Aa

Dự án Khu đô thị Đại Thanh: Khi niềm tin đặt sai chỗ

Thứ Năm, 18/03/2021 - 14:30

Bỏ tiền tỷ để mua đất xây nhà nhưng hàng chục năm nay, khách hàng mua đất tại dự án Khu đô thị Đại Thanh rơi vào tình cảnh "tiến thoái lưỡng nan" vì dự án không đủ cơ sở pháp lý và không được phép triển khai.

Lời tòa soạn:

Việc buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng dẫn đến hàng loạt sai phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng. Việc này đã tạo điều kiện cho rất nhiều chủ đầu tư tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM liên tục vi phạm, kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội khi quyền lợi, tài sản của người dân bị đe dọa.

Nổi cộm là dự án xây dựng công trình chức năng hỗn hợp Đại Thanh. Tại thời điểm thanh tra, dự án chưa có quyết định giao đất, chưa được cấp thẩm quyền phê duyệt dự án, mục đích sử dụng đất là sản xuất gạch ngói, các bên tham gia thực hiện dự án đã chuyển nhượng bất hợp pháp, chủ đầu tư chưa thực hiện nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước, nhưng chủ đầu tư đã khởi công xây dựng, trong quá trình xây dựng có nhiều sai phạm.

Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế, Reatimes khởi đăng tuyến bài "Dự án Khu đô thị Đại Thanh: Khi niềm tin đặt sai chỗ!" với mong muốn đưa đến cho độc giả những góc nhìn khách quan về vấn đề này.

Đội mưa đòi nhà

Giữa tiết trời mưa lạnh, hàng trăm khách hàng mua nhà tại dự án Khu đô thị (KĐT) Đại Thanh lại đồng loạt căng băng rôn đòi nhà, bức xúc trước việc chính quyền huyện Thanh Trì phá dỡ mà không rõ nguyên nhân.

Người dân “khóc ròng” khi mua nhà tại dự án KĐT Đại Thanh.
Khi niềm tin đặt sai chỗ, người dân chỉ biết còn biết ôm mặt kêu trời, cầu cứu tới các cơ quan chức năng.

Anh Trần Tiến Đạt - Chủ Lô 1A, LK 1 chia sẻ với PV Reatimes: “Để có tiền mua 52m2 đất tại KĐT Đại Thanh, gia đình hai bên nội ngoại đã phải dồn tiền cho vợ chồng tôi vay mượn. Cũng do hoàn cảnh, chúng tôi sau đó chỉ dựng tạm được căn nhà cấp 4 để sinh sống, bỗng nhiên chính quyền đến đòi cưỡng chế, phá nhà của chúng tôi”.

“Tôi hỏi thì họ cho biết lý do là "chủ đầu tư sai phạm", trong khi chưa bao giờ chúng tôi được đối thoại với chủ đầu tư. Chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền, các ban ngành nhưng kết quả vẫn không đi tới đâu”, anh Tiến bức xúc nói thêm.

Anh Trần Tiến Đạt – chủ Lô 1A, LK 1 bức xúc chia sẻ
Anh Trần Tiến Đạt - Chủ Lô 1A, LK 1 bức xúc chia sẻ.

Trường hợp khác, anh Phạm Văn Chung, chủ Lô 39, LK 2 cũng cho biết: “Tôi bỏ hơn 2 tỷ đồng mua lô đất này khi dự án được công khai trên sàn giao dịch, có hợp đồng hóa đơn mua bán từ năm 2014. Do thời gian chờ đợi xây dựng quá lâu nên tôi chỉ vá víu làm tạm ngôi nhà để sinh sống, đến nay thì chính quyền ra quyết định đòi phá, vậy quyền lợi của chúng tôi ở đâu?”.

Mặc dù đầy đủ hợp đồng mua bán và các thủ tục pháp lý liên quan nhưng gần 10 năm nay, người mùa nhà vẫn không thể xây dựng trên chính mảnh đất sở hữu của mình.
Mặc dù đầy đủ hợp đồng mua bán và các thủ tục pháp lý liên quan nhưng gần 10 năm nay, người mua dự án tại KĐT Đại Thanh vẫn không thể xây nhà trên chính mảnh đất thuộc quyền sở hữu của mình.

Khảo sát tại dự án cho thấy, hơn nửa số lô đất liền kề tại dự án đã được xây dựng kiên cố và có người dân vào ở. Tuy nhiên, tất cả đều trong tình trạng chưa được cấp sổ đỏ.

Trao đổi về việc này, anh Lại Đức Tiệp, chủ Lô 40, LK 2 cho biết: “Ở đây có khoảng 500 căn liền kề, đã xây dựng khoảng trên 250 căn ở kiên cố. Tuy nhiên, chỉ số đó được tồn tại còn nhà tạm bây giờ bị phá hết”.

“Đề nghị chính quyền huyện Thanh Trì, chủ đầu tư nhanh chóng phối hợp, tháo gỡ khó khăn để người dân chúng tôi được xây nhà, được cấp sổ một cách công khai như hợp đồng đã ký kết. Mọi hành động các bên cần hướng đến quyền lợi để người mua như chúng tôi đỡ khổ”, anh Tiệp chia sẻ thêm.

cưỡng chế phá dỡ

Quang cảnh tan hoang sau một buổi sáng cưỡng chế của lực lượng chức năng.
Quang cảnh tan hoang sau một buổi sáng cưỡng chế của lực lượng chức năng.

“Chúng tôi mong muốn ổn định cơ sở hạ tầng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như bao nơi khác. Nhà nước cần truy cứu trách nhiệm chủ đầu tư vì đây là tài sản, là mồ hôi nước mắt của nhân dân”, anh Lê Việt Phường, chủ Lô 33, LK 10 kiến nghị.

9 lần đối thoại, sổ đỏ vẫn “treo”

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên khách hàng mua đất tại Dự án KĐT Đại Thanh căng băng rôn, khẩu hiệu kêu cứu. Gần 10 năm nay, dù họ đã làm mọi cách nhưng đất và nhà vẫn không thể “chính chủ”.  

Theo tìm hiểu, dự án được thực hiện bởi chủ đầu tư có nhiều “tai tiếng” là Doanh nghiệp Tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (Tập đoàn Mường Thanh).

Dù khách hàng đã 9 lần cầu cứu tới các cơ quan chức năng nhưng sự việc đến nay vẫn chưa thể giải quyết. Buổi đối thoại gần nhất diễn ra vào ngày 20/8/2019 với sự tham gia của đại diện Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường và một số cơ quan liên quan.

Buổi đối thoại xoay quanh 3 nội dung: Khả năng tiếp tục xây dựng tại những lô đất chưa xây, bao gồm cả những việc cần làm của cư dân và các cơ quan chức năng để được tiếp tục xây dựng; việc cấp sổ đỏ cho 2.000 hộ chung cư và 500 nhà liền kề chưa được cấp, lộ trình cấp sổ liên quan đến những bên nào và trách nhiệm của chủ đầu tư về việc trả hạ tầng đồng bộ cho cư dân.

Cũng tại buổi đối thoại, ông Cù Quang Anh - Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội khẳng định, vi phạm xảy ra tại dự án thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư. Các sai phạm cũng đã được cơ quan thanh tra kết luận thời gian trước. Cụ thể, Tập đoàn Mường Thanh chưa hoàn tất thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định về đất đai, nghĩa vụ tài chính; tổ chức bán căn hộ, nhà liền kề chưa đúng theo quy định của Luật Kinh doanh Bất động sản.

Từ năm 2015, 2016 đến nay, dù thành phố đã chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành các thủ tục đầu tư dự án, hướng dẫn chủ đầu tư liên hệ với cơ quan chức năng liên quan để được tháo gỡ các vướng mắc, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa thực hiện theo yêu cầu.

Theo ông Quang Anh, cư dân không được phép thi công nếu chủ đầu tư chưa hoàn tất thủ tục. Tiến trình giải quyết vướng mắc phụ thuộc vào việc Tập đoàn Mường Thanh cung cấp được các hồ sơ liên quan để thực hiện các dự án quản lý đầu tư xây dựng ra sao. 

Việc này cũng cho thấy sự chây ỳ, có sai nhưng không có sửa của Tập đoàn Mường Thanh. Mặt khác, xét về nguyên tắc, buổi làm việc bắt buộc phải có mặt đại diện chủ đầu tư, lãnh đạo có thẩm quyền cao nhất của các sở. Tuy nhiên, chủ đầu tư lại không tham gia.

Đặc biệt, dù có tham dự buổi đối thoại nhưng đại diện lãnh đạo huyện Thanh Trì và đại diện Công an TP. Hà Nội lại không có ý kiến gì về việc này. Đây liệu chăng là hành động “đánh trống lảng”, phớt lờ sai phạm, hay sau tất cả những hậu quả nêu trên, chính quyền bỏ mặc người dân tự gánh chịu? Chính phủ, các cơ quan điều tra của Hà Nội cần nhanh chóng làm rõ việc này để bảo vệ quyền lợi người dân, lấy lại niềm tin mà từ lâu họ đã đặt sai chỗ.

Luận bàn xung quanh vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch Công ty TAT Law Firm, Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: “Vấn đề quản lý Nhà nước về đất đai trong tình huống này là điều rất tốt! Tuy nhiên, trong quá trình đó, ngoài việc giúp cho các cơ quan quản lý ở địa phương, doanh nghiệp chấp hành tốt hơn chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai thì cơ quan quản lý cũng cần lưu tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người dân khi họ mua đất đai, nhà cửa từ doanh nghiệp”.

“Mặc nhiên tài sản đất đai và giao dịch theo người dân là hợp pháp, nhưng nếu không hợp pháp thì trách nhiệm đó là của cơ quan quản lý, không phải trách nhiệm của nhân dân. Chủ đầu tư đã mua đứt phân đoạn với nhân dân, đã thu đủ lợi nhuận nhưng khi thanh tra phát hiện ra những sai phạm, lại cấm xây dựng, cấm chuyển nhượng, chuyển dịch… Như vậy, những sai phạm của chủ đầu tư hoặc những sai phạm của các cấp chính quyền lại đổ hết lên đầu người dân là không công bằng, không hợp lý”, luật sư Trương Anh Tú bày tỏ quan điểm.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Trương Anh Tú cho rằng: “Cần tìm giải pháp truy thu và yêu cầu chủ đầu tư phải thực hiện và chấp hành pháp luật. Ai sai tới đâu người đó phải chịu trách nhiệm, còn người dân trong tình huống này không sai nên đừng bắt họ phải chịu trách nhiệm và hậu quả sai phạm của các bên liên quan”.

KĐT Đại Thanh (xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội) do Doanh nghiệp Xây dựng tư nhân số 1 tỉnh Điện Biên thuộc Tập đoàn Mường Thanh làm chủ đầu tư. Dự án có quy mô 17ha, gồm các khu nhà liền kề, biệt thự và 6 khối nhà cao tầng, còn lại là các khuôn viên vườn hoa, cây xanh, nhà trẻ và khu công cộng khác. Hiện tại, các khối nhà cao tầng tại dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Năm 2015, sau khi thanh tra việc thực hiện xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt, công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng của các dự án chung cư, nhà ở của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên (thuộc Tập đoàn Mường Thanh) trên địa bàn TP. Hà Nội, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành kết luận, chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong xây dựng nhà ở cao tầng CT8 lô HH2 và CT10 lô HH1 (KĐT Đại Thanh).

Đến đầu năm 2017, Thanh tra Chính phủ kết luận dự án “có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng” của chủ đầu tư; các bên tham gia dự án cũng đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của Nhà nước về xây dựng, đầu tư, đất đai, kinh doanh bất động sản… Hàng nghìn chủ các lô biệt thự, liền kề, chung cư tại dự án Đại Thanh không được cấp sổ đỏ, không được phép xây dựng nhà ở.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top