Chủ đầu tư huy động vốn, ngâm tiền của khách hàng nhiều năm trời
Sở hữu vị trí "vàng" trên đường Lê Văn Lương, dự án Thành An Tower có diện tích đất 4.182m2 gồm 30 tầng với diện tích 2.104m2. Tổ hợp này do Tổng Công ty Thành An và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình làm chủ đầu tư. Dự án này được đầu tư theo mô hình khu nhà ở, dịch vụ thương mại, văn phòng cao cấp.
Theo thông tin phóng viên điều tra có được, dự án Thành An Tower được chính thức khởi công vào quý IV/2014 và được dự kiến hoàn thành vào quý I/2017. Vào thời điểm bắt đầu tiến hành dự án, chủ đầu tư đã vô cùng ráo riết trong “cuộc chạy đua” huy động vốn, gom hàng chục tỷ đồng từ nhiều nhà đầu tư và khách hàng. Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ đắp chiếu, cho đến thời điểm hiện tại, Thành An Tower với cái tên mới là Manhattan Tower vẫn chưa thể hoàn thành khiến khách hàng lo lắng, mệt mỏi.
Theo tìm hiểu của PV, dự án được giao đất từ năm 2009 và đã tổ chức lễ khoan nhồi cọc. Nhưng đến tận tháng 3/2017, dự án mới được Sở Xây dựng Hà Nội cấp giấy phép xây dựng. Đồng nghĩa với việc, chủ đầu tư là Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình đã ký hợp đồng huy động vốn của các nhà đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng khi dự án chưa có giấy phép xây dựng.
Theo phản ánh của chị N.T, khách hàng đã đặt cọc căn hộ tại dự án cho biết: “Đến nay, công trình vẫn chưa hoàn thành khiến chúng tôi vô cùng băn khoăn và lo lắng. Chủ đầu tư có đang làm đúng nghĩa vụ của mình không? Còn khách hàng thì rất tuân thủ nghĩa vụ. Khi ký hợp đồng đặt mua căn hộ tại đây, tôi đã phải đóng 10% tổng giá trị căn hộ, sau đó nộp thêm 30%, nếu không sẽ bị hủy bỏ quyền mua”.
Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao chủ đầu tư ồ ạt huy động vốn của khách hàng một thời gian dài như vậy nhưng sau nhiều năm trôi qua, khách hàng vẫn chưa thể nhận nhà. Đáng nói hơn, chủ đầu tư vẫn đang thu tiền lãi của khách hàng qua các đợt đóng tiền chậm. Vậy chủ đầu tư đang dùng vốn của khách hàng vào việc gì?
Anh P.C.M, một khách hàng cho biết: “Quá sốt ruột vì dự án mãi không được triển khai, chúng tôi đã có cuộc gặp với chủ đầu tư để làm việc. Tuy nhiên, khi chúng tôi đến thì thành phần dự họp của phía chủ đầu tư không hề có người trong ban lãnh đạo nên mọi thứ không thể thẳng thắn để giải quyết”.
Khách hàng "tố" không thể vay ngân hàng mua căn hộ vì dự án đang bị thế chấp?
Gần đây, tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam đã nhận được phản ánh của nhiều khách hàng về việc họ không thể mua nhà bằng hình thức vay ngân hàng tại dự án này. Chính vì thế, khách hàng đang hoài nghi liệu có phải chủ đầu tư đã mang dự án Thành An Tower ra thế chấp, giống như một số trường hợp khác mà báo chí phản ánh thời gian qua?
Trong vai là người mua nhà, PV đã liên hệ tới một nhân viên giao dịch của dự án tên là L để tìm hiểu thông tin. Khi chúng tôi thắc mắc về việc hiện tại có mua nhà bằng hình thức vay qua ngân hàng được không, nhân viên này cam kết là sẽ vay được bởi nếu không vay bằng ngân hàng thì “chủ đầu tư mới là người thiệt và bất lợi nhất”.
Nhưng lúc tiếp tục được hỏi hiện tại một số khách hàng khác phản ánh không mua được bằng hình thức này, nhân viên trên giải thích: “Mọi việc sẽ được giải quyết nhanh thôi. Do trước đây, sổ đỏ dự án đứng tên giữa Tổng Công ty Thành An và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình, mới đây, ngân hàng Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) thông báo là bây giờ sổ đỏ phải mang tên Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình, tức đơn vị kí hợp đồng. Hiện tại, sổ đỏ chưa chuyển tên được nên chưa thể mua nhà bằng hình thức vay ngân hàng.
Tuy nhiên, chắc chắn chủ đầu tư cũng phải chuyển đổi tên. Tôi nghĩ rằng khoảng 1, 2 ngày hoặc 1, 2 tuần là sẽ xong hết thủ tục. Tôi cũng đã làm việc với chủ đầu tư rồi, chủ đầu tư cam kết sẽ giải quyết trong vòng tuần tới. Còn giờ do sổ đỏ chưa sang tên được nên bị cầm cố, dẫn đến việc không vay được”.
Để làm rõ về vấn đề trên, PV cũng đã liên hệ tới Phó Tổng Giám đốc của Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình đề nghị cung cấp thông tin, tuy nhiên, vị lãnh đạo này từ chối trả lời do "quá bận vì đang đi công tác".
Vậy việc hàng trăm khách hàng phản ánh chủ đầu tư đem dự án đi thế chấp ngân hàng hay không và đơn vị sẽ giải quyết tranh chấp với các khách hàng như thế nào sẽ cần câu trả lời chính thức từ phía Tổng Công ty Thành An và Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Ba Đình.
Reatimes sẽ tiếp tục thông tin./.