Aa

Dòng tiền vào bất động sản: Lò xo đã bật

Thứ Ba, 16/02/2021 - 06:00

Thị trường bất động sản 2020 đã trải qua một năm đầy biến động bởi diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Thị trường như một chiếc lò xo bị nén chặt, đã sẵn sàng sức bật mạnh.

Thị trường bất động sản vẫn có nhiều “nốt thăng” trong năm 2020

Không nằm ngoài những ảnh hưởng của dịch bệnh đem lại, thị trường bất động sản cũng có nhiều “nốt trầm” khiến các nhà đầu tư lo lắng, hoang mang về độ tin cậy của nó. Tuy nhiên, so với hai kênh đầu tư như vàng, chứng khoán thì bất động sản vẫn khiến chủ đầu tư yên tâm hơn cả.

Theo khảo sát của một số công ty tư vấn bất động sản, tính đến quý III/2020, có khoảng 60% nhà đầu tư chọn bất động sản là kênh đầu tư sinh lời; trong đó có trên 80% nhà đầu tư tin rằng thị trường bất động sản sẽ hồi phục vào năm 2021 - 2022.

Thực tế cũng đã chứng minh, trong suốt năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thế nhưng giá bất động sản không hề giảm. Điều này cho thấy, bất động sản vẫn có sức đề kháng tốt trước những biến động của thị trường.

Theo ông Nguyễn Thọ Tuyển, Chủ tịch BHS Group, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến kinh tế khó khăn, nhiều người có tiền mà không biết đầu tư vào lĩnh vực nào, nên nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tìm đến bất động sản, xem đây là một kênh đầu tư sinh lời tốt nhất.

Minh chứng thể hiện rõ trong báo cáo quý III/2020 của Bộ Xây dựng, mặc dù trải qua làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần 2 nhưng trên cơ sở đánh giá các yếu tố vĩ mô cũng như các chỉ số cụ thể cho thấy thị trường bất động sản trong quý III đang dần phục hồi và phát triển.

Theo báo cáo, Bộ Xây dựng cho biết, có 36.884 giao dịch bất động sản thành công, tăng khoảng 110 - 125% so với quý II/2020 do các doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng, bám sát các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sau thời gian giãn cách xã hội. Riêng tại Hà Nội có 2.966 giao dịch thành công (bằng 219% quý II/2020), tại TP.HCM có 6.722 giao dịch thành công (bằng 170,6% quý II/2020).

Như vậy có thể thấy, dù thị trường có nhiều biến động, nhưng các giao dịch bất động sản vẫn không ngừng tăng, nhiều phân khúc vẫn có tăng trưởng. Bước sang đầu năm 2021, dù dich Covid-19 tiếp tục có diễn biến căng thẳng, tuy nhiên, nhìn vào kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh thành công ở hai lần bùng phát trước của Chính phủ và khả năng bật dậy của thị trường, các nhà đầu tư dù thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư nhưng vẫn đánh giá bất động sản là một kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn bậc nhất, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Dự báo thị trường bất động sản 2021
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng trong năm 2021.

Năm 2021 dòng tiền sẽ chảy về đâu?

Nhìn vào những điểm sáng của bất động sản trong năm 2020 và sự phục hồi dần từ thị trường, nhiều phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà ở, đất nền… tiếp tục “nóng” trở lại. Tuy nhiên, liệu đây có phải là những phân khúc sẽ lên “ngôi” trong 2021? Và dòng tiền sẽ chảy về đâu? Một số chuyên gia, doanh nghiệp đã đưa ra các nhận định riêng về thị trường bất động sản năm 2021.

Chia sẻ với báo chí, ông Phạm Đức Toản, Tổng Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản cho biết, năm 2021, phân khúc tốt nhất vẫn là đất nền. Đây được coi là nơi trú ẩn dòng tiền an toàn và khả năng sinh lời hấp dẫn cho các nhà đầu tư.

Đồng quan điểm, ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam cho rằng, đất nền sẽ vẫn là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới, đặc biệt là đất nền nghỉ dưỡng ở các đô thị du lịch mới. Khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu, du lịch và hàng không sẽ là những lĩnh vực chính được kích cầu mạnh mẽ. Do đó, những điểm sáng của thị trường trong tương lai gần có thể kể đến như Phan Thiết (Bình Thuận), Ninh Thuận, Quy Nhơn (Bình Định), Buôn Mê Thuột…

Ngoài đất nền nghỉ dưỡng, bất động sản công nghiệp cũng sẽ vươn mình mạnh mẽ trong năm tới. Đây sẽ là phân khúc thu hút lớn dòng tiền đổ vào. Sau thương chiến Mỹ - Trung, Covid-19 đã thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc nhanh hơn. Việt Nam tiếp tục là điểm đến của dòng tiền do những lợi thế về vị trí, quỹ đất, chính sách và nguồn nhân công. Sự phục hồi và mở rộng hoạt động kinh tế của doanh nghiệp trong nước khi đại dịch được kiểm soát cũng là một trong những nguồn cầu chính để bất động sản công nghiệp phát triển.

Bên cạnh hai phân khúc đất nền và công nghiệp thì phân khúc nhà ở, đất ở cũng là một phân khúc có tốc độ tăng giá khá mạnh trong năm 2020 và được dự đoán sẽ tiếp tục có sự phát triển nhanh chóng trong năm mới.

TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao, Savills Việt Nam cho biết, năm 2021, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ bùng nổ khi nhiều dự án mới sẽ được đưa ra thị trường và nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu.

"Đối với thị trường bất động sản nói chung, phân khúc nhà ở luôn là một điểm sáng và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng, và có thể sẽ là phân khúc tiếp tục phát triển hơn so với năm 2020", ông Khương nhận định.

Đất nền, nhà ở hay bất động sản công nghiệp dù có lên ngôi và được dự đoán sẽ thu hút mạnh dòng tiền là dự báo được nhiều chuyên gia khẳng định. Tuy nhiên, những phân khúc còn lại như bất động sản nghỉ dưỡng đã bị đè nén suốt một năm qua, liệu có đủ sức bật dậy trong năm 2021?

Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, trong tương lai, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ có đà tăng trưởng tốt. Ở thời điểm hiện tại, sau thời gian phát triển nóng và mang tính tự phát cao, phân khúc này có dấu hiệu giảm tốc và bước vào giai đoạn điều chỉnh. Đại dịch Covid-19 là cú bồi khiến bất động sản nghỉ dưỡng rơi vào tình cảnh trầm lắng nhưng cũng là cơ hội để loại hình này tiếp tục có sự điều chỉnh theo hướng phù hợp với thị trường.

Xét về lâu dài, bất động sản nghỉ dưỡng vẫn là phân khúc tiềm năng với 3 nguyên do chính.

Thứ nhất, các bộ ngành và chính quyền địa phương đang thay đổi, điều tiết để cung cầu hợp lý hơn, có tính quy hoạch cao hơn.

Thứ hai, ngành du lịch Việt Nam đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp khoảng 9,2% GDP và có thể lên đến 12 - 14% GDP vào 2025 như chiến lược phát triển du lịch mà Thủ tướng đã ban hành hồi đầu năm.

Thứ ba, xu hướng second-home ngày càng trở nên phổ biến hơn kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Với thực trạng trên, bất động sản nghỉ dưỡng đòi hỏi nhà đầu tư sự trường vốn và sự kiên trì với thị trường.

Như vậy, dù phân khúc nghỉ dưỡng đã có một thời gian dài “ngủ đông” trong năm 2020 nhưng dư địa phát triển của phân khúc này vẫn rất dồi dào. Và năm 2021 chính là cơ hội tốt để lực nén bấy lâu nay được bật dậy một cách mạnh mẽ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top