Aa

Dự án BRT mắc loạt sai phạm: Phần nổi của tảng băng chìm

Thứ Tư, 19/09/2018 - 21:00

Theo ông Bùi Danh Liên, những sai phạm mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại dự án BRT sớm muộn cũng bị xử lý, điều cần phải nói đến ở đây chính là việc dự án BRT không đạt được hiệu quả như mong đợi, mặc dù được đầu tư hơn 1000 tỷ đồng.

Mới đây, sau khi thanh tra Hợp phần I - Xe buýt nhanh (BRT) thuộc Dự án Phát triển giao thông đô thị Hà Nội, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của nhà thầu và chủ đầu tư - Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội gây lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước nhiều tỷ đồng.

Trao đổi với Reatimes về sự kiện này, ông Bùi Danh Liên - Chuyên gia giao thông nhấn mạnh, khi một dự án có dấu hiệu sai phạm thì cần phải tiến hành thanh tra, kiểm tra. TTCP đã chỉ ra nhiều sai phạm của nhà thầu và chủ đầu tư liên quan đến dự án BRT tại Hà Nội, trên cơ sở đó đưa ra hình thức xử lý phù hợp, tùy vào mức độ sai phạm. Nếu là sai phạm nghiêm trọng cần phải chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra để làm rõ.

BRT

TTCP vừa chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến dự án BRT tại Hà Nội

Theo ông Liên, những sai phạm nói trên sớm muộn cũng bị xử lý, điều cần phải nói đến ở đây chính là việc dự án BRT không đạt được hiệu quả như mong đợi, mặc dù được đầu tư hơn 1000 tỷ đồng. Kết quả này đã được nhiều chuyên gia giao thông, các nhà nghiên cứu về kiến trúc, quy hoạch cảnh báo từ trước khi triển khai dự án BRT.

"Dự án BRT sai ngay từ quy hoạch ban đầu, các cơ quan nghiên cứu về kiến trúc, quy hoạch đã nói rất nhiều rồi. Tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có ai đứng ra giải thích và nhận trách nhiệm về cái sai trong quy hoạch BRT cả. Họ chỉ nói đến cái tiện ích, cái văn minh của BRT. Thế nhưng, dù có cố gắng chứng minh dự án BRT là hiệu quả đi chăng nữa cũng không giải quyết được vấn đề gì.

Quá trình khảo sát, đánh giá ban đầu về lượng khách, cơ sở hạ tầng cho dự án BRT là sai dẫn đến quy hoạch sai, dự án kém hiệu quả, thất thoát, lãng phí, đây là điều rất đáng tiếc. Việc đem một tuyến BRT tiêu chuẩn thế giới áp vào môi trường giao thông ở các đô thị lớn nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng là chưa thực sự phù hợp.

Các nước trên thế giới cũng làm BRT nhưng lại rất hiệu quả, bởi lẽ cơ sở hạ tầng của họ đáp ứng được cho việc phát triển BRT. Mặt khác, BRT có sự liên kết với các phương tiện vận tải khác nên được người dân chào đón và sử dụng rất nhiều", vị chuyên gia phân tích.

Ông Bùi Danh Liên - Chuyên gia giao thông

Ông Bùi Danh Liên - Chuyên gia giao thông

Một bất cập khác được ông Bùi Danh Liên chỉ ra đó là, dự án BRT được phát triển trên tuyến từ Yên Nghĩa vào nội đô, trong khi có tới 3 loại hình giao thông vận tải phát triển trên tuyến này là đường bộ, đường sắt trên cao, và BRT. Tuyến Yên Nghĩa vào nội đô có xảy ra ùn tắc nhưng chỉ vào giờ cao điểm, sau giờ cao điểm thì đường lại vắng hoe.

Theo thống kê của TP. Hà Nội, bình quân 1 ngày tuyến BRT vận chuyển được 13.000 hành khách, ước tối đa khoảng 1.000-1.500 lượt khách giờ cao điểm thì mới đạt 15% so với BRT loại nhỏ. Việc đầu tư một số tiền lớn cho hạ tầng, phương tiện, và dành riêng làn đường cho việc chạy chỉ 1 tuyến BRT với xe sức chứa 80 chỗ như buýt thường là lãng phí trong điều kiện giao thông tại Hà Nội không phát huy được tất cả các ưu việt của phương thức này.

Không gian dành cho BRT rất lớn trong khi hiệu suất vận chuyển lại thấp, chưa đạt 50% so với mức dự kiến. Trong khi đó, làn đường còn lại dành cho các phương tiện khác chật hẹp, dễ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Bằng chứng là kể từ khi BRT 01 đi vào hoạt động, trục Láng Hạ - Lê Văn Lương - Tố Hữu đã trở thành nỗi khiếp đảm của người tham gia giao thông.

Một dự án có tổng vốn đầu tư lên đến cả ngàn tỷ đồng nhưng lại không phát huy được hết hiệu quả, vậy trách nhiệm thuộc về ai? Bộ Xây dựng, UBND TP. Hà Nội, Thành ủy Hà Nội hay Sở GTVT Hà Nội? Đây là câu hỏi mà rất nhiều người dân đang băn khoăn và mong có được câu trả lời thỏa đáng.

Thiết kế: Đức Anh

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top