Aa

Dự án “đất vàng” B12 Nam Trung Yên của Công ty Sao Phương Bắc hơn thập kỷ nằm “trên giấy“

Trần Hồ
Trần Hồ tranvanhobaoin@gmail.com
Thứ Sáu, 20/08/2021 - 09:25

Hơn thập kỷ bỏ hoang, nằm trong diện giám sát của HĐND TP. Hà Nội nhưng đến nay dự án B12 Khu đô thị Nam Trung Yên của Công ty Sao Phương Bắc vẫn là bãi đất trống.

Lời tòa soạn:

Qua quá trình khảo sát nhiều dự án tại Hà Nội, có thể thấy rằng không ít dự án chậm tiến độ, “ôm” đất hàng chục năm nhưng chưa bị kiến nghị thu hồi hoặc thu hồi. Không chỉ vậy, những dự án này còn nhiều lần được gia hạn tiến độ, tăng diện tích thu hồi đất với mục tiêu tiếp tục triển khai. 

Vốn được kỳ vọng sẽ làm "thay da đổi thịt" bộ mặt Thủ đô, giờ đây hiện trạng tại những dự án này lại trái ngược hoàn toàn khi chủ đầu tư để đất hoang hóa, thậm chí còn sử dụng sai mục đích...

Điều này không chỉ khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác, mất mỹ quan mà còn khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án rơi vào cùng cực, gây bức xúc dư luận, đặc biệt là làm lãng phí tài nguyên đất đai…

Trên tinh thần nghiên cứu, thông qua thu thập tài liệu và khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài Hà Nội cần mạnh tay với dự án "ôm" đất hàng chục năm rồi bỏ hoang hóa: Dự án “đất vàng” B12 Nam Trung Yên của Công ty Sao Phương Bắc hơn thập kỷ nằm "trên giấy".

Trân trọng giới thiệu tới độc giả!

Dự án hơn thập kỷ bỏ hoang

Trong những năm gần đây, Hà Nội là một trong những địa phương "mạnh tay" thu hồi các dự án sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Hiện Hà Nội có gần 400 dự án “ôm đất” nhiều năm không chịu triển khai. Trong khi đó, UBND TP. Hà Nội mới chỉ có quyết định thu hồi 16 dự án, đây là con số rất nhỏ so với báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội.

Phối cảnh dự án B12 Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy của Công ty Sao Phương Bắc.
Phối cảnh dự án B12 Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy của Công ty Sao Phương Bắc.

Riêng quận Cầu Giấy đã có tới 20 dự án trên tổng số 172 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai được các quận, huyện, thị xã đề nghị rà soát trong giai đoạn 2012 - 2017. Đáng chú ý, về phương án địa phương đề nghị xử lý, phần lớn các dự án dạng này đều được quận Cầu Giấy đề nghị gia hạn thời gian để hoàn thiện hồ sơ pháp lý thay vì thu hồi. Trong số đó có không ít những chủ đầu tư bị đặt dấu hỏi về năng lực tài chính để có thể tiếp tục triển khai dự án hay lại tiếp tục ôm "đất vàng" để chờ thời?

Điển hình dự án Tổ hợp gara cao tầng, thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn và căn hộ để bán B12 Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy do Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển Sao Phương Bắc (Công ty Sao Phương Bắc) làm chủ đầu tư. Hiện Chủ tịch HĐQT công ty là bà Tô Thị Hòa Bình (sinh năm 1955, trú tại phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Dự án B12 Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy
Hiện dự án B12 Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy vẫn chỉ là bãi đất trống, ngổn ngang máy móc, đất đá.

Theo quảng cáo, dự án có tổng diện tích là 13.456m2. Trong đó, diện tích xây dựng 6.500m2; tổng diện tích sàn là 110.660m2; mật độ xây dựng: 48% (khối đế) và 35% (khối tháp). Dự án với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 990 tỷ đồng, dự kiến dự án của Sao Phương Bắc có 4 gara cao tầng nhằm giải tỏa áp lực thiếu chỗ gửi xe cho khu vực lân cận, 1 khách sạn kết hợp văn phòng cho thuê 19 tầng và 1 tòa chung cư 25 tầng với hơn 390 căn hộ. Tuy nhiên, sau nhiều năm chậm triển khai đầu tư xây dựng, có nhiều thông tin cho rằng dự án đã được Hà Nội điều chỉnh quy hoạch lên 43 tầng.

Theo quan sát của PV, bên ngoài lô đất thực hiện dự án đang được quây tôn kín, bên trong xuất hiện một số máy móc, thiết bị và vật liệu xây dựng được tập kết ngổn ngang.

Khảo sát cho thấy, trên một số websites sàn môi giới, thông tin dự án này được rao bán công khai. “Dự án có vị trí vô cùng đắc địa để cho cư dân trong tương lai định cư và làm việc. Tiến độ thanh toán hợp đồng mua bán căn hộ chung cư B12 Nam Trung Yên chia thành 6 đợt linh hoạt dự kiến: Đợt 1 - thanh toán 25% ngay khi ký hợp đồng (sau 7 ngày kể từ ngày đặt cọc bao gồm 50 tiền đặt cọc). Đợt  2 - thanh toán 15% khi tòa nhà đổ sàn tầng 8 (dự kiến sau 4 tháng kể từ ngày ký hợp đồng). Đợt  3 - thanh toán 15% khi tòa nhà đổ sàn tầng 15 (dự kiến sau 8 tháng kể từ ngày ký hợp đồng). Đợt  4 - thanh toán 15% khi cất nóc tòa nhà (dự kiến sau 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng). Đợt  5 - thanh toán 25% khi nhận bàn giao căn hộ (dự kiến quý II năm 2022). Đợt  6 - thanh toán 5% bàn giao giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ”, một website quảng cáo.

Dù hơn thập kỷ bỏ hoang, nhưng chủ đầu tư vẫn công khai rao bán, quảng cáo trên các trang website.

Song cũng trên một trang website, lại có thông tin phủ nhận việc bán hàng: “Dự án B12 Nam Trung Yên đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. Do đó, các thông tin mở bán là hoàn toàn không chính xác. Quý vị khách hàng nhất quyết không được chuyển tiền cho bất kỳ ai để đặt cọc hay đặt chỗ mua bán căn hộ Chung cư B12 Nam Trung Yên”. 

Một dự án hơn chục năm bỏ hoang hóa, nhưng thời gian gần đây lại có nhiều thông tin nhiễu loạn khiến người dân như rơi vào “ma trận”. Trong khi, nhiều năm sau khi phê duyệt dự án vẫn chưa được hoàn thiện đưa vào hoạt động, không hiểu chủ đầu tư đã làm cách nào để “né” việc bị cơ quan chức năng thanh kiểm tra, thu hồi dự án?

Vì sao dự án thuộc diện giám sát, sau 3 năm vẫn “án binh bất động”?

Mới đây, HĐND TP. Hà Nội có báo cáo kết quả tái giám sát về tình hình quản lý các dự án sử dụng đất, triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP. Hà Nội, trong đó chỉ ra nhiều tồn tại. Cụ thể, đối với 89 dự án chậm triển khai (tính đến năm 2012) còn tồn tại đã có 28 dự án đã khắc phục vi phạm; 5 dự án đã thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, thu đất hoặc bãi bỏ dự án, được UBND Thành phố đề nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, có vi phạm pháp luật; 19 dự án đang triển khai đầu tư, xây dựng công trình trong tiến độ hoặc đang làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án đầu tư, tiếp tục giám sát việc quản lý, sử dụng đất theo quy định.

Hiện dự án B12 Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy đang nằm trong diện giám sát của HĐND TP. Hà Nội.
Hiện dự án B12 Khu đô thị Nam Trung Yên, Cầu Giấy đang nằm trong diện giám sát của HĐND TP. Hà Nội.

Đến nay, vẫn còn 37 dự án chưa khắc phục dứt điểm các vi phạm theo kiến nghị giám sát của Thường trực HĐND TP năm 2012. Trong đó, có các dự án triển khai quá chậm, đề nghị UBND Thành phố rà soát, xem xét, chấm dứt hoạt động hoặc thu hồi quyết định giao đất, cho thuê đất.

Trước đó, dự án Tổ hợp gara cao tầng, thương mại, dịch vụ, văn phòng, khách sạn và căn hộ để bán B12 Khu đô thị Nam Trung Yên do Công ty Sao Phương Bắc làm chủ đầu tư nằm trong danh sách Báo cáo giám sát các dự án ngoài ngân sách của HĐND TP. Hà Nội về việc lấn chiếm, để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí, cho thuê đất sai quy định diễn ra một số nơi gây bức xúc cho người dân.

Ngoài ra, theo báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội, tính đến hết năm 2017, dự án này vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền hơn 222 tỷ đồng. Đây là thông tin khách hàng cần cẩn trọng, nếu muốn đầu tư vào các căn hộ nằm trong dự án, bởi khi chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính căn hộ sẽ không được cấp sổ hồng, đi kèm với đó là nhiều rủi ro khác.

Ngoài ra, theo báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội, dự án này vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.  
Ngoài ra, theo báo cáo giám sát của HĐND TP. Hà Nội, dự án này vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng.  

Tại báo cáo giám sát này, phương án địa phương đề nghị xử lý là dự án được gia hạn thời gian để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về dự án đầu tư. Dù HĐND Thành phố đã “điểm mặt, chỉ tên”, nhưng đến thời điểm này chủ đầu tư Công ty Sao Phương Bắc vẫn chưa thi công xong và đưa dự án vào hoạt động.

Theo ý kiến các chuyên gia bất động sản, một phần nguyên nhân dự án chậm triển khai là do chính quyền địa phương chưa thực sự quyết liệt vào cuộc xử lý các sai phạm tồn tại, còn “bật đèn xanh” cho các dự án chậm tiến độ tiếp tục “câu giờ”.

GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho hay, đối với một dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, sau thời gian 24 tháng, không ít chủ đầu tư vẫn “ôm” đất nhiều năm tiếp theo dù không triển khai bất cứ hạng mục nào.

"Không thể vì dự án đã hình thành tài sản trên đất hay dự án đã sang tên đổi chủ mà trì hoãn việc xử lý các dự án, quỹ đất vi phạm, cũng không nên vì lo ngại thị trường bất động sản chịu tín hiệu xấu khi một số doanh nghiệp lớn có dấu hiệu vi phạm mà trì hoãn. Có như vậy, thị trường mới minh bạch, môi trường đầu tư mới công bằng", ông Võ nhấn mạnh.

Để ngăn chặn tình trạng này, vị chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc kiên quyết thu hồi, cần có chế tài xử phạt các chủ đầu tư “chây ì”. Ông Võ cho biết thêm, để xảy ra việc này có nhiều nguyên nhân nhưng đầu tiên phải nhắc đến việc lựa chọn nhà đầu tư không bảo đảm yêu cầu. Theo đó, có tình trạng chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nhưng cố “lách” vào để có đất, sau đó không triển khai dự án mà chuyển nhượng lại.

Có lẽ, đã đến lúc UBND TP. Hà Nội và các cơ quan quản lý Nhà nước cần xử lý mạnh tay hơn, cũng như xem xét lại năng lực của chủ đầu tư. Nếu cần thiết, nên thu hồi dự án nhằm tránh tình trạng lãng phí “đất vàng”, gây bức xúc cho dư luận.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top