Aa

Dòng tiền đầu tư chứng khoán có xu hướng giảm nhẹ, nhà đầu tư cần thận trọng

Thứ Ba, 03/05/2022 - 06:06

Vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2022 bị điều chỉnh giảm từ 1.760 điểm xuống 1.680 điểm.

Dòng tiền trong quý II/2022 khả năng cao có xu hướng giảm nhẹ

Tại báo cáo công bố mới đây, nhóm nghiên cứu CTCP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đã đưa ra góc nhìn thận trọng hơn đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn quý II và triển vọng từ nay đến cuối năm.

Trong quý I/2022, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đi ngang, giảm nhẹ trong bối cảnh các yếu tố rủi ro ngoại biên gia tăng liên quan đến động thái tăng lãi suất lần đầu tiên sau hơn 2 năm của FED tại kỳ họp tháng 3, xung đột địa chính trị Nga - Ukraine, trong khi các yếu tố trong nước cũng không thuận lợi khi liên quan đến sự kiện đấu giá đất tại Thủ Thiêm, áp lực lạm phát trong nước lớn dần.

Dù vậy, theo đánh giá của KBSV, triển vọng tích cực của nền kinh tế cũng như tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2022 là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp thị trường tránh khỏi các nhịp điều chỉnh sâu. Tính cho cả quý I/2022, chỉ số VN-Index giảm 0,4% về điểm số, trong khi giá trị giao dịch bình quân phiên tăng 1,6 lần so với cùng kỳ.

 

"Mặc dù giá trị giao dịch tăng mạnh so với quý liền trước nhưng dòng tiền luân chuyển có tính tập trung hơn trong bối cảnh thị trường chung đi ngang và có sự phân hóa mạnh giữa các nhóm cổ phiếu thay vì xu hướng tăng chung như trong giai đoạn 2020 - 2021. Trong đó nhóm ngành thu hút dòng tiền là nguyên vật liệu, hóa chất, thủy sản… do giá hàng hóa tăng trong bối cảnh nhu cầu hồi phục và ảnh hưởng bởi căng thẳng giữa Nga và Ukraine", báo cáo nêu.

KBSV dự báo trong quý II/2022, dòng tiền sẽ có xu hướng giảm nhẹ so với mức nền cao cuối năm 2021, đầu năm 2022 trong bối cảnh dòng tiền bị rút ra để phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh khi nền kinh tế vận hành trở lại.

Dù vậy, theo nhóm nghiên cứu, mức nền lãi suất dự báo dù tăng nhẹ nhưng vẫn duy trì ở mức thấp cùng sức hấp dẫn của kênh đầu tư chứng khoán so với các kênh đầu tư khác (vàng, USD, bất động sản…) ở thời điểm hiện tại giúp thanh khoản thị trường trong quý II khó giảm mạnh và nhìn chung vẫn cao hơn so với cùng kỳ. 

 

Thị trường Việt Nam được định giá hợp lý trong tương quan với các thị trường trong khu vực

Xét về mặt định giá, với việc thị trường gần như đi ngang từ đầu năm, P/E của chỉ số VN-Index duy trì ở mức quanh 17 lần tại thời điểm 31/3/2022, tương đương mức đầu năm, cao hơn so với mức bình quân 2 năm gần nhất 16,2 lần và ở mức trung bình so với các thị trường trong khu vực.

KBSV cho rằng, đây là mức P/E hợp lý của thị trường trong bối cảnh hiện tại khi các yếu tố rủi ro (FED tăng lãi suất, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát, lãi suất tăng…) đan xen với cơ hội (kinh tế phục hồi, doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng mạnh, gói kích thích kinh tế của Chính phủ…).

So sánh tương đối các chỉ số của VN-Index với nhóm các thị trường trong khu vực, TTCK Việt Nam duy trì được sức hấp dẫn trong tương quan so sánh P/B với ROE, trong khi tương quan P/E với tăng trưởng EPS bình quân 3 năm gần nhất ở mức hợp lý.

 

Đối với dự báo triển vọng TTCK từ nay đến cuối năm, nhóm nghiên cứu KBSV đã hạ dự phóng tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp trên sàn HSX xuống 15,1% (từ mức 15,7% trong báo cáo chiến lược 2022) để phản ánh một số rủi ro vĩ mô gia tăng. 

Cùng với đó, nhóm nghiên cứu cũng điều chỉnh giảm mức P/E mục tiêu 2022 của thị trường từ 17,5 lần (đưa ra trong báo cáo chiến lược 2022) xuống 16,5 lần, phản ánh lo ngại gia tăng về các rủi ro liên quan đến lãi suất, lạm phát, biến động TTCK toàn cầu.

"Trong bối cảnh nền kinh tế được kỳ vọng quay trở lại xu hướng tăng trưởng sau giai đoạn chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, kỳ vọng vào gói kích thích kinh tế, chính sách tiền tệ hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, cùng sức khoẻ của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục được cải thiện, dù có quan điểm thận trọng, chúng tôi cho rằng không có cơ sở để hạ mức P/E mục tiêu 2022 xuống vùng sâu hơn", báo cáo nhấn mạnh.

Theo đó, vùng điểm hợp lý của chỉ số VN-Index thời điểm cuối năm 2022 bị điều chỉnh giảm từ 1.760 điểm (đưa ra trong báo cáo chiến lược 2022) xuống 1.680 điểm (upside 12,7% từ vùng giá hiện tại).

Các yếu tố rủi ro bất định được nhìn nhận có phần chiếm ưu thế trong quý II, liên quan đến xu hướng lạm phát, lãi suất, xung đột Nga - Ukraine và động thái tăng lãi suất của FED tại kỳ họp tháng 5, tháng 6… trong khi các yếu tố hỗ trợ về mặt cơ bản tác động chưa đủ mạnh. Theo đó, KBSV khuyến cáo nhà đầu tư thận trọng với biến động thị trường trong quý II với kỳ vọng xu hướng đi ngang sẽ kéo dài với các nhịp tăng/giảm đan xen khi các yếu tố rủi ro/thuận lợi dần định hình.

Bên cạnh đó, các nhịp điều chỉnh của thị trường trong quý II sẽ là cơ hội để nhà đầu tư tích luỹ cổ phiếu kỳ vọng sự khởi sắc của thị trường ở nửa sau năm 2022. Danh mục đầu tư tập trung ở nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ bối cảnh vĩ mô, tăng trưởng lợi nhuận cao./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top