Aa

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đạt dấu mốc quan trọng

Thứ Năm, 19/12/2024 - 09:00

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.


TTXVN đưa tin cho biết, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mới đây đã ký ban hành Nghị quyết số 172/2024/QH15 về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Theo đó, nghị quyết nêu rõ mục tiêu xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam hiện đại, đồng bộ nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, phát huy lợi thế trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, nhằm bảo đảm kết nối hiệu quả các hành lang Đông - Tây và các nước trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần hiện thực hóa mục tiêu, nhiệm vụ theo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII và các Nghị quyết của Đảng.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đạt dấu mốc quan trọng- Ảnh 1.

Phối cảnh Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Quy mô: Dự án đầu tư xây dựng mới toàn tuyến đường đôi với khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế đạt 350km/h, tải trọng 22,5tấn/trục.

Toàn tuyến bao gồm 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa, cùng hệ thống phương tiện, thiết bị hiện đại. Tuyến đường sắt tốc độ cao này chủ yếu phục vụ vận chuyển hành khách nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết, góp phần phục vụ quốc phòng và an ninh.

Nhu cầu sử dụng đất: Sơ bộ, dự án cần khoảng 10.827ha đất, với khoảng 120.836 người thuộc diện tái định cư.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đạt dấu mốc quan trọng- Ảnh 2.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là công trình trọng điểm quốc gia. Ảnh minh họa

Tổng mức đầu tư: Dự án có sơ bộ tổng mức đầu tư là 1.713.548 tỷ đồng, được huy động từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và các nguồn vốn hợp pháp khác.

Tiến độ thực hiện: Báo cáo nghiên cứu khả thi sẽ được lập từ năm 2025, với mục tiêu cơ bản hoàn thành dự án vào năm 2035.

Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc tổ chức thực hiện và quản lý đầu tư dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng, quản lý chặt chẽ và hiệu quả nguồn vốn.

Đồng thời, các nguồn lực được sử dụng tiết kiệm, minh bạch, phòng chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực. Chính phủ cũng sẽ thông tin đầy đủ, minh bạch để người dân hiểu rõ và đồng thuận với chủ trương đầu tư.

Công tác quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì tuyến đường sắt sẽ được chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, đảm bảo an toàn và hiệu quả lâu dài.

Trong quá trình vận hành và khai thác, Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định việc đầu tư bổ sung một số nhà ga tại các khu đô thị có nhu cầu vận tải lớn, dựa trên đề xuất từ các địa phương.

Trách nhiệm địa phương và đơn vị liên quan:

Các địa phương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc bảo đảm tiến độ, chất lượng trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như thực hiện các tiểu dự án được giao. Đồng thời, các đơn vị này phải tổ chức kiện toàn Ban quản lý dự án chuyên ngành, đảm bảo đủ năng lực để quản lý và triển khai hiệu quả các hạng mục đầu tư của Dự án.

Vai trò của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam:

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp nhận và quản lý việc bảo trì kết cấu hạ tầng, đồng thời tổ chức vận hành và khai thác hệ thống. Đơn vị này cũng có trách nhiệm huy động các doanh nghiệp tham gia đầu tư phương tiện vận tải, tiếp tục tái cơ cấu và xây dựng mô hình quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đảm bảo tính thống nhất, hiện đại và hiệu quả.

Ngoài ra, Tổng công ty sẽ tham gia phát triển công nghiệp đường sắt, góp phần nâng cao năng lực ngành và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Mới đây, theo tính toán của Bộ GTVT, thời gian hoàn vốn cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khoảng 17,7 năm. Nguồn thu từ giá vé khó có thể bù đắp chi phí nhưng nguồn thu từ quỹ đất khi phát triển các khu đô thị, khu thương mại hứa hẹn đem lại hàng tỷ USD cho ngân sách.

Trong báo cáo tiền khả thi, nguồn thu từ khai thác quỹ đất tại các khu vực phát triển định hướng giao thông (TOD) và khai thác thương mại dự kiến đạt khoảng 22 tỷ USD, theo Tạp chí VnEconomy.

Trong đó, 5 tỷ USD từ quảng cáo và dịch vụ, còn lại 17 tỷ USD từ quỹ đất. Theo phương án đề xuất, địa phương sẽ giữ lại 8,5 tỷ USD trong tổng số này, còn 8,5 tỷ USD sẽ được góp vào đầu tư cho dự án.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top