Aa

Dự án BT: Giảm gánh nặng hay gây thất thoát ngân sách?

Thứ Ba, 30/10/2018 - 06:00

Một trong những chiêu thức để doanh nghiệp tư nhân thâu tóm quỹ đất công đó là thông qua các dự án BT. Trước thực tế này, nhiều chuyên gia lo ngại, hình thức BT có thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước hay ngược lại đang trở thành công cụ làm thất thoát ngân sách và tài sản công?

BT hay biến tướng?

BT là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng. Sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước. Đổi lại, chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT.

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách nhà nước eo hẹp, các dự án hợp tác công - tư  theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) là một giải pháp thiết thực  để Nhà nước huy động nguồn lực từ khối tư nhân vào đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khoảng trống pháp lý trong vấn đề sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư đã khiến cho hình thức này trở thành “con dao hai lưỡi”, gây ra tác dụng ngược, làm thất thoát quỹ đất công và ngân sách nhà nước.

Báo cáo của kiểm toán nhà nước công bố gần đây cho biết, có đến 90% dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư qua chỉ định thầu dù pháp luật có quy định cả hình thức đấu thầu công khai. Bên cạnh đó, thời điểm giao đất thanh toán, thời điểm giao dự án còn nhiều bất cập và thiếu minh bạch dẫn đến việc thanh toán dự án BT bằng quỹ đất không đảm bảo nguyên tắc ngang giá.

Trước thực tế này, tại phiên thảo luận về ngân sách, đầu tư công sáng 29/10 của Quốc hội, đại biểu Mai Sỹ Diến, đoàn Thanh Hóa bày tỏ sự lo ngại:  “Kiểm toán Nhà nước cũng kiến nghị thu hồi hơn 4.500 tỷ đồng qua các dự án BT. Tại nhiều dự án nhà đầu tư được giao nhiều khâu như lập dự án, lập dự toán nhà đầu tư, thẩm định dự án... nhưng thực chất đều là một người lập nhưng "đẻ" ra nhiều doanh nghiệp. Điều này dẫn đến không đảm bảo tính khách quan, gây thất thoát cho ngân sách.”

Bên cạnh đó, đại biểu Diến nhận định những lỗ hổng pháp lý đang khiến không ít dự án BT bị giảm tính cạnh tranh, biến tướng thành giao dịch ngầm theo cơ chế xin – cho giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước gây thất thoát nguồn đầu tư công và tài sản công rất lớn.

b

Đại biểu Mai Sỹ Diến bày tỏ sự lo ngại khi không ít dự án BT bị biến tướng thành giao dịch ngầm giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước gây thất thoát.

Thêm vào đó, công tác quản lý giám sát của các cơ quan Nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, dẫn đến để xảy ra sai sót trong tất cả các khâu trong quá trình thi công thực hiện dự án.

“Điều này cho thấy việc thực hiện dự án BT chưa thực sự giảm đáng kể gánh nặng cho ngân sách. Vậy có nên thực hiện các dự án BT như thời gian vừa qua nữa hay không? Phải chăng cần phải có thể chế mới để siết lại kẽ hở trong quản lý, đề nghị chính phủ  cân nhắc và báo cáo Quốc hội”, đại biểu Diến nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, Phó GS. TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu quốc hội khóa XIV, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận định: “Thực hiện dự án BT thời gian qua đã làm hỏng đi chính sách tốt của Nhà nước. Đáng ra chính sách này là nhằm để đỡ gánh nặng nhà nước, nhằm tạo công trình phục vụ lợi ích công cộng thì giờ trở thành phục vụ lợi ích của một nhóm người với lợi ích riêng nào đó. Đồng thời, việc thực hiện dự án BT ở một số nơi không đem đến hiệu quả và lợi ích cấp thiết như mong muốn”.

Vẫn đang “lấy mỡ nó rán nó”?

Việc thực hiện dự án BT nhằm mục đích kêu gọi đầu tư thực hiện dự án xây dựng hạ tâng vì ngân sách nhà nước eo hẹp. Tuy nhiên, với tình trạng như hiên nay, thực chất nhà nước vẫn đang “lấy mỡ nó rán nó”,  sử dụng chính nguồn vốn ngân sách để đổi lấy dự án.

Theo cơ quan kiểm toán, việc Nhà nước thanh toán trước cho nhà đầu tư trong khi nhà đầu tư chưa phải xuất hóa đơn giá trị gia tăng do công trình chưa hoàn thành, thực chất là thanh toán trước tiền thuế cho nhà đầu tư. Đây là điểm bất hợp lý, tạo ra việc chiếm dụng vốn từ ngân sách nhà nước.  Bên cạnh đó, theo Kiểm toán Nhà nước, vốn đầu tư của các doanh nghiệp chủ yếu là vốn vay (khoảng 85%), nhưng lại được Nhà nước tính lãi, với lãi suất tối đa huy động bằng 1,3 lần lãi suất trái phiếu Chính phủ.

Với tình trạng này, cơ quan kiểm toán cho rằng, thực chất gần như toàn bộ dự án là vốn của Nhà nước hoặc là vốn của Nhà nước đi vay với mức lãi suất cao hơn lãi suất Nhà nước huy động để đầu tư thực hiện dự án. Điều này cho thấy, việc thực hiện dự án BT đang làm gia tăng gánh nặng cho ngân sách. 

Trao đổi với Reatimes, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh khẳng định: “Trước mắt, việc định giá đất đối ứng cho các dự án theo hình thức BT nhất định phải thông qua đấu giá, không có ngoại lệ. Về lâu dài hơn cần thiết lập cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức BT và đấu giá mảnh đất dành để đối ứng dự án BT đó, lấy tiền thanh toán cho nhà đầu tư thay vì cho nhà đầu tư BT hưởng lợi kép như hiện nay, cả từ nâng cao giá trị dự án lẫn giảm thấp giá trị đất đối ứng cho dự án”.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, để tránh thất thoát đất đai và ngân sách Nhà nước, cần phải xác định đúng giá trị của miếng đất được dùng để đối ứng, thanh toán cho doanh nghiệp khi thực hiện dự án BT, bao gồm cả lợi thế về vị trí theo giá thị trường.

Trước những sai sót trong cơ chế đổi đất lấy hạ tầng khi thực hiện dự án BT, Bộ tài chính đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thực hiện dùng quỹ đất công để thanh toán cho các dự án BT. Tuy nhiên, điều này lại đang tạo ra điểm nghẽn, gây “ách tắc” trong việc triển khai các dự án hạ tầng công cộng. Do đó, các chuyên gia cho rằng, Chính phủ cần sớm hoàn thiện hướng dẫn việc thanh toán các dự án BT để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư đã ứng vốn làm dự án, đồng thời đảm bảo việc thực hiện dự án có hiệu quả, tránh thất thoát.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top