Aa

Dự án Thành Công Tower Thái Bình: Sở Xây dựng khẳng định chưa đủ điều kiện huy động vốn

Thứ Tư, 08/07/2020 - 10:45

Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình khẳng định, dự án Khu dân cư Thành Công (Thành Công Tower) chưa có giấy phép xây dựng, chưa đủ điều kiện để huy động vốn và bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Liên quan đến thông tin, Công ty Cổ phần tư vấn xây dựng Thành Công, chủ đầu tư dự án Thành Công Tower (phường Quang Trung, TP. Thái Bình, tỉnh Thái Bình) ồ ạt huy động vốn của khách hàng trong suốt nhiều năm qua, phóng viên Reatimes đã có buổi làm việc với đại diện Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình. 

Dự án Thành Công Tower nằm bất động nhiều năm qua khiến khách hàng lo lắng.

Trả lời phóng viên, đại diện Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cho biết:

Đối chiếu theo khoản 2, Điều 69 của Luật Nhà ở. Đối với dự án của Công ty Thành Công, chủ đầu tư đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng, đã giải phóng xong mặt bằng và biên bản bàn giao mốc giới của dự án. Tuy nhiên, chủ đầu tư chưa có bất kỳ văn bản nào gửi Sở Xây dựng để thông báo đủ điều kiện được huy động vốn.

Còn đối chiếu theo khoản 3, Điều 69 của Luật Nhà ở, dù dự án đã có giấy tờ về quyền sử dụng đất, hồ sơ dự án đã được thẩm định thiết kế cơ sở. Thế nhưng, dự án này chưa được Sở Xây dựng thẩm định về bản vẽ thi công cả nhà chung cư lẫn nhà ở chia lô.

Đại diện Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình cũng cho biết thêm, tính đến thời điểm này, dự án này cũng chưa được cấp giấy phép xây dựng, chưa làm móng. Chủ đầu tư cũng chưa có văn bản gửi Sở Xây dựng để thông báo đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.

Liên hệ với Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình để tìm hiểu thông tin liên quan đến dự án trên, đại diện đơn vị này cho biết, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh chủ yếu quản lý vấn đề xây dựng trái phép. Còn đối với trường hợp Công ty Thành Công có dấu hiệu huy động vốn trái phép thì không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở. Đồng thời, hướng dẫn PV liên hệ với Công an Thành phố hoặc Phòng An ninh Kinh tế - Công an tỉnh Thái Bình để cung cấp thông tin xử lý.

Trước đó, như Reatimes đã thông tin, thời gian qua, đường dây nóng của chúng tôi liên tục nhận được phản ánh của khách hàng tại dự án Thành Công Tower (nằm trong dự án KDC Thành Công, phường Quang Trung, TP. Thái Bình).

Theo phản ánh của bạn đọc, dự án trên hiện vẫn là bãi đất trống, tuy nhiên, nhiều năm qua chủ đầu tư đã tiến hành huy động vốn với số tiền hàng trăm triệu đồng với mỗi khách hàng. Số tiền trên được đại diện Công ty Thành Công cho là thoả thuận đặt cọc giữ chỗ.

Chủ đầu tư đã thu từ 50 - 300 triệu đồng/căn của dự án Thành Công Tower.

Theo tìm hiểu, dự án chung cư Thành Công Tower do Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Thành Công làm chủ đầu tư. Dự án trên được quy hoạch 18 tầng, bao gồm 253 căn hộ các loại, với diện tích khoảng từ 54 - 86m2/căn. Tại dự án trên, các môi giới đang chào bán với giá từ 13 - 14 triệu đồng/m2, tức là khoảng 700 - 1,4 tỷ đồng cho mỗi căn hộ.

Cũng theo tìm hiểu của PV, dự án mặc dù đã chính thức được giới thiệu đến khách hàng từ tháng 10/2017, nhưng đến nay, sau gần 3 năm, dự án vẫn nằm im, chủ đầu tư chưa có dấu hiệu xây dựng.

Phân tích về việc chủ đầu tư huy động vốn trái phép dựa trên danh nghĩa là "góp vốn", luật sư Lê Đức Thắng, Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, việc huy động vốn kiểu “mỡ nó rán nó” của các chủ đầu tư mang lại quá nhiều rủi ro cho khách hàng. 

Đặc biệt, trong các trường hợp chủ đầu tư khéo léo "gài" câu chữ vào trong hợp đồng, khiến nhiều khách hàng đang lâm vào cảnh "cầm dao đằng lưỡi".

Luật sư cũng cho rằng, thị trường bất động sản nhiều năm qua ghi nhận khá nhiều trường hợp chủ đầu tư huy động vốn của khách hàng nói rằng để xây dự án nhưng lại sử dụng vào mục đích khác, khiến dự án nằm "đắp chiếu" nhiều năm. 

Thậm chí, không ít những chủ đầu tư ôm số tiền đó "bỏ chạy". Vì thế, trước khi thực hiện giao dịch, khách hàng cần phải biết rõ năng lực tài chính, uy tín của chủ đầu tư đến đâu? Có khả năng làm được dự án này hay không hay lại "đem con bỏ chợ"?

Luật sư Thắng cũng khẳng định, nếu là một chủ đầu tư uy tín và có tiềm lực tài chính mạnh thì họ sẽ không bao giờ huy động vốn tới 20 - 30% của khách hàng khi dự án chưa xây dựng. Chỉ có những doanh nghiệp tài chính yếu kém, thậm chí có dấu hiệu bất minh mới làm những điều đó. Trong trường hợp này, khách hàng nên hết sức thận trọng trước khi giao dịch, tránh rơi vào cảnh... tiền mất tật mang.

Reatimes sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top