Lời tòa soạn:
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 nhiều ngành kinh tế như “ngồi trên đống lửa”. Trong bối cảnh đó, lĩnh vực bất động sản lại ghi nhận nhiều tín hiệu lạc quan, vì vậy kênh đầu tư này vẫn có sức hút đặc biệt. Một số khu vực vẫn ghi nhận lượng giao dịch và mức độ quan tâm của nhà đầu tư gia tăng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khuyến cáo, khách hàng cần thận trọng! Đặc biệt, thời gian qua thị trường chứng kiến nhiều dự án của những chủ đầu tư tầm cỡ như Nam Cường, Bitexco, Sông Đà 1.01… vướng nhiều “lùm xùm” liên quan đến sai quy hoạch, hạ tầng không đồng bộ, chậm tiến độ hay thế chấp ngân hàng… đang tạo thành những “cục máu đông” gây tắc nghẽn trên thị trường.
Trên tinh thần nghiên cứu, thu thập tài liệu, thông qua khảo sát thực tế, Reatimes gửi tới độc giả bài viết “Dự án Tokyo Tower Hà Đông đang thi gan cùng tuế nguyệt!” với mong muốn đưa đến những góc nhìn khách quan về thực trạng làm ăn bát nháo của một số chủ đầu tư khiến khách hàng khốn khổ tại những dự án “chết yểu”.
Trân trọng gửi tới độc giả!
Theo báo cáo của HĐND TP. Hà Nội, đến tháng 5/2021, trên địa bàn thành phố có 287 dự án đã được giao đất nhưng chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai.
Cụ thể, 60 dự án chậm đưa đất vào sử dụng đề nghị gia hạn 24 tháng; 59 dự án chậm giải phóng mặt bằng; 20 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính; 76 dự án có các vi phạm khác; 39 dự án dừng thanh tra (do các cơ quan khác thanh tra hoặc dự án chưa được phê duyệt, chưa được giao đất...); 17 dự án kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật; 16 dự án phát sinh sau thời điểm giám sát của HĐND thành phố năm 2018 đến tháng 3/2021, hiện đang triển khai nhưng chậm tiến độ so với tiến độ được duyệt.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên & Môi trường và UBND TP. Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.
Có thể kể đến như Dự án Tổ hợp chung cư và văn phòng kết hợp căn hộ cho thuê Viwaseen – Hạ Đình, tại 56 – 58 ngõ 1 phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) của Tổng Công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam.
Hay Dự án khu dịch vụ thương mại và nhà ở tại thôn Đào Nguyên, xã An Thượng (huyện Hoài Đức) của Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và các khu công nghiệp Hoài Đức; Dự án khu nhà ở Green House tại xã Song Phương của Công ty Cổ phần HASKY; Dự án nhà ở cán bộ chiến sỹ Interpol của Công ty Cổ phần Xây dựng và thương mại Bắc Hà; Dự án Văn phòng giao dịch và giới thiệu sản phẩm Hà Sơn của Công ty Cổ phần Hà Sơn...
Gần đây nhất là dự án Tokyo Tower với hàng loạt “lùm xùm” xung quanh việc chủ đầu tư “đem con bỏ chợ” vì không đủ năng lực tài chính khiến ngân hàng siết nợ, chậm tiến độ dự án nên không thể bàn giao nhà cho khách hàng.
Dự án Tokyo Tower có địa chỉ tại số 55 đường 430, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông được khởi công từ tháng 4/2015 với 51 tầng, 688 căn hộ, diện tích khu đất là 4.557,3m2, do Công ty Cổ phần Xây dựng Sông Đà 1.01 làm chủ đầu tư, Công ty Cổ phần Thương mại Hoàng Vương là đơn vị phân phối dự án, ngân hàng PVcomBank là đơn vị bảo lãnh.
Thời điểm 2015, Dự án từng được kỳ vọng sẽ trở thành "trái tim của quận Hà Đông", hứa hẹn sẽ là toà nhà cao thứ 3 trên địa bàn Hà Nội khi hoàn thành, chỉ sau toàn nhà Keangnam Hà Nội Landmark Tower và tòa nhà Lotte Center Hà Nội.
Khảo sát thực tế vào cuối tháng 9/2021, hiện nay dự án mới chỉ xây xong phần thô, không thấy có hoạt động xây dựng để hoàn thiện. Phía bên trong, nhiều máy móc, giàn giáo xây dựng nằm bất động, vật liệu xây dựng hoen gỉ theo thời gian. Dự án Tokyo Tower chưa đủ điều kiện hoạt động kinh doanh nhưng bên trong hàng rào tôn đã xuất hiện bãi gửi xe với quy mô lớn.
Để tìm hiểu thông tin khách quan, phóng viên đã nhiều lần liên lạc qua số điện thoại tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của chủ đầu tư nhưng không thể kết nối. Vì vậy, phóng viên đã trực tiếp đến trụ sở công ty tại tầng 4, Tòa CT1, Khu đô thị Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội để đặt lịch làm việc nhưng bảo vệ tòa nhà lại ngăn cản vì lý do không có người bảo lãnh.
Theo tìm hiểu, dự kiến ban đầu, toà nhà được bàn giao vào quý IV/2017, song tính đến thời điểm hẹn bàn giao, dự án mới chỉ đạt khoảng 60% tiến độ. Thời điểm bấy giờ, trả lời cư dân về lý do dự án chậm tiến độ bàn giao, đại diện chủ đầu tư cho biết do khó khăn tài chính tạm thời, ngân hàng chậm giải ngân cũng như khách hàng đóng tiền chưa đúng tiến độ đã ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Sau đó, lịch bàn giao được hoãn đến tháng 3/2018 với gói thô và tháng 5/2018 với gói hoàn thiện. Thi công đã được 4 năm nhưng vẫn chưa thể hoàn thiện và bàn giao nhà theo đúng cam kết với khách hàng đã trót đầu tư vào dự án này.
Từng trả lời với báo chí, ông Trần Thọ Phong, Phó Giám đốc Sông Đà 1.01 thừa nhận dự án bị chậm tiến độ do hết kinh phí triển khai. Từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2018, dự án mới bán được 51% số căn hộ. Vì vậy phía công ty không có nguồn vốn đối ứng để tiếp tục vay từ PVComBank.
Liên quan đến tiến độ bàn giao nhà, ông Phong cũng cho biết, phía công ty đang đẩy mạnh công tác bán hàng và xây dựng phương án huy động vốn khác. Ông Phong cho rằng, nếu những phương án này thành công, đến quý IV/2018, chủ đầu tư có thể bàn giao nhà cho khách hàng.
Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là nếu! Trong trường hợp việc rao bán căn hộ còn khó khăn thì khả năng khách đã ký hợp đồng mua nhà trước đó sẽ còn tiếp tục phải chờ đợi và bức xúc.
Ngoài ra, trong quá trình xây dựng, dự án cũng vướng phải những “lùm xùm” liên quan đến việc tự ý thay đổi thiết kế toà nhà, phá vỡ cam kết với khách hàng.
Rắc rối hơn khi hiện tại, dự án đã bị ngân hàng PVcombank thu giữ tài sản để xử lý nghĩa vụ tài chính theo quy định. Một lần nữa, chủ đầu tư lại “lỡ hẹn” với khách hàng.
Liên quan đến quyền lợi của khách hàng và các nhà đầu tư thứ cấp khi dự án Tokyo Tower đang bị ngân hàng siết nợ, Luật sư Nguyễn Minh Long, Giám đốc Công ty Luật Dragon cảnh báo người mua sẽ chịu rủi ro cao.
"Trong trường hợp này, Công ty CP Thương mại Hoàng Vương và một số khách hàng khác thế chấp tài sản và quyền tài sản nhà ở hình thành trong tương lai cho ngân hàng, căn cứ theo các quy định thì những hợp đồng này đang có dấu hiệu vi phạm và khả năng vô hiệu. Khoản 2, Điều 147 của Luật Nhà ở năm 2014 không có quy định về thế chấp quyền tài sản nhà ở hình thành trong tương lai. Trong đó, Luật Nhà ở cũng quy định chỉ phục vụ cho việc xây dựng và hoặc mua chính căn nhà đó thì mới được thế chấp vì vậy cần xem rõ tính pháp lý của vấn đề này", Luật sư Long nói.
Còn Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch TAT Law firm lại cho rằng, việc chủ đầu tư chậm bàn giao nhà cho khách hàng là sai với quy định trong hợp đồng, vì vậy các bên cần thống nhất cách giải quyết. Nếu không tìm được tiếng nói chung, về nguyên tắc khách hàng có quyền kiện ra tòa.
Liên quan đến tình trạng làm ăn “bát nháo” của một số chủ đầu tư, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thực trạng hàng loạt dự án chậm tiến độ trên địa bàn Hà Nội đang “chôn” số vốn khổng lồ, rất lãng phí.
"Hiện nay, theo Luật kinh doanh Bất động sản, đối với các hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai ký từ ngày 1/7/2015, chủ đầu tư dự án phải đáp ứng đủ điều kiện nhất định, trong đó bao gồm việc phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư. Người mua cần căn cứ thêm vào các tài liệu của bộ hợp đồng bảo lãnh này để làm việc với chủ đầu tư và ngân hàng bảo lãnh của dự án để thu hồi lại khoản tiền", ông Đính phân tích.