Aa

Hà Nội: Không đồng ý cho phương tiện khác đi chung làn BRT

Thứ Tư, 07/03/2018 - 05:12

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội khẳng định, tuyến BRT là tuyến riêng, không có tuyến buýt nào được đi chung.

Trả lời câu hỏi của báo giới liên quan đến đề xuất cho phép tuyến buýt thường được đi vào làn đường buýt nhanh - BRT tại cuộc họp giao ban báo chí ngày 6/3, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn khẳng định: "Theo chỉ đạo của thành phố, tuyến BRT là tuyến riêng, không có tuyến buýt nào đi chung vào đây cả".

Làn xe buýt BRT.  

Theo ông Tuấn, đề xuất cho một số phương tiện đi vào làn đường ưu tiên xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa được một đơn vị chuyên môn thuộc Sở đưa ra tại một cuộc đàm thoại. Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, đến thời điểm này, quan điểm của thành phố không cho phương tiện nào đi vào làn đường của BRT.

Trước đó, cuối tháng 2, Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hà Nội) đề xuất các tuyến buýt thường được đi vào làn đường dành riêng cho BRT từ 4h - 23h hàng ngày; các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h - 4h hôm sau. 

Mặc dù là hành vi nghiêm cấm nhưng nhiều phương tiện vẫn đi vào làn BRT để thoát điểm ùn tắc.

Liên quan đến việc mở tuyến BRT số 2 (Kim Mã - Láng - Hoà Lạc), ông Tuấn thông tin, thành phố đã có chủ trương triển khai và thời gian qua các đơn vị liên quan đã khảo sát. Nhưng thành phố đang triển khai tuyến đường sắt đô thị số 5 (Văn Cao - Láng - Hoà Lạc) nên việc mở tuyến BRT sẽ bị trùng. Trước mắt, thành phố đã mở tuyến buýt thường từ Kim Mã lên khu công nghệ cao Hoà Lạc và làng văn hoá các dân tộc Việt Nam.

Hiện tại, tuyến BRT Kim Mã - Yên Nghĩa kéo dài gần 15km với 24 xe, hoạt động từ 5h - 22h/ngày, tần suất 5 - 15 phút/chuyến. 

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, sau 1 năm chính thức vận hành, tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội vận chuyển được gần 5 triệu lượt khách./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top