Aa

Dòng tiền vẫn chưa “hứng thú” với bất động sản

Tuệ Minh
Tuệ Minh Tueminhreatimes@gmail.com
Thứ Ba, 12/12/2023 - 06:00

Theo giới chuyên gia của VARS, ngay cả khi kênh tiết kiệm ngày càng kém hấp dẫn, dòng tiền vẫn đang thể hiện sự cẩn trọng và dè dặt với thị trường bất động sản. Đây là điều rất khác so với những năm trước.

Tiền gửi tiết kiệm của người dân tiếp tục tăng

Số liệu mới nhất do Ngân hàng Nhà nước công bố ngày 26/11 cho thấy, tiền gửi tiết kiệm của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến hết quý III/2023 đạt hơn 6,449 triệu tỷ đồng, tăng 9,95% so với cuối năm 2022 và là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.

Riêng trong tháng 9, hệ thống tiền gửi của người dân đã ghi nhận thêm 15.935 tỷ đồng. Mức tăng này chỉ cao hơn tháng 7 trong 9 tháng đầu năm nhưng gấp 11 lần so với cùng kỳ năm 2022.  

Có thể thấy, tổng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng của người dân đã liên tục tăng lên mức kỷ lục trong hơn 1 năm qua ngay cả khi kênh tiết kiệm ngày càng kém hấp dẫn. Lãi suất huy động hiện tại thậm chí đã thấp hơn mức thấp nhất trong giai đoạn đại dịch Covid-19.

Theo đó, tính đến cuối tháng 11, lãi suất tiền gửi cao nhất mà Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang áp dụng chỉ ở mức 5%/năm. Kỳ hạn 6 và 9 tháng chỉ còn 3,9%/năm.

Tiền gửi tiết kiệm của người dân tiếp tục tăng. (Ảnh: Vnexpress)

Tại các ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), lãi suất huy động có cao hơn nhưng vẫn ở mức rất thấp, áp dụng cho kỳ hạn trên 12 tháng là 5,3%/ năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng có lãi suất tiền gửi là 4,3%/năm…

Với các ngân hàng tư nhân, lãi suất huy động cũng giảm xuống mức kỷ lục, phổ biến quanh 5,3 - 5,7%/năm cho kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên. Còn đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5%/năm.

Tiền chưa “đổ vào bất động sản

Hồi cuối tháng 5/2023, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) có dự báo, quý III/2023 sẽ là thời điểm mấu chốt khi một lượng lớn tiền gửi ngân hàng đáo hạn. Bởi đây sẽ là thời điểm quyết định dòng tiền có quay trở lại thị trường bất động sản hay không. Theo đó, lãi suất huy động giảm về mức dưới 6-7% được đánh giá là cơ hội để dòng tiền đầu tư vào các kênh lợi nhuận cao hơn kênh gửi truyền thống. Vì vậy, bất động sản sẽ là lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, tại Báo cáo chuyên đề đầu tháng 12 mới đây, VARS cho rằng, thực tế thời gian qua, dòng tiền đã không “đổ” vào lĩnh vực bất động sản như kỳ vọng. Người dân vẫn ưu tiên lựa chọn gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, chấp nhận mức lãi suất thấp nhằm đảm bảo an toàn. Bởi tình hình kinh tế nói chung, thị trường bất động sản nói riêng vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn và phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức mua của người dân.

Cùng với đó, niềm tin của nhà đầu tư chưa được khôi phục hoàn toàn trong bối cảnh môi trường đầu tư vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro và áp lực đáo hạn trái phiếu vẫn đang “bủa vây” các doanh nghiệp bất động sản. Đồng thời, mặc dù lãi suất cho vay đã giảm theo mặt bằng lãi suất huy động, song hiện nay, người dân vẫn không dám vay hoặc không vay được.

Dẫn báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng, VARS cho biết, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản tăng rất mạnh trong khi cho vay mua nhà để ở tăng chậm. Nguyên nhân của thực tế này là do cơ chế cho các khoản vay mua nhà để ở phức tạp, nhiều quy định chặt chẽ hơn từ quy trình, điều kiện, hồ sơ, thủ tục đến phương án sử dụng vốn vay, kế hoạch trả nợ. Vì vậy, nhu cầu đầu tư của người dân có xu hướng sụt giảm.

Đồng thời, chênh lệch giữa lãi suất tiền gửi và tiền vay vẫn còn rất lớn, nhiều người dân thậm chí không dám vay do lo ngại lãi suất tăng trở lại sau thời gian hết ưu đãi.

“Thông tư 06 được kỳ vọng mang tới những tác động tích cực cho thị trường tài chính tiền tệ khi cho phép khách hàng vay vốn ở ngân hàng khác với mức lãi suất cạnh tranh hơn để thanh toán nợ vay trước đó trong bối cảnh khách hàng đang phải chịu áp lực lãi vay cao. Tuy nhiên, thực tế khách hàng rất khó vay vốn “đảo nợ” do các thủ tục vay không dễ và chi phí phát sinh rất lớn. Đến nay lãi suất các khoản vay của họ dù đã được giảm nhưng vẫn lên tới 12-13%. Hơn thế, môi trường đầu tư hiện tại đã rất khác so với những năm trước. Do đó, nhà đầu tư cá nhân lẫn tổ chức buộc phải thận trọng hơn nữa với các quyết định xuống tiền”, VARS nhìn nhận.

Dòng tiền vẫn chưa “hứng thú” với bất động sản. (Ảnh: Bùi Doanh)

Vì vậy, để tạo động lực thúc đẩy phục hồi đầu tư, trong đó có đầu tư bất động sản, VARS cho rằng, lãi suất cho vay nên giảm thêm khoảng 2%/năm, cùng với các điều kiện, thủ tục thông thoáng hơn. Tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là hai yếu tố mang lại tác động tích cực, đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường bất động sản. Do đó, để thị trường bất động sản sớm phục hồi, ngoài điều hành tiền tệ, cũng cần các chính sách theo hướng tăng nguồn cung và thúc đẩy nguồn cầu.

Cụ thể, một là cần nghiên cứu, xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi phát triển nhà ở giá phù hợp. Các chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản cũng cần chủ động nghiên cứu để cơ cấu lại sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hai là, chính sách mua, vay mua nhà ở xã hội cần được sửa đổi theo hướng mở rộng đối tượng được mua, vay mua. Nhà ở xã hội nên dành cho cả người dân có thu nhập ở mức trung bình, có khoản tích lũy không đủ để mua các sản phẩm nhà ở thương mại giá đang quá cao so với khả năng của phần đông người dân.

Ba là, cần nhanh chóng khắc phục những bất cập trong xác định giá đất. Phản ánh của Tổ công tác Nghiên cứu thị trường VARS tại một số địa phương trên cả nước cho thấy, việc xác định tiền sử dụng đất phải nộp của các dự án quá cao, không sát với thị trường bất động sản. Có những dự án tăng gần gấp 3 lần so với giá thị trường hiện tại khiến chủ đầu tư lâm vào cảnh “làm thì lỗ mà không làm thì chết”./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top