở lại.

Thị trường chứng khoán tiếp tục có tuần giao dịch tương đối xấu, đây cũng là tuần giảm điểm thứ tư liên tiếp của VN-Index với thanh khoản suy giảm so với tuần trước đó và đã là tuần thứ bảy liên tiếp thấp hơn mức trung bình 20 tuần.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index giảm 12,43 điểm (-0,9%) xuống 1.366,8 điểm, HNX-Index tăng 6,71 điểm (+1,9%) lên 365,83 điểm, UPCoM-Index cũng tăng 0,16 điểm (+0,15%) lên 104,31 điểm.. Giá trị giao dịch trên HoSE giảm 23,9% so với tuần trước đó với 89.612 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 19,9% xuống 3,1 tỷ cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX giảm 19,1% so với tuần trước đó với 10.312 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 14,6% xuống 454 triệu cổ phiếu.

Sau nhiều tuần giao dịch tiêu cực, nhóm cổ phiếu bất động sản ghi nhận sự phục hồi trở lại khi dòng tiền bắt đáy hoạt động khá tốt. Thống kê 122 cổ phiếu bất động sản đang giao dịch trên thị trường, tuần từ 25 - 29/4 có 85 mã tăng, trong khi chỉ có 27 mã giảm giá.

Cổ phiếu bất động sản tăng giá mạnh nhất thuộc về “tân binh” sàn UPCoM là MGR của CTCP Tập đoàn Mgroup với 61%. 20 triệu cổ phiếu MGR lên sàn UPCoM vào 28/4 với giá tham chiếu 10.000 đồng/cp. Chốt tuần, MGR leo lên mức 16.100 đồng/cp. Doanh nghiệp này có trụ sở chính tại tầng 19, khu A, tòa nhà Indochina Park Tower, số 4 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM chính thức hoạt động năm 2013, ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê...

Cổ phiếu FLC của Tập đoàn FLC gây bất ngờ khi tăng hơn 33% chỉ sau một tuần giao dịch. FLC tăng mạnh trong bối cảnh thị trường chung rung lắc. FLC tăng giá trong cả 5 phiên giao dịch của tuần qua, trong đó có 3 phiên tăng trần.

Mới đây, Tập đoàn FLC báo cáo đã bán hơn 8 triệu cổ phiếu HAI của Nông dược HAI trong ba ngày từ 15 - 19/4. Hoàn tất giao dịch, Tập đoàn FLC giảm tỷ lệ sở hữu tại Nông dược HAI từ 12,65% vốn còn 8,26% vốn, tương ứng lượng cổ phiếu HAI nắm giữ giảm từ hơn 23,1 triệu còn 15,1 triệu đơn vị. Giao dịch được thực hiện sau khi Công ty Cổ phần Chứng khoán BOS (ART) phát đi thông báo về việc bán giải chấp chứng khoán ký quỹ là 8 triệu cổ phiếu HAI, tương đương 4,38% vốn của Công ty Cổ phần Nông dược HAI từ tài khoản của Tập đoàn FLC.

Một thông tin thú vị khác liên quan đến Tập đoàn FLC, đó là doanh nghiệp này giải trình việc bị HoSE đưa vào diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo kiểm toán năm 2021 quá 15 ngày so với quy định. Theo đó, FLC cho biết Công ty TNHH Kiểm toán - Tư vấn Đất Việt hiện đang là đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2021 của FLC Group nhưng ngày 30/3, công ty kiểm toán này đã bị Ủy ban Chứng khoán đình chỉ tư cách được kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng. Vì vậy, BCTC năm 2021 của FLC đến nay chưa được phát hành và công bố thông tin đúng thời hạn. FLC cho biết đang gấp rút tìm kiếm đơn vị kiểm toán mới trong danh sách được chấp thuận.

20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất tuần 25 - 29/4.
20 cổ phiếu bất động sản tăng mạnh nhất tuần 25 - 29/4.

Một cổ phiếu cùng “họ” FLC là AMD của CTCP Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone cũng tăng gần 30% chỉ sau một tuần giao dịch. Ngày 27/4, FLC Stone đã không thể tiến hành họp ĐHĐCĐ thường niên 2022. Nguyên nhân do tại thời điểm 9h40', chỉ có 105 cổ đông tham dự đại hội, tương ứng hơn 2 triệu cổ phiếu AMD, chiếm 1,25% số cổ phần có quyền biểu quyết.

HĐQT FLC Stone sau đó đã ra thông báo mời họp đại hội cổ đông thường niên lần thứ 2 năm 2022, dự kiến diễn ra vào ngày 18/5. Địa điểm tổ chức là tầng 36, tòa nhà Bamboo Airways Tower số 265 Cầu Giấy, Hà Nội.

Hàng loạt cổ phiếu bất động sản có yếu tố đầu cơ cũng giao dịch tích cực, trong đó BII của CTCP Louis Land tăng hơn 24%. Sau khi chịu ảnh hưởng từ việc ông Đỗ Thành Nhân - Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital và Công ty Cổ phần Louis Land bị khởi tố, BII đã hồi phục trở lại và tăng mạnh từ phiên 26 - 29/4. Trước đó, BII đã có 6 phiên giảm sàn liên tiếp.

Hai cổ phiếu thuộc họ APEC là API của CTCP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương và IDJ của CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng lần lượt 19% và 16%. Trước đó, cả hai cổ phiếu này cũng có khoảng thời gian lao dốc rất mạnh. Bà Nguyễn Thị Thanh - Chủ tịch API đăng ký mua vào 100.000 cổ phiếu API và ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch IDJ đăng ký mua vào 200.000 cổ phiếu IDJ.

IDJ đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu dự kiến là 1.950 tỷ đồng, lợi nhuận 541,7 tỷ đồng, tương ứng mức tăng gấp đôi so với năm 2021 và thông qua mức chi trả cổ tức năm 2022 tỷ lệ 12%. Đồng thời, cổ đông IDJ cũng đã thông qua việc phát hành hơn 19 triệu cổ phiếu IDJ, với mệnh giá 10.000 đồng/đơn vị để trả cổ tức năm 2021 cho cổ đông hiện hữu. Tỷ lệ phát hành là 13%, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:13 (mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận được 13 cổ phiếu mới). Năm 2022, IDJ cũng sẽ thực hiện phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) trong công ty với khối lượng hơn 7,3 triệu cổ phiếu, mệnh giá là 10.000 đồng/đơn vị, thời gian dự kiến vào quý II – quý III/2022. ĐHĐCĐ cũng thông qua phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu năm 2022 với số lượng gần 173,5 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm nâng vốn điều lệ của công ty.

Đáng chú ý, tại đại hội, Hội đồng quản trị IDJ đã bổ sung tờ trình chuyển sàn niêm yết từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) sang Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE). Tờ trình đã được cổ đông thông qua với tỷ lệ nhất trí rất cao.

Về kết quả kinh doanh quý I/2022, IDJ đạt 14,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tương ứng giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm hơn 51% xuống còn 14,3 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 2 mã bất động sản giảm trên 10% trong tuần giao dịch vừa qua là VNI của CTCP Đầu tư Bất động sản Việt Nam và DTA của CTCP Đệ Tam. Trong đó, VNI giảm 13,8% còn DTA giảm 13%. Cả hai cổ phiếu này đều nằm trong diện thanh khoản kém.

Trong danh sách giảm giá ở nhóm bất động sản có một số mã thuộc nhóm khu công nghiệp là IDC của Tổng công ty IDICO, SZL của CTCP Sonadezi Long Thành, LHG của CTCP Long Hậu…

20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 25 - 29/4.
20 cổ phiếu bất động sản giảm mạnh nhất tuần 25 - 29/4.

Tại nhóm cổ phiếu bất động sản vốn hóa lớn, BCM của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC) gây chú ý khi tăng 13,8%. Trong bối cảnh thị trường chứng khoán nói chung có những đợt bán tháo mạnh nhưng BCM dường như không chịu quá nhiều ảnh hưởng, thậm chí cổ phiếu này còn vượt đỉnh và leo lên mức cao nhất mọi thời đại là 85.900 đồng/cp.

DIG của Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng cũng giao dịch tích cực khi tăng 7,4%. Trong khi đó, VIC của Tập đoàn Vingroup hay VHM của CTCP Vinhomes có mức tăng nhẹ 3% và 0,46%./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top