Aa

Dòng tiền đang chảy vào kênh đầu cơ?

Thứ Năm, 09/07/2020 - 11:00

Lãi suất rẻ đang khiến một bộ phận tiền gửi tiết kiệm chảy vào các kênh đầu cơ như vàng, chứng khoán…

Nhà đầu tư rút tiền chơi chứng khoán, vàng tăng giá vẫn bị chê

Đầu tuần này, giá vàng trong nước đã đạt mức cao nhất lịch sử khi vượt 50 triệu đồng/lượng, do giá vàng thế giới tăng vọt khi Covid-19 tiếp tục diễn biến căng thẳng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho rằng, giá vàng trong nước có thể đạt tới 55 triệu đồng/lượng theo chiều hướng tăng của giá vàng trên thế giới, thậm chí có thể đạt mức giá 60 triệu đồng/lượng, nếu giá vàng thế giới lên tới 1.900 - 2.000 USD/ounce. Dịch bệnh tiếp tục căng thẳng, chiến tranh thương mại, các nước đua nhau bơm tiền ra thị trường khiến giá hàng hóa tăng cao, trong đó có vàng.

Tuy nhiên, đầu tư vào vàng thời điểm này không được các chuyên gia vàng khuyến nghị, bởi rủi ro được xem là quá cao.

Thứ nhất, giá vàng đã tăng một thời gian dài, đầu tư vàng thời điểm này là khá muộn, nhất là với nhà đầu tư có ý định lướt sóng.

Thứ hai, hiện nay, các nước đều đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tăng trưởng, thị trường chứng khoán Mỹ đang tăng điểm khá tốt, dòng tiền bị phân hóa, chứ không chỉ trú ẩn vào vàng. Vàng có thể tiếp tục tăng, song không tăng mạnh.

Thứ ba, một khi vắc-xin điều trị Covid-19 ra đời, giá vàng có thể sẽ tuột dốc không phanh.

Thứ tư, giá vàng trong nước không liên thông với thế giới, biên độ chênh lệch giữa giá mua và giá bán luôn được “nhà vàng” duy trì ở khoảng cách lớn, nên cơ hội kiếm lời ở thị trường này rất ít.

Riêng với chứng khoán, dòng tiền đang có sự chuyển động thú vị. Theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán, số lượng mở mới tài khoản chứng khoán cao kỷ lục trong tháng 6/2020, với 35.046 tài khoản, chủ yếu là tài khoản cá nhân. Dòng tiền nóng từ nhà đầu tư mới đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hồi phục mạnh sau cú sốc Covid-19.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam cho biết, có hiện tượng một số nhà đầu tư cá nhân bán bất động sản, rút tiền tiết kiệm ngân hàng để chuyển sang đầu tư chứng khoán. Đây là điều đáng lo, bởi xu hướng thị trường trong ngắn hạn vẫn còn rất bất ổn.

“Dù thị trường tăng điểm, nhưng thanh khoản giảm dần đều và thấp kỷ lục trong nửa đầu tháng 6/2020. Lý do là có một lượng giao dịch lớn khi VN-Index ở vùng giá 890 - 910 điểm, có nghĩa là lượng hàng lớn bị kẹt ở vùng giá này. Nếu thị trường không lấy lại được mức giá đó và đi xuống, thì nhà đầu tư mới sẽ thiệt hại nặng”, ông Khánh cảnh báo.

Cũng theo ông Khánh, hiện có sự khác biệt rất lớn giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư tổ chức. Trong khi nhà đầu tư cá nhân hăm hở đầu tư, thì nhà đầu tư tổ chức rất thận trọng. Lượng mở mới tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư tổ chức thấp nhất trong vòng 2 năm qua, trong khi tỷ lệ chào bán thành công trái phiếu chính phủ lại tăng vọt, bất chấp lãi suất ngày càng giảm.

Khó có chuyện tiền tháo chạy khỏi ngân hàng

Dù lãi suất huy động vốn của các ngân hàng thương mại liên tục giảm, một bộ phận dòng tiền chảy sang chứng khoán, song giới chuyên gia cho rằng, khó có chuyện người dân ồ ạt rút tiền gửi ngân hàng để đầu tư các kênh khác. Trên thực tế, huy động vốn của hệ thống ngân hàng tính tới ngày 19/6 vẫn tăng 4,35%, trong khi tín dụng chỉ tăng hơn 2%.

Ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn cao cấp Hội đồng Vàng thế giới tại Singapore, Indonesia và Việt Nam cho rằng, giá vàng tăng, song đầu tư vàng ở Việt Nam rủi ro rất lớn vì giá vàng trong nước và thế giới không liên thông với nhau. Vì vậy, rút tiền tiết kiệm đầu tư vàng là không khôn ngoan.

Còn đối với kênh đầu tư chứng khoán, ông Phan Dũng Khánh nhận xét, hầu hết các nhà đầu tư mới đều thua lỗ tại thị trường này và khuyến cáo nhà đầu tư nên thận trọng. Ngay cả bản thân chuyên gia này cũng đang duy trì tỷ trọng tiền mặt nhất định tại ngân hàng, thay vì mang đi đầu tư gần hết như trước.

Ngoài vàng, chứng khoán, một số kênh đầu tư khác cũng chưa có nhiều điểm sáng. Cụ thể, thị trường bất động sản bớt khó khăn, nhất là bất động sản công nghiệp, bất động sản logistics, đất vùng ven, nhà ở phân khúc trung lưu với chủ đầu tư uy tín…, song nhìn chung, thị trường bất động sản đã qua giai đoạn tăng nóng.

Trái phiếu doanh nghiệp từng là kênh được nhà đầu tư rầm rộ đổ vốn vài năm trước thì nay cũng bộc lộ nhiều rủi ro. Mới đây, Bộ Tài chính đã cảnh báo nhà đầu tư không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao, vì có khả năng không thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu (bao gồm cả gốc và lãi) nếu doanh nghiệp phát hành gặp khó khăn.

Trong bối cảnh này, nhiều chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên đa dạng hóa danh mục đầu tư, chú ý giữ tiền mặt với tỷ trọng lớn để sẵn sàng đón cơ hội kinh tế phục hồi, thay vì nôn nóng rót vốn vào các kênh đầu tư rủi ro.

Điều tôi rất lo là dòng tiền đang chảy nhiều vào những tài sản đầu cơ, thay vì sản xuất. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà ở nhiều nước trên thế giới. Kinh tế đi xuống, nhưng thị trường chứng khoán vẫn tăng điểm là nhờ dòng tiền đầu cơ. Chính vì vậy, sự tăng trưởng này của thị trường thiếu bền vững.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư, Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top