Đó là những quan điểm được Công ty Chứng khoán VNDirect đưa ra tại báo cáo phân tích chiến lược đầu tư năm 2022. Theo đó, các yếu tố nền tảng vĩ mô dự báo sẽ tiếp tục được củng cố với thặng dư thương mại cao hơn, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối. Những yếu tố hỗ trợ này có thể giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong và bên ngoài, bao gồm áp lực lạm phát cao hơn, đồng USD mạnh lên và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn so với năm 2021.
Các bước đi vững chắc hướng tới “bình thường mới”
Tính đến ngày 6/12/2021, Việt Nam đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 56% dân số, trong khi khoảng 19,5% đã được tiêm chủng lần một. Bộ Y tế cho biết, đến đầu tháng 12/2021, Việt Nam đã nhận được khoảng 147,5 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19. Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc-xin Sputnik-V trong nước sau khi nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác Nga. Ngoài ra, vắc-xin sản xuất tại Việt Nam, Nanocovax, đang ở giai đoạn thử nghiệm cuối giai đoạn 3. Covivac đã được thử nghiệm giai đoạn 2 kể từ ngày 18/8/2021.
Nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu và tự sản xuất vắc-xin, Việt Nam có thể tăng cường tự chủ về vắc-xin kể từ quý I/2022. Chính phủ đặt mục tiêu trên 70% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào nửa đầu năm 2022.
"Chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu của Chính phủ và tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào quý I/2022. Với độ phủ rộng rãi của vắc-xin, chúng tôi tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022", báo cáo nêu.
4 động lực chính tăng trưởng kinh tế năm 2022
Song song với những tín hiệu tích cực về việc triển khai tiêm chủng cũng như đợt tiêm chủng mũi 3 đã và đang được triển khai, có 4 động lực chính đối với tăng trưởng kinh tế 2022 đã được VNDirect đưa ra phân tích.
Động lực 1: Cầu nội địa phục hồi là bệ đỡ quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022
Ngành dịch vụ đóng góp tỷ trọng lớn nhất vào GDP của Việt Nam, chiếm 41,6% GDP danh nghĩa vào năm 2019. Tuy nhiên, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã khiến thu nhập và nhu cầu tiêu dùng của người dân sụt giảm trong giai đoạn 2020 - 2021. Cụ thể, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 8,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 từ mức giảm 0,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2020. Điều này dẫn tới ngành dịch vụ cũng ghi nhận mức suy giảm 0,7% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2021 (so với mức tăng 1,4% so với cùng kỳ trong 9 tháng đầu năm 2020 và tăng 6,9% trong 9 tháng đầu năm 2019).
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu VNDirect cho rằng, ngành dịch vụ sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.
Cụ thể, đặt kỳ vọng tất cả các hoạt động dịch vụ, bao gồm du lịch, vận tải và vui chơi giải trí có thể được phép hoạt động hết công suất kể từ quý II/2022 sau khi Việt Nam đạt mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho hơn 70% dân số. Bên cạnh đó, tiêu dùng sẽ tăng trở lại với tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng dự kiến tăng 10 - 12% so với cùng kỳ trong năm 2022 nhờ nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm: Thu nhập của người dân được cải thiện; du lịch hồi sinh sau khi các chuyến bay quốc tế được cấp phép cho mục đích thương mại kể từ quý IV/2021...
VNDirect cho rằng ngành dịch vụ sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022
Ngoài ra, VNDirect bày tỏ niềm tin rằng, Chính phủ có thể tung ra gói kích thích tài khóa lớn hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: Trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, giảm thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp) và gia tăng đầu tư công vào phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và nhà ở xã hội. Các chính sách này nhằm phục hồi cầu tiêu dùng trong nước.
Bên cạnh đó, đô thị hóa gia tăng sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng ở các trung tâm đô thị lớn. Theo Bộ Xây dựng, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đã tăng nhanh chóng từ 30,5% năm 2010 lên 40,4% vào giữa năm 2021. Việt Nam cũng đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 45% vào năm 2025 và khoảng 50% vào năm 2030.
"Rõ ràng, đô thị hóa là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân và là chất xúc tác để chuyển xu hướng tiêu dùng từ kênh truyền thống sang kênh bán lẻ hiện đại", báo cáo nhấn mạnh.
Động lực 2: Xuất khẩu duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi
Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 được duy trì trạng thái lạc quan nhờ một số lý do như sau:
Thứ nhất, thương mại toàn cầu được kỳ vọng sẽ tiếp tục phục hồi trong năm 2022. Dựa trên báo cáo mới nhất của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), khối lượng thương mại toàn cầu dự kiến sẽ tăng trưởng 4,7% vào năm 2022, tăng từ mức dự báo 4,0% trong báo cáo trước đó và có thể quay trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm 2022.
Thứ hai, chi phí vận chuyển dự kiến sẽ dần bình thường hóa từ cuối năm 2021 do các biện pháp phòng chống Covid-19 được giảm thiểu nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao cũng như tình trạng thiếu hụt container được giảm thiểu sau khi đơn đặt hàng sản xuất container tăng mạnh kể từ giữa năm 2021.
Thứ ba, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2022 sẽ thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang các nước đối tác vào năm 2022. Hiệp định bao gồm 10 nước ASEAN và 5 nước đã ký hiệp định FTA với ASEAN bao gồm: Hàn Quốc, Trung Quốc, Úc và New Zealand.
RCEP được coi là một “hiệp định tầm cỡ hàng đầu”, bởi khi được thực hiện, nó sẽ tạo ra một trong những khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và khoảng 30% GDP toàn cầu. Không cần đợi đến khi hiệp định chính thức có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang các nước trong khu vực Đông Nam Á đã tăng mạnh với giá trị xuất khẩu tăng 24% so với cùng kỳ khi tăng lên 24 tỷ USD trong 10 tháng năm 2021.
Bên cạnh đó, Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Kể từ khi hiệp định có hiệu lực, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh châu Âu đã được cải thiện đáng kể. Với việc thuế xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cắt giảm vào năm tới theo lộ trình của hiệp định và triển vọng vững chắc của kinh tế châu Âu, VNDirect cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ vào năm 2022.
Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu kỳ vọng giá trị nhập khẩu của Việt Nam sẽ tăng 10,9% so với cùng kỳ vào năm 2022 và kỳ vọng thặng dư thương mại của Việt Nam sẽ tăng lên 5,6 tỷ USD vào năm 2022 từ mức thặng dư thương mại dự kiến là 0,3 tỷ USD vào năm 2021.
Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 9 - 10% so với cùng kỳ trong năm 2022
Động lực 3: Đầu tư trực tiếp nước ngoài phục hồi vào năm 2022
Động lực thứ ba được đề cập cho thấy điểm sáng tích cực đối với dòng vốn FDI khi VNDirect bày tỏ niềm tin rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022 nhờ 3 yếu tố: Một, Việt Nam có kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu năm 2022, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và chuyên gia quay trở lại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư trong năm tới; Hai, Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài trong chiến lược đa dạng hóa ''Trung Quốc + 1'' do các lợi thế như giá nhân công cạnh tranh và dân số lớn; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất tiến bộ với các đối tác lớn trên thế giới như: CPTPP, EVFTA, RCEP...
Do đó, các nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ được hưởng những ưu đãi lớn về thuế khi xuất khẩu sản phẩm sang các nước đã có FTA với Việt Nam. "Với những lợi thế đó, chúng tôi kỳ vọng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 9 - 10% so với cùng kỳ và vốn FDI giải ngân tăng 8 - 9% so với cùng kỳ vào năm 2022", báo cáo cho hay.
Động lực 4: Các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là yếu tố quan trọng
Chính sách tài khóa của Việt Nam được đánh giá là vẫn còn khá nhiều dư địa. Cụ thể, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô các gói hỗ trợ tài khóa Covid-19 của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chỉ chiếm khoảng 2,85% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế châu Á.
Ngoài ra, ước tính tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 chỉ hiếm khoảng 45% GDP (GDP sau khi tính toán lại), thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP. Do lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp so với lịch sử và lạm phát được kiểm soát tốt, nhóm nghiên cứu cho rằng Chính phủ có thể tung ra nhiều gói hỗ trợ tài khóa hơn để phục hồi kinh tế.
Chính phủ có thể tung ra nhiều gói hỗ trợ tài khóa hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế
Theo đó, quy mô của gói hỗ trợ tài khóa mới bổ sung có thể ở mức 3 - 4% GDP (không bao gồm chi phí y tế bổ sung cho phòng chống dịch Covid-19) và sẽ góp phần thúc đẩy sự phục hồi kinh tế Việt Nam vào năm 2022. Cùng với các gói hỗ trợ tài khóa sắp tới, Chính phủ có kế hoạch tăng cường đầu tư công vào năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác. Cụ thể, Chính phủ dự kiến chi 566 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công vào năm 2022 (+10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021) để hỗ trợ phát triển.
Nhóm nghiên cứu cho rằng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 có thể tăng 15 - 25% so với giải ngân thực tế năm 2021 nhờ: Thứ nhất, điểm nghẽn về thiếu đá xây dựng đã được giải quyết khi Chính phủ cấp phép cho các mỏ mới; Thứ hai, giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng dự kiến sẽ hạ nhiệt trong năm tới; Thứ ba, giải ngân vốn đầu tư công thực tế năm 2021 đạt thấp, chỉ bằng 85 - 95% kế hoạch cả năm.
Ngoài ra, Chính phủ dự kiến sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công lớn trong năm 2022 như: Sân bay quốc tế Long Thành, đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông... qua đó đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Được biết, Chính phủ đã trình Quốc hội chủ trương chuyển toàn bộ 12 tiểu dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông sang hình thức đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ thực hiện./.