Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam

Thứ Tư, 18/12/2024 - 21:11
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 1.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 2.

Ngày 30/11, Quốc hội chính thức thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Đây là dấu mốc quan trọng của ngành giao thông nước nhà cũng như của người dân Việt Nam khi giấc mơ "ăn sáng Hà Nội, ăn trưa TP. HCM" bằng đường sắt ngày càng gần.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Danh Huy chia sẻ: "Làm đường sắt tốc độ cao là tâm nguyện của nhiều thế hệ cán bộ ngành giao thông. Đối với tôi, khi nghe Quốc hội quyết định, cảm giác thật khó tả. Đây là niềm vui không chỉ đối với ngành giao thông vận tải mà còn là sự mong mỏi của người dân khắp mọi miền đất nước".

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 3.

Với vai trò "đi trước mở đường", giao thông luôn là động lực thúc đẩy sự phát triển và mở ra những không gian mới. Trong đó, giao thông đường sắt, đặc biệt là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, không chỉ là một dự án hạ tầng đơn thuần mà còn mang tính chất đột phá chiến lược, góp phần tạo nên những kỳ tích phát triển kinh tế. Dự án này chính là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào một kỷ nguyên mới – kỷ nguyên hội nhập và vươn mình mạnh mẽ, hiện thực hóa khát vọng phát triển bền vững và thịnh vượng của dân tộc.

"Đây không chỉ là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng của khát vọng, tinh thần đổi mới và hành động quyết liệt, sẵn sàng vượt qua thách thức để mở ra cơ hội lớn cho đất nước", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 4.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 5.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam có tổng chiều dài khoảng 1.541km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội) và điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP. HCM), đi qua địa phận của 20 tỉnh, thành phố. Dự án sẽ đầu tư mới toàn tuyến đường đôi, khổ ray 1.435mm, với tốc độ thiết kế 350km/h và tải trọng 22,5 tấn/trục. Hệ thống bao gồm 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa, phục vụ vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng cho quốc phòng, an ninh, và có khả năng vận tải hàng hóa trong tương lai khi cần thiết.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 6.

Tổng mức đầu tư dự án ước tính 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD), sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước thông qua các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Đây là dự án có vốn đầu tư lớn nhất lịch sử Việt Nam, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo trong việc tạo cú hích cho nền kinh tế và hiện đại hóa giao thông.

Năm 2010, sau hai lần trình báo cáo nghiên cứu, dự án đã được đưa ra Quốc hội nhưng không được thông qua do điều kiện kinh tế chưa phù hợp. Sau 14 năm, dự án một lần nữa được trình và chính thức thông qua với thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2027 đến 2035.

Có thể nói, đây chính là thời điểm thích hợp nhất để triển khai "đại dự án" này khi mọi yếu tố cần và đủ thực hiện dự án đều đã được đáp ứng. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia, hiện tại, nhu cầu giao thương và vận chuyển giữa hai miền Nam - Bắc đang gia tăng nhanh chóng, trong khi hệ thống giao thông vận tải như đường hàng không, đường thủy, đường bộ hiện không thể khai thác hết.

Theo Bộ Giao thông Vận tải, hành lang kinh tế Bắc - Nam là tuyến huyết mạch quan trọng nhất cả nước, kết nối 20 tỉnh, thành phố với hơn 49% dân số, 40% khu công nghiệp, 55% cảng biển lớn và 67% khu kinh tế ven biển. Hành lang này cũng ảnh hưởng trực tiếp đến 3/6 vùng kinh tế - xã hội, đóng góp hơn 50% GDP cả nước. Tuyến đường sắt tốc độ cao khi được hình thành sẽ rút ngắn khoảng cách giữa các địa phương, kết nối thị trường và mở ra một hành lang phát triển kinh tế mới.

Trên thế giới, đường sắt tốc độ cao đã trở thành biểu tượng của giao thông hiện đại, trong khi tại Việt Nam, loại hình này vẫn còn yếu thế so với đường bộ và hàng không. Để theo kịp các quốc gia phát triển và tránh tình trạng "đi lùi", việc đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam là điều cấp thiết.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 7.

Một trong những vấn đề lớn khi triển khai dự án chính là nguồn lực đầu tư. Năm 2010, dự án được trình với tổng vốn đầu tư 56 tỷ USD - một con số quá lớn so với tiềm lực kinh tế thời điểm đó. Đến nay, mặc dù mức vốn đã tăng lên 67 tỷ USD và trở thành dự án lớn nhất của Việt Nam, nhưng với nền kinh tế đạt 430 tỷ USD vào năm 2023 (gấp gần 3 lần so với năm 2010) và dự báo quy mô nền kinh tế sẽ đạt 564 tỷ USD vào năm 2027, việc triển khai dự án đã trở nên khả thi.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Nhật Bản đầu tư tuyến đường sắt đầu tiên năm 1950 khi GDP đầu người mới đạt 250 USD; Trung Quốc năm 2005 khi GDP đạt 1.753 USD; Indonesia năm 2015 với GDP 3.322 USD. Tại Việt Nam, GDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 4.282 USD và dự kiến khoảng 7.500 USD vào năm 2030. Điều này càng cho thấy Việt Nam đang ở thời điểm thích hợp nhất để thực hiện dự án.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định, hiện tại đã là thời điểm chín muồi để triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi đã có đầy đủ cơ sở thực hiện dự án. Đó là mong muốn của người dân, sự quyết tâm của hệ thống chính trị, thể hiện tiềm lực, vị thế về kinh tế, cũng như là đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 8.

Là một công trình lớn chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam với quy mô chạy dọc chiều dài đất nước, dự án chắc chắn sẽ tạo tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đồng thời, đây cũng là cơ hội khai phá tiềm năng cho các địa phương mà tuyến đường sắt này chạy qua.

Tại tọa đàm "Đường sắt tốc độ cao - Thời cơ và thách thức" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức, ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 7-8 lĩnh vực lớn, cả trong quá trình triển khai và sau khi đưa vào vận hành.

Đầu tiên là tác động đến ngành xây dựng trong cơ cấu GDP bởi vì đây là công trình xây lắp.

Sau đó tác động đến các ngành phụ trợ phục vụ cho công trình này, như ngành cung cấp vật liệu cho xây dựng công trình, kể cả các vật liệu thông thường như cát, đá, sỏi hay vật liệu đặc chủng như sắt, thép... để làm đường ray hoặc các công trình khác.

Một tác động nữa là các ngành dịch vụ cung cấp cho công trình này như tài chính, ngân hàng hay dịch vụ về huy động vốn…

Thứ tư là tác động lan tỏa đến phát triển đô thị. Tuyến đường tạo ra hơn 20 ga từ Bắc vào Nam. Trong định hướng phát triển tuyến đường sắt, mỗi ga đều có các khu đô thị đi kèm mà việc phát triển đô thị được xác định là một động lực của nền kinh tế. Vì thế, đây là một động lực rất tốt để phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, sau khi dự án được đưa vào sử dụng sẽ tác động mạnh đến các ngành khai thác, nhất là là dịch vụ du lịch.

Với quy mô cực lớn, dự án tạo công ăn việc làm cho một khối lượng lớn người dân khi huy động lực lượng tham gia vào xây dựng và vận hành công trình này.

Cuối cùng là sẽ tác động đến tăng trưởng của ngành vận tải, để hướng tới hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải, tăng thêm doanh số, năng suất, công suất phục vụ.

Một điểm đáng chú ý nữa là dự án sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế - xã hội, làm gia tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt là giảm chi phí logistic, góp phần đáng kể cho phát triển các ngành công nghiệp, ngành sản xuất kinh doanh có sử dụng tuyến đường sắt này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng và vai trò của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, với hơn 67 tỷ USD nguồn vốn đầu tư công của dự án sẽ lan tỏa, qua đó giúp nhiều ngành kinh tế được hưởng lợi, nhiều ngành sản xuất có cơ hội học hỏi, nâng tầm và phát triển:

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 9.

Thực tế ở các nước trong khu vực châu Á cũng như Đông Nam Á đã chứng minh những hiệu quả kinh tế lớn mang lại sau khi tuyến đường sắt tốc độ cao được đi vào hoạt động.

Tại Nhật Bản, kể từ khi Shinkansen được đưa vào hoạt động từ năm 1964, nước này có 18 năm liền đạt mức tăng trưởng GDP liên tục ở mức khoảng 10%, trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Trung Quốc với hơn 46.000km đường sắt tốc độ cao, chiếm hơn 70% toàn cầu, hệ thống này đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia là quốc gia đầu tiên có đường sắt tốc độ cao. Đường sắt tốc độ cao Jakarta - Bandung đã đạt 4 triệu lượt khách chỉ sau một năm hoạt động. Từ giai đoạn xây dựng đến vận hành, tuyến đường này đã đóng góp 5,3 tỷ USD cho các địa phương và giúp giảm đáng kể lượng CO2 thải ra môi trường.

Tại Việt Nam, với phương án đường sắt tốc độ cao 350km/h thì thời gian di chuyển từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh chỉ khoảng 5h30, trong khi đó đường sắt hiện nay vào khoảng 34h. Việc di chuyển bằng đường sắt tốc độ cao ở một số chặng ngắn còn nhanh hơn máy bay nếu như tính cả thời gian chờ đợi. Sơ bộ tổng mức dự án đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào khoảng 67 tỷ USD. Dự kiến, dự án giúp GDP của Việt Nam tăng gần 1% mỗi năm so với việc không đầu tư.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 10.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 11.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 12.

Triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dù mang tầm vóc chiến lược quốc gia, thế nhưng với một dự án lớn chưa từng có tiền lệ đã đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết.

Trước tiên, bài toán vốn đầu tư khổng lồ ước tính hàng chục tỷ USD đặt ra áp lực lớn lên ngân sách Nhà nước và khả năng huy động từ các nguồn tư nhân. Bên cạnh đó, việc giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến, trải dài qua nhiều địa phương, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ nhưng cũng dễ nảy sinh xung đột lợi ích và chậm trễ.

Công nghệ và kỹ thuật là một trở ngại khác khi Việt Nam chưa từng xây dựng hệ thống đường sắt tốc độ cao, dẫn đến việc phụ thuộc lớn vào chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, trong khi phải đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và hiệu quả lâu dài. Việc làm chủ công nghệ vì thế cũng là bài toán lớn cần phải giải quyết để tránh rơi vào trường hợp như dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM.

Tất cả những yếu tố này không chỉ đặt ra yêu cầu về nguồn lực tài chính, kỹ thuật mà còn là một bài kiểm tra năng lực quản lý, sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược trong việc hiện thực hóa một công trình mang tính biểu tượng quốc gia.

Những người làm dự án nhận thức rõ hiện thực hóa giấc mơ đường sắt tốc độ cao sẽ còn là một hành trình dài với nhiều thách thức như trình độ công nghiệp, nguồn nhân lực trong nước hạn chế, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tác động từ biến đổi môi trường, khí hậu… Vì vậy, việc thực hiện cần quyết tâm chính trị cao, đã quyết làm thì khó khăn đến mấy cũng phải tìm cách vượt qua và phải tập trung ưu tiên hàng đầu cho dự án, ông Vũ Hồng Phương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt nhấn mạnh.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 13.

Trong bài phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương khóa 10, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định: "Phải thực hiện ngay các công việc để triển khai chủ trương đầu tư dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam sớm nhất, hiệu quả nhất" đã cho thấy tầm quan trọng cũng như quyết tâm của hệ thống chính trị với việc triển khai dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Dự án không chỉ là một công trình hạ tầng lớn mà còn mang ý nghĩa chiến lược, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới cho Việt Nam. Tuyến đường này không chỉ kết nối các vùng kinh tế trọng điểm mà còn thúc đẩy giao thương, giải phóng tiềm năng của các khu vực chưa được khai thác triệt để, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Xa hơn, đường sắt tốc độ cao là biểu tượng cho sự hội nhập, khát vọng vươn tầm khu vực của Việt Nam. Đây sẽ là bệ phóng cho một nền kinh tế bền vững và tạo nền móng vững chắc cho tương lai thịnh vượng của đất nước.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Công trình thế kỷ, sức bật cho kinh tế Việt Nam- Ảnh 14.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top