Thi công không phép
Dự án Tecco Đầm Sen Complex có địa chỉ tại số 04 Bùi Cẩm Hổ, phường Tân Thới Hòa, quậnTân Phú, TP.HCM. Theo thiết kế, đây là khu cao ốc thương mại với 2 block 22 tầng được quy hoạch trên khu đất có diện tích 9.200m2. Dự án Tecco Đầm Sen Complex gồm 600 căn hộ có diện tích từ 65,14m2 tới 98,4m2, từ 2 - 3 phòng ngủ. Mật độ xây dựng của dự án là 38,7%, Diện tích cây xanh, mặt nước là 1.875m2, chiếm 20,4%, diện tích giao thông và sân bãi là 3.767,5m2 chiếm 40,89%.
Theo Quyết định số 109/QĐ – UBND ngày 09/01/2012 UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty cổ phần địa ốc Phú Tân chuyển mục đích sử dụng 9.191,1m2 tại số 04 Bùi Cẩm Hồ để đầu tư xây dựng khu nhà ở cao tầng kết hợp thương mại, dịch vụ. Dự án khởi công xây dựng vào tháng 3/2017, dự kiến bàn giao nhà vào quý 1/2019. Dự án khai trương nhà mẫu vào ngày 27/5.
Phóng viên Reatimes đã liên hệ với nhân viên môi giới dự án và được mời chào với những lời "có cánh". Theo môi giới này, dự án Tecco Đầm Sen Complex đã khởi công phần móng và trong tuần này sẽ có giấy phép xây dựng, mở bán tới đợt thứ 5 giá giao động từ 25 triệu đến 26,850 triệu đồng/m2, dự kiến tháng 1/2020. Để trấn an khách hàng trước nguồn thông tin bất lợi, môi giới này cho biết: "Dự án có đầy đủ giấy tờ thủ tục, chỉ có chút trục trặc về giấy phép xây dựng, trong tuần tới sẽ có". Nhưng kể từ khi liên hệ để đặt chỗ đến nay đã gần 2 tháng, phóng viên liên hệ lại, nhân viên này vẫn bài cũ: “trong tuần này” sẽ có.
Đáng nói, dù dự án chưa có giấy phép xây dựng, lại nằm sát UBND phường Tân Thới Hòa mà chủ đầu tư lại ngang nhiên qua mặt cơ quan chức năng, công khai mở bán đợt 5, đồng thời, nhận giữ chỗ, đặt cọc của khách hàng với số tiền không hề nhỏ. Ghi nhận thực tế cho thấy, dự án đang ráo riết triển khai xây dựng phần móng công trình.
Để tìm hiểu thông tin khách quan, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với tới chủ đầu tư nhưng không được đơn vị này phản hồi. Liên hệ với chính quyền phường Tân Thới Hòa, lãnh đạo phường này cũng thẳng thắn cho biết, hiện tại, dự án Tecco Đầm Sen Complex chưa có giấy phép và đang chờ cấp phép từ thành phố.
Tuy nhiên, thời gian qua, chủ đầu tư dự án Tecco Đầm Sen Complex vẫn rầm rộ thi công, rao bán dự án. Có chăng đây là hành động cố ý "vượt rào" của chủ đầu tư. Đáng nói, Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Tân vẫn chưa bị các cơ quan chức năng "sờ gáy" trong sự việc này.
Có một Sabeco Hai Bà Trưng ở Tân Phú?
Được biết, Tổng công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam, (mã chứng khoán: CTX) công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất năm 2016, được lập ngày 28/4/2017, Tổng Công ty này đã thoái vốn toàn bộ số cổ phần đang nắm giữ tại Tân Phú (28% vốn điều lệ) cho các cổ đông sáng lập khác. Cụ thể là chuyển nhượng toàn bộ 3.670.600 cổ phần tại Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Tân do ông Lý Quốc Hùng làm giám đốc cho các đối tác với tổng giá trị chuyển nhượng là 63,4 tỷ đồng.
Câu hỏi đặt ra là, liệu có chuyện doanh nghiệp lập công ty con kinh doanh địa ốc để đăng ký dự án, sau khi dự án “ngon lành” thì thoái vốn như kiểu vụ Sabeco 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng, nhưng ở đây là công ty đã cổ phần hóa nên chỉ có cổ đông là chịu thiệt? Điều đáng chú ý, vào năm 2015 trong danh sách nợ thuế của Bộ Tài chính thì Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Tân địa chỉ số 04 Bùi Cẩm Hổ, P.Tân Thới Hoà, Q.Tân Phú, TP.HCM với mã số thuế 0305470112 do ông Lý Quốc Hùng đại diện pháp lý nợ nhà nước số tiền “khủng” trên 100 tỷ đồng. Hiện nay công ty này không có trang website chính thức.
Công ty Phú Tân đang huy động vốn trái phép?
Trả lời phóng viên Reatimes xung quanh sự việc trên, Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, chủ đầu tư dự án Tecco Đầm Sen Complex là Công ty Phú Tân đang vi phạm nghiêm trọng Luật kinh doanh Bất động sản.
"Theo quy định tại Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản 2014, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh là phải có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án, thiết kế bản vẽ thi công đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải có Giấy phép xây dựng, giấy tờ về nghiệm thu việc hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật tương ứng theo tiến độ dự án, trường hợp là nhà chung cư, tòa nhà hỗn hợp thì phải có biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng của tòa nhà đó.
Mặt khác, theo Điều 19 Nghị định 99/2015/NĐ-CP, chủ đầu tư phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo giấy tờ chứng minh nhà ở có đủ điều kiện được bán, trường hợp có thế chấp dự án đầu tư xây dựng hoặc thế chấp nhà ở sẽ bán thì chủ đầu tư phải gửi kèm theo giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán, thuê mua nhà ở đó. Nếu hồ sơ có đủ giấy tờ theo quy định thì Sở Xây dựng phải có văn bản thông báo nhà ở đủ điều kiện được bán gửi chủ đầu tư", Luật sư Phượng chia sẻ.
Luật sư Phượng cũng cho biết thêm, nếu phát hiện chủ đầu tư có dấu hiệu huy động vốn trái phép tại dự án, cơ quan chức năng có thể ra quyết định xử phạt nặng đối với hành vi này.
“Ở những trường hợp ký kết các văn bản giữ chỗ, đặt chỗ hay đặt cọc nhưng thực chất là huy động vốn của khách hàng nhằm sử dụng khoản tiền đó là trái với quy định Luật Nhà ở về huy động vốn cho dự án nhà ở thương mại và quy định Bộ Luật Dân sự về tiền đặt cọc không có sự chuyển giao quyền sở hữu nhưng bên nhận cọc lại định đoạt sử dụng tiền đặt cọc.
Theo Điểm đ Khoản 4 Điều 57 Nghị định 139/2017/NĐ-CP, chủ đầu tư dự án huy động vốn trái phép sẽ bị xử phạt từ 270 triệu đồng đến 300 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện đúng quy định.
Một điểm chung ở rất nhiều dự án nhà ở là các công ty Nhà nước, công ty niêm yết thường lập công ty con kinh doanh bất động sản mà công ty mẹ phải bỏ công bỏ vốn ra để lo quyền sử dụng đất, pháp lý dự án,… đến khi dự án thành “cơm” thì bỗng nhiên thoái vốn không qua đấu giá cổ phần, chuyển phần vốn góp cho người khác là hình thức “truyền thống” không bình thường", luật sư Phượng cho biết thêm.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.