Aa

Dòng tiền trên thị trường chứng khoán sẽ ổn định trở lại

Thứ Ba, 10/01/2023 - 05:09

Thanh khoản thị trường chứng khoán 2022 mặc dù vẫn tốt so với giai đoạn trước Covid-19, nhưng đã có sự biến động suy giảm so với năm 2021 khi thị trường điều chỉnh.

Tuy nhiên, một số dự báo cho thấy, dòng tiền vào thị trường chứng khoán Việt Nam có thể được cải thiện và ổn định hơn trong năm 2023.

Thanh khoản giảm trong năm 2022

Năm 2022, thị trường chứng khoán chịu sức ép trước những thay đổi trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trước áp lực tỷ giá và lãi suất. Dòng tiền trong hệ thống căng thẳng trước áp lực thanh khoản và câu chuyện niềm tin khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu phát hành của các doanh nghiệp bất động sản chịu ảnh hưởng do làn sóng rút tiền của nhà đầu tư.

Thống kê có thấy, giá trị giao dịch bình quân phiên trên toàn thị trường chứng khoán năm 2022 đạt 20.700 tỷ đồng/phiên, giảm khoảng 21% so với năm 2021. Theo số liệu từ HOSE, giá trị giao dịch bình quân phiên trên thị trường cổ phiếu sàn HOSE năm 2022 đạt 17.004 tỷ đồng/phiên, giảm 21,24% về giá trị so với bình quân phiên năm 2021.

Mức thanh khoản này là không thấp, vẫn cao hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Tuy nhiên, dòng tiền trên thị trường đã chững lại do thanh khoản của toàn nền kinh tế gặp khó khăn. Tăng trưởng cung tiền M2 thấp, cùng với mặt bằng lãi suất cao đã tác động tới dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Nguồn: BVSC. Tăng trưởng cung tiền M2 và VN-Index.

Chuyên gia của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho biết: “Chúng tôi quan sát thấy có sự tương quan cao giữa tăng trưởng cung tiền M2 và định giá P/E của VN-Index. Trên thực tế, việc cung tiền M2 tăng ở mức thấp kỷ lục trong năm 2022, khiến điều kiện thanh khoản thị trường, hệ thống ngân hàng và cả nền kinh tế căng thẳng, đẩy mặt bằng lãi suất lên nền cao là 1 trong những nguyên nhân chính khiến chỉ số VN-Index diễn biến không tích cực”.

Dòng tiền nội và ngoại sẽ ổn định trở lại

Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thanh khoản của thị trường tài chính có thể được cải thiện trong năm 2023 này. Thêm vào đó, dòng vốn ngoại có xu hướng trở lại các thị trường mới nổi sẽ góp phần gia tăng dòng tiền vào thị trường, đặc biệt trong bối cảnh tỷ trọng giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đang có xu hướng tăng lên đáng kể trong thời gian vừa qua.

Cũng theo nhận định của BVSC, mặt bằng lãi suất cao ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh nhưng các doanh nghiệp sẽ vẫn tồn tại được với mức chi phí vốn này. Mặt bằng lãi suất 2022 tăng cao nhưng nếu so sánh với các năm trong quá khứ như thời điểm năm 2012, 2015, thì mặc dù có cùng mức chi phí vốn cao nhưng tỷ lệ đòn bẩy của doanh nghiệp hiện tại còn khá khiêm tốn. Đồng thời, mức độ chống chịu đối với môi trường lãi suất cao của các doanh nghiệp cũng tốt hơn rất nhiều so với quá khứ. Mặt khác, mức giảm của tỷ lệ P/E thường có xu hướng quá đà trong ngắn hạn do yếu tố tâm lý.

“P/E thị trường đã về mức thấp, tương đương với các lần tạo đáy trước. Theo quan sát của chúng tôi, các vùng tạo đáy của các chu kỳ tăng trưởng lớn của VN-Index trong quá khứ thường rơi vào khoảng P/E từ 9 - 10 lần. Như vậy, có thể xem đây là vùng định giá tương đối hấp dẫn cho dòng tiền đầu tư trung - dài hạn giải ngân”, chuyên gia của BVSC cho biết thêm.

Khối ngoại sẽ tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới nổi

“Chúng tôi cho rằng, tín hiệu đạt đỉnh của cả lạm phát toàn cầu lẫn lãi suất của Mỹ sẽ kích thích khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm câu chuyện tăng trưởng cao từ những thị trường mới nổi. Ngoài ra, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống. Đây cũng là bản chất của thị trường chứng khoán Việt Nam, nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa”, ông Đinh Quang Hinh – Trưởng Bộ phận Vĩ mô và chiến lược thị trường của VNDIRECT cho biết.

Còn theo Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), dòng tiền từ khối ngoại là động lực chính cho sự hồi phục của VN-Index ở tháng cuối năm với mức mua ròng kỷ lục gần 23 nghìn tỷ đồng (tính từ 1/11-14/12). Điều này chứng tỏ khi VN-Index rơi về vùng định giá hấp dẫn (P/E < 11 lần) đã kích hoạt dòng tiền mua vào mạnh mẽ của nhóm này. Đây là nhóm nhà đầu tư thường quan tâm đến giá trị nội tại của doanh nghiệp và nắm giữ cổ phiếu dài hạn hơn so với cá nhân. “Chúng tôi nhận định, câu chuyện thu hút dòng tiền khối ngoại thời gian tới vẫn sẽ đổ dồn sự chú ý vào diễn biến tỷ giá Việt Nam”, chuyên gia của TPS cho hay.

Chuyên gia của KBSV cũng kỳ vọng, tăng trưởng cung tiền trong năm 2023 sẽ hồi phục lại dựa trên nền cơ sở thấp của năm 2022 và trong bối cảnh một số điều kiện khách quan thuận lợi, như Ngân hàng Nhà nước có khả năng mua vào USD hay đầu tư công được thúc đẩy.

“Xuyên suốt cả năm 2023, chúng tôi cho rằng 4 yếu tố mang tính định hình xu hướng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có diễn biến như sau trong kịch bản cơ sở: Các hoạt động sản xuất kinh doanh của Trung Quốc trở lại bình thường đầu quý II/2023 sẽ mang lại một số tác động tích cực lên kinh tế Việt Nam nhưng không gây áp lực quá mạnh lên lạm phát toàn cầu. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ chỉ có thêm 2 lần tăng 25 điểm cơ bản vào quý I/2023 và bắt đầu hạ lãi suất vào quý IV khi kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái nhẹ. Tốc độ tăng cung tiền M2 về gần mức trước dịch và mặt bằng lãi suất trong nước hạ nhiệt dù vẫn ở mức cao. Có thể không có sự đổ vỡ trên diện rộng ở thị trường trái phiếu doanh nghiệp”, chuyên gia của KBSV phân tích và dự báo./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top