Aa

Dự báo bức tranh kinh tế vĩ mô Việt Nam những tháng cuối năm 2022

Thứ Bảy, 06/08/2022 - 06:15

Mặc dù nền kinh tế đã khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, song lạm phát và diễn biến thế giới còn phức tạp có thể ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế.

Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2022 của Việt Nam và thế giới xen lẫn nhiều mảng màu sáng tối. Muốn bứt phá mạnh mẽ trong nửa cuối năm, Việt Nam nên nhất quán mục tiêu “Sống chung an toàn với Covid”, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, huy động và phân bổ nguồn lực kinh tế một cách hiệu quả, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công và đảm bảo an ninh lương thực.

NHỮNG RỦI RO VÀ THÁCH THỨC

Kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với 5 thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm hơn nữa để giải quyết, khắc phục; cũng như duy trì và đẩy mạnh được đà khôi phục kinh tế.

Một là, rủi ro, thách thức từ bên ngoài tăng lên; gồm: dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh các biến chủng mới, diễn biến còn phức tạp; quá trình toàn cầu hoá bị đe doạ nghiêm trọng, sự chia rẽ giữa các nước ngày càng lớn sau khủng hoảng tại Ukraina,...; Ngân hàng trung ương các nước thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, tăng mạnh lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát, khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào tình trạng đình lạm ở một số quốc gia; Trung Quốc tăng trưởng chậm lại do tập trung vào cơ cấu lại, chất lượng và kiểm soát rủi ro (bao gồm cả chiến lược Zero-Covid), sẽ giảm sức cầu thương mại, đầu tư, du lịch, chuỗi cung ứng toàn cầu còn gián đoạn; rủi ro tài khóa (nợ công, thâm hụt ngân sách, nghĩa vụ trả nợ...) tăng lên khi đồng USD tăng giá; và nguy cơ khủng hoảng năng lượng, lương thực gia tăng.

Hai là, một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 triển khai còn chậm. Mặc dù Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã được Quốc hội ban hành từ ngày 11/1/2022, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 nhằm triển khai Chương trình phục hồi, nhưng cấu phần đầu tư cơ sở hạ tầng (quy mô 113 nghìn tỷ đồng) vốn được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho phục hồi kinh tế, song đến nay vẫn chưa thể triển khai; từ đó có thể sẽ làm giảm hiệu quả của chính sách trong việc hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như làm gia tăng rủi ro “lệch pha” chính sách, lạm phát của Việt Nam với các nước trên thế giới (các nước hiện đang bước vào giai đoạn thu hồi các chính sách hỗ trợ, thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ) trong bối cảnh kinh tế đã phục hồi và lạm phát toàn cầu gia tăng.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá nguyên vật liệu (sắt, thép, xi măng...) tăng cao ảnh hưởng tới khâu dự toán đầu tư; công tác chuẩn bị đầu tư của bộ, ngành, địa phương còn chậm; việc triển khai một số chính sách (giảm thuế GTGT, hỗ trợ tiền thuê nhà...) còn vướng mắc do hướng dẫn thực hiện chưa chi tiết hoặc sự chẫm trễ trong triển khai tại địa phương...

Lạm phát tại Việt Nam gia tăng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Ba là, lạm phát gia tăng trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng cao. CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 2,44% chủ yếu là do giá cả (xăng dầu, khí đốt, nguyên vật liệu, logistics và nhu cầu du lịch, ăn uống, đi lại...) đều tăng. Lạm phát cơ bản tăng 1,25% do yếu tố giá cả trong điều kiện vòng quay tiền vẫn ở mức thấp. Đáng chú ý là, chỉ số CPI tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước (với 9/11 nhóm hàng hóa tăng giá). Trong đó, nhóm giao thông tăng mạnh nhất (tăng 3,62%) do giá xăng trong nước tăng 37,4% so với đầu năm (trong khi giá dầu thế giới tăng 45,4%); tiếp theo là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 0,8%) do giá lương thực thực phẩm tăng cộng hưởng bởi giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận tải tăng; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch (tăng 0,52%) do nhu cầu du lịch, lưu trú, giải trí tăng cao vào dịp hè; nhóm đồ uống và thuốc lá (tăng 0,35%); nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình (tăng 0,31%) do nhu cầu tăng mạnh vào đợt cao điểm nắng nóng.

Bốn là, giải ngân đầu tư công có cải thiện song vẫn còn chậm, chưa đạt kỳ vọng. Tổng mức giải ngân 6 tháng đầu năm 2022 đạt 192,2 nghìn tỷ đồng, bằng 35,3% kế hoạch năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, vốn trung ương đạt 33,4 nghìn tỷ đồng, bằng 32,2% kế hoạch năm và tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước; vốn địa phương đạt 158,8 nghìn tỷ đồng, bằng 36,1% và tăng 9,2%). Mặc dù ngay từ đầu năm, Chính phủ đã có chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và đẩy mạnh đầu tư công, hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng qua nửa đầu năm nay, hoạt động đầu tư công tại nhiều bộ, ngành và địa phương vẫn còn nhiều hạn chế; dẫn đến kết quả thực hiện vốn đầu tư công nhìn chung vẫn chưa thực sự khởi sắc - dù vẫn tăng trưởng nhưng với tốc độ thấp hơn so với cùng kỳ 2 năm trước (cùng kỳ 2 năm trước lần lượt tăng 11,9% và 20,5%).

Nguyên nhân chủ yếu do tồn tại nhiều điểm nghẽn trong quá trình triển khai dự án (trình tự, thủ tục phê duyệt đầu tư kéo dài, vướng mắc về khâu chuẩn bị hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, giá cả nguyên vật liệu vẫn ở mức cao khiến các chủ đầu tư chần chừ hoặc phải chờ đợi phê duyệt thay đổi dự toán...). Với kết quả 6 tháng đầu năm, việc hoàn thành kế hoạch cả năm đang là thách thức lớn, đòi hỏi Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải nỗ lực hơn nữa trong nửa cuối năm 2022.

Năm là, nợ xấu tiềm ẩn vẫn là thách thức. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trong năm 2022, hoạt động kinh tế - xã hội có thể tiếp tục phục hồi song doanh nghiệp ở một số lĩnh vực vẫn gặp nhiều khó khăn khiến nợ xấu tiềm ẩn có xu hướng gia tăng. Theo Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu nội bảng hiện nay khoảng 1,5%, nợ xấu gộp khoảng 6% (từ mức 5,1% cuối năm 2020). Quốc hội hiện đã thông qua việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42 đến hết năm 2023 (thay vì ngày 15/8/2022 như hiện tại) - đây là quyết sách phù hợp và cần thiết trong bối cảnh nợ xấu tiềm ẩn còn tăng, nhất là khi các chính sách hiện hành (như Thông tư 14 của NHNN về cơ cấu lại nợ) hết hạn vào cuối tháng 6/2022.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV.

TRIỂN VỌNG 6 THÁNG CUỐI NĂM VÀ CẢ NĂM 2022

Về triển vọng 6 tháng cuối năm, dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh và các hoạt động kinh tế - xã hội tiếp tục khởi sắc. Tăng trưởng GDP cả năm 2022 dự kiến sẽ đạt ở mức 6 - 6,5% (kịch bản cơ sở, tăng 0,5 điểm % so với dự báo tháng 4/2022); thậm chí nhiều khả năng có thể đạt 6,5 - 7% (kịch bản tích cực) nếu Chính phủ tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh; thực hiện tốt Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023; giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến sự Nga - Ukraina và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tiến trình cải cách và chuyển đổi số.

Với kịch bản tiêu cực, nếu rủi ro bên ngoài gia tăng và tác động tiêu cực hơn; dịch bệnh bùng phát trở lại; chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 chậm triển khai; các động lực tăng trưởng không được thúc đẩy mạnh mẽ, kinh tế Việt Nam năm 2022 dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 5,5-6%.

Về lạm phát, dự báo 6 tháng cuối năm, giá cả, lạm phát toàn cầu còn ở mức cao cùng với đà phục hồi kinh tế, sức cầu và vòng quay tiền trong nước cải thiện hơn, chỉ số CPI 6 tháng cuối năm dự báo sẽ cao hơn nửa đầu năm. Năm 2022 dự báo lạm phát ở mức 3,8 - 4,2%, có thể sẽ cao hơn mức mục tiêu 4% song đây là mức chấp nhận được trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng mạnh và Việt Nam cần ưu tiên phục hồi kinh tế.

Giải ngân đầu tư công có cải thiện song vẫn còn chậm, chưa đạt kỳ vọng. Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet.

6 KHUYẾN NGHỊ

Mặc dù nền kinh tế đã khởi sắc trong 6 tháng đầu năm, song trong bối cảnh rủi ro bên ngoài còn phức tạp, ngày càng gia tăng, nhất là rủi ro lạm phát, an ninh năng lượng và lương thực, ảnh hưởng tới nhiều hoạt động kinh tế - xã hội của Việt Nam, chúng tôi có 7 kiến nghị nhằm đạt được mục tiêu năm 2022 như sau:

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết 38/NQ-CP (ngày 17/3/2022) về phòng, chống dịch, với phương châm nhất quán là “sống chung an toàn với Covid”; trong đó cần tiếp tục tiêm vaccine cho trẻ em và mũi tăng cường; sớm triển khai Nghị quyết 12/2021/NQ-UBTVQH15 về việc cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình nâng cao năng lực y tế.

Hai là, nhất quán thực hiện các mục tiêu, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Đồng thời, thực thi đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả và nhanh chóng các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết 43/NQ-QH của Quốc hội và Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2023; trong đó các bộ, ngành cần sớm hoàn thành ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện và tháo gỡ vướng mắc khi phát sinh.

Ba là, kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát (đặc biệt là giá xăng, dầu trong nước), tỷ giá và nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (nhất là giữa chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách vĩ mô, bình ổn giá khác) nhằm đảm bảo ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát thành công. Bên cạnh đó, cần tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá (nhất là các giai đoạn cao điểm) nhằm giảm thiểu tâm lý quá lo sợ lạm phát và hiện tượng tăng giá “té nước theo mưa”....

Bốn là, đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế với các cấu phần quan trọng (doanh nghiệp Nhà nước, tổ chức tín dụng, đầu tư công và đơn vị sự nghiệp công...) nhằm huy động và phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn; thực hiện tốt các mục tiêu, giải pháp về cơ cấu lại nền kinh tế đã đề ra.

Năm là, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng; kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai; qua đó, góp phần giảm lãng phí, thất thoát và đà tăng giá nguyên vật liệu.

Sáu là, quyết liệt, đẩy mạnh giải ngân đầu tư, nhất là cơ chế, chính sách phục vụ phục hồi, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn, gắn với chương trình chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết tại COP26 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, hết sức chú trọng tạo điều kiện phục hồi, phát triển doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ các rào cản, xử lý các điểm nghẽn, giải phóng nguồn lực, giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Cuối cùng, đảm bảo an ninh năng lượng và lương thực; theo đó, cần đảm bảo nguồn cung, kiểm soát giá, tránh tình trạng găm hàng, gom hàng, buôn lậu,...gây bất ổn thị trường và đẩy mặt bằng giá lên, vừa tăng khan hiếm, vừa tăng lạm phát.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top