Với quyết định giảm lãi suất, nới room cho các ngân hàng, xem xét tái cấp vốn cho dự án lớn có sức lan tỏa…, ngành ngân hàng đang đưa ra nhiều giải pháp để góp phần kích thích tăng trưởng kinh tế, đẩy “cỗ xe tam mã” (gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng) tiến bước.
Thực tế cho thấy, làn sóng giảm lãi suất đang lan rộng từ đầu tháng 7 tới nay. Tính từ đầu năm 2020, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần cắt giảm lãi suất điều hành, trong khi ngân hàng thương mại cổ phần quốc doanh có 3 đợt cắt giảm lãi suất cho vay. Mặt bằng lãi suất huy động cũng liên tục giảm và chưa có chiều hướng dừng lại. Khả năng trong 6 tháng cuối năm, sẽ có thêm những đợt giảm lãi suất mới.
Không chỉ giảm lãi suất, các nhà quản lý, điều hành thị trường tiền tệ cũng bắt đầu có giải pháp “kích” tín dụng như nới room tín dụng cho các ngân hàng, xem xét tái cấp vốn cho các dự án có tính lan tỏa, cam kết cung ứng đầy đủ vốn cho nền kinh tế…
Với những giải pháp này, ngành ngân hàng kỳ vọng sẽ đưa thêm được nhiều vốn ra nền kinh tế, góp phần đẩy “cỗ xe tam mã” tăng tốc.
Cần phải thấy rằng, việc chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận, giảm lãi suất huy động để hỗ trợ khách hàng là nỗ lực không nhỏ của các tổ chức tín dụng thời gian qua. Song trong bối cảnh doanh nghiệp chưa thể gượng dậy, việc ngân hàng giảm thêm lãi suất là vô cùng cần thiết giúp doanh nghiệp có thêm động lực để vay vốn, tái khởi động sản xuất kinh doanh.
Tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 2,8% trong 6 tháng đầu năm nay đã phần nào nói lên sự e ngại của doanh nghiệp khi vay vốn ngân hàng. Để thực hiện mục tiêu tăng tín dụng ít nhất 10% trong năm 2020 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì ngành ngân hàng sẽ phải nỗ lực rất nhiều.
Thế nhưng, tín dụng tăng chậm không chỉ là trách nhiệm của mỗi ngành ngân hàng. Bản thân chính sách tiền tệ chưa đủ lực để kéo cỗ xe tam mã đi nhanh. Ngân hàng dù có giảm lãi suất, nhưng muốn tín dụng tăng trưởng, trước hết chính doanh nghiệp phải có thị trường, phải có nhu cầu vay vốn trở lại. Chỉ khi doanh nghiệp có thị trường, có dự án, ngân hàng mới dám rót vốn.
Rõ ràng, tín dụng được coi là lực đẩy cho đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng. Song chỉ khi đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng chuyển động, dòng tín dụng mới có thể luân chuyển nhanh, mạnh. Như vậy, muốn giải được bài toán “con gà - quả trứng” này, cả guồng máy phải vận động nhịp nhàng.
Đầu tiên là câu chuyện kích cầu tiêu dùng trong nước. Sáu tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3%, cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%), thì việc kích cầu là rất cần thiết. Tuy vậy, để người dân đẩy mạnh chi tiêu, cần phải tạo ra nhiều việc làm. Do đó, chính sách thúc đẩy đầu tư công, tăng thu hút đầu tư trong và ngoài nước là vô cùng quan trọng.
Với thị trường xuất khẩu, khó khăn sẽ lớn hơn khi hầu hết thị trường lớn của Việt Nam vẫn đang chịu thiệt hại nặng nề do dịch bệnh, việc hạ lãi suất, kích tín dụng không mang nhiều ý nghĩa, bởi doanh nghiệp không dám vay khi các thị trường lớn này đóng cửa. Do vậy, bên cạnh hỗ trợ vốn, doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, đa dạng hóa thị trường khai thác tối đa cơ hội, lợi ích của các FTA đã ký…
Về đầu tư công, dù giải ngân của các địa phương đã cải thiện song còn chậm. Bên cạnh đó, các giải pháp hỗ trợ tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp đã có (ví dụ giãn thuế, giảm thuế) nhưng chậm triển khai và chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp. Gói vay 16.000 tỷ đồng lãi suất 0%/năm để doanh nghiệp gặp khó khăn bởi Covid-19 trả lương cho người lao động cũng chưa thể giải ngân…
Đương nhiên, với nền kinh tế hiện nay, chính sách tiền tệ là một trong những lực đẩy quan trọng nhất của “cỗ xe tam mã”. Thế nhưng, như đã phân tích, chính sách tiền tệ cũng cần tới rất nhiều “bạn đồng hành” khác hợp lực.
Thúc đẩy tăng trưởng là một trong những nhiệm vụ quan trọng bậc nhất hiện nay với nền kinh tế. Muốn làm được điều này, chính sách tiền tệ, đầu tư và tài khóa phải phối hợp thật nhịp nhàng, linh hoạt để kích thích tổng cầu, thúc đẩy “cỗ xe tam mã”. Đương nhiên, việc kích thích tăng trưởng nền kinh tế phải luôn gắn với bài toán ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài với nền kinh tế Việt Nam.